Trung Quốc có thể phải hủy 95% kho vũ khí nếu ký hiệp ước INF
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đã công bố bản đánh giá an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết Trung Quốc có thể sẽ phải hủy 95% kho dự trữ tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình nếu ký một thỏa thuận tương tự Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty viết tắt là INF), theo Defense News ngày 6/6.
Hiệp ước INF được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô trong năm 1987, cấm phát triển tên lửa phóng từ mặt đất với tầm bắn 500-5.500 km. Theo số liệu của IISS, ước tính Trung Quốc sở hữu hơn 2.200 tên lửa, đều thuộc diện bị cấm trong INF.
Mỹ rút khỏi INF vào tháng 8/2019, tố Nga vi phạm thỏa thuận khi phát triển tên lửa 9M279, mặc dù Nga bác bỏ rằng tên lửa này đã vi phạm các giới hạn trong hiệp ước. Việc Mỹ rút khỏi INF được cho là sẽ nhắm vào kho vũ khí của Trung Quốc.
Đấu đá nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc nổi lên bề mặt
Taiwan News hôm 8/6 đưa tin, hai nhân vật quyền lực nhất trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xuất hiện mâu thuẫn về cách thức phục hồi nền kinh tế ảm đạm hậu Covid-19, cho thấy sự rạn nứt trong nội bộ chính quyền nước này, theo Taiwan News.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 28/5 đã đề xuất biện pháp “kinh tế vỉa hè” để vực dậy nền kinh tế đang bị tổn hại nặng nề do đại dịch và kích thích tiêu dùng trong nước. Chính sách này sẽ cho phép những người bán hàng rong trở lại hoạt động, vốn từng bị cấm đoán vào thời điểm trước đại dịch.
Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau, các cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ và một số kênh truyền thông của chính phủ đã phát động một chiến dịch phản đối chính sách này do tiềm ẩn khả năng làm vấy bẩn hình ảnh của các thành phố.
Trong một bài bình luận hôm thứ Bảy (ngày 6/6), tờ Bắc Kinh Nhật Báo đã đả kích những người bán hàng rong vì bán hàng giả, gây ô nhiễm tiếng ồn, gây ách tắc giao thông, đồng thời tuyên bố sự trở lại của họ sẽ chỉ làm tổn hại nỗ lực cải thiện vệ sinh và thúc đẩy một xã hội văn minh.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng phát một bản tin bình luận trên trang web của họ hôm Chủ nhật (ngày 7/6), chỉ trích các thành phố lớn muốn theo đuổi mô hình kinh tế vỉa hè này.
Những người bán hàng rong không phải là tiên dược cho sự suy thoái kinh tế, và mù quáng áp dụng phương pháp này sẽ mang lại hậu quả khôn lường: nhiều năm nỗ lực ‘quản lý đô thị tinh tế’ sẽ đi xuống cống”, bài báo viết.
Động thái phản ứng dữ dội trong các phát ngôn của ĐCSTQ cho thấy những quan điểm trái ngược giữa thủ tướng Lý Khắc Cường và tổng bí thư Tập Cận Bình, làm dấy lên đồn đoán về khả năng đấu đá nội bộ đang diễn ra trong ĐCSTQ.
Ông Tập dường như khá phẫn nộ trước những phát biểu của ông Lý tại phiên họp thường niên của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc vào tháng trước, khi ông Lý cho biết Trung Quốc vẫn có đến 600 triệu người hiện có mức thu nhập hàng tháng chỉ ở mức 1.000 nhân dân tệ (141 USD), phản ánh cuộc đấu tranh chống đói nghèo vẫn còn dai dẳng ở Trung Quốc.
Các nhà phân tích trước đó chỉ ra rằng ông Lý Khắc Cường đã nhiều lần bày tỏ “bất mãn” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đặc biệt trong các kỳ họp “Lưỡng Hội” vừa qua của Trung Quốc.
Các mâu thuẫn nội bộ được hé lộ ra bên ngoài trong khi ĐCSTQ đang đối mặt với áp lực tứ bề, cả trong lẫn ngoài nước, từ tình trạng suy thoái kinh tế do dịch COVID-19, sự bất mãn của người dân, các nhà đầu tư rời bỏ Trung Quốc, làn sóng yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc gây ra đại dịch toàn cầu, chưa kể là những quyết sách mới đây của Hoa Kỳ nhắm thẳng vào mối đe dọa từ chính quyền Trung Quốc.
Mỹ quyết định rút quân khỏi Đức
Trước mắt, cả Nhà Trắng lẫn Lầu Năm Góc cùng từ chối bình luận, xác nhận hay bác bỏ tin tổng thống Donald Trump ra lệnh cho bộ Quốc Phòng giảm quân số đang đóng tại Đức đang từ 34.500 xuống còn 25.000. Tại Berlin chính giới đang rúng động trước một kịch bản tai hại nếu tin trên là đúng.
