Sầm Sơn – Một Mảnh Non Sông Gấm Vóc

Trần Nhật Kim

Khi quân đội Trung Cộng đánh phá 6 tỉnh biên giời phía Bắc, chúng tôi chuyển từ trại Cổng Trời – Hà Giang, sát biên giới Hoa – Việt, về trại cải tạo Thanh Cẩm thuộc xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy vào cuối năm 1978.  Khi về trại này, tôi nhớ đến tên huyện “Cẩm Thủy”, vì địa danh này có ghi trong gia phả của họ Trần (1).

Tôi đã ra khỏi vùng đất chết Cổng Trời, thoát khỏi nỗi ám ảnh bỏ xác trên Đồi Bà Then.  Về đây, một nơi khí hậu ôn hòa, quanh năm nắng ấm bên dòng sông Mã. Một nơi không xa với biển Sầm Sơn, như được hòa trộn với sóng gió biển khơi và hơi nồng của cát nóng, một vùng biển đã đậm nét trong tâm tư của tôi những kỷ niệm khó quên của thời tuổi trẻ.

Cuối năm 1981, tôi ra khỏi trại tù cải tạo Thanh Cẩm sau 4 năm ở đây. Tôi vẫn ao ước trở lại thăm vùng biển Sầm Sơn, nhưng thật trớ trêu, tôi đã ở sát một bên, chỉ cách thị xã Thanh Hóa khoảng 70Km đường bộ nhưng vẫn không thực hiện được.

Chúng tôi được đưa tới ga xe lửa Thanh Hóa để về Sài Gòn bằng chuyến tầu hỏa mang tên Thống Nhất, trên đoạn đường dài gần 1,600 Km.  Để tránh trường hợp chúng tôi ở lại miền Bắc, nên cán bộ trại đưa chúng tôi tới ga xe lửa với vé tầu trại mua sẵn theo lộ trình Thanh Hóa – Sài Gòn và đợi cho đến khi chúng tôi lên tầu. Thực ra, vì nóng lòng gặp mặt gia đình sau 6 năm xa nhà, tôi không thực hiện được điều mong muốn ghé thăm vùng biển đầy ắp kỷ niệm thời niên thiếu, mặc dù, từ ga Thanh Hóa chỉ còn cách biển Sầm Sơn một quãng đường hơn 10 Km.

oOo

Tới ga Thanh Hóa, tôi mường tượng đại dương đang ở trước mặt. Tôi nhớ vào ngày đó, vừa lọt vào con đường dẫn tới biển, dù còn ở xa, đã nghe thấy tiếng sóng ầm ầm của biển cả. Có phải nhờ khu rừng phi lao che chắn như một vật cản, đã tạo lên âm thanh riêng biệt của vùng biển này. Tất cả những điều trên khiến Sầm Sơn trở lên đặc biệt.

Dù thời gian xa cách đã lâu, tôi vẫn thuộc nằm lòng câu:

“Sầm Sơn vui thú biết bao
Lòng ta ao ước bấy lâu
Đó đây cảnh tiên non bồng”

Tôi không biết ai là tác giả và xuất xứ của đoạn văn này. Đây là một đoạn của bài thơ, một khúc ca lưu truyền trong dân gian hay chỉ là những giây phút ngẫu hứng của một du khách đã nặng tình với vùng biển hoang sơ chưa có nhiều dấu chân trần thế. Dù chỉ là ngẫu hứng, nhưng khi đọc các câu trên chúng ta cảm nhận được âm hưởng bàng bạc trong sóng nhạc, với cảnh đẹp, với non xanh, sóng biếc, với tiếng gió của rừng phi lao. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, với tôi, những câu trên đã trở thành một kỷ niệm khó quên của một thời tuổi trẻ.

Anh Thu Tâm cho hay có nghe thấy những câu trên khi đến vùng biển Sầm Sơn vào cuối thập niên 1930. Để giữ lại một kỷ niệm đẹp của thời niên thiếu, các câu trên được anh Thu Tâm phổ nhạc, với âm hưởng hòa lẫn tiếng sóng gầm của biển khơi và tiếng gió rít trong rừng phi lao. Có lúc nhanh như tiếng gió hú rên đỉnh cao, khi khoan hòa như tiếng thở dài.  Ca khúc “Sầm Sơn” là nhạc khúc mở đầu giúp anh Thu Tâm có cảm hứng để hoàn thành nhạc phẩm “Tiếng Sóng Trường Lệ”, mà nội dung dàn trải lòng uất hận căm hờn của người Miền Nam trước vận nước đổi thay và mong đợi nếp sống cũ sẽ trở lại vào một ngày không xa.

