Tin thế giới chiều Chủ Nhật 30/5: Cuộc đối đầu nguy hiểm tại vùng biên giới trên bộ giữa Ấn Độ và Trung Quốc

Các vùng tranh chấp tại biên giới Ấn – Trung AFP

Trọng Nghĩa
Ngày 27/05/2020,

Ấn Độ đã phái thêm 5.000 quân đến vùng Ladakh, trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo Đường Kiểm Soát Thực Tế (LAC) hiện được coi là biên giới với Trung Quốc. Đây là phản ứng mới nhất của New Delhi sau khi Bắc Kinh cũng cho triển khai một số quân tương tự bên phần đất Trung Quốc.

Hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân đang bị lôi cuốn vào một cuộc đọ sức căng thẳng ở vùng biên giới trên bộ, nơi bị cả hai bên tranh chấp, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xung đột quân sự bùng lên trở lại giữa hai bên.

Tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên quan đến nhiều khu vực trên một đường biên giới dài gần 3.500 cây số dọc theo dãy Hy Mã Lạp Sơn không có gì mới, mà đã xuất hiện từ cách nay 8 thập niên, từng làm dấy lên một cuộc chiến tranh giữa hai nước vào năm 1962. Từ đó đến nay, vấn đề phân định biên giới trên bộ Ấn – Trung vẫn chưa được giải quyết dứt khoát, cho dù giữa hai bên đã có hơn 20 vòng đàm phán.

Tranh chấp biên giới là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai nước, và trong thời gian một chục năm gần đây, Bắc Kinh đã nhiều lần cho binh lính lấn sâu vào bên trong vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ, buộc New Delhi phải đưa viện quân lên biên giới để đẩy lùi. Theo New Delhi, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018, Bắc Kinh đã cho binh lính xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ hơn 1.000 lần. Tuy nhiên, đây chủ yếu là những sự cố nhỏ và hai bên chưa bao giờ nổ súng vào nhau, đúng theo thỏa thuận đã ký vào những năm 1990.

Vào năm 2014 chẳng hạn, hơn 200 lính Trung Quốc đã thâm nhập vào một khu vực phía tây dãy Hymalaya để xây một con đường trước khi bị lực lượng Ấn Độ đẩy lùi. Một sự cố khác diễn ra vào năm 2017, khi công binh Trung Quốc tiến vào xây một con đường trong một khu vực trên cao nguyên Doklam ở vùng Hy Mã Lạp Sơn mà cả Trung Quốc lẫn Bhutan đều đòi chủ quyền. Quân đội Ấn Độ đã can thiệp trực tiếp và lực lượng Trung Quốc đã phải rút về bên kia biên giới.

Tuy nhiên, tình hình đã bất ngờ trở nên rất căng thẳng từ đầu tháng Năm đến nay, với liên tiếp hai sự cố khiến cả trăm người bị thương ở khu vực thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ ở vùng biên giới trên cao nguyên Ladakh, phia tây dãy Himalaya. Theo trang mạng Mỹ Vox ngày 28/05, hiện nay chưa rõ là nguyên nhân thổi bùng căng thẳng đến từ đâu, nhưng chính phủ Ấn Độ đã lên tiếng tố cáo việc lính Trung Quốc hồi đầu tháng Năm này, đã vô cớ ném đá vào binh sĩ Ấn Độ. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã phản pháo, cáo buộc ngược lại rằng chính lực lượng Ấn Độ đã xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc bất hợp pháp.

Ai đúng, ai sai chưa rõ, nhưng điều chắc chắn là đã có khoảng 100 lính ở cả hai phía bị thương trong hai vụ xô xát ngày 5 và 9 tháng Năm. Không có ai thiệt mạng, không có một tiếng súng nào, tuy nhiên các sự cố nói triên đã thúc đẩy hai bên leo thang tranh chấp và cấp tốc phái lực lượng tăng viện đến khu vực.

