Tin thế giới sáng thứ Hai 11/5

Tình báo Đức: Trung Quốc đã đề nghị WHO giấu thông tin về COVID-19

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh ngày 28/1/2020 (ảnh chụp màn hình CGTN/Youtube).

Trang tin Daily Caller hôm 9/5 trích dẫn thông tin tình báo Đức cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trì hoãn tiết lộ thông tin quan trọng về đại dịch viêm phổi COVID-19.

Daily Caller trích dẫn thông tin từ tạp chí Der Spiegel của Đức cho biết ông Tập đã gặp mặt Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus vào hôm 21/1 để yêu cầu ông này trì hoãn công bố thông tin rằng virus corona chủng mới có khả năng lây từ người sang người, đồng thời trì hoãn tuyên bố đại dịch toàn cầu về căn bệnh này.

Cư dân mạng Twitter chia sẻ thông tin từ tình báo Đức về việc CHủ tịch Trung Quốc đề nghị Tổng giám đốc WHO (bên trái) che giấu thông tin về dịch COVID-19 (ảnh chụp màn hình).

Tờ Der Spiegel cho biết: “Phán quyết của BND rất khắc nghiệt: [Thế giới] đã bị lỡ ít nhất 4 tuần, nếu không muốn nói là 6 tuần, trong cuộc chiến chống virus này vì chính sách [bưng bít] thông tin của Bắc Kinh”. BND là Cơ quan Tình báo Liên bang Đức.

Thông tin từ tình báo Đức đã thu hút sự chú ý của giới chức Hoa Kỳ. Chủ tịch Nhóm làm việc về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ, ông Michael McCaul nói Daily Caller: “Chúng tôi vẫn đang xác minh báo cáo này. Nếu nó là đúng, thì nó sẽ đóng góp thêm bằng chứng cho thấy Tổng giám đốc WHO Tedros đã thông đồng cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc để che giấu dịch bệnh và ông ta không xứng đáng với vị trí lãnh đạo WHO”.

Việc bưng bít thông tin của chính quyền Trung Quốc, cũng như sự yếu kém của WHO trong cách ứng phó với dịch viêm phổi Vũ Hán đang là tâm điểm chỉ trích của thế giới.

Một tuyên bố của WHO hùa theo thông tin sai lệch từ Bắc Kinh rằng không có bằng chứng cho thấy COVID-19 lây từ người sang người (ảnh chụp màn hình Twitter(.

Daily Caller đề cập đến một nghiên cứu được công bố vào đầu tháng 3, trong đó kết luận thế giới đã có thể tránh được đại dịch toàn cầu nếu có thêm 4-6 tuần chuẩn bị. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Southampton nhận định nếu Trung Quốc hành động và công khai thông tin sớm hơn 3 tuần, thì đã có thể làm giảm tình trạng lây lan của dịch bệnh lên tới 95%.

Hơn 1 triệu người đã ký tên trực tuyến để để yêu cầu ông Tedros từ chức, dù vậy ông này chưa có dấu hiệu muốn rời ghế. Các báo cáo của giới truyền thông cho biết vị quan chức Ethiopia này có mối quan hệ thân thiết “khó nói” khiến ông không thể không chiều lòng Bắc Kinh.

Tổng thống Donald Trump lên án WHO “lấy Trung Quốc làm trung tâm” và đình chỉ nguồn tiền tài trợ của Mỹ dành cho tổ chức này.

Tới nay dịch viêm phổi Vũ Hán đã lây lan tới 212 quốc gia, khiến hơn 4 triệu người nhiễm và hơn 200.000 người tử vong, chưa kể vô số thiệt hại khác liên quan đến tình trạng mất việc làm, phá sản và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vì COVID-19.

Vành đai Con đường’ Trung Quốc trước ngưỡng bị sa lầy ở Đông Nam Á

Các cơ sở hạ tầng trong sáng kiến “Vành đai Con đường” của Trung Quốc đang đình trệ (ảnh: https://archive.shine.cn/newsimage/2017/07/12/020170712003935.jpg).

Các dự án cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến “Vành đai Con đường” của Trung Quốc bị chững lại ở Thái Lan, Indonesia, Myanmar và Campuchia.

Trong bối cảnh phần lớn các quốc gia trên thế giới đang dốc tiềm lực kinh tế của họ vào phòng chống dịch bệnh và cứu trợ kinh tế trong đại dịch Covid-19, nhiều dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc khởi xướng ở khu vực Đông Nam Á bị đình trệ vô thời hạn, khiến giới quan sát quốc tế cho rằng chính quyền Trung Quốc đang quay cuồng trong một nền kinh tế bị vùi dập sau dịch bệnh virus corona, theo báo Taiwan News.

