Ông chủ Món Huế bị tố vẽ dự án ‘ma’, lừa nhà đầu tư ngoại 25 triệu USD như thế nào?
TTO – Công ty luật hợp danh YKVN, đại diện bốn nhà đầu tư nước ngoài, có đơn tố cáo ông Huy Nhật (nhà sáng lập Công ty Huy Việt Nam, ông chủ chuỗi nhà hàng Món Huế) đến Bộ Công an về tội lừa đảo chiếm đoạt 25 triệu USD.
Ngay khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Horizon Property Group do ông Huy Nhật làm chủ, Công ty luật hợp danh YKVN, đại diện bốn nhà đầu tư nước ngoài, đã lên tiếng, vạch chiêu thức lừa đảo của ông chủ chuỗi nhà hàng Món Huế, cũng là nhà sáng lập Công ty Huy Việt Nam.
Vẽ dự án “ma” quy mô 162ha
Theo đó, 4 nhà đầu tư ngoại gồm MF Holding Inc (MF), Gifted Wisdom Limited (Gifted), Harvest Investment Advisory Co.,Ltd (Harvest), Fenghe Harvest Ltd (Fenghe) cho biết họ bị lừa tiền vào một dự án “ma” do chính ông Huy Nhật vẽ lên – “dự án phát triển bất động sản nghỉ dưỡng Horizon Langco” tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế với quy mô sử dụng đất 162ha.
Cụ thể, năm 2018, ông Huy Nhật có giới thiệu tới 4 nhà đầu tư nước ngoài dự án trên và kêu gọi các nhà đầu tư cùng bỏ vốn đầu tư vào. Theo thông tin từ Huy Nhật, dự án này thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH MTV Horizon Property Group do Huy Nhật làm chủ, trụ sở 16 Thảo Điền, phường Thảo Điền, Q.2, TP.HCM.
Để thuyết phục nhà đầu tư, ông Huy Nhật cử ông Nguyễn Lương Hoàng, giám đốc Công ty Horizon Việt Nam, nhiều lần tổ chức các buổi giới thiệu dự án ở nước ngoài, thuyết minh các chỉ số lợi nhuận của một bất động sản nghỉ dưỡng, cung cấp các báo cáo chi tiết về dự án, sản phẩm, doanh số bán ra…
Tuy nhiên, sau này qua xác minh, các nhà đầu tư cho biết các báo cáo này đều là giả mạo.
Cùng với việc chào mời này, Huy Nhật được cho là đã vạch ra lộ trình hợp tác đầu tư khá bài bản.
Các nhà đầu tư sẽ đầu tư vốn vào một công ty sẵn có của Huy Nhật tại Singapore là Công ty Horizon Vietnam Property Pte. (Horizon Singapore) và trở thành cổ đông của Horizon Singapore. Sau đó, Horizon Singapore ký hợp đồng cho Horizon Vietnam vay tiền để triển khai dự án ở Việt Nam.
Cùng với cam kết “mục đích khoản vay này chỉ sử dụng để đầu tư cho dự án”, Huy Nhật cũng hứa hẹn sẽ chuyển thành vốn góp của Horizon Singapore trong Horizon Vietnam, bằng việc thực hiện các thủ tục chuyển nhượng vốn điều lệ cho Horizon Singapore, các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận và sở hữu dự án này hợp pháp.
Theo các nhà đầu tư, với thỏa thuận này, nhóm nhà đầu tư đã cho Horizon Singapore vay tổng cộng 25 triệu USD để đầu tư vào đất đai/tài sản tại Lăng Cô, Huế. Trong đó, MF cho vay 10 triệu USD, Gifted 10 triệu USD, Harvest 2 triệu USD, FengHe 3 triệu USD, Huy Fong 17 triệu USD (là công ty của Huy Nhật ở Hong Kong – PV).
Số tiền 25 triệu USD được Horizon Singapore chuyển vào tài khoản của Horizon Vietnam mở tại Việt Nam.
Và ôm tiền bỏ trốn
Giữa tháng 10-2019, khi có thông tin về việc hệ thống nhà hàng Món Huế của Huy Nhật vỡ nợ, nhóm 4 nhà đầu tư nước ngoài liên hệ Huy Nhật nhưng không được. Qua kiểm tra số dư tài khoản ngân hàng của Horizon Vietnam mở tại Vietcombank, phát hiện toàn bộ tiền đã bị rút sạch, còn chưa tới 300 triệu đồng.
