- Mộc Lan
Đài tiếng Đức (Deutsche Welle) đưa tin, cho tới nay, Trung Quốc đã dùng tiềm lực kinh tế trội hơn, vươn tay tới các nước thế giới thứ ba. Tuy nhiên, theo các kết quả khảo sát cho thấy sự thâm nhập này chỉ mới dừng lại trong giới chính phủ, chưa thể đi sâu vào người dân. Gần đây, một tổ chức nghiên cứu độc lập ở Hoa Kỳ – Trung tâm Nghiên cứu Pew, đã thực hiện một cuộc khảo sát toàn cầu, kết quả khảo sát cho thấy mặc dù Trung Quốc rải tiền mua chuộc các nước châu Phi, nhưng 89% người dân ở các quốc gia này tin rằng hình ảnh của Hoa Kỳ vẫn là tích cực, chỉ có 57% người châu Phi coi Trung Quốc là tích cực.
Theo nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center) khảo sát tổng cộng 140 quốc gia, có khoảng 69% trong số đó có ấn tượng tốt về Hoa Kỳ. Họ tin rằng cách tiếp cận và xử lý của Hoa Kỳ trong các tình huống kinh tế hoặc tình huống khẩn cấp là tích cực. Đối với Trung Quốc: 55% có thiện cảm, 34% có thái độ tiêu cực.
Nhiều quốc gia giữ thái độ tiêu cực với Trung Quốc, lý do mà họ đưa ra là họ không tin rằng Trung Quốc “tôn trọng quyền tự do cá nhân”. Trong số 140 quốc gia được điều tra, chỉ có 34% có thái độ thiện cảm, vì họ tin tưởng Trung Quốc tôn trọng quyền này, hầu hết là các nước châu Á.
Tiền không mua được sự tín nhiệm của người dân
Trẻ em Trung Quốc có thể không có xe buýt đến trường, người già Trung Quốc có thể phải khám bệnh rất đắt đỏ… nhưng nghèo tiền bạc chứ không thể nghèo tình với “người anh em Châu Phi”. Độ hào phóng mà Trung Quốc dành cho châu Phi thì ai cũng biết.
Chính phủ Trung Quốc mạnh tay “rải tiền”, tặng châu Phi xe buýt trường học, cung cấp một lượng lớn vật tư y tế chống dịch (khẩu trang, máy thở…) cho người anh em châu Phi (ở đây chưa bàn đến chất lượng sản phẩm). Các khoản đóng góp hào phóng của tỷ phú Jack Ma cho công cuộc chống dịch của châu Phi được người dân địa phương nhắc đến nhiều hơn. Những khoản đóng góp này chủ yếu cho các nước Rwanda, Cameroon và các nước châu Phi khác…
Theo báo cáo, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Viện Châu Á – Châu Phi ở London, Giáo sư Stephen Chan nhìn nhận rằng việc Trung Quốc quyên tặng vật tư y tế không phải chuyện gì mới trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Châu Phi, dù sao thì nhiều năm qua, Trung Quốc cũng đã thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nhiều chương trình viện trợ đối với châu Phi. Ông nói rằng theo quan điểm này, sự hỗ trợ của Trung Quốc cho các nỗ lực phòng chống dịch bệnh của châu Phi có thể được coi là cầu nối quan hệ đối tác Trung – Phi, đặc biệt là khi người châu Phi gần đây gặp phải các vấn đề ở Trung Quốc.
Gần đây, một loạt các sự việc phân biệt chủng tộc nhắm vào người châu Phi đã xảy ra ở Trung Quốc đã gây ra sự phẫn nộ ở châu Phi. Đặc biệt là tại Quảng Châu nơi có cộng đồng người da đen sinh sống, ngày càng có nhiều báo cáo về sự thù địch và bài xích người Phi, họ bị coi là mầm bệnh viêm phổi Vũ Hán, một số siêu thị hoặc nhà hàng từ chối các khách hàng da đen. Các chủ nhà hủy hợp đồng thuê nhà với người châu Phi làm nhiều trong số họ phải sống lang thang trên đường phố. Cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc vẫn còn tiếp tục phải xử lý các sự cố liên quan.
Ông Cobus van Staden, chuyên gia về các vấn đề quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Nam Phi (SAIIA) tại thành phố Johannesburg (Nam Phi), trong cuộc phỏng vấn với Đài tiếng nói Đức, đã cho hay: “Sau khi xảy ra sự việc thù địch và bài xích người châu Phi tại Quảng Châu, sự bất mãn của Châu Phi đang không ngừng gia tăng. Chúng ta có thể thấy rằng xã hội dân sự ở Châu Phi đang thúc giục các chính phủ phải có hành động.”
Mộc Lan