Nguyễn Thị Thanh Dương
Buổi chiều hai “vợ chồng son” ngồi vào bàn ăn. Bà mở nồi cơm điện xúc ra hai bát cơm thì ông lên tiếng hỏi ngay:
– Vẫn cơm buổi sáng hả?
– Cơm còn nhiều đủ cho buổi chiều anh ạ.
Nét mặt ông không vui:
– Em biết là anh chỉ thích ăn cơm nóng mới nấu thôi mà.
– Vâng, em biết, nhưng cơm còn nhiều, nấu thêm cơm mới ngày mai chúng ta lại có cơm cũ.
Ông lại nhìn vài con tôm bày trong chiếc đĩa nhỏ xinh xinh bên cạnh bát canh rau cải xanh nấu thịt bò cũng nho nhỏ xinh xinh và ông …phát giác thêm: “Tôm rim của ngày hôm qua, còn bát canh của buổi sáng nay. Anh nhắc lại anh chỉ muốn cơm canh nóng sốt, bữa nào ra bữa ấy.”
Giọng bà dỗ dành: “Ngoan đi, nghe lời em. Hôm nay em hơi mệt, anh chịu khó ăn đồ còn dư đỡ mất công em nấu, đỡ tốn tiền và đỡ chật tủ lạnh.”
Bà đã nhẫn nhịn, đã dịu ngọt mà ông vẫn sưng xỉa bưng bát cơm ăn như kẻ bị lưu đày, bị đối xử tàn tệ. Ông ăn lưng bát cơm thì buông đũa suồng sã thô lỗ và đứng dậy xong bữa.
Bà cảm thấy bị tổn thương và ngán ngẩm. Nỗi buồn bã và ân hận dâng lên tận cổ. Bà nghẹn lời không muốn nói gì nữa…
Mới ở với nhau hơn một năm mà ông đã thay đổi và lộ hẳn con người thật của ông. “Chàng” của… năm ngoái, thuở mới quen không còn nữa…
Hai ông bà gặp nhau trong một buổi sinh hoạt cộng đồng ở Nam Cali. Họ ngồi cạnh nhau. Ông bắt chuyện làm quen trước, qua vài câu thăm hỏi khéo léo, cả hai cùng biết chút đời tư của nhau, cùng độ tuổi và cùng góa bụa đơn lẻ như nhau.
Bà về hưu tiền ít ỏi nên xin hưởng welfare, bà ở căn apartment dành cho người cao niên lợi tức thấp. Đứa con trai duy nhất của bà đã lập gia đình, vợ nó người Mỹ. Một hai năm vợ chồng nó mới từ tiểu bang khác về Cali thăm bà. Bà quen với cảnh sống một mình kể từ khi chồng bà qua đời và con ở xa. Căn phòng bà ở tầng lầu hai, có lan can cửa sau ngập bóng mát cây cao, bà kê chiếc ghế dựa dài ở đây, những lúc rảnh nằm thảnh thơi đón gió và đọc sách báo. Thỉnh thoảng bà gấp sách báo ngừng đọc cho đỡ mỏi mắt và phóng tầm nhìn xa mây trời lênh đênh hay nhìn xuống dưới đất người ta qua lại trong khu apartment mà vui.
Từ khi ông làm quen, niềm vui của bà nhiều hơn. Đã mấy lần bà ngồi ở lan can hiên sau nhìn thấy ông đang đậu xe và đi bộ vào nhà bà, ông ngước lên, bà nhìn xuống, bốn mắt ở xa nhau mà cùng giao cảm, cùng rộn ràng. Họ như mới ở tuổi đôi mươi hẹn hò. Mỗi lần ông đến thăm luôn mang theo một món quà, khi thì bó hoa đẹp nên thơ lãng mạn, khi thì thực tế đời thường một hộp heo quay và hai ổ bánh mì còn nóng để hai người cùng ăn. Bà đáp lễ, có lúc mời ông dùng chung bữa cơm trưa, cơm chiều, ông đều vui vẻ ăn và khen ngon, dù đó là nồi cơm bà nấu hai ngày ăn chưa hết, là nồi cá kho ba ngày vẫn còn, hay nồi thịt kho trứng ít nhất cũng vài ngày cứ kho đi kho lại. Bà cảm động vì đã gặp người cùng sở thích, cảm thông.
