22 hãng hàng không sửa tên gọi Đài Loan như một quốc gia riêng biệt
- Xuân Lan
Bộ Ngoại giao Đài Loan (MOFA) mới đây cho biết đã thuyết phục thành công 22 hãng hàng không quốc tế sửa lại tên gọi về Đài Loan bất chấp những đe dọa của Bắc Kinh, theo Taiwan News.
Ngày 25/4/2018, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) đã gửi thư đe dọa tới 36 hãng hàng không quốc tế yêu cầu thay đổi tên hiển thị cho Đài Loan trên trang web của họ thành “Đài Loan, Trung Quốc” hoặc “Khu vực Đài Loan”, ám chỉ hòn đảo là một phần không thể tách rời của Đại lục. Vào ngày 5/5, Nhà Trắng đã lên án Bắc Kinh bắt nạt các hãng hàng không.
Trong những năm sau đó, hàng chục hãng hàng không đã phải tuân thủ các yêu cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, Đài Loan đã phát động chiến dịch riêng của mình để chống lại việc này và dần dần bắt đầu thuyết phục các hãng hàng không khôi phục lại chỉ dẫn của họ về Đài Loan.
Hôm 9/5 vừa qua, Nhà lập pháp của Đảng Dân chủ (DPP) Chiu Chih-wei nói với giới truyền thông rằng ông đã nhận được hồi âm bằng văn bản từ MOFA thông báo về những nỗ lực của Đài Loan nhằm đảo ngược việc thay đổi tên này. Bức thư nói rằng 22 hãng hàng không đã khôi phục tên gọi Đài Loan như một quốc gia riêng biệt, trong khi 39 hãng vẫn đang hiển thị Đài Loan như một phần của Trung Quốc, CNA đưa tin.
Tuy nhiên, ông Chiu cho biết MOFA không nêu tên cụ thể các hãng hàng không đã điều chỉnh vì sợ rằng họ sẽ trở thành nạn nhân của những đe dọa từ Bắc Kinh.
Ông Chiu nói rằng trong khi đại dịch Viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã hạ bệ ngành hàng không của nhiều quốc gia, Đài Loan đã ngăn chặn thành công loại virus này và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Nhiều quốc gia hiện đang hỗ trợ Đài Loan tham gia Hội đồng Y tế Thế giới (WHA).
Nhận định rằng Đài Loan đang tăng cường vị thế của mình trên trường quốc tế, ông Chiu kêu gọi Bộ Ngoại giao Đài Loan nắm bắt cơ hội này để đảo ngược các chiến dịch mà Trung Quốc đã thực hiện để hạ thấp vị thế của quốc đảo trên sân khấu toàn cầu.
Lãnh đạo DPP cho biết mặc dù MOFA đã có nhiều bước tiến, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để đi. Ông khuyến khích MOFA tăng gấp đôi nỗ lực khôi phục tên gọi riêng biệt về Đài Loan trên các trang web của hãng hàng không.
Ông Chiu nói thêm rằng hãng hàng không quốc gia của Đài Loan, China Airlines (CAL), nên đổi tên để giúp làm rõ sự khác biệt giữa Đài Loan và Trung Quốc với cộng đồng quốc tế, theo FTV News.
Xuân Lan
Bất chấp chỉ trích của Trung Quốc, New Zealand tiếp tục bảo vệ Đài Loan tham gia WHO
Phó Thủ tướng New Zealand Winston Peters hôm thứ Hai (11/5) đã bảo vệ lập trường ủng hộ Đài Loan tham gia cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào hai ngày 18 và 19/5 tới sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ trích ông vì điều này, theo The Epoch Times.
Peters, đồng thời là ngoại trưởng New Zealand, nói với kênh 1News vào ngày 11/5 rằng chuyên môn của Đài Loan trong việc chống dịch sẽ giúp ích cho thế giới.
“Đài Loan là một quốc gia chống dịch giỏi nổi bật – có tới 435 ca lây nhiễm và chỉ có 4 ca tử vong – và họ không bị tái nhiễm như Trung Quốc và Hàn Quốc”, ông Peters nói.
Đáp trả ý kiến của ông Peters, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hôm 11/5 rằng New Zealand đã vi phạm trực tiếp “chính sách một Trung Quốc” của họ, và đó là nền tảng cơ bản trong mối quan hệ giữa New Zealand và Trung Quốc.