Tiếp tục kiểm tra tình trạng doanh nghiệp của Horizon Singapore thì phát hiện trên giấy phép vẫn chưa cập nhật tên của 4 nhà đầu tư như Huy Nhật cam kết.
Theo nhóm nhà đầu tư ngoại, số tiền 25 triệu USD này đã bị rút sạch khỏi tài khoản trong chưa đầy một năm. Không những thế, khi tìm hiểu thêm, các nhà đầu tư này mới phát hiện dự án khu nghỉ dưỡng Horizon Langco thực chất là dự án “ma”, không hề có khu đất nào của Huy Nhật tại Huế như mô tả trong hồ sơ giới thiệu về dự án.
Vì vậy, các nhà đầu tư đã có đơn tố cáo Huy Nhật đến Bộ Công an về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi xác minh, Bộ Công an đã có quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào ngày 17-4-2020 và thông báo đến nhà đầu tư biết.
Nhóm nhà đầu tư ngoại cũng cho biết hiện chính phủ và các cơ quan hành pháp của các nơi có liên quan như Việt Nam, Singapore, Hong Kong và Trung Quốc đã có các hành động hỗ trợ các nhà đầu tư truy tìm Huy Nhật và các tài sản của ông này.
Thông tin khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Huy Nhật lập tức gây xôn xao bởi Huy Nhật hiện đang bị tố quỵt nợ của hàng trăm nhà cung cấp chuỗi Món Huế với hơn 40 tỉ đồng và đến nay vẫn chưa trả như đã hứa hẹn.
Trong ngày 19-5, nhóm các nhà cung cấp của Món Huế đã kêu gọi những người đang bị Món Huế nợ số tiền hàng lớn chưa được thanh toán nhanh chóng đến cơ quan công an nộp đơn tố cáo, đòi quyền lợi.
Không chỉ bị “truy tìm” bởi các nhà cung cấp, Huy Nhật cũng bị nhóm nhà đầu tư ngoại bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital đã đầu tư 70 triệu USD vào chuỗi Món Huế tố lừa đảo tài chính, chiếm dụng vốn trước khi chuỗi này chính thức sụp đổ hồi tháng 10 năm ngoái.
Ngoài vụ lừa đảo 25 triệu USD, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng nhận được đơn tố giác của Công ty Huy Việt Nam tố giác ông Huy Nhật, nguyên giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam, chủ tịch HĐTV Công ty TNHH nhà hàng Món Huế và một số cá nhân liên quan về hành vi chiếm đoạt 1.269 tỉ đồng.
Tuổi Trẻ online
5 đại dự án do Trung Quốc đảm nhiệm thua lỗ nặng nhưng không dám kiện
Có 5/12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm đang có tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC. Tuy nhiên, phía tư vấn pháp lý đã khuyên chủ đầu tư không nên kiện nhà thầu vì khả năng thắng kiện thấp.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi ĐBQH liên quan đến 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương.
– Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng – tổng mức đầu tư 172,385 triệu USD. – Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai – tổng mức đầu tư 5.170 tỷ đồng. – Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình – tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng. – Nhà máy Phân đạm Hà Bắc – tổng mức đầu tư 10.122 tỷ đồng. – Nhà máy đóng dầu Dung Quất – vốn điều lệ 3.758 tỷ đồng (PVN góp vốn 5.095 tỷ đồng). – Nhà máy thép Việt – Trung – tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng. – Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ – tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng. – Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) Quảng Ngãi – tổng mức đầu tư 2.125 tỷ đồng. – Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước – tổng mức đầu tư 1.742,76 tỷ đồng. – Nhà máy bột giấy Phương Nam – tổng mức đầu tư 3.409 tỷ đồng. – Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ – tổng mức đầu tư 2.484 tỷ đồng. – Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên – tổng mức đầu tư 8.100 tỷ đồng. |
Theo báo cáo, đến nay, chỉ có 2/12 dự án, doanh nghiệp có lãi, trong đó 1 doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế gồm Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng và Nhà máy thép Việt – Trung.