Bà tính đơn giản và tiết kiệm vì đồng tiền ít ỏi. Một mình nấu một cup gạo chỉ dính nồi thì bà nấu hẳn vài cup gạo để ăn vài lần, các món kho món mặn cũng thế. Bà có nhiều thời giờ thảnh thơi xem phim truyện trên YouTube và đọc sách bạn bè gởi tặng hay báo miễn phí tha về một đống ngoài chợ búa.
Khi ông ngỏ lời muốn kết hôn với bà, muốn cùng bà “dìu nhau” đi nốt quãng đường đời còn lại bà đắn đo nhiều lắm. Đánh đổi cuộc sống độc thân tự do và nhàn hạ lấy cuộc sống chung hai người trên danh nghĩa vợ chồng rất nhiều khác biệt. Ít nhiều bà sẽ lệ thuộc vào ông.
Về với ông nhà cao cửa rộng, tiền bạc không thiếu. Nhưng trái tim đa cảm của bà đã chọn ông, chọn cuộc sống lứa đôi cuối đời với người mà bà tin là tri kỷ tri âm chứ không vì những thứ vật chất ấy. Nhà bà cách nhà ông chỉ 30 phút lái xe mà hai khung trời khác biệt. Ông ở trong khu hàng xóm sang trọng, căn nhà to đẹp, cuộc sống trung lưu. Các con ông đứa nào cũng thành danh trong ăn học, trong kinh doanh.
Khi bà dọn về với ông, ba đứa con ông giỏi xã giao lịch sự với bà, nhưng bà vẫn đọc thấy chúng nhìn bà với vẻ ái ngại và nghi ngờ. Chắc chúng tưởng bà ăn welfare này lấy ông vì tài sản và danh giá của gia đình ông? Chúng đâu biết ông đã phải năn nỉ cầu mong bà nhận lời và bà đã đắn đo suy nghĩ mãi mới đi đến quyết định sống chung.
Những ngày đầu sống chung đã là những tuần trăng mật, họ như đôi vợ chồng son luôn cho nhau những ánh mắt thắm tình và nụ cười trìu mến bao dung. Họ xưng hô “anh, em” ngọt ngào và trân trọng. Nhưng ông không đơn giản như bà nghĩ. Chắc ông quen sống trong giàu sang, quen được chiều chuộng và quen ra lệnh sai bảo người khác, ông khó tính khó nết đến khác người. Nhà chỉ hai người nhưng ông muốn cơm phải nấu hai bữa sáng chiều, món trưa khác, món chiều khác. Bữa ăn luôn là cơm canh nóng sốt. Ban đầu bà hào hứng chiều ý ông, nghĩ ra những món ăn ngon để thay đổi và không trùng lập. Bà đã lên danh sách những món cho mỗi tuần. Chưa bao giờ bà phải trổ tài gia chánh chăm chỉ đến thế, chồng con bà trước kia chưa được bà tận tình chăm sóc đến thế. Dần dần bà cảm thấy mệt mỏi với công việc bếp núc ngày hai bữa này, vì cả khi bà cảm thấy nhức đầu sổ mũi muốn được nghỉ ngơi vẫn phải lăn vào bếp..
Khi xưa ở một mình, nếu không thể vào bếp bà chỉ ăn một tô mì gói cũng xong bữa.
Hôm nào bà ước lượng sai, còn dư cơm dư canh là bị ông cằn nhằn hao tiền tốn bạc vì ông không thích ăn lại món cũ dù cùng một ngày. Ông đưa ra thí dụ cho bà học hỏi:
– Tách trà ngon chỉ nhỏ bằng hạt mít, nhấp từng chút một mới thú vị, cũng trà ấy mà cho vào ly cối tổ bố và uống ào ào thì chẳng ra gì. Cơm canh em cứ nấu ngày hai buổi, mỗi thứ một ít vừa đủ thôi, trông thanh cảnh và ngon.
Bà chán kiểu ăn uống “quý phái” của ông quá rồi. Bàn ăn mỗi thứ một chút, bày trong bát đĩa sạch đẹp sẵn sàng để mời ông ngồi vào bàn như một khách quý.
Lúc còn ở apartment bà từng vừa ăn ổ bánh mì vừa nằm ghế dựa và nhìn mây nhìn gió ngoài hiên sau nhà cũng là hạnh phúc.