oOo

Trở lại chuyện cũ.
Tôi nhớ, khi đến Sầm Sơn vào dịp nghỉ Hè năm 1946, rừng phi lao bao quanh các ngôi nhà biệt lập vẫn còn, thảm cỏ xanh bao phủ các gốc phi lao, lác đác những cọng lá khô. Có lẽ, sau những lần chỉnh trang làm sạch vùng biển, không còn thấy lá phi lao rơi rụng phủ trùm mặt đất tạo thành tấm thảm lá dầy, với hương thơm thoang thoảng, quyến rũ của nhựa lá, để du khách có thể ngả lưng dưới nắng hè oi bức, như anh Thu Tâm chứng kiến vào nhiều năm trước đó. Một con đường trải nhựa đen bóng len lỏi giữa rừng phi lao bên khu nhà, mặt đường sạch bóng, không có lấy một cọng rác vì được gió biển thổi sạch.  
Mỗi buổi sáng, khi tiếng chim ríu rít trên cành phi lao bên cửa sổ, trời còn mờ sương, chúng tôi đã sửa soạn ra biển. Trời còn sớm, con đường nhựa vắng lặng không có bóng người qua lại. Tôi thường nằm trên con đường trải nhựa đen bóng, nghiêng nhìn những trái phi lao khô mầu nâu sẫm lăn trượt trên thềm cát phẳng, như từng đàn sinh vật trỗi dậy sau mỗi làn gió thổi.
Từ con đường nhựa, một bãi cát phẳng rộng cách biển hàng trăm thước, là tới một vùng nước rộng chạy dài sâu ngang đầu gối, kế tiếp là cồn cát chạy song song với bờ nước đại dương. Mặt cồn cát ướt mềm như đã ngâm trong thủy triều từ đêm qua. Trên cồn cát, lác đác người dân địa phương, lưng  đeo giỏ tre tay cầm gậy, một đầu có ba cọng sắt cong như bàn tay với những ngón dài, cào sâu trên mặt cát ướt. Anh em tôi đã theo sau họ, giúp nhặt những con sò, con trai vừa trồi lên sau mỗi vết cào. Một hình ảnh không thấy ở nơi nào khác. Thấp thoáng xa xa là biển rộng, từng đợt sóng vỗ vào bờ đá ầm ầm. 
Khi mặt trời lên cao, chúng tôi rẽ vào khu chợ nhỏ bên đường, mua một “Trinh” 3 chiếc kẹo bi từ cô bán hàng trẻ với trang phục mầu sắc của người Mường. Như một thói quen, tôi đã gặp cô vào mỗi buổi sáng tại khu chợ này để mua những viên kẹo bi ngọt lịm thơm nồng mùi mật mía. Vào ngày cuối tuần, tôi theo gia đình ngồi bên bếp lửa hồng trên tảng đá nhẵn nhụi như viên đá cuội khổng lồ bên bờ nước, đợi người thuyền chài từ những chiếc mảng mang bán những con cá tươi vừa bắt lên. Tôi được nếm vị ngọt của thịt cá vừa nấu chín trong nồi nước đun sôi. Tôi đã làm theo một ngư phủ trẻ tuổi ăn con tôm sống nhỏ bằng ngón tay út, vừa được vớt lên từ vùng nước biển mặn còn tươi rói, đang dẫy trong miệng. Tất cả những kỷ niệm dù chỉ thoáng qua nhưng khó xóa nhòa.

Tôi đã theo gia đình thăm viếng nhiều di tích của vùng biển Sầm Sơn, nhưng vì còn nhỏ tuổi nên chỉ thích vui đùa với sóng nước, mà nhiều năm sau này khi đọc tác phẩm “Trống Mái” của nhà văn Khái Hưng trong Tự Lực Văn Đoàn, xuất bản vào năm 1936, mới biết và hiểu về các di tích đã khiến Sầm Sơn trở thành vùng biển đặc biệt. Trong đó, nổi bật nhất là “Hòn Trống Mái” mang dấu ấn của một chuyện tình giữa hai nếp sống, phân chia bởi quan niệm “cũ-mới” của xã hội, thành hai thế giới “văn minh và lạc hậu”.

oOo

Trở lại với lịch sử của dân tộc, tỉnh Thanh Hóa còn gọi là xứ Thanh, một tỉnh cực Bắc của miền Trung nước Việt, cũng là một trong những địa điểm của người Việt cổ. Theo di chỉ của ngành khảo cổ, nền văn hóa xuất hiện đầu tiên ở đây là “Văn Hóa Đa Bút”.(2)

“Văn hóa Đa Bút” là tên gọi nền văn hóa Việt Nam có niên đại sau các nền văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, cách 5,000 năm, một vùng đất trải dài từ hữu ngạn sông Đáy đến lưu vực sông Mã (thuộc tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa ngày nay). Văn hóa Đa Bút là đặt theo tên thôn Đa Bút thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa, nơi đầu tiên tìm được những di vật cổ xưa, được khai quật vào năm 1926.

Từ di tích khảo cổ học Đa Bút đã được phân thành các giai đoạn phát triển khác nhau.  Văn hóa Đa Bút có thể gọi là một phức hệ phát triển văn hóa lâu đời từ sau Văn hóa Hòa Bình đến cuối Văn hóa Đá Mới. Sự chuyển biến từ văn hóa Hòa Bình đến văn hóa Đa Bút chỉ là một quá trình của một bộ phận cư dân văn hóa Hòa Bình cư trú ở vùng núi phía Tây Thanh Hóa – Ninh Bình, đã tiên phong tách khỏi hang động tiến xuống khai phá vùng đồng bằng kế cận.                                                
Di chỉ Đa Bút được E. Patte, một nhà khảo cổ người Pháp khai quật vào năm 1926-1927, cho rằng Đa Bút thuộc vào thời kỳ Đá Mới, có rìu đá giống rìu mài lưỡi Bắc Sơn, đồ gốm được làm bằng khuôn đan, người chết được chôn ngồi xổm bó gối. Có phải nhờ nguồn gốc văn hóa này mà Thanh Hóa đã giữ được bản chất dân tộc, dù qua thời gian dài dưới sự đô hộ của các triều đại người Hán.
Dưới thời đô hộ của nhà Hán, Thanh Hóa thuộc quận Cửu Chân. Sang đến thời Tam quốc, nhà Đông Ngô trực tiếp cai trị, tách quận Cửu Chân thành 2 quận Cửu Chân và Cửu Đức.  Quận Cửu Chân mới gồm đất Thanh Hóa ngày nay và một phần phía nam tỉnh Ninh Bình.  Sang đến đời nhà Lương, Lương Võ đế đổi tên Cửu Chân là Ái Châu.  Đến đời nhà nhà Tùy gọi là Cửu Chân quận.
Sang thời tự chủ, Thanh Hóa được đổi tên nhiều lần. Dưới thời nhà Đinh và nhà Tiền Lê, Thanh Hóa gọi là đạo Ái Châu. Vào thời kỳ đầu của nhà Lý, Thanh Hóa gọi là trại Ái Châu.   Năm 1242, vua Trần Thái Tông đổi 24 lộ đời Lý thành 12 lộ, trong đó có Thanh Hoá phủ lộ.  Năm Quang Thái thứ 10 (1397), Trần Thuận Tông đổi thành trấn Thanh Đô, gồm 3 châu và 7 huyện.  
Năm 1403, Hồ Hán Thương đổi phủ Thanh hóa thành phủ Thiên Xương.  Sau khi nhà Hồ thất thủ, nhà Minh cai trị Đại Việt, đổi lại là phủ Thanh Hóa.
Sau khởi nghĩa Lam Sơn, nhà Hậu Lê lên cầm quyền. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Lê Thái Tổ chia nước làm 5 đạo. Thanh Hóa thuộc Hải Tây đạo. Đến năm Quang Thuận thứ bẩy (1466), đặt tên là Thừa Tuyên Thanh Hóa. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) lại đổi thành Thừa Tuyên Thanh Hóa. Tên Thanh Hoá có từ đây.
Sau khi Nhà Nguyễn lên trị vì, vào năm Gia Long thứ nhất (1802), Thừa Tuyên Thanh Hoa đổi là trấn Thanh Hóa.  Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), đổi trấn thành tỉnh, bắt đầu gọi là tỉnh Thanh Hóa.  Đến năm Thiệu Trị thứ ba (1843), lại đổi lại là tỉnh Thanh Hóa. Tên gọi Thanh Hóa được giữ cho đến nay.