3 dự án, doanh nghiệp giảm được lỗ nhưng chưa bền vững, gồm: Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai và Nhà máy Đạm Ninh Bình.
1 dự án, doanh nghiệp dừng hoạt động nay đã vận hành trở lại là Dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ.
7 dự án, doanh nghiệp còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động.
Dư nợ của các dự án, doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn. Hiện có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án với tổng số dư nợ đến thời điểm 31/12/2019 là 20.938 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trung dài hạn là 17.169 tỷ đồng, dư nợ ngắn hạn là 3.769 tỷ đồng.
Ngoài 12 dự án, doanh nghiệp, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan 22.964 tỷ đồng.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam còn cấp tín dụng cho 06 Dự án gồm: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2- Tisco; Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình; Dự án đạm Hà Bắc; Dự án DAP số 1 Hải Phòng; Dự án DAP số 2 Lào Cai; Nhà máy đóng dầu Dung Quất với tổng dư nợ đến 31/12/2019 là 9.796 tỷ đồng.
Khả năng thắng kiện nhà thầu Trung Quốc là thấp
Báo cáo nêu rõ, trong tổng số 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương, có 5 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC với nhiều nội dung được doanh nghiệp đàm phán nhiều lần với đối tác nhưng vẫn không thành công.
Tất cả các dự án này đều do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm toàn bộ hoặc một phần, gồm:
- Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai;
- Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc;
- Dự án nhà máy đạm Ninh Bình;
- Dự án Xây dựng Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất;
- Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.
“Tranh chấp, vướng mắc chủ yếu tập trung vào các vấn đề: chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất trong việc xác định giá trị quyết toán do thay đổi về thông số kỹ thuật, xuất xứ, số lượng thiết bị so với Hợp đồng đã ký và khối lượng phát sinh ngoài nội dung hợp đồng đã ký”- báo cáo nêu.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất trong việc xác định thuế phải nộp và tiền phạt chậm nộp thuế của Hợp đồng; Tranh chấp quyết toán chi phí chạy thử; Giá trị quyết toán thực tế không phù hợp với Hợp đồng EPC đã ký; Yêu cầu bồi thường chi phí dịch vụ kỹ thuật kéo dài, chi phí bảo dưỡng khắc phục hư hỏng thiết bị, chi phí chờ đợi hướng dẫn lắp đặt thiết bị, chi phí thay đổi thiết kế, sửa chữa công trình đã thi công,…
Trước thực trạng này, báo cáo của Chính phủ nêu ra 2 giải pháp xử lý:
Thứ nhất: Đưa ra trọng tài hoặc tòa án để phân xử.
Đối với phương án này, các doanh nghiệp đã thuê tư vấn pháp lý, sau khi nghiên cứu hồ sơ, tư vấn đã khuyến cáo việc khởi kiện để xử lý tranh chấp Hợp đồng EPC (nhất là 3 dự án thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam) sẽ không thuận lợi và khả năng thắng kiện thấp, chi phí theo đuổi vụ kiện lớn, có thể chi phí cho việc phải trả tiền cho các nhà thầu khi thua kiện cộng với chi phí theo đuổi vụ kiện sẽ cao hơn tổng số tiền đang còn tranh chấp trong các Hợp đồng EPC.
Thứ hai: Chủ đầu tư tự quyết toán theo quy định của Thông tư 64/2018/TT-BTC đối với trường hợp nhà thầu không thực hiện quyết toán hợp đồng theo quy định hoặc không thực hiện các nội dung công việc để hoàn thành quyết toán.
Với phương án này, báo cáo cho hay do còn tranh chấp nên hồ sơ thực tế cũng chưa có đầy đủ để lập hồ sơ tự quyết toán.
Do đó, Chính phủ cho rằng để xử lý được tồn tại này, Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc chủ đầu tư tự quyết toán phù hợp hơn với tình hình thực tế của các dự án hiện nay.
Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an 4 dự án
4 dự án, doanh nghiệp yếu kém, lỗ triền miên, thậm chí là chưa hoàn thiện đã được chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, gồm:
- Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi;
- Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ;
- Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên;
- Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Cụ thể, Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã dừng sản xuất do không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp và thiếu vốn lưu động phục vụ sản xuất. Đến hết năm 2019, tổng nợ phải trả là 1.316,34 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.019,63 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang đầu tư xây dựng dở dang, đạt khoảng 78% khối lượng công việc; các bên không thống nhất với nhau về chi phí phát sinh nên đã dừng thi công từ tháng 11/2011, đến nay chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp góp phần vốn còn thiếu để tiếp tục triển khai, hoàn thành. Hết năm 2019, tổng nợ phải trả là 1.210,93 tỷ đồng, lỗ lũy kế âm 17,77 tỷ đồng.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên khởi công từ tháng 9/2007 đến nay chưa xong.
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu là âm 3.103,32 tỷ đồng, tổng tài sản là 4.798,35 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 7.901,67 tỷ đồng, lỗ lũy kế âm 5.356,04 tỷ đồng.
Bắt thêm một thành viên đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ tại Vĩnh Phúc
Bà Nguyễn Thị Kim Liên – cán bộ phòng Thanh tra xây dựng 3 (Bộ Xây dựng) bị bắt để điều tra về tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Tối ngày 20/5, lãnh đạo công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Kim Liên – cán bộ phòng Thanh tra xây dựng 3 (Bộ Xây dựng) để điều tra về tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên là thành viên của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng, đã bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang nhận hối lộ vào tháng 6/2019 tại huyện Vĩnh Tường.
Tại kỳ họp thứ 44, UBKTTW đã quyết định thi hành kỷ luật bà Nguyễn Thị Kim Liên với hình thức khiển trách. Bà Liên được xác định đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường.
Trước đó, ngày 12/6/2019, Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang hành vi nhận hối lộ trong quá trình thanh tra ở huyện Vĩnh Tường, khám xét khẩn cấp nơi làm việc tại trụ sở UBND huyện Vĩnh Tường với bà Nguyễn Thị Kim Anh (44 tuổi, phó trưởng phòng phòng chống tham nhũng thanh tra Bộ Xây dựng) và ông Đặng Hải Anh (38 tuổi, chuyên viên phòng thanh tra xây dựng 2, thanh tra Bộ Xây dựng).
Bà Kim Anh là trưởng đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đang trong quá trình thanh tra tại Vĩnh Phúc.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết cả hai người này có hành vi nhận hối lộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về việc thanh tra công tác quy hoạch, cấp phép, quản lý xây dựng tại một số dự án ở huyện Vĩnh Tường.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã lập biên bản sự việc từ chiều 12/6/2019 tại trụ sở UBND huyện Vĩnh Tường. Thời điểm lập biên bản có sự chứng kiến của đại diện UBND huyện, đại diện Viện KSND huyện Vĩnh Tường.
Ngày 18/6/2019, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố, tạm giam bà Nguyễn Thị Kim Anh, ông Đặng Hải Anh về tội Nhận hối lộ.
Khởi tố vụ sập tường tại Đồng Nai khiến 10 người tử vong
Cơ quan chức năng khởi tố vụ án để điều tra hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 20/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Đồng Nai) đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 298 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với vụ việc sập tường công trình xây dựng Công ty AV Healthcare (khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom) làm 10 người tử vong và 14 người bị thương.
Trước đó, vào chiều ngày 14/5, tại khu vực thi công xây dựng của Công ty AV Healthcare xảy ra vụ sập bức tường đang thi công cao khoảng 8m, dài 109m. Thời điểm xảy ra vụ tai nạn có khoảng 50 công nhân đang làm việc tại công trình. Hậu quả vụ tai nạn làm 10 người tử vong, 14 người bị thương.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, công trình này do Công ty TNHH Hà Hải Nga có địa chỉ khu phố 1A (phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) thi công. Công ty TNHH Laud JVC thiết kế và đơn vị giám sát là Công ty cổ phần dịch vụ công nghiệp Đồng Nai.
Công an tỉnh Đồng Nai đã tạm giữ hình sự ông Hà Huy Hải (SN 1964, Giám đốc công ty TNHH Hà Hải Nga) và 2 nhân viên của Công ty TNHH Hà Hải Nga là Nguyễn Quang Đoái (SN 1983, nhân viên đo đạc công trình) và Hà Huy Vĩnh Trường (SN 1996, nhân viên chấm công) để điều tra.
