Tin Việt Nam sáng thứ Hai 11/5

Giáo sư Việt đầu tiên nhận giải Toán học châu Âu

GS Phan Thành Nam, 35 tuổi, quê Phú Yên, là một trong 10 nhà toán học nhận được giải thưởng EMS từ Hội Toán học châu Âu năm 2020, theo VnExpress.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ trao giải năm nay không diễn ra như thường lệ tại kỳ Đại hội Toán học châu Âu 2020 mà được lùi tới tháng 6/2021.

EMS được coi là danh giá chỉ sau giải thưởng Fields của Hội Toán học thế giới. Giải thưởng do Hội Toán học châu Âu xét và trao tặng từ năm 1992 với định kỳ bốn năm một lần cho các nhà Toán học dưới 35 tuổi, có quốc tịch châu Âu, hoặc đang làm việc tại châu Âu, có đóng góp xuất sắc cho Toán học. 

GS Phan Thành Nam quê Phú Yên, là cựu sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, hiện là giáo sư tại khoa Toán của Ludwig Maximilian University of Munich, Đức. Anh là người Việt đầu tiên được vinh danh sau 8 mùa trao giải thưởng này.

Lĩnh vực nghiên cứu của GS Nam là giải tích vật lý toán học, đặc biệt là cơ học lượng tử nhiều hạt, lý thuyết quang phổ, giải tích số, phép tính biến phân và phương trình đạo hàm riêng.

Apple chuyển 30% sản lượng AirPods sang sản xuất tại Việt Nam

Ngày 8/5, trang tin Nhật báo Đông phương tại Hồng Kông đưa tin, Apple sẽ chuyển 30% sản lượng AirPods ra khỏi Trung Quốc, sản lượng tai nghe không dây của Apple trong quý này sẽ được các nhà máy ở Việt Nam gia công.

Hình ảnh tai nghe không dây AirPods của Apple
Tai nghe không dây AirPods của Apple. (Ảnh: Shutterstock)

Bên cạnh đó, theo thông tin của Nikkei, việc Apple chuyển sản xuất sang Việt Nam chưa bao gồm AirPods Pro – phiên bản cao cấp với các tính năng khử tiếng ồn mà Apple giới thiệu vào tháng 10 năm ngoái. Khoảng 3-4 triệu tai nghe, tức 30% tổng sản lượng AirPods, sẽ được sản xuất tại Việt Nam vào quý này.

Giám đốc điều hành một chuỗi cung ứng tiết lộ rằng, để phân tán năng lực sản xuất ra khỏi Trung Quốc, các hãng công nghệ lớn Mỹ vẫn cần phải tìm các cơ sở sản xuất mới, đây là xu hướng không thể đảo ngược. Một số quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Châu Mỹ và các nước Đông Nam Á khác đều nằm trong danh sách lựa chọn của các công ty Mỹ.

Sau chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ, các sản phẩm điện tử sản xuất ở Trung Quốc bị chính quyền Trump áp thuế nặng, từ đó nhiều công ty quốc tế đã dần dịch chuyển năng lực sản xuất ra khỏi nước này. Đầu năm nay, khi virus viêm phổi Vũ Hán lan rộng ở Trung Quốc, các nhà máy lần lượt đóng cửa, làm phá vỡ chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới, đồng thời cũng thúc đẩy mạnh hơn nữa quá trình các công ty rút vốn  khỏi Trung Quốc.

Ngày 20/4, theo trang công nghệ 9to5Mac đưa tin, tài liệu Chính phủ Brazil cho biết hãng Apple dự tính sẽ để các dòng iPhone SE mới ra đời tại nước này. Nhà máy Foxconn tại Brazil được cân nhắc là một trong những cơ sở để xây dựng dây chuyền sản xuất lắp ráp này.

Apple chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, Foxconn, nhà máy chế tạo linh kiện lớn nhất của Apple tại Trung Quốc là công ty chịu thiệt hại lớn nhất. Ngày 7/5, Yahoo đưa tin cho thấy doanh số iPhone toàn cầu bị giảm mạnh do ảnh hưởng của virus viêm phổi Vũ Hán, kéo theo sụt giảm đơn đặt hàng với Foxconn, buộc một số nhân viên của Foxconn phải đối mặt với việc bị cắt giảm lương và tự nguyện tạm nghỉ.