oOo

Về địa lý, vùng đất Sầm Sơn thuộc huyện Quảng Xương với núi Gầm án ngữ về phía Nam, mà ngư dân gọi là Mũi Gầm, sau đổi thành núi Sầm. Địa danh này còn gọi là núi Trường Lệ. 

Bãi biển Sầm Sơn

Sầm Sơn cách thành phố Thanh Hóa 16 Km về phía đông, Bắc giáp huyện Hoằng Hóa (sông Mã), phía Nam giáp huyện Quảng Xương, phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ, phía Tây giáp thành phố Thanh Hóa. Sầm Sơn là vùng duyên hải, khí hậu ôn hòa của vùng nhiệt đới, với gần 10 Km đường biển, bãi cát phẳng, làn nước trong xanh 4 mùa, đã đáp ứng nhu cầu tạo dựng thành một nơi nghỉ mát lý tưởng. 
Ngày 15-9-1904, Toàn Quyền Đông Dương Jean-Ernest Moulié ra nghị định xây dựng đài quan sát, trạm y tế và trung tâm nghỉ dưỡng tại bãi biển và ven núi Trường Lệ. Năm 1906 Jean-Ernest Moulié cho xây dựng đường bộ từ Thanh Hóa tới Sầm Sơn.
Từ năm 1907, nhiều căn nhà biệt lập (villa) được xây dựng trên núi Trường Lệ gọi là khu Sầm Sơn Cao (Sầm Sơn Le Haut), nơi nghỉ mát của quan chức người Pháp, các vua quan Triều Nguyễn và giới thượng lưu, quý tộc.
Ở khu vực Sầm Sơn thấp (Sầm Sơn Le Bas), gồm các khách sạn của các thương nhân người Việt dành cho khách nội địa. Sau thời kỳ chiến tranh, khu nhà biệt lập (Villa) trên núi bị tàn phá, chỉ lưu lại dấu vết của những kiến trúc trước đây, như các tường và móng xây bằng đá kiên cố hầu tránh gió bão và giữ được độ mát của căn nhà trong 4 mùa.
Sầm Sơn có nhiều di tích với những truyền thuyết như: Núi Trường Lệ, Hòn Trống Mái, Đền Độc Cước và đền Cô Tiên. 
Núi Trường Lệ,  thuộc địa phận phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.  Cách thành phố Thanh Hóa 16 Km về phía Đông Nam, trải rộng từ đất liền tới sát biển.
Theo truyền thuyết, tại nơi này xưa kia có một người phụ nữ đã qua đời sau khi sinh con.  Cậu bé có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, lớn nhanh như thổi, sức khỏe phi thường. Thương nhớ mẹ, cậu đã khóc và cùng dân làng nhặt đất đá đắp lên thi hài của mẹ. Chỉ ít lâu sau, Nấm mồ lớn dần và trở thành núi Trường Lệ, mang hình ảnh nước mắt chẩy dài.
Cậu bé trưởng thành, trở thành một chàng trai khổng lồ. Vào lúc loài quỷ biển quấy phá ngư dân ngoài biển cả và giặc cướp đe dọa đời sống an lành của người dân trong vùng, cậu bé đã xẻ người làm hai, một nửa giúp ngư phủ dưới biển, một nửa thân hình giúp dân làng dẹp giặc cướp.  Để nhớ ơn cậu bé, dân làng đã lập đền thờ có tên là “Độc Cước”, vì chỉ có một nửa người.
Theo sử, ngày ấy đoàn thuyền của Vua đi tới vùng biển này, bỗng nhiên trời tối tăm, không còn biết phương hướng. Đến khi trời quang mây tạnh, thì cả đoàn thuyền đã nằm trong vùng biển Sầm Sơn. Nhà Vua bèn ngủ lại. Trong giấc ngủ, nhà Vua nằm mộng thấy một vị thần bán thân tự xưng là thần Độc Cước xin được giúp nhà Vua chống giặc ngoại xâm. Nhà Vua hứa khi thắng trận trở về sẽ lập đền thờ.
Khi khải hoàn trở lại vùng biển này, nhà Vua nhớ giấc mộng đêm nào, bèn lên đỉnh núi và thấy một vết chân khổng lồ hình dáng như bàn chân người hằn sâu trên một tảng đá lớn.  Nhà Vua bèn triệu các bô lão trong làng và cấp tiền xây dựng một đền thờ nơi tảng đá có vết chân.