Ám chỉ đến ông Peters, ông Triệu nói rằng động thái ủng hộ Đài Loan của New Zealand là một sự thao túng chính trị, đồng thời yêu cầu “một số người nhất định” tại New Zealand “chấm dứt lan truyền tin đồn và tạo rắc rối” mà ông cảnh báo sẽ phá hoại mối quan hệ song phương.
Ông Triệu đã cáo buộc Đài Loan lợi dụng đại dịch để tìm kiếm sự độc lập khỏi đại lục.
Phó thủ tướng Peters đã bác bỏ bình luận của ông Triệu, lập luận rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc với New Zealand là một mối quan hệ tình bạn bình đẳng và New Zealand “có khả năng, trong khuôn khổ mối quan hệ bình đẳng này, có sự bất đồng chính kiến”.
“Chúng tôi phải tự đứng lên bảo vệ chính mình [trước áp lực từ Trung Quốc]”, ông nhấn mạnh.
“Thật sự sẽ là phi lý, khi trong bối cảnh lợi ích của cộng đồng quốc tế … chúng ta lại không cố gắng tìm hiểu tại sao nó xảy ra, nó xảy ra như thế nào, để chúng ta có thể làm tất cả những gì trong khả năng trên phạm vi quốc tế để đảm bảo nó không xảy ra lần nữa”, ông Peters nói.
Theo The Epoch Times
Quý Khải dịch & biên tập
Trung Quốc: Việt Nam không có quyền bình luận về lệnh cấm đánh cá Biển Đông
Chính phủ Trung Quốc lên án thậm tệ việc Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá mới được Bắc Kinh vừa ban hành trong thời gian hơn ba tháng trên Biển Đông.
“Việt Nam không có quyền bình luận về lệnh ngừng đánh bắt cá vào mùa hè này của Trung Quốc trên vùng Biển Đông vì các biện pháp này thuộc quyền hành chính của Trung Quốc” Tân Hoa Xã dẫn lời ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói hôm 11/5.
Phát ngôn của ông Triệu được đưa ra sau khi Hà Nội tuyên bố phản đối lệnh cấm đơn phương của Bắc Kinh và yêu cầu Trung Quốc “không làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông”.
Theo Hội Nghề các Việt Nam, Trung Quốc đã thông báo về quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/5 đến 16/8.
Lực lượng hải cảnh Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất để ngăn chặn “mọi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.”
Trong buổi họp báo tại Bắc Kinh, người phát ngôn Triệu Lập Kiên lý giải căn cứ của quyền ra lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông như sau:
“Quần đảo Tây Sa (Việt Nam gọi là Hoàng Sa) là một phần không thể tranh cãi trong lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc có chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển liên quan ở Biển Đông theo luật quốc tế và luật pháp của Trung Quốc.”
“Thực hiện lệnh ngừng đánh cá vào mùa hè ở các vùng nước liên quan ở Biển Đông là một hành động hợp pháp khi Trung Quốc thực thi các quyền hành chính và thực hiện nghĩa vụ quốc tế phù hợp với pháp luật”, ông Triệu nói. Ông cho rằng việc cấm đánh cá trong hơn 3 tháng mỗi năm sẽ có lợi cho việc bảo vệ nguồn hải sản và phát triển bền vững tại Biển Đông.
Tân Hoa Xã cho biết, lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm vừa được ban hành áp dụng cho vùng hải lý phía bắc trên vĩ tuyến 12 của biển Biển Đông. Hơn 50.000 tàu đánh cá của Trung Quốc sẽ ngừng hoạt động trong thời gian lệnh cấm.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 8/5 cho rằng ngư dân Việt Nam “hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.”
Ông Triệu Lập Kiên phản bác lại rằng: “Việt Nam không nên khuyến khích ngư dân của mình vi phạm các quyền và lợi ích của Trung Quốc cũng như làm suy yếu sự phát triển bền vững của các nguồn lợi thuỷ sản Biển Đông”.
Hôm 4/5, Hội Nghề cá Việt Nam gửi văn bản phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, khẳng định “quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông” mà chính quyền Trung Quốc đưa ra “xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam”.