Ngày 6/5, theo tin tức từ trang Jiemian.com Trung Quốc, hiện Foxconn phải áp dụng ba chính sách đối với nhân viên bao gồm: tự nguyện nghỉ phép dài hạn; được đi làm nhưng giảm lương hoặc nhận lương cơ bản; tự nguyện nghỉ việc.

Giữa tháng 4/2020, một công nhân của Foxconn Trịnh Châu cho biết, do đơn đặt hàng giảm mạnh, nhà máy hiện đã ngưng tuyển dụng và không yêu cầu làm tăng ca. Trước đây, anh có thể kiếm được bốn hoặc năm nghìn tệ một tháng, nhưng hiện giờ không được làm tăng ca khiến thu nhập sụt giảm còn chỉ được hơn một ngàn tệ. Đó là lý do nhiều người đã phải nghỉ việc, hoặc xin chuyển tới các nhà máy khác.

Một nhân viên khác của Foxconn Thâm Quyến còn cho biết, bộ phận của anh chủ yếu chịu trách nhiệm lắp ráp màn hình iPhone đã phải “tự nguyện nghỉ phép” và có thể nhận mức lương cơ bản 690 tệ mỗi tháng trong kỳ nghỉ (tương đương 2 triệu đồng).

Mộc Lan

Mẹ Hồ Duy Hải gửi đơn kêu cứu khẩn cấp

Không đồng tình với kết luận y án đối với tử tù Hồ Duy Hải sau phiên giám đốc thẩm ngày 8/5, bà Nguyễn Thị Loan – mẹ Hồ Duy Hải tiếp tục gửi đơn cầu cứu đến Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện KSND Tối cao, ĐBQH mong làm rõ vụ án.

Hình ảnh bà Nguyễn Thị Loan sau khi có phán quyết bác kháng nghị, y án tử hình đối với Hồ Duy Hải, chiều 8/5. (Ảnh: Lê Hoàng/FB Báo sạch)

Sáng nay (10/5), gia đình bà Nguyễn Thị Loan – mẹ Hồ Duy Hải đã có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Ông Lê Thanh Vân – Đại biểu Quốc Hội.

ĐƠN KÊU CỨU KHẨN CẤP

Kính gửi: Bà LÊ THỊ NGA, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

(Đồng kính gửi: Bà Lê Hiền Đức, Công dân Liêm Chính của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2008)

Tôi tên là NGUYỄN THỊ LOAN, sinh năm 1963, là mẹ của tử tù Hồ Duy Hải – người đã bị kết án tử hình về tội giết người, cướp của đã qua cả ba cấp sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm.

Địa chỉ: ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Thưa bà, trước hết tôi thay mặt gia đình hai bên nội ngoại xin gửi tới bà lời chào kính trọng và lời tri ân sâu sắc về tất cả những gì bà đã làm cho con trai tôi là cháu Hồ Duy Hải mà bà đã gặp ở trại giam cách đây đã 5 năm.

5 năm trước, trong chuyến công tác đặc biệt với tư cách Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về “tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” tôi đã được bà mời gặp mặt để bà tìm hiểu về quá trình trưởng thành của cháu Hồ Duy Hải từ nhỏ đến khi bị bắt tạm giam. Năm năm đã trôi qua, tôi chưa có dịp nào được gặp lại bà, nhưng hình ảnh một người phụ nữ cương nghị và nguyên tắc trong công việc, cùng sự cảm thông chia sẻ từ trái tim người phụ nữ nhân hậu với một người mẹ khổ đau của một tử tù mãi còn ghi khắc trong trái tim tôi.

Thưa bà, Bản Báo cáo Kết quả Nghiên cứu vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội “Giết người” và tội “Cướp tài sản” tại tỉnh Long An, ký ngày 10/2/2015 gửi Quốc hội cho Kết luận: “Việc Tòa án hai cấp kết tội Hồ Duy Hải là chưa đủ cơ sở vững chắc, có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm”.

Ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2020 vừa qua, phiên tòa Giám đốc thẩm diễn ra tại Tòa án Nhân dân Tối cao ở số 48, phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Hội đồng thẩm phán đã bác quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao. Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã công bố quyết định giám đốc thẩm về việc giữ nguyên bản án đối với Hồ Duy Hải, theo đó, bản án sẽ tiếp tục được thi hành và Hồ Duy Hải buộc phải chấp hành hình phạt.

Thưa bà, sau khi nghe được kết quả này, dư luận nhân dân cả nước, đặc biệt là giới luật sư và các nhà bình luận đã phẫn nộ bức xúc; và tôi cùng gia đình thì hoàn toàn suy sụp.