Đền Độc Cước

“Đền Độc Cước” tọa lạc tại cửa biển Sầm Sơn, còn gọi là Đền Thượng trên ngọn núi Cổ Rùa, lưng quay về hướng Đông, cửa đền hướng về hướng Tây. Theo truyền thuyết, đền Độc Cước xây dựng từ thời nhà Trần và được trùng tu nhiều lần dưới thời nhà Lê. Tượng thần Độc Cước bằng gỗ có một tay, một chân. Phía sau đền có Môn Lâu, được xây dựng vào năm Quý Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 16 – 1863, (Đền được tu sửa vào mùa Thu năm Qúy Hợi (1863) dưới thời Tự Đức năm thứ 16, nhân dịp sửa bia Văn Miếu.) 
Thời kỳ đầu, ngôi đền lợp cỏ.  Đến thời Hồng Đức có một cây gỗ Chờ lớn bằng mấy người ôm trôi dạt tới vùng biển này. Dân làng vớt cây gỗ, xẻ gỗ dựng lên ngôi đền nguy nga.

Đền Cô Tiên

Về di tích “Đền Cô Tiên”, theo truyền thuyết, ngôi đền này thờ một cô gái làm nghề thuốc cứu giúp dân làng.  Cô gái không nghe lời cha buộc kết duyên với một người nhà giầu nên bị cha đuổi đi. Sau đó, cô lấy một người nhà quê nghèo tốt bụng.
Khi cô bị bệnh cùi và được một cụ già dùng thuốc Nam và nước suối tại Vũng Tiên chữa cho lành bệnh. Khi từ giã vợ chồng cô, bà đã cho một tay nải để che mưa và một giỏ đựng thuốc để chữa bệnh cứu người. Một lần hai vợ chồng đi chữa bệnh về khuya gặp trời mưa to, cô đã dùng tay nải để che mưa rồi ngủ thiếp đi. Sáng thức dậy, vợ chồng cô thấy mình ở trong một căn nhà 3 gian khang trang. Từ đó vợ chồng cô ở lại căn nhà và dùng thuốc Nam chữa bệnh cho dân làng. Vào một buổi sáng, vợ chồng cô lên núi rồi không thấy về nữa. Từ đó ngôi nhà trở thành Đền Cô Tiên và được dân làng khói hương thờ cúng.

Hòn Trống Mái

Cùng với các di tích trên, “Hòn Trống Mái” tượng trưng cho lòng chung thủy, đã giúp cho Sầm Sơn tăng thêm vẻ kỳ bí.  Hòn Trống Mái nằm trên đường lên núi Trường Lệ, là hai tảng đá lớn nằm chênh vênh trên một tảng đá lớn, một hòn có đầu nhọn tượng trưng con gà trống và một hòn đối diện nhỏ hơn tượng trưng cho con gà mái.

Theo truyền thuyết, tại Sầm Thôn có một chàng ngư phủ khỏe mạnh siêng năng.  Vào một buổi chiều khi thuyền cặp bến, trời bất chợt nổi cơn giông dữ dội, một con Cò trắng bị rơi xuống Vũng Tiên. Chàng ngư phủ mang Cò về chăm sóc.

Vào một ngày, chàng ngư phủ ra biển, Cò ở nhà trong lòng vui sướng vì hôm nay là hết hạn đội lốt Cò nơi hạ giới, trở thành một thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần. Cảm động vì tình nghĩa của chàng ngư phủ, tiên nữ trái lệnh thiên đình ở lại trần gian.

Khi chàng ngư phủ trở về, thấy nhà cửa khang trang sạch sẽ, cơm canh có sẵn. Chàng ngạc nhiên khi thấy một thiếu nữ bước ra, mới hay sự việc. Hai người kết duyên chồng vợ. Ngọc Hoàng nổi giận, sai người xuống trừng phạt tiên nữ. Vì nguyện ở lại cùng chàng, nên nàng dùng phép biến hai vợ chồng thành đôi chim. Khi sứ giả của thiên đình tới bắt, nàng biến đôi chim thành 2 tảng đá. Từ đó dân làng gọi hai tảng đá là “Hòn Trống Mái”, tượng trưng cho lòng sắt son của tình nghĩa vợ chồng như đôi chim liền cánh, trọn đời sống bên nhau.

oOo 

Với huyền thoại về “Hòn Trống Mái”, nhà văn Khái Hưng đã hoàn thành tác phẩm “Trống Mái” do nhà xuất bản “Đời Nay”, xuất bản vào năm 1936.  Với hai nhân vất chính là “Vọi” và “Hiền”, tiêu biểu cho hai nếp sống, theo quan niệm của xã hội lúc bấy giờ, giữa trào lưu theo văn hóa Tây phương khác biệt với nếp sống cũ theo Hán học.  Tác giả đưa ra vấn nạn của xã hội Việt Nam vào thập niên 1930, giữa tiến trình gây ảnh hưởng của người Pháp qua văn hóa trên đường khai hóa thuộc địa, trái ngược với những hủ tục của văn hóa Khổng Mạnh, sau 1,000 năm đô hộ của các triều đại Trung Hoa.  Một khoảng thời gian khá dài với ý đồ đồng hóa, đã ngăn cản sự phát triển của dân tộc Việt Nam. (3)

Ảnh hưởng của văn hóa Tây phương ngày một sâu rộng trong trong giới trẻ miền Bắc qua hệ thống giáo dục và văn hóa nơi các trường học mới thành lập theo chương trình Việt và Pháp, lan tỏa từ xã hội đến gia đình, loại dần những hủ tục “Quân, Sư, Phụ” đã một thời ưu đãi giới nho sinh và thành phần quan lại, chỉ phục vụ cho ý đồ đô hộ các dân tộc phương Nam của các triều đại Trung hoa.  Các khuôn mẫu hủ tục như “Tam tòng tứ đức, nam nữ thụ thụ bất thân” đã cầm giữ người phụ nữ, khiến nữ giới mất dần quyền tự do của con người.