Vào thời điểm hiện nay, hàng ngàn binh sĩ đang cắm trại ở hai bên thung lũng Galwan, một vùng lãnh thổ tranh chấp trên cao nguyên Ladakh. Quân đội hai nước đã đào những công sự phòng thủ mới, thiết bị quân sự và vũ khí đã được vận chuyển thêm đến các tiền đồn ở cả hai bên biên giới. Tình trạng tăng cường võ trang vào lúc mùa đông giá lạnh bắt đầu nhường chỗ cho mùa xuân đã khiến các chuyên gia lo ngại rằng lực lượng hai bên có thể bám trụ lâu dài trong vùng, và nguy cơ một cuộc chiến tranh biên giới trên quy mô lớn như vào năm 1962 không thể loại trừ.

Trả lời trang tin Vox, ông Sumit Ganguly, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Ấn Độ tại đại học Bloomington ở Indiana, lo ngại : “Một sĩ quan chỉ huy quá nhiệt tình ở phía Trung Quốc hoặc Ấn Độ có thể ban hành một lệnh hung hăng, kéo theo một hành động đáp trả và dẫn đến một vòng xoáy bạo lực khủng khiếp”. Đối với đa số các chuyên gia phân tích, tình hình căng thẳng Ấn-Trung hiện nay không đơn thuần là hệ quả của tranh chấp biên giới đã kéo dài hàng thập kỷ, mà còn bắt nguồn từ sự cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc hạt nhân châu Á.

Trung Quốc, đặc biệt là dưới thời của chủ tịch Tập Cận Bình, thường xuyên sử dụng sức mạnh quân sự để bắt nạt các nước láng giềng và đòi thêm lãnh thổ, kể cả những vùng đồi núi dọc theo biên giới với Ấn Độ. Về phần mình, Ấn Độ đã và đang xây dựng những con đường và phi đạo dọc theo biên giới với Trung Quốc trong nỗ lực kiểm soát chặt chẽ hơn các khu vực có giá trị chiến lược này. Các hành động của New Delhi đã khiến Bắc Kinh hết sức bất bình.

Theo ông Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại trung tâm tham vấn Wilson Center ở Washington (Hoa Kỳ), chừng nào cuộc cạnh tranh trong khu vực còn tiếp diễn và các vấn đề biên giới vẫn chưa được giải quyết, các vụ đối đầu, chạm trán hoàn toàn có thể tiếp tục xẩy ra. Theo chuyên gia này, đó sẽ là “một điều bình thường mới” trong những tháng, thậm chí những năm tới đây.

Về tình hình căng thẳng đang diễn ra, chuyên gia Adam Ni, một giám đốc điều hành tại Trung Tâm Về Chính Sách Trung Quốc tại Úc cho rằng: “Cả hai phía đều nghĩ rằng bên kia là kẻ xâm lược”. Riêng ông Ashok K. Kantha, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, trả lời báo Anh The Guardian ngày 27/05, đã cho rằng cuộc đối đầu đang diễn ra không chỉ mang tính chất giới hạn ở địa phương. Theo ông: “Lần này, Trung Quốc có hành vi hung hăng hơn, huy động một số lượng quân đội khá lớn, điều ít thấy tại vùng biên giới này”.

Đối với cựu đại sứ Ấn Độ, hành động của Trung Quốc có thể là một “thông điệp có ý nghĩa bao quát hơn vấn đề yêu sách lãnh thổ, nhằm cảnh cáo Ấn Độ rằng nên quan tâm hơn đến lợi ích của Trung Quốc trên những vấn đề địa chính trị nhạy cảm”.

Cho dù tình hình căng thẳng, nhưng nhiều nhà phân tích vẫn tương đối lạc quan, ghi nhận những nỗ lực ngoại giao đang diễn ra giữa New Delhi và Bắc Kinh để giải quyết vụ đối đầu ở vùng Ladakh. Theo các chuyên gia này, vào lúc phải đau đầu với dịch Covid-19, không bên nào thực sự muốn có chiến tranh.

Biển Đông : Tầu chiến Mỹ lại tuần tra Hoàng Sa, thách thức yêu sách của Trung Quốc

Tàu chiến Mỹ USS Mustin (trái) và chiến hạm Nhật Bản JS Kirisam trong một lần thao dượt chung tại Biển Đông ngày 21/04/2015. U.S. Navy/Handout via REUTERS


Thu Hằng


Ngày 28/05/2020, một khu trục hạm của Hải Quân Mỹ lại tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam. Đây là lần thứ hai liên tiếp trong vòng một tháng, Hải Quân Mỹ thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.