Tôi làm đơn này, một lần nữa khẩn thiết kính đề nghị Bà, với cương vị công tác và quyền hạn của mình có kiến nghị đến các cấp thẩm quyền và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, và đề nghị xem xét các tình tiết quan trọng của vụ án do Luật sư Trần Hồng Phong đưa ra nhưng Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao không xem xét nghiêm túc và khách quan.

Thưa bà, tôi xin gửi tới Bà tình cảm tri ân sâu sắc và bày tỏ niềm hy vọng về những cố gắng tiếp theo của Bà vì sự Thượng tôn Pháp luật và Đức Hiếu sinh của một người phụ nữ!

Xin gửi tới Bà lời kính chào trân trọng!

Người làm đơn

Nguyễn Thị Loan

Trước đó, ngày 8/5, kết thúc phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (chủ tọa) cùng các thành viên trong Hội đồng thẩm phán đã giơ tay biểu quyết, tuyên y án tử tù Hồ Duy Hải.

Nhiều ĐBQH sau đó đã lên tiếng về vấn đề này. Cụ thể:

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng: “Việc thực hiện ngay một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động xét xử trong vụ án này là rất cần thiết. Tôi nguyện sẽ hết sức mình để thúc đẩy công việc ấy!”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng:

  • Khi Chánh án TAND Tối cao từng là Viện trưởng Viện KSND Tối cao, là người trực tiếp không kháng nghị vụ việc, mà bây giờ lại ngồi ghế chủ tọa để xét xử thì đương nhiên xã hội, người dân, cử tri có quyền nghi ngờ tính công minh, thiên vị, vô tư của Chánh án TAND Tối cao; nghi ngờ việc mang tính định kiến tư pháp vào ghế chủ tọa”;
  • Việc kết luận Hồ Duy Hải có tội là một sự khiên cưỡng”;
  • Cần xem lại tính độc lập của nền Tư pháp”.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Vật chứng trong vụ Hồ Duy Hải là cái thớt thì lại được đi mua cái khác giống như vậy. Nếu không đủ chứng cứ thì phải thả ra, tiếp tục theo dõi, thu thập chứng cứ chứ không thể xử ép”.

Hoàng Minh

Bí thư xã bị nghi giết người, tạo hiện trường giả

Theo điều tra ban đầu, cơ quan điều tra nghi Bí thư xã Liên Hà – ông Đỗ Văn Minh đã sát hại cháu vợ, sau đó dựng hiện trường giả.

bí thư xã chết cháy trong xe bán tải, Lâm Đồng
Hiện trường vụ việc. (Ảnh: baodaknong.org.vn)

Ngày 10/5, Cơ quan CSĐT (công an tỉnh Đắk Nông) đã tiến hành bắt giữ ông Đỗ Văn Minh (49 tuổi) – Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) khi ông này đang lẩn trốn tại tỉnh Bình Phước.

Chiều cùng ngày, cơ quan điều tra đã khám xét nhà, nơi làm việc của ông Minh tại xã Tân Hà và Liên Hà, huyện Lâm Hà.

Ông Minh bị bắt để điều tra, làm rõ về hành vi giết người, tạo hiện trường giả trong vụ cháy xe ô tô trên quốc lộ 28, đoạn qua thôn Bon B’Nơr (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, Đắk Nông) khiến 1 người tử vong.

Được biết, nạn nhân là anh Trần Nho Vương (25 tuổi) – cháu vợ ông Minh. Hai người này từng có mâu thuẫn.

Trước đó, sáng 4/5, người dân phát hiện trên quốc lộ 28 có một xe ô tô bán tải biển 51C-715.70 bị cháy rụi, bên trong xe có một thi thể bị cháy đen, nên đã báo chính quyền địa phương. Sau đó, lực lượng chức năng đã tổ chức phong tỏa hiện trường, tiến hành điều tra vụ việc.

Sau đó, chiều 4/5, một lãnh đạo Viện KSND huyện Đắk G’Long (tỉnh Đắk Nông) cho biết xe ô tô này là của ông Đỗ Văn Minh. Ngày 1/5, ông Minh điều khiển ô tô trên từ Lâm Đồng sang tỉnh Đắk Nông để làm vườn.

Cảnh sát cũng đã lấy mẫu vật, gửi tới Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) để giám định, xác định tung tích nạn nhân bị chết cháy trong xe.

Phạm Toàn

Related posts