Chủ trương của Tự lực Văn đoàn nhằm khuyến khích thanh thiếu niên tham gia hoạt động xã hội và bồi đắp lòng yêu nước.  Vạch trần tính chất lỗi thời của tàn dư Nho giáo đang ngự trị trong xã hội và lấy việc giải phóng cá nhân làm tâm điểm của sáng tác. Để hậu thuẫn cho chủ trương trên, những tác phẩm tiêu biểu của một số nhà văn trong Tự lực Văn đoàn, đơn cử như: “Gánh hàng hoa” (1934), “Đoạn tuyệt” (1935), của Nhất Linh; “Hồn bướm mơ tiên” (1933), “Nửa chừng xuân” (1934), “Trống Mái” (1936) của Khái Hưng … Mục tiêu đổi mới xã hội được thể hiện qua nhân vật Hiền trong Trống Mái, một thiếu nữ chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây phương, luôn khát vọng một đời sống tự do dân chủ và bình đẳng.

Cảnh đẹp của Sầm Sơn thay đổi từng thời khắc. Từ hừng đông, khi mặt trời ló dạng trên mặt biển, tỏa ánh vàng lấp lánh trên mặt sóng trong xanh và khi mặt trời tắt nắng, nước thủy triều dâng cao, không gian trở lên tĩnh lặng, chỉ còn tiếng gió thì thầm với sóng biển. Ta có thể nói, tác phẩm “Trống Mái” của Khái Hưng đã giúp du khách thưởng ngoạn trọn vẹn nét đẹp kỳ ảo của Sầm Sơn bên bờ đại dương.

oOo

Sầm Sơn vốn là vùng biển được người Pháp bình chọn là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương, một nơi có khí hậu ôn hòa của vùng nhiệt đới. Một vùng biển thơ mộng, còn giữ nguyên nét hoang sơ, rất thuận lợi trong việc di chuyển vì chỉ xa thành phố Thanh Hóa một đoạn đường 16 Km.  Nhờ cảnh trí thiên nhiên thơ mộng, xa hẳn sinh hoạt ồn ào của thành phố, với bãi cát vàng phẳng rộng, nước biển trong xanh và rừng Phi lao ôm sát bờ nước, đã tạo cho Sầm Sơn một vẻ đẹp riêng biệt, mộc mạc đơn sơ.

Khung cảnh yên tĩnh của Sầm Sơn bỗng chốc trở lên ồn ào khi một số báo nổi tiếng miền Bắc đưa tin về vụ dân chài phát hiện kho vàng tại ven biển Thủ Phú, Hải Nhuận.

Làng Thủ Phú từ đầu thế kỷ 19 có tên là làng Phú Xá, thuộc tổng Thủ Hộ (thuộc các xã Quảng Hùng, Quảng Đại, Quảng Hải ngày nay). Theo lời tường thuật của báo chí đương thời, vào rằm tháng 7 năm Giáp Tuất (1934), ông Nguyễn Bá Chưởng 72 tuổi và con là Nguyễn Bá Phèn 51 tuổi đi biển thả lưới. Nhưng ngày hôm sau lưới của ông bị mắc kẹt phía dưới đáy biển không kéo lên được. Ông gọi người con rể ra lặn và thấy lưới bị vướng vào một chiếc hòm, kéo lên mới phát hiện trong có nhiều thỏi vàng, bạc và tiền đồng. Ông giữ kín được 3 ngày thì bị lộ, nên bị dân chài các nơi tới lấy của.

Theo báo Đông Pháp số ra ngày 12-9-1934 loan tải, những người mò được hay mua được vàng thuộc huyện Quảng Xương đều đem chôn giấu. Có người mang vàng và bạc đi trình quan khiến Công sứ Colas cùng Tổng Đốc Nguyễn Bá Trác và Án sát Tôn Thất Toại về tận nơi tra xét. Đồng thời Công sứ Colas cho người mò tìm nơi phát hiện kho tàng nhưng không thấy gì ngoài mấy đồng tiền còn sót lại.

Được tin phát hiện kho báu, trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội phái ông Manikus và ông Công Văn Trung xem xét sự việc. Ông quyền giám đốc trường Claeys cũng hiện diện để nghiên cứu về mặt khảo cổ học các di vật.  Ngoài việc tìm kiếm báu vật dưới đáy biển không thành công, việc tra hỏi được tiến hành. Hai cha con ông Nguyễn Bá Chưởng bị bắt giam làm hai nơi. Ông Chưởng chỉ giao nộp mấy nén vàng, nén bac. Do đó, nhà ông bị khám xét và phát hiện 26 nén vàng, 52 nén bạc, một chuôi gươm bằng bạc, 2 khẩu súng đồng và nhiều tiền đồng.

Sau 4 ngày tra xét, ngày 17-9-1934, theo tờ Ngọ Báo, tổng đốc Nguyễn Bá Trác đã thu được 99 nén vàng, mỗi nén 10 lạng và hơn 100 nén bạc. Theo lời tường thuật của báo chí, tiền đồng có niên hiệu Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông: 1740-1786), các thoi vàng đều có hình dày khoảng 12 ly, một cạnh có chữ Thập lượng (10 lạng, cân nặng từ 0.6 đến 0.62 Kg).

Nguồn gốc Kho báu trên được nhiều báo chí bàn cãi cho đến cuối năm 1936 mới chấm dứt.  Nhưng căn cứ vào 4,300 đồng tiền được trường Viễn Đông Bác Cổ giám định đều có dấu hiệu của các vua Lê trước năm 1786, cũng như trên khẩu súng có ghi ngày đúc 22 tháng giêng Nhâm Thân (1712) Vĩnh Thịnh thứ 8, đã chứng tỏ đây là tài sản của nhà Lê.

Về quyền sở hữu kho báu, Tiến sĩ Emile Tavernier trong bài viết “Kho vàng ở Thanh Hóa thuộc về ai?”, đã viện dẫn các nghị định ngày 22-12-1899; 15-1-1903 của Toàn quyền Đông Dương về sắp đặt lãnh địa ở Đông Dương bao gồm đất liền và hải phận; viện dẫn dụ của Khải Định ngày 1-2-1923 và sắc lệnh Toàn quyền Đông Dương ngày 23-12-1924, nên ngày 11-7-1925 giao cho trường Viễn Đông Bác Cổ giám định. Tavernier kết luận: Những di vật dưới biển, sông và đất liền thuộc quyền sở hữu theo lãnh địa riêng của xứ Đông Dương (không phải của chính quốc Pháp). Theo tinh thần này kho vàng phát hiện tại Thanh Hóa thuộc quyền sở hữu của triều đình nhà Nguyễn.

