Những tương quan giữa sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày nay và lịch sử của chính Hoa Kỳ có thể giúp chúng ta tránh được việc biếng nhác mà mang họa.
Trong khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 diễn ra, nó đã làm chúng ta phải mở mắt trước một vai trò nhanh chóng phình to của Trung Quốc trong trật tự thế giới và nền kinh tế toàn cầu. Vai trò bên ngoài của Bắc Kinh đối với Tổ chức Y tế Thế Giới WHO đã bị công kích. Nhưng không lùi bước, Trung Quốc lại vận dụng chính sách ngoại giao hiếu chiến để đối đầu với làn sóng chỉ trích.
Ba thập kỷ ngủ quên trên đỉnh cao sức mạnh sau chiến thắng Chiến Tranh Lạnh đã làm cho người Mỹ cao ngạo và lười biếng, bỏ ngỏ sự vùng lên đầy tính đe dọa của Trung Hoa. Nhưng những thay đổi trong Chính sách Quốc phòng Hoa Kỳ 2018 đã đánh dấu một sự thức tỉnh mới trong việc đối đầu với Trung Quốc và Nga, xoay trục trong tâm an ninh của Mỹ khỏi Cuộc chiến chống Khủng bố Tòa Cầu. Vai trò hiện tại của Trung Quốc có những tham chiếu song song trong lịch sử mà có thể gần gũi với chúng ta hơn nhiều người tưởng. Bắt đầu thế kỷ 20, Hoa Kỳ đã trỗi dậy từ cuộc nội chiến, thông qua một quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng và trở thành một cường quốc toàn cầu gần như là sau một đêm. Tới năm 1920, Hoa Kỳ bắt đầu bước vào một lộ trình khá giống với Trung Quốc ngày nay.
So sánh sự vùng lên của Trung Quốc trong thế kỷ 21 với sự trỗi dậy của Mỹ từ giai đoạn 1920 – 1945 có thể giúp chúng ta hiểu được điều gì chuẩn bị xảy ra trên bàn cờ quan hệ quốc tế. Hôm nay, Trung Quốc đã tiến sát đến khả năng có thể đe dọa quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương. Tổng thống Donald Trump đã nói về một loại tên lửa “thượng hạng” mới sẽ giúp Washington xử lý những mối đe dọa ngày càng tinh vi.
Cũng giống như Mỹ, Trung Quốc đã trải qua một cuộc biến đổi từ chủ nghĩa cô lập đến đóng một vai trò trung tâm trong các sự vụ của thế giới. Như Max Edling từng viết, Hoa Kỳ giống như một “Hercules đang ở trong nôi” trong thế kỷ 19. Trong thời kỳ Học thuyết Monroe, Washington đã tìm cách lan tỏa sức mạnh chỉ ở Châu Mỹ; tới cuối thế kỷ 19, nhà chiến lược Hải quân Mỹ Alfred Thayer Mahan đã tiên đoán trước rằng Hoa Kỳ sẽ trở thành một cường quốc hải quân quốc tế. Như một dấu hiệu của sức mạnh đó của Mỹ, Tổng thống Teddy Roosevelt, người nổi tiếng với câu cách ngôn “nói lời nhỏ nhưng mang cái gậy to”, đã gửi một hạm đội tàu chiến đi quan thế giới năm 1907.
Cũng tương tự như thế, khi Trung Quốc bắt đầu lớn mạnh hơn vào những năm 1990, khẩu hiệu của Đặng Tiểu Bình là “giấu mình chờ thời”. Năm ngoái, Trung Quốc mới phô bày sức mạnh quân sự mới của mình trong một cuộc diễu hành quân sự quy mô lớn, trong đó họ khoe khoang máy bay tiêm kích không người lái, các tên lửa thế hệ mới và các công nghệ quân sự tân tiến khác.
