Pompeo: Hồng Kông không còn đủ điều kiện để tiếp tục hưởng ưu đãi của Mỹ
- Xuân Thành
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Tư (27/5) nói rằng Trung Quốc đã làm suy yếu quyền tự chủ cơ bản của Hồng Kông đến mức mà lãnh thổ này không còn đủ điều kiện để tiếp tục được Mỹ đối xử đặc biệt theo luật Mỹ.
“Hôm nay, tôi xác nhận trước Quốc hội rằng Hồng Kông không còn đủ điều kiện được đối xử theo cách luật Mỹ đã áp dụng cho Hồng Kông trước tháng 7/1997“, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố.
“Không một cá nhân nào có lý trí bây giờ có thể khẳng định Hồng Kông vẫn duy trì mức độ tự trị cao độ trước Trung Quốc, vì những sự kiện trên thực địa”, ông Pompeo nói thêm.
“Bây giờ rõ ràng Trung Quốc đang biến Hồng Kông theo hình mẫu của họ”, ông Pompeo khẳng định.
Ông Pompeo nói rằng kế hoạch áp đặt luật an ninh mới lên Hồng Kông “chỉ là bước đi mới nhất trong hàng loạt hành động của Trung Quốc làm xói mòn cơ bản quyền tự trị và tự do của Hồng Kông”.
Ông Pompeo đưa ra xác nhận nêu trên với Quốc hội Mỹ sau khi chế độ Trung Quốc thông báo về kế hoạch áp đặt một luật an ninh quốc gia mới lên Hồng Kông. Dự luật này đã kích hoạt các cuộc biểu tình mới tại hòn đảo bán tự trị trong vài ngày qua và cảnh sát đã dùng hơi cay và vòi rồng để trấn áp đám đông.
>>Hồng Kông biểu tình lớn ngày 24/5 phản đối Luật An ninh Quốc gia
Tổng thống Donald Trump bây giờ sẽ là người quyết định sẽ chấm dứt một phần, tất cả hay vẫn giữ nguyên các đặc quyền kinh tế mà Mỹ đang dành cho Hồng Kông.
Ông Pompeo không đưa ra khuyến nghị cụ thể về cách thức đối xử với Hồng Kông trong tuyên bố chứng thực gửi Quốc hội. Tuy nhiên, theo Reuters, một số người thạo tin nói rằng chính quyền Trump đang xem xét đình chỉ áp dụng tỷ suất thuế ưu đãi cho các hàng hóa Hồng Kông xuất sang Mỹ.
Reuters dẫn các nguồn tin giấu tên khác cho biết Tổng thống Trump cũng có thể lựa chọn áp chế tài lên các quan chức, cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan tới việc thực thi luật an ninh quốc gia mới.
Theo đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông 2019, chính quyền Mỹ tối thiểu mỗi năm phải một lần xác nhận Đặc khu Hồng Kông có duy trì mức độ tự chủ đủ để tiếp tục được hưởng quy chế ưu đãi của Mỹ nữa hay không.
Tuyên bố nêu trên của Ngoại trưởng Pompeo được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Trung Quốc tiến hành bỏ phiếu tại Quốc hội về đạo luật an ninh mới cho Hồng Kông. Phiên bỏ phiếu này dự kiến diễn ra trong ngày thứ Năm 28/5 (giờ Trung Quốc).
Xuân Thành
Hàng nghìn người Hồng Kông biểu tình phản đối luật quốc ca
Hàng nghìn người dân Hồng Kông xuống đường biểu tình trước phiên thảo luật của các nhà lập pháp Đặc khu về dự luật quốc ca, trong đó hình sự hóa các hành vi lạm dụng quốc ca Trung Quốc tại Hồng Kông, theo AP đưa tin.
Đông đảo cảnh sát Hồng Kông đã được điều động đến bảo vệ bên ngoài tòa nhà lập pháp của chính quyền Đặc khi trước diễn ra phiên họp thảo luận về dự luật quốc ca. Cảnh sát đã phát đi cảnh báo người biểu tình rằng nếu họ không giải tán, họ có thể bị truy tố.