Trong một thông cáo, trung úy Anthony Junco, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Hải Quân Mỹ, cho biết : « Ngày 28/05 (giờ địa phương), tầu USS Mustin (DDG 89) đã khẳng định các quyền và quyền tự do hàng hải tại quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Khi tiến hành chiến dịch trên, Hoa Kỳ đã chứng tỏ rằng vùng biển này không nằm trong đòi hỏi chủ quyền vùng biển quốc gia của Trung Quốc ».

Theo một quan chức Hải Quân Mỹ, được trang CNN trích dẫn, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Mustin lớp Arleigh Burke đã đi vào vùng 12 hải lý của đảo Phú Lâm (Woody Island) và đá Tháp (Pyramid Rock) thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Phía Trung Quốc cho biết đã điều tầu đến nhận dạng, theo dõi và cảnh báo tầu USS Mustin. Trong một thông cáo được trang China Daily trích dẫn, phát ngôn viên Chiến khu Nam Bộ Trung Quốc lên án « Quân đội Mỹ là nguồn gốc của những rắc rối và hỗn loạn ở Biển Đông ».

Philippines, Việt Nam muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông

Trong khi đó, Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng dịch Covid-19 để củng cố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và bắt chẹt các nước trong khu vực, đặc biệt là với Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Tuy nhiên, giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp với Trung Quốc, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực vẫn là ưu tiên của Việt Nam và Philippines, theo nội dung cuộc điện đàm tối 26/05 giữa thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Sau Việt Nam và Malaysia, đến lượt Indonesia phản đối « đường 9 đoạn » của Trung Quốc ở Biển Đông trong một công hàm gửi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gueterres ngày 26/05. Theo công hàm mà trang Wion (28/05) tra cứu được, « Indonesia tái khẳng định bản đồ « đường 9 đoạn » hàm ý đòi hỏi chủ quyền lịch sử, không có cơ sở pháp lý quốc tế và tương đương với việc đảo lộn UNCLOS 1982 ».

“Sinh viên gián điệp” Trung Quốc, mục tiêu mới của chính quyền Trump?

Thanh Phương


Theo lời ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo về Trung Quốc hôm nay, 29/05/2020, tổng thống Donald Trump sẽ đề cập đến vấn đề các sinh viên Trung Quốc hoạt động gián điệp tại Hoa Kỳ. Theo tờ nhật báo New York Times, chính phủ Mỹ chuẩn bị trục xuất từ 3.000 đến 5.000 sinh viên Trung Quốc có liên hệ với các trường quân sự Trung Quốc.  

Việc Trung Quốc huy động nhiều thành phần để tham gia vào hoạt động gián điệp ở nước ngoài, đặc biệt là tại các nước phương Tây, không có gì là mới mẻ. Điều 7 trong Luật tình báo quốc gia của Trung Quốc có ghi rõ : « Mọi tổ chức hay mọi công dân đều phải hỗ trợ hoạt động tình báo của Nhà nước, giúp Nhà nước và cộng tác với Nhà nước theo quy định của pháp luật »

Riêng Washington từ lâu vẫn cáo buộc Bắc Kinh có nhiều hoạt động gián điệp công nghiệp tại Hoa Kỳ, đồng thời chính quyền Donald Trump xem việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Trên đài truyền hình Fox News hôm qua, ngoại trưởng Pompeo đã tuyên bố: ‘Với tư cách cựu giám đốc CIA, tôi xem mối đe dọa của gián điệp Trung Quốc đối với nước chúng ta là rất nghiêm trọng ». Ông Pompeo cho rằng người dân Mỹ cần biết rằng « đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tạo dựng được một ảnh hưởng rất lớn tại Hoa Kỳ”.

Hoạt động của gián điệp Trung Quốc tại Mỹ dường như cũng đã được mở rộng sang lãnh vực y tế. Ngày 13/05 vừa qua, Hoa Kỳ chính thức cáo buộc Trung Quốc đã tìm cách đánh cắp các dữ liệu nghiên cứu của Mỹ về vac-xin ngừa virus corona chủng mới, về thuốc điều trị, cũng như về các xét nghiệm virus. Theo chính quyền Donald Trump, không chỉ có các tin tặc, mà cả các nhà nghiên cứu và sinh viên Trung Quốc cũng tham gia đánh cắp các thông tin trong các trường đại học và phòng thí nghiệm nơi họ đang làm việc.