Cho đến năm 1936, vua Bảo Đại ban dụ số 9 ký ngày 24-2-1936, Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil duyệt y vào ngày 6-3-1936, trong đó có 4 điều:

  1. Mọi của cải tìm thấy ở làng Hải Nhuận, tỉnh Thanh Hóa vào tháng 8-1934 nhà chức trách thu giữ thuộc tài sản của triều đình.
  2. Trừ 2 nén vàng làm mẫu giao cho bảo tàng Finot ở Hà Nội và bảo tang Khải Định ở Huế, những nén vàng và bạc nhập vào ngự khố.
  3. Các vật có giá trị lịch sử hay nghệ thuật như các khẩu súng khảm vàng, cán gươm, đạn, súng nòng to, tiền, mảnh vỡ bình sứ, trao cho các bảo tàng kể trên.
  4. Theo giá của các nén vàng, nén bạc, ngự khố sẽ trả cho trường Viễn Đông Bác Cổ chi phí đã tiêu trong việc nghiên cứu và phí tổn cần thiết cho việc thu hồi các tài sản. Trích 10% giá trị hiện nay của vàng và bạc tìm được, ngự khố trả thưởng cho các thần dân đã giao nộp cho nhà chức trách.

Đối với người phát hiện kho vàng, ông Nguyễn Bá Chưởng đã già, nên người con đầu Nguyễn Bá Phèn được phong chức “Phó tổng vệ lâm” trông nom khu rừng phi lao mới trồng ven biển tổng Thủ Chính. (5)

Dựa vào huyền thoại trên, tác giả Đái Đức Tuấn, bút hiệu TchyA (1908 – 8/8/1961) đã hoàn thành tác phẩm “Kho vàng Sầm Sơn”), do nhà xuất bản Hương Lan – Hà Nội, xuất bản vào năm 1940.  Tác giả cho biết, đây là một truyện mang tính dã sử, nhưng giữ kiện đưa vào sách có liên hệ mật thiết với chính sử. Dù không hoàn toàn nhưng một phần ông đã xử dụng các chi tiết của bộ sử “Việt Nam Sử Lược” của sử gia Trần Trọng Kim.  Chính những giữ kiện lịch sử này đã  giúp cho tác phần thêm phần hấp dẫn. (6)

oOo
Khi còn nhỏ, tôi không biết tới giá trị của đồng tiền, nhưng tôi vẫn thích tiền “Trinh” hơn tiền “Kẽm”.  Cầm đồng “Trinh” ta có cảm giác nhẵn nhụi, trơn bóng sắc vàng, khác lạ với cảm giác khô nhám, nặng nề của tiền kẽm.  Sau này, khi tìm hiểu giá trị của tiền tệ, một phương tiện trao đổi trong đời sống kinh tế thường ngày của xã hội, nhất là vào thời nhà Nguyễn, đất nước đã giành lại độc lập (1802-1883).

So với các triều đại trước, tiền tệ nhà Nguyễn rất phong phú nhờ vào sự phát triển thương mại với nước ngoài. Ngoài những đồng tiền căn bản là tiền bằng đồng còn có cả vàng và bạc dùng trong giao dịch thường ngày. Vì không có đủ nguyên liệu để đúc tiền bằng “Đồng”, nên nhà Nguyễn đã phát hành cả tiền “Kẽm” làm đồng tiền cơ bản.

Sau khi Việt Nam bị Pháp đô hộ vào năm 1883, kể từ thời vua Đồng Khánh, tiền lưu hành trong nước là tiền “Xu” và tiền giấy “1 đồng” do Ngân Hàng Đông Dương phát hành. Các đồng tiền do nhà Nguyễn phát hành chỉ được dùng như tiền lẻ lưu hành ở thôn quê.

Vua Đồng Khánh cho thành lập “Cục Thông Bảo” để đúc tiền, theo tỷ giá 1 đồng bằng 10 đồng tiền kẽm.  Từ thời Khải Định đến thời Bảo Đại, người Pháp cho làm tiền xu bằng máy rập, được gọi là “đồng Trinh”.  Tiền Trinh “Khải Định thông bảo và Bảo Đại thông bảo” là hai đồng tiền duy nhất của chế độ phong kiến Việt Nam không phải là tiền đúc mà được dập bằng máy do Ngân hàng Đông Dương đảm nhận. Vì làm bằng máy nên chứa ít chất đồng nhưng nét chữ rất sắc sảo.

Tiền “Bảo Đại thông bảo” được đúc tại 4 nơi: Huế, Hải Phòng, Hà Nội và Pháp. Loại đúc ở Huế lưu hành ở Trung Kỳ, loại đúc ở Hà Nội và Hải Phòng lưu hành tại Bắc Kỳ. Riêng loại đúc ở Pháp bằng đồng chỉ lưu hành tại Nam Kỳ.  Tiền bằng đồng không đúc mà dập bằng máy từ lá đồng. Kích thước nhỏ và mỏng nên người dân không mấy coi trọng giá trị.

oOo

Sầm Sơn đã thay đổi diện mạo, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 19-4-2017 đã quyết định nâng “thị xã Sầm Sơn” lên “thành phố Sầm Sơn”, diện tích 44.94 Km2 với dân số 150,902 người. Việc thay đổi danh xưng, nhằm đáp ứng quá trình đô thị hóa Sầm Sơn với ước vọng thu hút được nhiều du khách.  

