WHO nói không thể mời Đài Loan tham gia Hội nghị thường niên
Theo National Review, bất chấp kêu gọi từ Mỹ cũng như các quốc gia khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/5 cho biết họ không thể mời Đài Loan tham dự cuộc họp thường niên của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) sắp tới, sau khi Bắc Kinh tuyên bố rằng việc Đài Loan tham gia sẽ vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc”.
Ông Steven Solomon, quan chức phụ trách pháp chế của WHO hôm 11/5 đã giải thích với các phóng viên rằng Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom chỉ có thể mời Đài Loan tham gia hội nghị khi các quốc gia thành viên ủng hộ điều này, khi đó ông Tedros mới có cơ sở và có thể là buộc phải làm vậy.
“Tuy nhiên, tình huống hiện tại không như thế. Thay vì bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng, các quốc gia thành viên có các quan điểm khác nhau và do đó, không có cơ sở nào – không phải là việc bắt buộc – để Tổng giám đốc mời Đài Loan tham dự”, ông Solomon tuyên bố.
Ấn Độ chuẩn bị quỹ đất gần 500,000 ha đón các công ty rời Trung Cộng
Ấn Độ đang phát triển một quỹ đất gần 500.000 ha để thu hút các doanh nghiệp muốn rút nhà máy, dây chuyền sản xuất khỏi Trung Cộng. Xu thế này ngày càng tăng sau chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và gần đây nhất là đại dịch COVID-19.
Tổng diện tích 461.589 ha đã được xác định trên toàn quốc cho mục đích này, trang Economic Times dẫn một số nguồn thạo tin ẩn danh cho hay. Trong đó, khoảng 115.131 ha đã là đất công nghiệp tại các tiểu bang như Gujarat, Maharashtra, Tamil Nadu và Andhra Pradesh.
Đất đai là một trong những trở ngại lớn nhất đối với các công ty muốn đầu tư vào Ấn Độ. Trước đó, các kế hoạch của Saudi Aramco cho đến Posco đã thất bại bởi những chậm trễ trong vấn đề đất đai. Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đang làm việc với chính phủ các bang để thay đổi điều này trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ sở sản xuất mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Cộng sau dịch bệnh và việc gián đoạn nguồn cung.
Hiện thời, các nhà đầu tư muốn thiết lập nhà máy ở Ấn Độ cần tự mình mua lại đất đai. Trong một số trường hợp, quá trình này bị trì hoãn bởi nó liên quan đến việc đàm phán với các chủ lô đất nhỏ để họ từ bỏ quyền sở hữu.
Ngoài đất, việc cung cấp thêm điện, nước và mở đường có thể giúp thu hút các khoản đầu tư mới đối với một nền kinh tế vốn đã tăng trưởng chậm từ trước đại dịch, nay đang có nguy cơ bị giảm sản lượng do lệnh phong tỏa toàn quốc.
Chính phủ Ấn Độ đã chọn 10 lãnh vực trọng yếu để xúc tiến sản xuất, gồm: điện, dược phẩm, thiết bị y tế, điện tử, công nghiệp nặng, thiết bị năng lượng mặt trời, chế biến thực phẩm, hóa chất và dệt. Ấn Độ cũng đề nghị các đại sứ quán ở nước ngoài tìm kiếm các công ty để chào mời.
Đầu tư Ấn Độ (Invest India), cơ quan đầu tư của chính phủ, đã nhận được các yêu cầu chủ yếu từ Nhật, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Trung Cộng, bày tỏ sự quan tâm dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang nền kinh tế lớn thứ ba của châu Á.
Bốn quốc gia này nằm trong số 12 đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ, chiếm tổng số thương mại song phương 179.27 tỷ USD. Các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài của bốn quốc gia này trong thời gian từ tháng 4 năm 2000 đến tháng 12 năm 2019 là trên 68 tỷ USD, theo số liệu của chính phủ.
Đất đai có sẵn chưa được sử dụng trong các khu kinh tế đặc biệt, những nơi đã có sẵn cơ sở hạ tầng, cũng đang được cân nhắc. Một kế hoạch chi tiết để thu hút đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối tháng này.