Có lần bà làm bếp, đang đứng chặt miếng sườn heo non trên kitchen island thì ông hớt hãi từ trong phòng chạy ra và… chỉ thị:
– Em làm gì ầm ầm thế? mang xuống nền nhà, tha hồ mà băm mà chặt cho… đỡ hư hại cái quầy này.
– Ngồi đau lưng lắm, mà em chặt vài nhát sườn non thôi mà.
Tuy nói thế bà vẫn phải mang thớt xuống đất để chặt miếng sườn cho xong còn hơn là đứng lý luận với ông và biết là sẽ không có sự thông cảm.
Hay khi bà vào rửa mặt trong restroom thì ông đã vài lần theo bén gót chỉ để ân cần nhắc nhở:
– Em đừng làm nước văng tung tóe lên trên kẻo sinh ra nấm mốc khó sửa chữa lắm.
– Em biết rồi, dù ở apartment em vẫn cẩn thận giữ gìn thế mà. Anh cứ làm như em mới đến Mỹ ngày hôm qua.
Ông rất quí hóa căn nhà của ông, sợ bẩn tường, trầy sơn hư hỏng đủ thứ.
Có lần ông nói hớ, bà hiểu rằng căn nhà này ông đã sang tên cho con gái út và nó muốn ông phải giữ gìn nhà cho tốt để sau này bán sẽ được giá.Thì ra cha con nhà ông tính toán quá. Biết đâu ông cũng đã chia tiền của, sang tên tài sản cho các con rồi mới… được quyền bước thêm bước nữa. Cũng may bà chưa làm hôn thú giấy tờ gì với ông cả, chỉ dọn đến sống chung trước nên đỡ mang tiếng. Bà bỗng nhận ra mình như kẻ ở nhờ, hầu hạ cơm nước cho “chủ”, chăm sóc dọn dẹp căn nhà cho “chủ” và mất quyền tự do của chính mình.
Hiếm hoi lắm gia đình thằng con trai của bà mới về thăm. Bà không muốn tiếp đón chúng trong căn nhà không phải của bà. Mẹ con bà cháu đã hẹn nhau ở nhà hàng, xong con cháu về khách sạn, bà về…nhà chồng.
Hôm ấy bà tủi thân, nghĩ đến con cháu mà rơi nước mắt . Đáng lẽ con cháu sẽ ùa vào căn phòng apartment như mọi lần, bà sẽ nấu bữa ăn ngon đãi con trai và con dâu, bà mua món bánh kẹo mà hai đứa cháu nội yêu thích, chúng sẽ tha hồ cười nói, đùa nghịch và làm xáo trộn căn phòng hẹp. Gia đình bà sẽ trò chuyện hỏi han nhau nhiều hơn, vui vẻ hơn, ấm cúng biết bao nhiêu. Ông đã không hiểu được nỗi lòng bà, không an ủi mà còn cau có:
– Gặp con cháu thế đủ rồi, gặp nhiều thêm phiền phức chứ ích lợi gì..
Bà đã âm thầm xin thuê lại một căn phòng trong khu chung cư cũ, căn phòng trước kia có bóng cây cao râm mát nơi lan can sau nhà nay đã có người khác ở. Nhưng căn phòng nào cũng là căn phòng độc thân, căn phòng vui vẻ cho bà trở về.
Khi nhà cửa đã thuê xong xuôi bà mới lên tiếng chia tay ông.
Ông tức giận và ngạc nhiên, ông đơn giản tưởng bà …thoát khỏi cảnh nhà nghèo, rời xa khu chung cư rẻ tiền về với ông ở nhà đẹp, đi xe sang sẽ là may mắn và hãnh diện cho bà.
Thấy bà cương quyết đòi chia tay, ông đành xuống nước năn nỉ. Dù ông thương yêu bà bao nhiêu không làm bà xúc động nữa. Bản chất vẫn là ông dở hơi khó tính, là người chồng gia trưởng, không thích hợp với bà.
Xách valy ra khỏi cửa nhà ông, bà đổi cách xưng hô và cay đắng nói:
– Mỗi ngày ông chịu khó hai lần ra khu chợ Việt Nam, vào hàng… cơm chỉ nhé. Sáng chỉ một vài món, chiều chỉ một vài món là luôn có cơm canh nóng sốt, thức ăn đổi mới cho ông vừa lòng…
Nguyễn Thị Thanh Dương