Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Tư (13/5) nói rằng virus corona gây bệnh COVID-19 có thể trở thành virus đặc hữu giống như HIV, nghĩa là nó sẽ không bao giờ biến mất.
Ông Mike Ryan, chuyên gia các vấn đề khẩn cấp của WHO nói trong cuộc họp trực tuyến hôm 13/5 rằng: “Đưa điều này lên bàn thảo luận là quan trọng: virus này có thể trở thành một loại virus đặc hữu nữa trong cộng đồng chúng ta, và nó có thể không bao giờ biến mất”.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải thực tế và tôi không nghĩ bất kỳ ai có thể dự đoán được khi nào thì bệnh dịch này sẽ biến mất. Tôi nghĩ không có hứa hẹn về điều này và không có ngày tháng [kết thúc dịch bệnh này]. Bệnh này có thể trở thành vấn đề dài hạn hoặc nó có thể không”, ông Ryan nói thêm.
Tuy nhiên, chuyên gia WHO cho biết thế giới đã nắm được cách ứng phó với bệnh dịch này, cho dù việc kiểm soát dịch cũng sẽ phải mất “nỗ lực lớn” ngay cả khi tìm được ra vắc-xin. Ông Ryan gọi việc tìm được vắc-xin ngừa COVID-19 là “thành tựu cực kỳ to lớn”, có thể sánh với việc con người lần đầu đặt chân lên mặt trăng.
Theo Reuters, hiện nay hơn 100 loại vắc-xin ngừa COVID-19 đang được phát triển, trong đó một số loại đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, các chuyên gia y khoa nhấn mạnh rằng việc tìm ra vắc-xin có hiệu quả ngừa các loại virus corona là rất khó khăn.
Ông Ryan lưu ý rằng một số bệnh khác dù đã có vắc-xin nhưng cũng chưa biến mất hoàn toàn trong cộng đồng, ví như bệnh sởi.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong buổi họp báo hôm 13/5 nói: “Lộ trình [kiểm soát virus] là nằm trong tay chúng ta, và đó là công việc của mọi người, và tất cả chúng ta đều cần phải đóng góp công sức nhằm chấm dứt đại dịch này”.
Ông Ryan nói cần phải kiểm soát được đáng kể virus corona để giảm thêm đánh giá rủi ro. Chuyên gia này cho rằng hiện nay mức rủi ro do bệnh dịch này vẫn cao ở cả “cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu”.
Các chính phủ trên toàn thế giới vẫn đang phải vật lộn với câu hỏi làm sao để mở lại nền kinh tế mà vẫn kiềm chế được virus. Cho tới nay, virus corona Vũ Hán đã lây nhiễm cho gần 4,3 triệu người và cướp đi sinh mạng của hơn 291.000 người trên toàn cầu.
Liên minh Châu Âu (EU) hôm thứ Tư (13/5) đã kêu gọi mở cửa biên giới nội khối dần dần. Giới chức EU nói rằng bây giờ chưa quá muộn để cứu vãn ngành du lịch Châu Âu với các tour nghỉ dưỡng mùa hè, đồng thời vẫn đảm bảo người dân được an toàn.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cộng đồng cho biết sự thận trọng hết sức là cần thiết để tránh dẫn tới làn sóng dịch bệnh thứ hai. Ông Ryan cho rằng việc mở cửa biên giới trên bộ là ít rủi ro hơn việc nới lỏng đường hàng không. Chuyên gia của WHO này nói rằng du lịch hàng không là “một thách thức khác biệt”.
Trong khi đó, chuyên gia dịch tễ học của WHO, bà Maria van Kerkhove nói trong buổi họp báo 13/5: “Chúng ta cần quen với suy nghĩ rằng phải mất một khoảng thời gian để có thể thoát ra khỏi đại dịch này”.
Như Ngọc (Theo Reuters)