Các bang cũng được khuyến khích để phát triển các chương trình riêng nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Ấn Độ đã tổ chức một cuộc họp hôm 30/4 để thảo luận các bước nhanh nhất – hiệu quả nhất để thuyết phục các nhà đầu tư.
Andhra Pradesh, một tiểu bang phía nam Ấn Độ, đang liên lạc nhiều công ty từ Nhật, Hoa Kỳ và Hàn Quốc. “Chúng tôi có lợi thế về đường bờ biển và các khu công nghiệp có sẵn đã được giải tỏa,” Rajat Bhargava, Thư ký đặc biệt của sở thuế vụ tiểu bang, nói qua điện thoại. “Chúng tôi đang tập trung vào một số lãnh vực nhất định như công nghệ truyền thông và sản xuất có liên quan, chế biến thực phẩm, hóa chất và đã tổ chức các hội nghị qua video với các nhà đầu tư.”
Tiểu Bang phía bắc Uttar Pradesh cũng đang phát triển một hệ thống trực tuyến để phân bổ đất cho các mục đích thương mại và công nghiệp, đồng thời đang đàm phán với các công ty toàn cầu để thu hút đầu tư vào các lãnh vực như quốc phòng và hàng không vũ trụ.
Gia Huy (theo Economic Times)
Tên lửa Trung Quốc đang rơi xuống Trái Đất mất kiểm soát
Phần còn lại của tên lửa do Trung Quốc chế tạo đã trở thành khối rác vũ trụ lớn nhất rơi trở lại trái đất trong gần 30 năm qua, tờ Forbes đưa tin hôm 11/5.
Vào ngày 5/5, Trung Quốc phóng tên Trường Chinh 5B (Long March-5B) từ bãi phóng Văn Xương trên đảo Hải Nam, mang theo nguyên mẫu tàu vũ trụ thử nghiệm thế hệ tiếp theo của nước này.
Sau gần một tuần quay quanh Trái Đất, bộ phận lõi (core stage) của tên lửa này bắt đầu quay lại khí quyển Trái Đất lúc 11h sáng ngày 11/5.
Theo quân đội Mỹ, tên lửa đang bay xuống Đại Tây Dương, ngoài khơi bờ biển Tây Phi.
Theo tờ Bưu điện New York, tốc độ di chuyển của vật thể hàng ngàn km mỗi giờ.
Phần còn lại của tên lửa Trường Chinh 5B còn lớn hơn trạm không gian Thiên Cung-1 của Trung Quốc, vốn từng lao xuống Trái đất mất kiểm soát vào năm 2018, khiến Mỹ phải nhiều lần phát cảnh báo.
“Đây là vật thể có khối lượng lớn nhất tái nhập (khí quyển) một cách không kiểm soát kể từ năm 1991”, nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell, Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian chia sẻ trên Twitter.
Theo chuyên trang Spaceflight Now, vật thể dài khoảng 30 mét và rộng 5 mét, có khối lượng xấp xỉ 20 tấn. Đây là khối rác vũ trụ lớn thứ tư rơi trở lại Trái Đất trong lịch sử, sau trạm không gian Skylab năm 1979, tầng tên lửa của Skylab năm 1975 và Salyut-7, trạm không gian của Liên Xô, năm 1991.
Các loại vệ tinh hết hạn sử dụng và tên lửa cũ thường rơi trở lại Trái Đất. Tuy nhiên chúng không có kích thước lớn như Trường Chinh 5B, và thường được điều khiển để rơi xuống an toàn ở phía Nam Thái Bình Dương. Các nhà khoa học Mỹ đang theo dõi quỹ đạo rơi của Trường Chinh 5B để cảnh báo nếu có vấn đề nguy hiểm xảy ra.
Cách đây 2 tháng Trung Quốc phóng không thành công tên lửa đẩy tầm trung Trường Chinh 7A vào quỹ đạo thấp của Trái đất.