Cán bộ xã tự ý bán 16,000m2 đất, chiếm đoạt gần 700 triệu đồng
Công an huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) vừa khởi tố, bắt tạm giam 2 cán bộ xã Xuân Dương để điều tra hành vi bán hơn 16.000m2 đất trái thẩm quyền, chiếm đoạt 674.215.600 đồng.
Công an huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Văn Dương (SN 1967) – Bí thư Đảng ủy xã Xuân Dương và Lê Minh Thương (SN 1976) – cán bộ địa chính xã Xuân Dương giai đoạn 2007 – 2009 về hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Theo điều tra ban đầu, từ năm 2007 đến năm 2009, với vai trò là Chủ tịch UBND xã Xuân Dương, Lê Văn Dương đã bàn bạc thống nhất với một số cán bộ xã bán trái thẩm quyền 16.101m2 đất chiếm đoạt số tiền 674.215.600 đồng.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm mua đất, người dân vẫn không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với lý do tiền bán đất không được nộp vào Kho bạc Nhà nước để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chính quyền xã đã tự ý chi tiêu.
Nhiều người dân tại xã Xuân Dương có đơn khiếu kiện đông người, vượt cấp gửi đến chính quyền để đòi quyền lợi.
Sự việc sau đó đã được UBND huyện Thường Xuân nhiều lần vào cuộc giải quyết và đối thoại nhưng người dân không đồng tình.
Các hộ dân cho rằng họ đã nộp đủ tiền mua đất với chính quyền xã nên không chấp nhận nộp thêm tiền để chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ vụ việc.
Cô giáo tiểu học bị phụ huynh đánh bất tỉnh
Cô giáo tiểu học ở huyện Đức Hòa (Long An) bị phụ huynh cầm mũ bảo hiểm đánh bất tỉnh phải nhập viện cấp cứu.
Ngày 20/5, lãnh đạo xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa cho biết công an cùng cấp đang làm việc với ông N.H.P. (42 tuổi, ngụ địa phương) liên quan đến việc dùng mũ bảo hiểm đánh một cô giáo trường Tiểu học – THCS Lộc Giang bị thương phải nhập viện cấp cứu, theo Zing.
Cụ thể, khoảng 8 giờ 30 ngày 19/5, cô Đ.T.T., giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1 đang dạy thì ông P. (42 tuổi, ngụ xã Lộc Giang) chạy xe máy tới tận cửa lớp. Thấy vậy, cô T. bước ra ngoài để nói chuyện (vì nhà trường quy định phụ huynh không được đi xe vào khu vực lớp học).
Vừa bước ra trước cửa lớp, cô T. bị ông Phúc cầm nón bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu gục xuống nền đất, bất tỉnh.
Phát hiện vụ việc, bảo vệ nhà trường liền chạy vào can ngăn. Một số giáo viên lớp bên cạnh đưa cô Thúy đi bệnh viện cấp cứu.
Sau đó, công an xã Lộc Giang đã mời ông P. về trụ sở làm việc. Đến chiều cùng ngày, ông P. được cho về nhà, theo Thanh Niên.
Một số phụ huynh cho biết chiều 18/5, em N. cùng hai học sinh khác rời lớp chậm hơn nhiều em khác. Gia đình cho rằng, cô T. cố ý giữ N. và cho ra muộn.
Sáng hôm sau (19/5) ông nội của N. đến phòng làm việc hiệu trưởng kiến nghị, cho rằng cô T. không cho em N. về sớm và có hành vi đánh em N. Khoảng 30 phút sau thì xảy ra sự việc ông P. xông vào đánh cô T.
Ngày 22/5 công an tỉnh Long An sẽ làm rõ thông tin về Nguyễn Văn Nghị
Ngày 15/5, đại tá Phạm Thanh Tâm – Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An cho biết: Người từng liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải tên thật là Nguyễn Hữu Nghị, sinh năm 1984, cư ngụ ấp Hòa Ngãi, xã An Vĩnh Ngãi, TP. Tân An, tỉnh Long An, chứ hoàn toàn không phải là “Nguyễn Văn Nghị, sinh 1979, trú xã Tân Hội huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang”.
