Mạc Văn Trang
26-5-2020
“Vọng phu” có lẽ là một hình tượng điển hình của người phụ nữ Việt Nam? Những cuộc chiến tranh liên miên, trai tráng ra mặt trận, những người vợ, người mẹ mỏi mòn ngóng đợi chồng, con … Những người đàn ông ra khơi bám biển giữa trùng khơi mịt mùng, những người vợ, người mẹ bồn chồn đăm đắm nhìn ra biển trời giông bão … Đất nước có bao nhiêu hòn “vọng phu”, bao nhiêu ngôi mộ gió?
Nhưng đau buồn nhất là khi đất nước kết thúc chiến tranh, ta có thể nhân đạo với kẻ thù xâm lược, cấp lương thực, phương tiện cho họ sớm về đoàn tụ với vợ con, nhưng lại tàn ác giết hại, bắt bớ, đày đoạ hành hạ đồng bào mình ở bên “thua cuộc” một cách dai dẳng, tàn nhẫn… Bao nhiêu người vợ, người mẹ lại phải lặn lội đi tìm kiếm nơi giam giữ chồng, con để “tiếp tế”, “chăm nuôi” và mỏi mòn chờ đợi …
Nay cũng vậy, bao nhiêu tù nhân lương tâm, lẽ ra không có ở một thể chế tự do, dân chủ, thì ở ta lại ngày càng nhiều, càng khốc liệt. Người ta còn muốn đoạ đày, tàn ác bằng cách bắt đi giam giữ ở những nơi xa xôi, thời tiết khắc nghiệt, khó khăn đi lại, để gia đình phải khốn khổ, khốn nạn mỗi lần đi “thăm nuôi”. Nhiều người ở Hà Nội như bà Cấn thị Thêu thì bị đưa vào nhà tù tận Gia Lai; ông Nguyễn Hữu Vinh thì đưa vào mãi Thanh Hoá…
Mới đây, người ta bắt ông Nguyễn Tường Thuỵ ở Hà Nội thì đưa vào Sài Gòn giam giữ… để bà Lân vợ ông lại phải khăn gói từ Hà Nội vào thăm chồng với bao gian nan, vất vả, tốn kém. May có bà Cấn Thị Thêu, người nhiều trải nghiệm tù đày, đồng hành để nâng đỡ, an ủi trong lúc hoạn nạn…
Thế đấy, với đồng bào mình thì phải tìm mọi thủ đoạn, làm sao đày đoạ cho thật tàn nhẫn, khổ cực, cay đắng, khốn khổ, khốn nạn… mới “hả lòng” chăng (?). Người chết trong tù người nhà xin về mai táng cũng không được, phải đợi 3 năm sau mới được bốc hài cốt về…
Đất nước hoà bình mấy mươi năm rồi, vẫn cứ phải tàn ác với nhau? Mà bao đau khổ dồn hết lên đôi vai gầy của những người vợ, người mẹ phải gánh chịu là chính. Vẫn những dáng hình người vợ ngóng chồng, người mẹ mong con mòn mỏi…