Nếu đúng là cả sinh viên Trung Quốc cũng tham gia làm gián điệp thì quả thật đây là điều đáng lo ngại cho Hoa Kỳ. Theo thống kê của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), một hiệp hội lo về các trao đổi quốc tế của sinh viên, sinh viên Trung Quốc chiếm phần lớn nhất trong số các sinh viên ngoại quốc đang học tại Mỹ, với gần 370.000 trong niên khóa 2018-2019, tức là chiếm một phần ba tổng số sinh viên ngoại quốc.

Theo tờ New York Times, từ nhiều tháng qua, các quan chức của Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI đã đến các trường đại học lớn ở Hoa Kỳ để cảnh báo về nguy cơ gián điệp Trung Quốc trà trộn vào đây. Nhưng theo tờ Courrier International ngày 12/05, một số giáo sư đại học và tổ chức sinh viên đã bác bỏ những cáo buộc đó, so sánh cuộc « săn đuổi phù thủy » nhắm vào các nhà nghiên cứu, sinh viên Trung Quốc hiện nay giống như vào thời McCarthy nhìn đâu cũng thấy cộng sản.

Phản ứng nói trên cũng là dễ hiểu, bởi vì việc trục xuất hàng ngàn sinh viên Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nguồn tài chính của các trường đại học. Mỗi năm, con số gần 370.000 sinh viên Trung Quốc mang lại một khoản thu nhập lên tới 14 tỷ đôla cho các trường đại học Mỹ.

Cho dù có thiệt hại tài chính như vậy đối với các trường đại học, chính quyền Donald Trump dự kiến sẽ có biện pháp mạnh để ngăn chận tình trạng sinh viên Trung Quốc tham gia làm gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ. Cụ thể, theo hãng tin Reuters, trong số từ 3.000 đến 5.000 sinh viên Trung Quốc bị nghi làm gián điệp, những người nào đang ở trên đất Mỹ thì sẽ bị hủy visa và sẽ bị trục xuất, còn những người nào đang ở bên ngoài nước Mỹ thì sẽ không được phép quay trở lại.  

Nếu tổng thống Trump ra quyết định như vậy, căng thẳng Mỹ-Trung chắc chắn sẽ tăng thêm một nấc. Nhưng theo Reuters, quyết định trục xuất sinh viên Trung Quốc đã được dự trù từ nhiều tháng qua, không có liên hệ trực tiếp với vấn đề Hồng Kông, mà là nằm trong khuôn khổ chiến dịch “gây áp lực toàn diện” đối với Trung Quốc.

Cha đẻ mô hình dự báo ‘Primary’ tin tưởng ông Trump tiếp tục là tổng thống Mỹ

Lục Du

Giáo sư Helmut Norpoth (ảnh: Trích xuất video của Fox News)

Hôm thứ Sáu (29/5), trả lời phỏng vấn chương trình “Góc nhìn Ingraham”, Giáo sư Helmut Norpoth của Đại học Stony Brook, tác giả của mô hình dự báo “Primary Model”, nói ông tin rằng Tổng thống Trump sẽ tiếp tục tại vị sau cuộc bầu cử vào cuối năm nay.

“Chìa khóa của cuộc bầu cử tháng 11 là các cuộc bầu cử sơ bộ [trong các đảng phái]. Và, đúng là các cuộc bầu cử sơ bộ đã cũng cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin”, ông Norpth giải thích.

“Donald Trump đã chiến thắng dễ dàng các đối thủ trong đảng của ông”, ông Norpoth tiếp tục. Trong khi đó, “Joe Biden, ứng cử viên có tiềm năng nhất của đảng Dân chủ, đã gặp rất nhiều rắc rối. Nhìn một cách công bằng, vượt trội đối thủ trong các cuộc bầu cử sơ bộ mang lại lợi thế cho Donald Trump vào [kỳ bầu cử] tháng 11”.

Mô hình dự báo “Primary Model” của giáo sư Norphoth chỉ ra rằng ông Trump có tới 91% cơ hội tái đắc cử và sẽ nhận được 362 phiếu bầu của đại cử tri. “Primary Model” được ông Norphoth xây dựng dưa trên lý thuyết lịch sử và thống kê.

