Tin Việt Nam sáng thứ Bảy 30/5: Sau Covid-19, Việt Nam đối mặt với virus Zika

Hiểu Minh

Muỗi truyền bệnh bằng cách hút Virus Zika từ người nhiễm bệnh và sau đó chuyển vào người bình thường (ảnh: Vinmec).

Sau khi ghi nhận 58 tỉnh, thành có người nhiễm bệnh sốt xuất huyết và xuất hiện bệnh nhân mắc virus Zika 28/4 tại Đà Nẵng, hai loại bệnh này do muỗi truyền, ngày 25/5, Bộ Y tế Việt Nam đã gửi Công văn về tăng cường phòng, chống dịch bệnh do virus Zika va sốt xuất huyết (SXH).

Công văn cho biết hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam đã ghi nhận một trường hợp mắc bệnh do virus Zika. Đây là một bệnh nhân (BN) nam, 25 tuổi, sống ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, theo Pháp Luật TP.HCM.

Virus Zika truyền sang người thông qua vết đốt từ muỗi nhiễm bệnh. Đây cũng là loài muỗi trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Người mắc virus Zika được ghi nhận lần đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 3/2016 ở Khánh Hòa. Cho đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 265 ca bệnh, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Bệnh có chung véc tơ truyền với bệnh sốt xuất huyết. Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 26.857 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Số mắc có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo nhiều chuyên gia, hiện thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.

Để phòng dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết. Trong đó, triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, đảm bảo tất cả hộ gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải…

Virus Zika lây truyền chủ yếu qua vết cắn của muỗi aedes bị nhiễm bệnh, có thể tìm thấy trên khắp thế giới. Virus này lần đầu tiên được xác định trong Rừng Zika ở Uganda vào năm 1947.

Khi muỗi đốt một người bị nhiễm virus Zika, virus sẽ xâm nhập vào muỗi. Khi muỗi nhiễm bệnh sau đó cắn người khác, virus xâm nhập vào máu của người đó.

Virus cũng có thể lây sang thai nhi trong thai kỳ. Sự lây lan của virus thông qua quan hệ tình dục và truyền máu.

Nhiễm virus Zika khi mang thai có liên quan đến sảy thai và có thể gây ra bệnh tật đầu nhỏ một tình trạng não bẩm sinh có khả năng gây tử vong. Virus Zika cũng có thể gây ra các rối loạn thần kinh khác như hội chứng Guillain-Barre đặc trưng bởi rối loạn nghiêm trọng hệ thống thần kinh trung ương.

Người đàn ông nghi tự tử ngay tại tòa án sau phán quyết y án 3 năm tù

Ảnh phải: Chụp màn hình Facebook. Ảnh trái: Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước (nguồn: Trang thông tin điện tử TAND tỉnh Bình Phước).

Sau khi để lại một dòng trạng thái ám chỉ có thể dùng cái chết để làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước trên mạng xã hội, ông Lương Hữu Phước đã chết ngay tại trụ sở TAND tỉnh này.

Vài giờ sau khi bị tuyên án 3 năm tù vì tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, ông Lương Hữu Phước, 55 tuổi, ở TP Đồng Xoài được phát hiện tử vong tại sân tòa án nhân dân (TAND) tỉnh trong chiều 29/5, theo VnExpress.

Bài báo trích lời Phó giám đốc Công an Bình Phước cho hay: “Sự việc xảy ra khoảng 15h, bước đầu ghi nhận nạn nhân đã nhảy từ lầu 2 xuống đất tử vong. Nguyên nhân cái chết phải chờ kết luận pháp y, chúng tôi đang nỗ lực làm việc”.

Trước đó, trong buổi sáng, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên y án 3 năm tù đối với ông Phước. Luật sư Dương Vĩnh Tuyến bào chữa cho ông Phước khi trả lời phỏng vấn của VnExpress đã cho rằng thân chủ của mình bị oan. “Qua hồ sơ và các lời khai của người có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan, nhân chứng cho thấy ông Phước không gây ra tai nạn và không tạo ra các điều kiện để người khác gây tai nạn với mình”, ông Tuyến nói.

Dòng trạng thái của luật sư Dương Vĩnh Tuyến đăng trên trang mạng xã hội của ông Lương Hữu Phước (ảnh: Chụp màn hình facebook).

Ông Tuyến cho biết, “sau khi nghe Hội đồng xét xử phúc thẩm tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên án, tôi cùng anh về văn phòng của tôi. Anh em đang tính soạn đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm bản án và thứ 2 đi nộp. Sau đó, anh về nhà”.

Buổi chiều, ông Tuyến tới TAND TP Đồng Xoài để chụp hồ sơ một vụ án khác. Vừa ra khỏi tòa, điện thoại reo và nhận hung tin rằng ông Lương Hữu Phước đã đến trụ sở TAND tỉnh Bình Phước và nhảy lầu.

Trước khi ông Phước đến trụ sở TAND tỉnh Bình Phước nhảy lầu, trên trang cá nhân Facebook được cho là của ông đã đăng dòng trạng thái với nội dung: “Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!”.

Theo cáo trạng vụ án mà ông Phước là bị cáo, 11h ngày 15/11/2017, ông Phước có uống rượu ở nhà anh Phạm Văn Tuấn rồi đi về. Khoảng 13h, anh Trần Hữu Qúy gọi điện cho ông Phước đến nhà Tuấn để đổi đôi dép và cả hai đi hát karaoke.

Trên đường đi, do anh Qúy không đội mũ bảo hiểm nên ông Phước chở anh quay về lấy mũ. Đến đường Nguyễn Huệ, anh Quý không chịu đi bộ sang đường nên ông Phước bật xi nhan rẽ trái để đưa anh vào nhà, đến phần đường dành cho xe đi chiều ngược lại thì bị xe máy của hai thanh niên đâm phải.

Tai nạn làm anh Qúy và ông Phước bị thương nặng. Hai ngày sau, anh Qúy tử vong tại bệnh viện.

Tháng 5/2017, ông Phước bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tháng 3/2018, ông bị TAND TP Đồng Xoài phạt 3 năm tù. Ba tháng sau, TAND tỉnh tuyên hủy án sơ thẩm, yêu cầu trả lại hồ sơ điều tra do “vi phạm tố tụng, thiếu sót nhiều chứng cứ quan trọng để buộc tội”. Tháng 12/2019, TAND TP Đồng Xoài mở phiên sơ thẩm lần hai, vẫn tuyên bị cáo 3 năm tù. Không chấp nhận bản án, ông Phước kháng cáo kêu oan.

Trong quá trình xét xử ông Phước cũng vẫn luôn cho rằng mình bị oan, hiện cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân cái chết của ông Phước.

Related posts