Truyền thông Nhật Bản Nihon Keizai Shimbun ngày 5/5 cho hay, một dự án vốn nhà nước Trung Quốc nhằm xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 140 km giữa Jakarta và Kota Bandung ở Indonesia đã tạm dừng.

Một dự án khác ở Indonesia được xây dựng bởi hai doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, dự kiến khánh thành vào năm 2021 cũng bị lùi thời hạn, theo truyền thông Nhật Bản.

Tại Myanmar, một dự án nhà máy điện do một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc liên doanh với một doanh nghiệp Hồng Kông cũng bị đình trệ, một phần do gián đoạn chuỗi cung ứng từ tác động của đại dịch Covid-19. Một nhà máy điện khác ở Campuchia đang được Trung Quốc xây dựng dường như không thể hoạt động vào tháng Năm như kế hoạch.

Truyền thông Nhật Bản cũng đề cập rằng Thái Lan đã cố gắng trì hoãn các cuộc đàm phán về thời hạn của một dự án đường sắt cao tốc tới Trung Quốc. Thái Lan hy vọng cuộc đàm phán về đoạn đường sắt từ Bangkok tới Nakhon Ratchasima có thể được hoãn lại đến tháng 10 thay vì vào tháng 5. Tuy nhiên, Trung Quốc không hồi đáp đề nghị hoãn của Thái Lan.

Ethiopia bắn rơi máy bay cứu trợ nhân đạo chống dịch Covid-19

Ảnh chụp từ video https://www.youtube.com/watch?v=jHInvlLaw0o

Ethiopia thừa nhận họ bắn rơi chiếc máy bay Kenya chở hàng cứu trợ nhân đạo hồi đầu tuần. Vụ bắn làm chết cả 6 người trên máy bay.

Chiếc máy bay bị bắn rơi ngày 4/5 bởi các binh sĩ Ethiopia đang bảo vệ một trại quân sự ở thị trấn Bardale, phía tây nam Somalia, tờ Aljazeera dẫn thông báo của quân đội Ethiopia ngày 9/5 gửi lên Liên minh châu Phi (AU).

Chiếc máy bay chở hàng cung cấp nhân đạo và y tế tới giúp Somalia chống dịch Covid-19. Máy bay rơi xuống Bardale, cách thủ đô Mogadishu, Somalia, khoảng 300km về phía tây bắc.

Binh sĩ Ethiopia tưởng nhầm rằng chiếc máy bay nhiều khả năng “thực hiện một nhiệm vụ tấn công tự sát” vì họ không nhận được báo cáo về bất kỳ chuyến bay bất thường nào và lúc đó phi cơ bay tương đối thấp, theo thông báo.

“Vì thiếu thông tin và liên lạc, máy bay đã bị bắn rơi”, quân đội Ethiopia cho biết. “Vụ việc sẽ cần tới hợp tác điều tra từ cả Somali, Ethiopia và Kenya”.

Theo Aljazeera, Kenya đã bày tỏ họ bị sốc vì vụ tai nạn, họ cho biết máy bay đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ Somalia trong dịch virus.

Vụ bắn rơi máy bay cũng diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Kenya và Somalia đang căng thẳng.

Tháng trước, Kenya cáo buộc quân đội Somalia thực hiện một cuộc “tấn công không chính đáng” qua biên giới nước này và mô tả sự việc là “hành động khiêu khích”.

Trong khi đó, Somali từ lâu đã cáo buộc Kenya can thiệp vào công việc nội bộ, song Kenya phủ nhận.

Ông Trump nói Covid-19 sẽ biến mất mà không cần vaccine

“Tôi cảm nhận về vắc-xin như tôi cảm nhận về các xét nghiệm: nó sẽ biến mất mà không cần vắc-xin. Nó sẽ biến mất, và chúng ta sẽ không gặp lại nó sau một khoảng thời gian. Hy vọng là vậy”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 9/5, theo The Independent.

Ông Trump cho rằng có thể sẽ có những đợt bùng phát dịch, kể cả vào mùa thu, nhưng rốt cục nó sẽ biến mất.

“Có một số loại virus hoặc bệnh cúm xuất hiện và họ đã đi kiếm vắc-xin nhưng không bao giờ tìm thấy. Tuy nhiên chúng đã biến mất và không bao giờ xuất hiện trở lại. Virus cũng chết, giống như mọi thứ khác”.