Lệnh cấm đánh bắt cá được Trung Quốc đơn phương áp đặt từ năm 1999, từ năm 2007 đến nay, hành động của chính quyền Trung Quốc táo bạo hơn với thời gian cấm dài hơn, và các hoạt động tuần tra, bắt giữ, và cản phá ngư dân của các nước liên quan với quy mô lớn hơn, thường xuyên hơn.
Hội Nghề cá Việt Nam hàng năm đều ra văn bản tuyên bố phản đối và khẳng định quy chế này của Trung Quốc không có giá trị pháp lý.
Trần Minh
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Putin nhiễm virus corona Vũ Hán
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov hôm thứ Ba (12/5) xác nhận ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona Vũ Hán.
Ông Peskov trở thành quan chức cao cấp thứ năm của Nga bị bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Vị phát ngôn viên này nói rằng ông đã gặp trực tiếp Tổng thống Putin khoảng hơn một tháng trước, theo hãng tin TASS. Bà Tatyana Navka, phu nhân của ông Peskov viết trên Instagram rằng bà cũng đã nhiễm virus corona.
Tổng thống Putin thời gian gần đây thường làm việc từ xa tại nơi lưu trú của ông ở ngoại ô Moscow và tổ chức nhiều cuộc họp qua hội nghị truyền hình. Tuy nhiên, vào sáng 12/3, ông Putin đã có cuộc họp trực tiếp với ông Igor Sechin, lãnh đạo của tập đoàn dầu khí khổng lồ Rosneft.
Kiện Kremlin cho biết sức khỏe của Tổng thống Putin hiện đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trước đó, vào hôm thứ Hai (11/5), trong một thông báo bất ngờ ông Putin nói rằng sau 6 tuần giờ là lúc phải dần dần dỡ bỏ các hạn chế toàn quốc đã buộc nhiều người phải làm việc từ nhà và các doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời.
Mặc dù ông Putin đã trao cho các chính quyền khu vực được quyền quyết định nới lỏng hay thắt chặt các hạn chế theo tình hình từng địa phương, nhưng ông cho biết việc mở lại các ngành kinh tế đang bị đình trệ như xây dựng và công nghiệp nặng là có ý nghĩa lớn.
Theo Reuters, tại thủ đô Moscow nơi chính quyền địa phương đã ra lệnh duy trì phong tỏa tới cuối tháng năm, nhiều người dân dường nghĩ rằng thông báo hôm 11/5 của tổng thống Putin là đánh dấu kết thúc các hạn chế. Nhiều ô tô hơn đi lại trên đường và nhiều người xuống phố hơn.
Dữ liệu do công ty internet Yandex tổng hợp cho thấy nhiều người dân Moscow đã rời khỏi nhà vào sáng thứ Ba (12/5) bất chấp lệnh phong tỏa tại thủ đô vẫn đang có hiệu lực.
Những khu vực khác trên khắp nước Nga, một số tiệm cắt tóc, cửa hàng quần áo và tiệm cafe ngoài trời đã mở cửa trở lại. Nhưng không nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ hy vọng sẽ sớm đạt được lợi nhuận kinh doanh như thời điểm trước đại dịch.
Thời điểm ông Putin thông báo nên dần dỡ bỏ phong tỏa toàn quốc, số ca nhiễm virus corona tại Nga đã vượt qua Ý. Và đến thứ Ba (13/5), theo số liệu của Reuters, số ca nhiễm virus corona tại Nga tiếp tục vượt qua Anh Quốc.
Cho đến nay, với 232.243 ca nhiễm, Nga đã trở thành nước có người bị viêm phổi Vũ Hán nhiều thứ ba thế giới chỉ sau Mỹ và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, số ca tử vong tại Nga là 2.116 ca – một trong những nước có tỷ lệ tử vong thấp nhất.
Giới chức Nga cho biết sở dĩ nước này có số người nhiễm tăng cao và số ca tử vong thấp là do họ thực hiện xét nghiệm virus corona trên diện rộng. Quan chức Nga nói nước này hiện đã tiến hành khoảng 5,8 triệu ca xét nghiệm virus corona Vũ Hán.
Xuân Thành
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ủng hộ việc đưa Đài Loan vào WHO
- Lê Vy
Dự luật kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ soạn thảo kế hoạch đưa Đài Loan vào Hội đồng Y tế thế giới (WHA) với tư cách quan sát viên.