Đức tỏ ra bất bình vì tuy là đồng minh cột trụ, thân thiết nhất của Hoa Kỳ trong NATO, chính quyền Berlin đã không được thông báo trước về quyết định của Nhà Trắng. Nhưng quan trọng hơn cả, là nếu tin trên của tờ The Wall Street Journal được kiểm chứng, thì “quyết định này gây nhiều tổn thất trong quan hệ song phương” và “có nguy cơ đe dọa đến an ninh của nước Đức” vốn từ trước đến nay được đặt dưới “ô dù” bảo vệ của NATO mà thành viên quan trọng nhất là nước Mỹ. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên báo rằng ông lấy làm tiếc vì kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Đức và ông mô tả mối quan hệ giữa Berlin với Hoa Kỳ là “phức tạp”.
Rút gần 10.000 quân ra khỏi 21 căn cứ quân sự của Mỹ trên toàn lãnh thổ Đức sẽ là hành động cụ thể nhất kể từ khi tổng thống Trump đòi NATO phải chia sẻ gánh nặng quân sự và chỉ trích Liên Minh này là một cơ cấu “đã lỗi thời”. Hơn thế nữa đây là tín hiệu mạnh cho thấy Hoa Kỳ thoái lui trong chiến lược phòng thủ châu Âu.
Kim Jong Un bất ngờ họp Bộ chính trị
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, hôm 7/6 nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chủ trì hội nghị lần thứ 13 của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên. Cuộc họp diễn ra khi Bình Nhưỡng đang tăng áp lực lên Seoul về các hoạt động thả truyền đơn chống Triều Tiên của những người đào thoát. KCNA báo cáo, cuộc họp nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp hóa chất và sản xuất phân bón, đây sẽ là những ngành chủ lực của nền kinh tế đất nước.
Triều Tiên không trả lời điện thoại của Hàn Quốc
Triều Tiên đã phớt lờ một cuộc gọi điện thoại liên lạc hàng ngày từ phía Hàn Quốc vào hôm 8/6, đây là lần đầu tiên Triều Tiên không bắt máy kể từ khi hai bên mở ra văn phòng liên lạc chung vào năm 2018, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết. Động thái này xảy ra sau khi Triều Tiên tuyên bố đóng cửa văn phòng liên lạc liên Triều để phản đối hoạt động thả truyền đơn qua vùng giới tuyến của các nhóm dân sự ở Hàn Quốc để chỉ trích lãnh đạo Bình Nhưỡng.
Tờ Rodong Sinmun cùng ngày trong một bài báo tuyên bố rằng việc phát tán truyền đơn của “những người đào thoát Triều Tiên” là không thể dung thứ và nói thêm rằng điều này đã trở thành một ngòi nổ cho mối quan hệ hai miền thêm phần thảm khốc.
Trung Quốc đòi Thượng Nghị sĩ Mỹ đưa bằng chứng cho cáo buộc cản trở phát triển vaccine Covid-19
Trung Quốc đòi Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Rick Scott trưng bằng chứng cho cáo buộc của ông rằng Bắc Kinh đang cố gắng làm chậm lại hoặc phá hoại ngầm quá trình phát triển vắc xin chống Covid-19 của các nước phương Tây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong một cuộc họp báo ngày 8/6 đã đưa ra tuyên bố, nhằm đáp trả các bình luận của vị thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa trong một cuộc phỏng vấn trên BBC TV.
Biểu tình ở Kashmir sau khi 5 chiến binh bị bắn chết
Hôm 7/6, có ít nhất 5 chiến binh đã bị lực lượng Ấn Độ bắn chết trên khu vực Shopian thuộc vùng do Ấn Độ quản lý ở Kashmir. Vụ việc đã khiến người dân trong khu vực biểu tình. Hãng AP dẫn lời phát ngôn viên của quân đội Ấn Độ, Đại tá Rajesh Kalia nói rằng quân đội và cảnh sát đã bao vây một ngôi làng ở phía nam Shopia sau khi được báo rằng có một số phiến quân đang lẩn trốn tại đó. Một cuộc bắn súng vào nhau khiến làm chết 5 chiến binh.
Kể từ năm 1989, các nhóm phiến quân của Kashmir đã chiến đấu để giành độc lập trong khu vực đã sát nhập với Pakistan, dẫn đến 70.000 người chết, chủ yếu là dân thường. Ấn Độ cáo buộc Pakistan vũ trang và huấn luyện phiến quân chống Ấn Độ. Pakistan phủ nhận cáo buộc.