Tuy nhiên trong phiên toà giám đốc thẩm ngày 7/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) – Công an tỉnh Long An trả lời, đối tượng liên quan đến vụ án tên là Nguyễn Văn Nghị.
Như vậy về thông tin trên, ngày 22/5 tới công an tỉnh Long An sẽ làm rõ vấn đề này và thông tin một số vấn đề liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải.
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị đề nghị phạt 3-4 năm tù
VKS Quân chủng Hải quân đánh giá ông Hiến phạm tội với lỗi vô ý, “không có động cơ, mục đích” nên đề nghị 3-4 năm tù, thấp hơn một nửa so với khung truy tố, theo VnExpress.
Sáng 20/5, trong phần luận tội, VKS xác định ông Hiến tại thời điểm phạm tội là Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Trong thời gian này ông Hiến đã ký phê duyệt đưa 3 khu đất quân sự trên đường Tôn Đức Thắng, TP. HCM, vào liên doanh, trong khi bản chất đây là “cho thuê đất không đúng pháp luật”.
Hậu quả, Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 939 tỷ đồng.
4 thuộc cấp của ông Hiến tại Quân chủng Hải quân bị VKS xác định phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý đất đai”. Trong đó, ông Bùi Như Thiềm (cựu trưởng phòng Kinh tế) bị đề nghị 7-9 năm tù, Bùi Văn Nga (cựu giám đốc Công ty Hải Thành, thuộc Quân chủng Hải quân) 6-8 năm tù, Đoàn Mạnh Thảo (cựu trưởng phòng Tài chính) 5-7 năm tù, Trần Trọng Tuấn (cựu đại tá, phó giám đốc Công ty Hải Thành) 3-4 năm tù.
Ba người bị đề nghị tuyên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm: Đinh Ngọc Hệ (Út “Trọc”, cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) 20 năm tù (tổng hợp bản án trước là 30 năm tù) phạt bổ sung 80-100 triệu đồng; Phạm Văn Diệt (cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình) 15 năm tù, phạt bổ sung 50-70 triệu đồng, Vũ Thị Hoan (cựu tổng giám đốc Công ty Yên Khánh) 7-9 năm tù, phạt bổ sung 20-30 triệu đồng.
Cảnh báo nguy cơ virus DIV1 trên tôm lây từ Trung Quốc vào Việt Nam
Hiện loại virus mới có tên Decapod iridescent virus 1 (DIV1) đang gây ảnh hưởng lớn cho ngành nuôi tôm của Trung Quốc.
Ngày 20/5, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia); UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu và Điện Biên về việc tăng cường quản lý thủy sản vận chuyển qua biên giới.
Theo Bộ này, mạng lưới các Trung tâm nuôi trồng thủy sản vùng châu Á – Thái Bình Dương (NACA) cho biết loài virus mới có tên là Decapod iridescent virus 1 (DIV1) đã gây thiệt hại cho ngành nuôi tôm tại Trung Quốc trong những năm gần đây.
Virus DIV1 được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2014 trên mẫu tôm càng đỏ tại tỉnh Phúc Kiến, tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Chiết Giang và tôm càng xanh tại một số tỉnh của Trung Quốc.
Tháng 2/2020, bệnh xuất hiện trở lại ở tỉnh Quảng Đông và đã gây ảnh hưởng cho khoảng 1/4 diện tích nuôi tôm ở tỉnh này. Virus lây nhiễm cho tôm ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng và đã được phát hiện gây bệnh trên một số loài tôm biển, tôm nước lợ và tôm nước ngọt.
Hiện đã phát hiện một số loài cảm nhiễm virus DIV1, bao gồm: tôm càng đỏ, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, tôm hùm đất hay tôm hùm nước ngọt, tôm càng sông hay tôm chà và tôm gai.
Bộ Nông nghiệp cho biết hiện chưa có thông tin về bệnh do DIV1 xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, để phòng dịch, Bộ đề nghị Thường trực BCĐ 389 quốc gia yêu cầu BCĐ 389 của các tỉnh biên giới xử lý các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn tươi sống cho thủy sản,…
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh biên giới Trung Quốc kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới đối với tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn tươi sống cho thủy sản; xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép,…