Hôm 11/5, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua luật hỗ trợ Đài Loan tham gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Dự luật S.249, được soạn thảo bởi Jim Inhofe Và Bob Menendez, đề nghị Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát triển chiến lược cho phép Đài Loan tham gia vào cơ quan chủ quan của WHO là Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) với tư cách quan sát viên.
Dự luật lưu ý rằng Đài Loan đã từng là một quan sát viên của WHA từ năm 2009 đến 2016. Tuy nhiên, kể từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử Tổng thống Đài Loan và từ chối thừa nhận “Đồng thuận 1992”, Trung Quốc đã tìm cách trừng phạt chính quyền của bà bằng cách loại trừ Đài Loan ra khỏi các tổ chức quốc tế, bao gồm cả WHO, từ năm 2017.
Dự luật cũng chỉ ra rằng Đài Loan là “hình mẫu đóng góp cho y tế thế giới”, đã đầu tư 6 tỷ USD vào các nỗ lực y tế và nhân đạo quốc tế tại hơn 80 quốc gia trong 24 năm qua. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch rộng khắp để loại trừ Đài Loan khỏi các cuộc họp của các tổ chức quốc tế, như Hội đồng của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và Đại hội đồng của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL).
Trong Phần 2 của dự luật, Thượng viện kêu gọi Ngoại trưởng trình bày cho Ủy ban Quốc hội về những hành động của Mỹ “nhằm tái khẳng định và củng cố các mối quan hệ ngoại giao chính thức và không chính thức của Đài Loan.” Nội dung trong này bao gồm các kế hoạch hành động với những quốc gia củng cố hoặc muốn làm suy yếu mối quan hệ với hòn đảo.
Dự luật kết thúc bằng cách kêu gọi thực thi Mục 209 của Đạo luật Sáng kiến Tái bảo đảm châu Á, trong đó nêu rõ các cam kết của Mỹ đối với Đài Loan như là một đối tác quan trọng trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Khi thông báo về dự luật trên trang web của mình, ông Inhofe đã viết rằng việc Trung Quốc loại trừ Đài Loan khỏi WHO là “không thể chấp nhận được – và khi chúng ta nhìn vào phản ứng toàn cầu đối với đại dịch virus corona của Trung Quốc, ‘ngoại giao bắt nạt’ của nước này thậm chí còn nghiêm trọng hơn”.
Ông Inhofe nhấn mạnh rằng Đài Loan là một “đối tác tin cậy trong y tế cộng đồng” và họ đã quyên góp một lượng lớn vật tư y tế cho các quốc gia có nhu cầu. Ông cho rằng việc ngăn chặn Đài Loan ra khỏi WHO, “đặc biệt là theo yêu cầu của Trung Quốc, trong khi thế giới vật lộn với đại dịch toàn cầu, là không thể chấp nhận được.”
Trong khi đó, ông Menendez nói rằng, “bảo đảm Đài Loan giữ một vị trí trong bàn ra quyết định của WHO không chỉ là điều đúng đắn, mà còn là điều bắt buộc, vì chúng ta nên học hỏi từ sự trách nhiệm và thành công của Đài Bắc trong việc xử lý dịch corona.”
Lê Vy (theo Taiwan News)
Tây Ban Nha: Cụ bà 113 tuổi chiến thắng virus Vũ Hán
Một phụ nữ 113 tuổi, có tên Maria Branyas, ở Tây Ban Nha đã bình phục sau khi nhiễm virus Vũ Hán. đây được xem là trường hợp bệnh nhân cao tuổi nhất ở nước này vượt qua Covid-19 cho đến nay, theo BBC.
Cụ bà Branyas nhiễm virus Vũ Hán vào thời điểm sau khi Tây Ban Nha tuyên bố phong tỏa để chống dịch hồi tháng Ba. Sau nhiều tuần cách ly và điều trị, cụ đã trở nên khỏe mạnh và chỉ còn một số triệu trứng bệnh ở mức nhẹ.
Vượt qua Covid-19, cụ Branyas đã trở thành một trong số rất ít người ở Tây Ban Nha sống qua những thời khắc nguy nan của đất nước, đó là đại dịch cum diễn ra trong hai năm 1918-1919, cuộc nội chiến 1936-1939 và đại dịch viêm phổi Vũ Hán lần này.