Tại quận mua sắm trung tâm Hồng Kông, cảnh sát đã vẫy cờ cảnh báo người biểu tình giải tán, sau đó họ đã bắn đạn hơi cay vào đám đông và lục soát nhiều người. Khoảng hơn 50 người tập hợp cùng nhau ngồi bên ngoài một trung tâm mua sắm tại Vịnh Đồng La, trong khi cảnh sát chống bạo động bao vây xung quanh. Cảnh sát cũng cảnh báo các nhà báo không được quay phim họ xịt hơi cay.
Tối thiểu 16 người, phần lớn là trẻ vị thành niên, đã bị bắt vì tội sở hữu các vật dụng với mục đích vi phạm pháp luật, chẳng hạn như bom xăng và chìa vít. Ba người trong nhóm bị bắt này bị cáo buộc lái xe gây nguy hiểm.
Theo AP, các nhà lập pháp Đặc khu Hồng Kông vào chiều muộn 27/5 sẽ thảo luận về dự luật quốc ca, trong đó sẽ cho phép kết tội hình sự bất cứ ai có hành vi nhục mạ, không tôn trọng bài “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” – quốc ca Trung Quốc. Những người bị kết tội này có thể đối mặt với án phạt lên tới 3 năm tù giam và phạt tiền 50.000 đô la Hồng Kông (6.450 USD).
Dự luật quốc ca này được đề xuất ra nghị viện Hồng Kông vào tháng 1/2019 sau khi khán giả trong nhiều trận bóng đá quốc tế tại hòn đảo bán tự trị này đã cười nhạo khi ban tổ chức phát quốc ca Trung Quốc trong lễ chào cờ trước trận đấu. Năm ngoái, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã phạt Liên đoàn Bóng đá Hồng Kông sau khi cổ động viên Đặc khu la ó quốc ca Trung Quốc tại một trận đấu vòng loại World Cup.
Những người phản đối dự luật quốc ca nói rằng luật này là một đòn giáng mạnh vào quyền tự do biểu đạt của công dân Hồng Kông. Trong khi, các quan chức chế độ Bắc Kinh cho biết luật quốc ca sẽ thúc đẩy tinh thần yêu nước và các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi của Trung Quốc.
Hồng Kông trước đây là thuộc địa của Anh Quốc và được London trao trả về Bắc Kinh vào năm 1997. Khi đó, Trung Quốc cam kết trong tuyên bố chung Trung-Anh 1984 rằng họ sẽ đảm bảo Hồng Kông có quyền tự trị cao trong 50 năm kể từ năm 1997 theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.
Trong những năm gần đây, chế độ Trung Quốc ngày càng muốn thắt chặt kiểm soát Hồng Kông hơn. Điều này làm gia tăng tâm lý chống Trung Quốc tại trung tâm tài chính hàng đầu Châu Á và thế giới.
Năm 2014, Hồng Kông đã bùng nổ các cuộc biểu tình lớn, được biết đến là Cách mạng Ô dù, phản đối chính quyền Trung Quốc yêu cầu phải kiểm duyệt ứng viên trước khi đưa ra cho người dân bỏ phiếu để bầu trực tiếp lãnh đạo Đặc khu. Cuối cùng, kế hoạch bầu cử trực tiếp này đã bị hủy bỏ.
Năm ngoái, cơ quan lập pháp Hồng Kông đã đề xuất luật dẫn độ để cho phép chuyển công dân Hồng Kông về Trung Quốc đại lục xét xử. Dự luật này đã làm bùng phát các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Hồng Kông suốt bảy tháng, đỉnh điểm có tới hai triệu người xuống đường biểu tình. Cuối cùng, cơ quan lập pháp Hồng Kông đã phải rút lại dự luật dẫn độ vô thời hạn.
Tuần trước, trong phiên khai mạc kỳ họp thường niên quốc hội Trung Quốc, giới chức Bắc Kinh đã đề xuất ban hành luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Luật này nhằm kết tội hình sự các hành vi “ly khai, lật đổ, can thiệp nước ngoài và khủng bố”. Luật cũng cho phép các cơ quan tình báo của Trung Quốc được đặt trụ sở tại Hồng Kông. Quốc hội Trung Quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua luật an ninh này vào ngày 28/5 tới đây và bỏ qua quyền lập pháp của Hồng Kông.