Mặc dù khi áp dụng mô hình “Primary” để dự báo kết quả cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay ông Norphoth không đưa vào mô hình những nhân tố liên quan tới đại dịch viêm phổi Vũ Hán, nhưng vị giáo sư của đại học Stony Brook quả quyết rằng việc đó không ảnh hưởng nhiều tới kết quả dự báo, và Donald Trump sẽ tiếp tục chiến thắng.

“Ông ấy [Tổng thống Trump] có một số điểm mạnh đã mang lại chiến thắng lớn cho ông ấy trong các cuộc bầu cử sơ bộ và tôi nghĩ ông ấy phải tận dụng điều đó”, ông Norphoth đưa ra lời khuyên cho Tổng thống Trump.

Theo một cuộc khảo sát của Reuters và Ipsos, Joe Biden, ứng viên tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ vẫn đang duy trì ưu thế trước Tổng thống Trump, mặc dù đã bị giảm ba điểm trong tuần qua. Cụ thể có 45% cử tri Mỹ được hỏi nghiêng về ông Biden, trong khi có 39% cử tri đặt niềm tin vào vị tổng thống đương nhiệm.

Tuy nhiên, ứng viên Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 cũng từng dẫn trước ông Trump, nhưng kết quả cuối cùng lại hoàn toàn ngược lại.

Điều đáng lưu ý là, Giáo sư Helmut Norpoth, bằng mô hình của mình, từng dự báo chính xác việc ông Trump sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ 45, trong bối cảnh nhiều người ủng hộ phe cánh tả, dựa trên kết quả của các cuộc khảo sát, tin chắc nước Mỹ sẽ có nữ tổng thống đầu tiên.

Tổng thống Trump đình chỉ nhập cảnh một số sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc

Minh Hòa

Tổng thống Donald Trump quay lưng rời khỏi cuộc họp báo ngày 29/5/2020, ngay sau khi đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về Trung Quốc (ảnh chụp màn hình CNBC/Youtube).

Song song với cuộc họp báo “nhanh chóng và giận giữ” về Trung Quốc hôm thứ Sáu (29/5), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một bản tuyên bố công khai trên website của Nhà Trắng, thông báo về việc Mỹ đình chỉ nhập cảnh đối với một số sinh viên và nhà nghiên cứu đến từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Mở đầu bản tuyên bố, ông Trump viết: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang tham gia vào một chiến dịch rộng khắp, được chu cấp nguồn lực dồi dào, để chiếm được các công nghệ và tài sản trí tuệ nhạy cảm của Hoa Kỳ, một phần để thúc đẩy hiện đại hóa và năng lực của quân đội Trung Quốc”.

Chính quyền Trump nhận định rằng việc thâu tóm của Trung Quốc đối với công nghệ và tài sản trí tuệ nhạy cảm của Hoa Kỳ nhằm hiện đại hóa quân đội của họ, là mối đe dọa đối với sức sống kinh tế lâu dài Hoa Kỳ, cũng như đối với sự an toàn và an ninh của người dân Mỹ.

Tuyên bố của ông Trump cho biết: “Chính quyền Trung Quốc thường sử dụng một số sinh viên Trung Quốc, chủ yếu là sinh viên sau đại học và các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ, để họ hoạt động như những người sưu tập phi truyền thống đối với các tài sản trí tuệ. Do đó, các sinh viên hoặc nhà nghiên cứu từ Trung Quốc đang học tập hoặc nghiên cứu trên đại học, những người đã hoặc đang có mối liên kết với quân đội Trung Quốc có nguy cơ cao bị chính quyền Trung Quốc lợi dụng hoặc biến thành tòng phạm, và họ đặt ra một mối quan ngại đặc biệt”.

“Trước những điều trên, tôi thấy rằng việc nhập cảnh của một số công dân Trung Quốc muốn vào Mỹ theo thị thực F hoặc J để học tập hoặc nghiên cứu ở Mỹ sẽ có thể gây bất lợi cho lợi ích của Hoa Kỳ”.

Tuyên bố đình chỉ thị thực của Tổng thống Trump có ban hành một số miễn trừ cho các sinh viên được đánh giá là không mang lại lợi ích cho quân đội Trung Quốc. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2020 và chỉ kết thúc khi có lệnh của Tổng thống.

Related posts