Sau hơn hai tháng kể từ ngày xảy ra vụ việc TS Bùi Quang Tín tử vong bất thường, ngày 8/6 sẽ hết thời hạn xác minh vụ án theo quy định của Bộ Luật tố tụng Hình sự.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh, người bảo vệ quyền lợi cho gia đình TS Bùi Quang Tín, cho biết ngày 5/6 là tròn 2 tháng TS Bùi Quang Tín tử vong. Đến ngày 8/6 sẽ hết thời hạn 2 tháng xác minh vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ông Quynh cho hay chiều 5/6, điều tra viên trả lời ông rằng do vụ việc có tính chất phức tạp nên có thể sẽ phải gia hạn xác minh thêm thời gian. Ông Quynh cho biết hy vọng sang tuần (8-14/6) sẽ nhận được quyết định gia hạn điều tra của Cơ quan điều tra PC01, Công an TP.HCM.
Theo diễn biến liên quan, trước đó, gia đình bà Nguyễn Thanh Bích (vợ cố TS Bùi Quang Tín) đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ, phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến quá trình điều tra về cái chết của ông Bùi Quang Tín.
Đơn kiến nghị này được Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu gửi đến Bộ Công an để giải quyết, theo văn bản thông báo ngày 3/6 của Văn phòng Chính phủ.
Như vậy, sau hai tháng, vụ việc vẫn chưa có kết luận điều tra từ cơ quan điều tra. Thông tin gần nhất là vào cuối tháng 4, bà Bích – vợ TS Bùi Quang Tín được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM mời tới để xác nhận mắt kính của ông Tín.
Cặp mắt kính được tìm thấy không phải ở hiện trường ông Tín rơi lầu. Cơ quan điều tra thông báo cặp kính được tìm thấy trong nhà ông Trần Việt Dũng (Viện trưởng Viện đào tạo Quốc tế – Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), nơi ông Tín ngồi nhậu trong bữa ăn trưa ngày 5/4.
Cơ quan điều tra cũng đã trích xuất dữ liệu từ email, Zalo và điện thoại của ông Tín để phục vụ điều tra.
Điều 172. Thời hạn điều tra1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.2. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.3. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.(trích Bộ Luật tố tụng hình sự 2015) |
Thông tin từ các bên liên quan
Trưa 5/4, ông Trần Việt Dũng (32 tuổi, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế thuộc Trường Đại học Ngân hàng TPHCM) mời 8 đồng nghiệp đang làm việc tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tới dùng bữa trưa tại căn hộ của ông Dũng (căn hộ D14.11, block D Chung cư New Saigon-Hoàng Anh Gia Lai 3).
9 người cùng tham dự bữa ăn, gồm:
1. Ông Trần Việt Dũng – 32 tuổi, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế (chủ nhà)
2. Ông Lê Trung Nhân – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế
3. Ông Ông Văn Năm – Phó trưởng Phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng
4. Ông Nguyễn Anh Vũ – Trưởng Phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu
5. Ông Nguyên – Giảng viên thỉnh giảng môn tiếng Anh của trường
6. Ông Nguyễn Đức Trung – 41 tuổi, Phó Hiệu trưởng
7. Ông Bùi Hữu Toàn – 45 tuổi, Hiệu trưởng
8. Ông Phùng Văn Ứng – Phó trưởng khoa Khoa Lý luận chính trị
9. Ông Bùi Quang Tín – 44 tuổi, Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh.
Đến khoảng hơn 15h cùng ngày, 6 người lần lượt ra về. Căn hộ chỉ còn ông Dũng (chủ nhà), ông Tín và ông Trung.
Theo lời của ông Dũng, do có hẹn với bạn, khoảng 17h, ông Dũng ra ngoài, dặn ông Tín và ông Trung khi nào về cứ đóng cửa vì dùng khoá số. 20 phút sau, ông Dũng nhận được điện thoại của ông Trung, nói ông Tín bị ngã xuống đất. Khi ông quay về thì công an đã có mặt tại hiện trường, ông Tín tử vong.
Theo lời của ông Trung (người tiếp xúc cuối cùng với ông Tín trước khi ông Tín tử vong), hai người mệt do uống rượu nên nằm nghỉ ở ghế salon. Khoảng 17h15, ông Tín đứng dậy nói muốn đi về. Ông Trung bảo ở lại nghỉ và gọi người nhà đến đón nhưng ông Tín vẫn đi về. Một lúc sau, ông Trung nghe tiếng động mạnh ở khu vực giếng trời nên ra kiểm tra. Ông Trung nói do mắt cận và uống say nên không nhìn thấy gì ở dưới đất, nhưng linh cảm có chuyện chẳng lành nên gọi điện kêu chủ nhà về.
Theo thông tin từ bảo vệ chung cư, khoảng 17h30, người bảo vệ nghe thấy tiếng động lớn tại khu vực giếng trời sảnh D2 (tầng trệt), khi đến kiểm tra, phát hiện một người đàn ông nằm bất động nên báo cho trưởng Ban quản lý, ban quản trị khu căn hộ và công an.
Trong đơn yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, khởi tố vụ án TS.LS Bùi Quang Tín tử vong, bà Nguyễn Thanh Bích đã chỉ ra nhiều điểm bất thường xung quanh vụ việc ông Tín tử vong, như lan can ban công cao 1,4 m trong khi ông Tín cao 1,6 m nên không có chuyện tự ngã mà phải có sự tác động; lời khai nói ông Tín bảo đi về nhưng 2 điện thoại di động của ông Tín vẫn để trên bàn, đôi dép vẫn để trước cửa nhà; bao tử ông Tín trống rỗng; người dân, bảo vệ tại khu vực không nghe thấy tiếng kêu la theo phản xạ tự nhiên của con người khi ngã xuống từ trên cao…
Theo bà Bích và gia đình, có nhiều điểm bất thường tại hiện trường vụ tử vong, cho rằng cái chết của ông Tín là bất thường và có nhiều uẩn khúc cần làm rõ. Gia đình đặt nghi vấn ông Tín chết trước khi rơi xuống lầu.
Nguyễn Quân