Xuân Thành (Theo AP)
Động cơ gì thúc đẩy Bắc Kinh vươn bàn tay sắt sang Hồng Kông?
Động lực cho hành động của một cá nhân thường bắt nguồn từ hai yếu tố chính: một là do đam mê, hai là đến từ sợ hãi. Và sức mạnh từ sự sợ hãi luôn lớn hơn nhiều so với đam mê. Do đó mà giới kinh tế có thuật ngữ “điểm đau về tài chính”. Vậy tại sao sức mạnh từ sợ hãi lại lớn hơn nhiều so với từ sở thích? Bởi vì sở thích thường đa dạng, có thể lựa chọn, cũng có thể từ bỏ, nhưng nỗi đau thì không thể nào xem nhẹ. Vậy thì, ĐCSTQ rốt cuộc sợ hãi điều gì khi phải ráo riết thúc đẩy “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”?
Dưới đây là bài viết của Đặc Hữu Lý thể hiện quan điểm của riêng tác giả.
1. Mất bò mới lo làm chuồng – sợ mất khả năng kiểm soát Hồng Kông
Sau cuộc bầu cử tại Đặc khu Hồng Kông năm ngoái, ‘bù nhìn’ ĐCSTQ đại bại, không chỉ làm mất mặt ĐCSTQ mà khả năng kiểm soát Hồng Kông ngày một thêm khó. Do đó, giống như việc muốn dụng dao phải nắm được cán, ĐCSTQ cũng phải chế cho mình một cái “bàn tay sắt” hiệu quả để kiểm soát Hồng Kông. “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”chính là thứ cán dao bạo lực mà ĐCSTQ đang cần.
2. Giết gà dọa khỉ – Đánh Hồng Kông đe quốc nội
“Loạn trong giặc ngoài”, lại thêm bị truy cứu trách nhiệm quốc tế và cô lập kinh tế sắp tới, xem ra điều mà chính quyền Bắc Kinh phải đối mặt cũng ngày trở nên ác liệt. Ổn định chính quyền luôn là “điểm đau” lớn nhất của ĐCSTQ. Sự tồn tại của “một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông, cùng với sự đấu tranh không ngưng nghỉ của người dân nơi này hẳn có thể cháy lan sang cả “củi khô” Đại Lục. ĐCSTQ có thể trì hoãn việc dập dịch, nhưng dập tắt đốm lửa phản kháng ở Hồng Kông thì quyết không thể nương tay, ngay cả khi Hồng Kông đã hoàn toàn nội địa hóa.
Giết gà dọa khỉ, duy trì chế độ chính là động lực cốt lõi, hay chính là “điểm đau” thúc đẩy ĐCSTQ khẩn trương áp lên Hồng Kông các điều luật tồi tệ.
3. Vườn không nhà trống, dùng vũ trang để vá chỗ hở
Chính quyền ĐCSTQ cũng tự biết những điều ác đã từng làm không tránh khỏi sớm chiều bị quả báo, trước sau gì cũng sẽ đối mặt với xung đột vũ trang quốc tế. Trước sự căm thù tột cùng của người dân Hồng Kông, nơi này có thể sẽ trở thành cầu nối cho quân đội nước ngoài một khi chiến tranh được phát động. Vá các lỗ hổng vũ trang ở Hồng Kông cần phải được làm càng sớm càng tốt, phòng thủ và ngăn chặn người dân Hồng Kông tạo thành các đảng dẫn đường cho quân đội nước ngoài…. chính là bắt nguồn từ cảm giác khủng hoảng quân sự trong nước.
Tóm lại, do nhận thức ra được khủng hoảng cận kề, ĐCSTQ quyết định “chơi bài liều” với thế giới mà vươn “bàn tay sắt” sang Hồng Kông. Đây không chỉ là chính sách “đã cân nhắc cặn kẽ” mà còn điên rồ cuồng loạn. Vậy thì, trong cuộc đối đầu tiếp theo, chính quyền Bắc Kinh sẽ đi đến choáng váng và tự thắt chặt cái thòng lọng đã tròng lên cổ bấy lâu nay.
Đặc Hữu Lý
Covid-19: Hồi kết cho cuộc tranh cãi về liệu pháp dùng Chloroquine?