Nga nới phong tỏa bất chấp số ca nhiễm nCoV tăng cao
Nga đã bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa chống dịch viêm phổi Vũ Hán vào thứ Ba trên toàn quốc, bất chấp việc nước này vẫn có số ca nhiễm bệnh mới tăng cao và đã trở thành một trong những ổ dịch lớn nhất thế giới, theo AFP.
Các quan chức Nga cho rằng sở dĩ số người nhiễm bệnh mới ở Nga tăng cao là vì nước này đang triển khai một chiến dịch xét nghiệm virus Vũ Hán ở quy mô lớn, với 5,8 triệu xét nghiệm được thực hiện cho đến nay. Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong thấp khiến Moscow tự tin họ đang kiểm soát tốt dịch bệnh và có thể nới lỏng việc phong tỏa.
Nga từng tự hào vì có số người nhiễm virus Vũ Hán thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây. Tuy nhiên vào tháng Tư mọi chuyện bắt đầu đảo ngược khi số người Nga nhiễm virus Vũ Hán tăng cao mỗi ngày. Hiện nước này đã trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Tây Ban Nha, với 232.243 người nhiễm bệnh (tăng 10.899), trong đó có 2.116 người đã tử vong (tăng 107).
Afghanistan: Hàng chục người chết sau hai vụ thảm sát
Reuters đưa tin, vào hôm thứ Ba, những kẻ khủng bố ở Afghanistan đã cải trang thành cảnh sát và tấn công một bệnh viện ở thủ đô Kabul giết chết 16 người, trong đó có 2 trẻ sơ sinh.
Trong một vụ khủng bố khác diễn ra cùng ngày, một kẻ đánh bom tự sát đã tấn công đám tang của một chỉ huy cảnh sát ở khu vực Nangahar, giết chết ít nhất 24 người và làm bị thương 68 người. Đám tang này có sự tham dự của các quan chức chính phủ và một thành viên của quốc hội. Chính quyền cho biết số người chết sau vụ tấn công này có thể còn tăng lên.
Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện hai vụ tấn công này. Lực lượng Taliban nói rằng họ đã tạm dừng tấn công vào các thành phố theo thỏa thuận hòa bình ký với Hoa Kỳ, và phủ nhận có liên quan đến cả hai vụ khủng bố nêu trên.
Báo Nhật: Trung Quốc sẽ tập trận lớn ở Biển Đông vào tháng 8
Hãng Kyodo News của Nhật Bản hôm nay (12/5) đưa tin quân đội Trung Quốc đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông vào tháng 8.
Taiwan News trích dẫn báo cáo của Kyodo News, cho biết Chiến khu Nam bộ (trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc) sẽ triển khai cuộc tập trận, với sự tham gia của nhiều thủy quân lục chiến, các tàu đổ bộ, tàu lượn và máy bay trực thăng. Kyodo cho biết đây sẽ là một cuộc diễn tập với quy mô lớn chưa từng có.
Báo cáo cho biết mục tiêu của cuộc tập trận là hy vọng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ chiếm được quần đảo Đông Sa, hiện do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông.
Kyodo News còn cho biết, Trung Quốc cũng đang mở rộng các căn cứ quân sự tại quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Taiwan News nhận định Bắc Kinh ngày càng muốn kiểm soát quần đảo Đông Sa, trong bối cảnh Hoa Kỳ liên tiếp thực hiện các cuộc diễn tập trong khu vực và tăng cường mối quan hệ với Đài Loan hay còn gọi là Trung Hoa Dân Quốc.
Đáp lại kế hoạch tập trận của Trung Quốc, Thiếu tướng Lâm Văn Hoàng (Lin Wen-huang), Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND), tuyên bố Đài Bắc đã chuẩn bị và lên kế hoạch cho trường hợp bị Trung Quốc tấn công.
Quần đảo Đông Sa nằm ở đông bắc Biển Đông, thuộc quản lý của thành phố Cao Hùng, Đài Loan. Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, vì vậy cũng coi quần đảo Đông Sa là thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Giới quan sát nhận định chính quyền Trung Quốc đang lợi dụng thời gian các nước bận ứng phó với dịch viêm phổi Vũ Hán để gia tăng kiểm soát ở Biển Đông, một vùng biển có vị trí chiến lược và các tuyến đường thủy quan trọng của thế giới.