Hàng ngàn hecta rừng phi lao phòng hộ ven biển, nhằm mục đích che chắn những ngọn gió mùa Đông Bắc mang hơi lạnh của biển cả thổi vào đất liền như trước kia nay không còn, vì vùng đất này thuộc Tập đoàn FLC xử dụng cho các công trình du lịch, khách sạn … Người dân địa phương bất mãn, cho hay cuộc đời của họ gắn liền với rừng phi lao và biển cả, nhưng trong 20 năm, rừng bị chặt hạ không thương tiếc, chỉ còn là những bãi đất khô cằn. Hàng trăm hecta đất canh tác nông nghiệp khô cằn vì bị nước biển xâm thực, khiến đời sống người dân vô cùng khốn đốn. 
Người dân cũng thắc mắc, theo quy định tại “điểm a, khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai 2013, việc chuyển đổi từ 10 hecta đất trồng lúa hay 20 hecta rừng phòng hộ trở lên phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, thì Ủy ban Nhân dân tỉnh mới có quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất” (thủ tục chuyển đổi đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được hướng dẫn chi tiết tại khoản 2, Điều 68 Nghị Định 43/2014 ngày 15-5-2014 của Chính phủ). Như vậy, số đất rừng phòng hộ giao cho Tập đoàn FLC sử dụng, đã qua mặt Thủ tướng Chính phủ khi phá hủy trọn vẹn khu rừng phi lao bao bọc bãi biển Sầm Sơn.  (theo Lao động)

Sầm Sơn là một vùng biển đẹp nên số người tới đây ngày một đông, nhất là vào mùa hè nóng bức. Đài truyền hình đưa tin, số người tắm quá đông vào những ngày nghỉ lễ, khiến nước biển đục ngầu. Hình ảnh người tắm vai sát vai này được đăng tải trên báo AFP ngày 21-7-2019 dưới nhan đề: “Beach hustle: Thousands pack popular Vietnam shore”.

Vì sự quá tải trên, rác rến vứt bỏ mọi nơi, chất nước thải từ các khu dân cư, khách sạn, nhà hàng không có hệ thống phân hủy riêng, khiến nước thải đen ngòm bốc mùi hôi thối, đã theo các đường cống sát đường Hồ Xuân Hương tràn ra bãi cát thoát ra biển.

Sau khi Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng CSVN ký kết với Trung cộng, đồng ý đưa Hải Phòng vào “Con đường Tơ Lụa”, Hải Phòng trở thành một điểm nối kết từ “Đặc khu Vân Đồn” thuộc tỉnh Quảng Ninh sát biên giới Trung – Việt trên các tuyến đường chuyển vận hàng hóa của Trung cộng trong mạng lưới thương mại, từ tỉnh Phúc Kiến sang các nước trong vùng.  

Sự việc này được đăng tải trên trang Nikkei Asian Review ra ngày 8-4-2015. Trong bài viết, Tetsuya Abe và Atsushi Tomiyama cho rằng hai ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đã “đồng ý hợp tác về sáng kiến Con đường tơ lụa, một lỗ lực của Trung quốc thu hút Việt Nam để tăng cường ảnh hưởng kinh tế trong vùng”.  (trang BBC)

Vào thời chiến tranh chống Pháp, Sầm Sơn được coi là một cứ điểm chiến lược, không xa hải cảng Hải Phòng. Hiện tại, Sầm Sơn – Hải Phòng đã trở thành một gạch nối trên tuyến đường khống chế dân tộc Việt Nam và các quốc gia trong vùng Đông Nam Á Châu của Trung cộng.

oOo

Vì lợi nhuận của đảng, tập đoàn lãnh đạo đảng CS đã bỏ quên hàng chục ngàn gia đình dân cư Sầm Sơn chuyên sống về nghề chài lưới, nay trở thành vô gia cư vô nghề nghiệp, trong khi biển cả là lẽ sống, là cuộc đời của họ. Từ trường hợp này, chúng ta liên tưởng tới khu công nghệ Formosa-Hà Tĩnh, gây ô nhiễm vì chất thải, dọc theo bờ biển các tỉnh miền Trung, khiến hàng triệu người dân lành phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ làng bỏ xóm, vì không còn đất sống.

Rừng phi lao ôm sát bờ biển nay không còn, khiến Sầm Sơn trở lên trơ trọi, trống trải, đánh mất cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Nhất là tiếng sóng gầm của biển cả hòa lẫn những làn gió rít trong rừng phi lao, đã điểm tô cho Sầm Sơn nét huyền bí kỳ ảo, khiến du khách mong mỏi khám phá. Một đặc điểm riêng biệt của Sầm Sơn, khác lạ với các vùng biển khác.

Bãi biển Sầm Sơn, một vùng biển đã một thời nổi danh là bãi tắm, một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương. Nhưng hiện tại, ngày càng thiếu trong sạch. Nhiều du khách than phiền về sự ô nhiễm này, vì phương hại đến sức khỏe người dân cũng như không khí trong lành, nên không mấy háo hức trở lại.

Trần Nhật Kim

Chú thích

(1) Danh từ Cẩm Thủy gợi nhớ điều ghi trong gia phả họ Trần của tôi về  “Thế Tổ Trần Công, húy Tiến Thụy Tuyên Vũ, vào đời thứ 3, ngành thứ  2, cùng 4 người con trai (Chính Tâm, Chính Đức, Phúc Thụ,  Liễu An) làm tướng dưới Triều Lê, vì nước tử trận nên được phong làm Thành Hoàng xã Duy Dương, huyện Cẩm Thủy tỉnh Thanh Hóa, có đền thờ trên núi Bàng Sóc”.  Hiện có đền thờ các vị trên tại xã Quần Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Hình ảnh và tài liệu: trên mạng Bách khoa mở (Wikipedia).

(2) Văn hóa Đa Bút:  Đa Bút đặt theo tên một thôn ở xã  huyện Vĩnh Lôc, Thanh Hoá, nơi đầu tiên tìm được những di vật của nền văn hóa này.                                                                                 -Trần Qốc Vượng: Văn hóa Đa Bút.
– Nguyễn Khắc Sử:  Hành trình văn hóa tiền sử VN.
– Ph.D Trần Văn Đạt:  Nền văn hóa Đa Bút.
– Theo TH: Hơn 90 năm phát hiệ và nghiên cứu.