Trọng Nghĩa
Những diễn biến liên quan đến đại dịch Covid-19 tiếp tục được báo chí Pháp ra ngày 27/05/2020 đưa lên tựa lớn trang nhất, đặc biệt là hồ sơ Chloroquine trên báo Libération, và quan điểm thận trọng thời hậu phong tỏa trên Le Figaro. Riêng hai tờ Le Monde và Les Echos thì tập trung trên chính sách kinh tế tại Pháp, trong lúc La Croix nhìn rộng ra toàn thế giới, lo lắng về nạn đói có thể xẩy ra sau nạn dịch.
Về hồ sơ thuốc chloroquine chuyên trị sốt rét được nhiều người trong thời gian gần đây cho là “thần dược” trị bệnh Covid-19, Libération đã chạy một tựa rất hóm hỉnh trên trang nhất: “Chloroquine – Viên thuốc không có hôm sau?”, nguyên văn tiếng Pháp là “la pillule sans lendemain” chơi chữ trên từ ngữ “la pillule du lendemain”, tạm dịch là “viên thuốc của hôm sau”, trước đây được dùng để chỉ thuốc ngừa thai!
Theo nhận định của Libération, thì sau một bài nghiên cứu nghiêm túc vừa được đăng trên tạp chí y học Anh Quốc nổi tiếng The Lancet và hai thông báo đề nghị dừng thử nghiệm lâm sàng đến từ Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Hội Đồng Cấp Cao về Y Tế Công Cộng Pháp, liệu pháp trị bệnh Covid-19 được giáo sư Pháp Didier Raoult bảo vệ – từng được coi là niềm hy vọng thực thụ khi dịch bệnh mới bắt đầu – càng lúc càng gây thêm tranh cãi.
Chloroquine: Bộ phim y học – chính trị – truyền thông nhiều tập
Bài viết chính trong một hồ sơ 4 trang của tờ báo thiên tả Pháp cho rằng bộ phim nhiều tập vừa y học, vừa chính trị, vừa truyền thông về chất hydroxychloroquine đã bắt đầu tập cuối mang tựa đề “Cú chấm dứt”.
Libération trước hết nêu bật nội dung chính của bài nghiên cứu của tạp chí The Lancet, đã kết luận rằng chất chloroquine (hay chất phái sinh hydroxychloroquine, được giáo sư Didier Raoult quảng bá ở Pháp) không chỉ không hiệu nghiệm trong việc chữa trị những người đã phải nhập viện vì nhiễm virus corona, mà còn làm tăng tỷ lệ tử vong và các trường hợp bị rối loạn nhịp tim.
Theo tờ báo, do việc tạp chí Lancet nổi tiếng là rất nghiêm túc, và quy mô to lớn của công trình nghiên cứu được công bố (đã xem xét bệnh án của 96.032 bệnh nhân), bài báo khoa học đã gây được tiếng vang ngay lập tức, và các khuyến cáo dừng chữa trị hay thử nghiệm chất chloroquine càng lúc càng nhiều.
Libération dĩ nhiên đã nhắc đến phản ứng gay gắt của giáo sư Raoult, vào hôm 25/05 vừa qua, đã lớn tiếng chỉ trích bài nghiên cứu trên tạp chí The Lancet, cho đấy chỉ là những “quan sát” lộn xộn, vô giá trị.
Tuy nhiên, theo tờ báo Pháp, ông Denis Malvy, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, đã nhấn mạnh trên tính chất nghiêm túc của công trình được công bố trên tạp chí y khoa Anh Quốc mà theo ông, là “một nghiên cứu được tổ chức nghiêm ngặt từ đầu đến cuối, trong giới hạn của những gì một phương pháp quan sát có thể cung cấp.”
Giáo sư Jean-François Timsit, trưởng khoa hồi sức tại bệnh viện Bichat, Paris, cũng cho rằng không thể hoài nghi về kết luận của công trình, theo đó chất chloroquine không có hiệu quả đối với bệnh nhân Covid-19.
Tranh luận y học biến thành ấu đả chính trị
Trong bài xã luận, Libération đã tự hỏi là có thể ghi từ “kết thúc” vào câu chuyện dài nhiều tập sôi động về chất chloroquine hay chưa, để trả lời ngay rằng “chưa đâu”. Tuy nhiên nhà bình luận của tờ báo cho rằng những ai có chút suy nghĩ đều phải sẽ hoài nghi về hiệu quả thực thụ của phân tử này.