Trung Quốc cũng dùng Sáng kiến Vành đai, Con đường để kết nối nhanh chóng với Trung Á, Trung Đông, Châu Âu và tăng cường vai trò của một cường quốc ở Lục Địa Đen. Sự trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc đã bắt đầu gặp một số trở ngại từ phương Tây, trong đó nổi bật nhất là cuộc chiến tẩy chay công nghệ 5G của Huawei, tập đoàn viễn không số một Trung Quốc. Tham vọng sử dụng thương mại làm công cụ khẳng định sức mạnh của Bắc Kinh rất giống với phiên bản đen tối hơn của chiến lược của Tổng thống Woodrow Wilson (1913) thúc đẩy thương mại tự do và “làm cho thế giới tự do hơn đối với nền dân chủ”. Mô hình của Trung Quốc là làm việc với Nga và các cường quốc độc tài khác để xây dựng một thế giới đa cực, nhằm giảm nhẹ vai trò của Hoa Kỳ.
Bức tranh Geopoliticus Child Watching the Birth of the New Man (Đứa trẻ địa chính trị chờ đợi sự sinh ra của một Người Đàn ông mới) của họa sĩ Salvador Dali năm 1943 cho thấy một người đàn ông đang được sinh ra từ lục địa Bắc Mỹ trên một địa cầu giống như quả trứng, và đứa trẻ thì bám chặt vào một người lớn khác nhìn vào sự việc này một cách bối rối hoặc phấn khích. Được vẽ trong Thế Chiến II, khi người nghệ sĩ sống ở Hoa Kỳ, tác phẩm này phản ánh một cảm giác bồn chồn, lo âu của thế giới vai trò mà Hoa Kỳ sẽ đóng góp trong thời hậu chiến sẽ là như thế nào. Ngày nay, khi thế giới đang phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, cả trong những đe dọa của họ đối với Úc sau khi Úc chỉ trích Bắc Kinh về việc xử lý đại dịch virus corona, bức họa của Dali lại cho ta một khắc khoải mới – Chúng ta sắp chứng kiến điều gì trồi lên từ Châu Á? Trung Quốc đã ẩn mình chờ thời, nhưng nay họ đang phá vỡ vỏ trứng và ngày càng vươn tay đòi nắm giữ các vai trò lớn hơn trên thế giới. Việc họ khăng khăng áp đặt Luật An ninh Quốc gia mới lên Hồng Kông từ tuần trước, trong khi phương Tây vẫn đang suy yếu vì COVID-19 là một động thái minh họa rằng hiện trạng quyền lực đang thay đổi.
Đại dịch lần này có vẻ sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ thoát vỏ của Trung Quốc. Cũng giống như Mỹ đã thống trị thế giới một cách tương đối nhanh chóng, trở thành một trong hai siêu cường sau sự kiện Đại Suy thoái và sau thảm họa của Thế Chiến II, sự vượt trội về kinh tế ngày nay có thể đẩy cao vị thế của Trung Quốc. Đại dịch có thể tạo động lực cho một loạt các sự kiện, trong một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều những gì mà các chiến lược gia Washington đã chuẩn bị, với nguy cơ cuối cùng đặt Trung Quốc trên đỉnh quyền lực của trật tự thế giới. Nếu Hoa Kỳ và các đồng minh nghiêm túc trong việc duy trì trật tự tự do của thế giới, họ cần phải có hành động ngay lập tức. Nếu không, trong ¼ thế kỷ tiếp theo, những gì chúng ta sẽ chứng kiến là lịch sử lặp lại của 100 năm qua, chỉ có điều lần này sẽ không phải kết thúc bằng trật tự thế giới do Mỹ thống trị. Thay vào đó, Trung Quốc cùng với Nga và Iran sẽ là những kẻ ngồi ghế lái.
Tác giả: Seth J. Frantzman, tác giả của cuốn Hậu ISIS: Hoa Kỳ, Iran và cuộc đấu tranh ở Trung Đông (2019). Ông là giám đốc điều hành của Trung Tâm báo cáo và phân tích Trung Đông.
Trọng Đức biên dịch