(3) Tiểu sử Khái Hưng:
Tên thật là Trần Khánh Giư, sinh năm 1896 tại làng Cổ Am, Vĩnh Bảo tỉnh Hải Dương. Con trưởng, học chữ Hán, sau theo học tại trường Albert Sarraut, đỗ tú tài, về Ninh Giang hoat động thương mại, không thành công, trở lại dạy học trường Thăng Long của cụ Huỳnh Thúc Kháng và gặp Nhất Linh. Ông là một trong 4 trụ cột của Tự lực Văn đoàn với nhiều tác phẩm xuất bản. Ông bị thủ tiêu năm 1947 gần ga Cửa Gà, Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Ngoài những tác phẩm theo thể loại truyện dài, truyện ngắn … tác giả Khái Hưng còn để lại bài thơ “Tình tuyệt vọng” dịch từ bài “Un Secret” của Félix d’Arvers (1806-1860). Bài thơ được đăng trên báo Ngày Nay trước năm 1940, mà độc giả ca ngợi một bài thơ dịch mà nội dung như sáng tác.

Tự lực Văn đoàn
Tự Lực Văn Đoàn gồm 6 thành viên chính:

  1. Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam /1906-1963), 
  2. Khái Hưng (Trần Khánh Giư / 1896-1947),  
  3. Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long – 1907-1948), 
  4. Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ /1907-1989), 
  5. Thạch Lam (Nguyễn Tường Vinh/ 1910-1942), 
  6. Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu – 1900-1976).  

Văn đoàn ra đời nhằm truyền bá tư tưởng chống lại những phong tục hủ bại của Nho giáo đã cầm giữ dân tộc Việt trong u mê tăm tối. Báo Phong Hóa số 14 ra đời ngày 22-9-1932 gồm 8 trang khổ lớn, đả phá tàn dư của chế độ phong kiến đang hoành hành trong xã hội lúc bấy giờ. Các tác phẩm của Tự lực Văn đoàn, trong đó có tiểu thuyết của Khái Hưng gợi cho giới thanh niên nam nữ hướng về mục tiêu tự trau dồi tinh thần và thể chất, tham gia cải cách xã hội.  Đường lối đổi mới xã hội của Tự Lực Văn đoàn được nhấn mạnh trong bản Tuyên ngôn và Tôn chỉ (10 điều), đã xuất hiện trên tuần báo Phong Hóa số 87 ra ngày 2 tháng 3 năm 1934.

Để chuyển đổi nếp sống văn hóa và cải tiến xã hội, Tự lực Văn đoàn nhắm ba mục tiêu chính:

  1. Dấy lên phong trào sáng tác làm cho văn học Việt Nam có cơ hưng thịnh.
  2. Xây dựng một nền văn chương tiếng Việt đại chúng.
  3. Tiếp thu phương pháp sáng tác của Âu châu để hiện đại hóa văn hóa dân tộc.

(4) Bài thơ của Felix d’Arvers không có tên, viết theo thể thơ Sonnet của Ý, thường được gọi là “Sonnet d’Arvers hay Un Secret”. Đây là bài thơ duy nhất của nhà thơ Félix d’ Arvers, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tại Việt Nam, người dịch đầu tiên ra tiếng Việt là Khái Hưng với tên “Tình Tuyệt Vọng” đăng trên báo Ngày Nay trước năm 1940. (Theo: thivien.net)

Mon âme a son secret, ma vie a son mystère:
Un amour éternel en un moment conçu.
Le mal est sans espoir, aussi j’ai dû le taire,
Et celle qui l’a fait n’en a jamais rien su.

Hélas ! j’aurai passé près d’elle inaperçu,
Toujours à ses côtés, et pourtant solitaire,
Et j’aurai jusqu’au bout fait mon temps sur la terre,
N’osant rien demander et n’ayant rien reçu.

Pour elle, quoique Dieu l’ait faite douce et tendre,
Elle ira son chemin, distraite, et sans entendre
Ce murmure d’amour élevé sur ses pas;

À l’austère devoir pieusement fidèle,
Elle dira, lisant ces vers tout remplis d’elle:
“Quelle est donc cette femme?” et ne comprendra pas.
Lòng ta chôn một khối tình,
Tình trong giây lát đã thành thiên thâu.
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu,
Mà người gieo thảm như hầu không hay

Hỡi ơi! Người đó ta đây,
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?
Dẫu ta đi trọn đường trần,
Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi?

Người dù ngọc nói hoa cười,
Nhìn ta như thể nhìn người không quen.
Đường đời lặng lẽ bước tiên,
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình.

Một niềm tiết liệt đoan trinh,
Xem thơ nào biết có mình ở trong,
Lạnh lùng, lòng sẽ hỏi lòng,
Người đâu tả ở mấy giòng thơ đây?

(5) Nguyễn Danh Phiệt: Sự thật lịch sử về “Kho vàng Sầm Sơn”.

(6) Tiểu sử TchyA:  Tên thật là Đái Đức Tuấn, sinh năm 1908 tại Quảng Xương Thanh Hóa, mất ngày 8-8-1969 tại Sài Gòn. Xuất thân trong một gia đình quan lại, sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần, ông làm Tham tá tại Nha Học chính Đông Dương từ năm 1930. Ông viết văn từ năm 1935 cho các tờ báo Đông Tây, Nhật Tân, Tiểu thuyết thứ bảy. Đến năm 1940, ông xin nghỉ việc và sang cư ngụ tại Côn Minh, Trung Hoa. Đến năm 1945, ông trở lại Việt Nam tiếp tục làm báo. Năm 1950, ông dạy học trường Quốc Học Huế.

Năm 1946, ông tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng. Ông gia nhập quân đội VNCH với cấp bậc Đại úy đồng hóa và giải ngũ năm 1956.

Related posts