Khi bị chất vấn tuyên bố này, ông nói:

“Họ nói rằng nó sẽ biến mất – không có nghĩa là trong năm nay – không có nghĩa là nó sẽ biến mất vào mùa thu hoặc sau mùa thu”, ông Trump nói. “Nhưng cuối cùng nó sẽ biến mất. Câu hỏi là liệu chúng ta có cần vắc-xin không. Đến một lúc nào đó, có thể nó sẽ tự biến mất. Nếu chúng ta có vắc-xin thì cũng sẽ rất hữu ích”.

Trung Quốc bãi chức thứ trưởng Bộ Công an 

Tôn Lực Quân, 51 tuổi, cựu thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đã bị bãi nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an, theo thông báo của Quốc Vụ viện Trung Quốc, theo The Standard.

Ông Tôn đang bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật, theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Nhà nước cho biết hồi đầu tháng Tư.

Ông Tôn là thủ phạm đắc lực trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công và mổ cướp nội tạng các học viên theo môn tập tâm linh này.

Tổng thống Hàn Quốc cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ hai khi số ca mắc mới tăng bật trở lại

Hàn Quốc cảnh báo về làn sóng dịch bệnh thứ hai hôm nay khi các ca nhiễm tăng trở lại mức cao nhất trong vòng một tháng, trong bối cảnh chính quyền bắt đầu nới lỏng một số hạn chế, theo Reuters.

“Dịch chưa qua cho tới khi nó thật sự qua”, Tổng thống Moon Jae-in phát biểu trước cả nước, đồng thời cho biết một ổ dịch mới cho thấy virus có thể lan rộng bất cứ lúc nào. Ông cảnh báo một đợt bùng phát dịch thứ hai vào cuối năm nay.

Ông Obama: Phản ứng của ông Trump trước đại dịch là một ‘thảm họa hỗn loạn tuyệt đối’

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát động một cuộc tấn công dữ dội nhắm vào công tác xử lý dịch bệnh của ông Donald Trump, gọi đây là một “thảm họa hỗn loạn tuyệt đối”, theo news.com.au.

Trong một cuộc gọi trên mạng bị rò rỉ tối thứ Sáu (8/5) với các thành viên cũ trong chính quyền của mình, được thu thập lần đầu bởi Yahoo News, cựu tổng thống Obama đã kêu gọi các cựu nhân viên tề tựu cùng cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Mỹ điều tàu chiến, tập trận tại Biển Đông

Hải quân Hoa Kỳ vừa điều hai tàu chiến đến tuần tra gần khu vực căng thẳng giữa Trung Quốc và Malaysia ở Biển Đông. Trang tin của Học viện Hải quân Hoa Kỳ – USNI dẫn lời giới chức Hải quân Mỹ cho biết như vậy hôm 8/5, theo RFA.

Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tháng, Mỹ điều tàu chiến đến khu vực Biển Đông, thách thức Trung Quốc.

Trong một diễn biến liên quan, hôm qua hạm đội 7 Mỹ thông cáo 3 tàu ngầm cùng các tàu nổi và máy bay đã có cuộc tập trận chung từ ngày 2-8/5 tại biển Philippines, theo Thanh Niên.

Cuộc tập trận và triển khai tàu ngầm của hạm đội Mỹ chứng tỏ quân đội nước này vẫn trong tình trạng sẵn sàng trước mọi hoàn cảnh, bất chấp đại dịch Covid-19 gần đây khiến nhiều thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt bị lây nhiễm, gây ảnh hưởng hoạt động.

Campuchia kịch liệt phản đối các nước chỉ trích Trung Quốc lan truyền Covid-19 ra toàn cầu

 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Tea Banh mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến đại dịch toàn cầu. Nội dung trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm thứ Sáu, theo Fresh News. Campuchia là đồng minh thân cận của Trung Quốc tại khu vực.

“Campuchia kịch liệt phản đối sự lên án, phân biệt chủng tộc, buộc tội và trò chơi đổ lỗi trong đại dịch Covid-19. Đây là thời điểm cộng đồng quốc tế cần phải cùng nhau chung tay ứng phó Covid-19”, ông Tea Banh nói.

Phản ứng của ông Banh được đưa ra sau khi một số nước phương Tây, dẫn đầu bởi Mỹ, chỉ trích Trung Quốc phát tán virus ra toàn cầu do tắc trách.

Related posts