Đối với Libération, cuộc tranh cãi đang diễn ra rốt cuộc đã biến thành một cuộc ấu đả. Thay vì một cuộc tranh luận khoa học người ta đã chứng kiến một cuộc đấu đá được chính trị hóa một cách khác thường.
Một bên là phe ủng hộ giáo sư Raoult, “những người thấp cổ bé miệng” chống lại « những người ăn trên ngồi chốc”, còn bên kia là phần lớn những người đầu đàn trong lãnh vực y học mà người ta không thấy tại sao họ lại từ chối sử dụng một phương thức trị liệu tốt cho bệnh nhân nếu không có hoài nghi thực sự về hiệu quả của nó.
Libération cho là đã dến lúc chấm dứt trò hề này. Chỉ có một nghiên cứu theo đúng quy trình, với một nhóm nhân chứng mới cho phép đưa ra quyết định dứt khoát. Trong khi chờ đợi thì nên thận trọng và khiêm tốn.
Liệu dịch bệnh sắp chấm dứt?
Cũng liên quan đến dịch Covid-19, nhật báo Le Figaro của Pháp đã đặt thành tựa lớn trang nhất câu hỏi: “Có nên tin tưởng rằng dịch bệnh sắp chấm dứt hay không?”
Tờ báo ghi nhận là hai tuần sau khi dở bó phong tỏa, tất cả những chỉ số đều chuyển sang màu xanh cho thấy là Covid-19 đã lùi bước trên toàn lãnh thổ Pháp.
Mỗi ngày chỉ còn 300 ca nhiễm mới ghi nhận trên toàn nước Pháp, ít hơn đến gần 20 lần so với đỉnh cao tháng Tư. Và kể từ ngày bắt đầu dở bỏ phong tỏa hôm 11/05, mọi biểu đồ đều cho thấy là dịch bệnh đang lùi bước, và việc nới lỏng phong tỏa, hoạt động xã hội gia tăng trở lại có vẻ như đã không làm cho việc lây nhiễm tăng cao trở lại.
Tuy nhiên phần đông các chuyên gia dịch tễ vẫn kêu gọi thận trọng, sợ rằng tình hình có thể xấu đi trở lại, gây tắc nghẽn trong các khoa hồi sức tại các bệnh viện trước khi bắt đầu mùa hè.
Trong tình hình các sinh hoạt tại Pháp đang dần dần trở lại bình thường, Le Figaro ghi nhận là giới chức y tế đã gia tăng khả năng chẩn đoán và theo dõi các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, và cũng đang cố ngăn chặn lây lan tại 46 ổ dịch nhỏ đã được phát hiện trên toàn quốc từ đầu tháng đến nay.
Tiến trình nới lỏng phong tỏa suôn sẻ tại Đức và Áo
Theo Le Figaro, tại Đức, chính quyền vẫn tiếp tục phương pháp đã cho phép nước này ngăn chặn dịch bệnh từ tháng 3, tiếp tục xét nghiệm dân chúng.
Trái với Pháp, Đức càng lúc càng cho thấy là họ không mấy thiên về việc sử dụng ứng dụng trên mobile để kiểm soát dịch bệnh, nhưng lại vẫn chủ trương thúc đẩy việc mọi người mang khẩu trang và giữ khoản cách an toàn.
Về tình hinh nước Áo, Le Figaro nêu bật tính chất thận trọng của quốc gia này trong việc gỡ bỏ từng bước các biện pháp phong tỏa, từ việc cho phần lớn các cửa hàng mở cửa từ trung tuần tháng 4, sau đó đến lượt các hiệu hớt tóc, các cơ sở thương mại hơn 400 m2 vào giữa tháng 5 và đến ngày 29/05 tới đây là các quán cà phê, quán rượu, nhà hàng, khách sạn.
Điều khiến tờ báo chú ý là tính kỷ luật và cảnh giác của Áo. Một ví dụ: Ở khắp nơi, từ việc đi nhà thờ cho đến đi mua sắm, mọi người đều phải mang khẩu trang.
Pháp chuẩn bị giảm tài trợ cho chế độ thất nghiệp bán phần
Tựa lớn trang nhất báo Le Monde của Pháp được dành cho kinh tế Pháp: “Thất nghiệp bán phần : Nhà Nước khởi sự giai đoạn giảm tài trợ”. Trong bài phân tích bên trong, Le Monde giải thích là sau khi hào phóng cho áp dụng chế độ “thất nghiệp bán phần” kể từ giữa tháng Ba, nhận chi trả toàn bộ các khoản trợ cấp mà các công ty xí nghiệp phải ứng trước cho số nhân viên của họ bị buộc phải nghỉ làm – do đó không có lương – vì các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid 19, chính phủ Pháp đã bắt đầu dần dần giảm bớt phần tài trợ của mình.
Theo nhật báo Pháp, ngay từ 01/06, doanh nghiệp nào dùng đến biện pháp này, sẽ không còn được tài trợ 100%, mà phải gánh vác 15% trên những khoản trợ cấp đã chi ra. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp trong những lãnh vực nhu du lịch hay nhà hàng, vẫn phải chịu tác hại nặng nề do các biện pháp y tế nghiêm ngặt hiện hành, các quy định mới chưa được áp dụng
Đối với Le Monde, quyết định kể trên nhằm khuyến khích các doanh nghiệp “không còn bị các biện pháp y tế ràng buộc” tái lập hoạt động, đồng thời bảo vệ các công ty xí nghiệp chưa thể hoạt động lại.
Nguy cơ thất nghiệp tăng cao
Vấn đề, theo Le Monde, là với tình trạng đình đốn kinh tế nói chung hiện nay, nguy cơ các doanh nghiệp sa thải thực thụ các nhân viên của họ rất lớn do việc họ không còn được hưởng các khoản tài trợ của chính phủ, và trong số 8 triệu người chịu cảnh thất nghiệp bán phần trong thời gian qua, sẽ có nhiều người trở thành thất nghiệp hoàn toàn.
Trong một phóng sự kèm theo bài phân tích về việc giảm chế độ thất nghiệp bán phần, Le Monde ghi nhận lời chứng của nhiều người bị công ty của mình xếp vào diện này, trên nguyên tắc không phải lao động, nhưng trong thực tế vẫn bị chủ công ty bắt phải làm việc.
Theo một nghiên cứu của hãng tham vấn Technologia, trong khoảng thời gian hai tháng Ba và Tư, có đến 24% người bị “thất nghiệp bán phần” đã bị chủ doanh nghiệp của họ bắt làm việc”. Nhiều người khẳng định rằng khi khiếu nại, họ đã bị người chủ dọa sa thải.
Les Echos: Pháp muốn đẩy mạnh sản xuất xe hơi chạy bằng điện
Liên quan đến nước Pháp, báo Les Echos chạy trên trang nhất tựa lớn “Một kế hoạch để thúc đẩy mạnh ngành sản xuất ô tô điện”
Tờ báo kinh tế Pháp ghi nhận chỉ tiêu rất cao mà chính phủ Pháp đề ra: Đó là làm sao để cho từ nay đến năm 2025, sẽ có một triệu chiếc xe hơi điện được sản xuất tại Pháp.
Để làm điều này, có hai biện pháp được chính phủ Pháp khuyến khích: Chi ra hơn một tỷ euro để tài trợ cho những người mua xe mới, và thành lập thêm nhiều quỹ đầu tư mới để giúp đỡ các doanh nghiệp.
La Croix: Sau dịch Covid-19 là nạn đói?
Sau cùng, nhật báo Công Giáo La Croix đã dành trang nhất cho một chủ đề quốc tế với hàng tựa lớn: “Nạn đói, một nguy cơ đại dịch mới”.
Theo La Croix, ở Chile, Thái Lan, Liban, thậm chí ở Hoa Kỳ, những lời chứng về thảm trạng đang rình rập ngày càng nhiều: Nạn đói đang trở lại trong những cộng đồng cho đến nay chưa bị đe dọa.
Trong tình hình đáng báo động đó, giới chuyên gia cho rằng các chính phủ và tổ chức quốc tế nên đặt ngay trọng tâm trên vấn đề giúp các tầng lớp dân chúng được tiếp cận dễ dàng với lương thực.