Chấm dứt chương trình giữ trẻ miễn phí
Tuyên bố hôm 8.6.2020 Tổng trưởng giáo dục Dan Tehan cho hay chính phủ Liên bang sẽ chấm dứt chương trình giữ trẻ miễn phí vào ngày 12.7.2020 và tám ngày sau, ngày 20.7.2020 sẽ chấm dứt trợ cấp Jobkeeper cho nhân viên làm trong ngành giữ trẻ này.
Tuyên bố này đã gây sốc không chỉ cho nhân viên và các chủ nhân trong ngành giữ trẻ mà cả những bậc phụ huynh có con nhỏ. Phát ngôn viên Giáo dục của Đảng Xanh, TNS Mehreen Faruqi, cho rằng quyết định trên là một sự “phản bội”.
Nữ dân biểu Amanda Rishworth, Phát ngôn viên đối lập về giáo dục ấu nhi, lên tiếng:
“Khi ông tổng trưởng kinh tế thú nhận rằng nước Úc đang bị suy thoái kinh tế và nhiều gia đình đang chật vật xoay xở để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, chính quyền này lại quyết định rằng đây là cơ hội tốt để áp dụng trở lại lệ phí giữ trẻ cao ngất. Các gia đình đã gánh chịu chi phí cao nhất này trước đại dịch, vốn tăng đến 7.2% chỉ trong một năm. Bây giờ nhiều người đã bị cắt thu nhập hay mất việc, biện pháp này sẽ khiến nhiều người không tiếp xúc được với các dịch vụ giáo dục và chăm sóc”.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 5.6.2020 Thủ tướng Scott Morrison đã tuyên bố rằng trợ cấp Jobkeeper sẽ được duy trì cho đến cuối tháng Chín.
Khi một phóng viên chất vấn là “Thủ tướng có cam đoan điều đó, cam đoan là sẽ duy trì đến cuối tháng Chín”, ông Morrison trả lời: “Vâng, tôi cam đoan!”
Tù nhân đánh nhau, dân lành hít khói cay
Nhân viên Cục trừng giáo NSW đã bắn lựu đạn cay để trấn áp những tù nhân tại nhà tù Long Bay và hậu quả là những cư dân gần đó hít phải khói độc.
Sự việc diễn ra trưa ngày 8.6.2020 ra khi các tù nhân gây gỗ rồi đánh nhau trong sân tập thể dục.
Leonie Stevens, một cư dân của vùng Matraville suốt 27 năm qua, cho biết đây là lần đầu tiê trong đời cô nếm mùi lựu đạn cay. Sự việc diễn ra khi đứa con 19 tuổi của bà đứng ngoài ban công và anht a than phiên là mặt mình như “bị cháy”/
Phố Tàu vẫn vắng tanh
Phố Tàu Chinatown tại Sydney vẫn vắng tanh và các chủ nhà hàng từng tấp nập một thời đã hoàn toàn thất vọng khi thực khách vẫn xa lánh dù chính phủ đã nới lỏng lệnh giãn cách xã hội, cho phép các nhà hàng đón tối đa 50 khách.
Ông Henry Xu, chủ một nhà hàng lẫu 100 chỗ ngồi từng hăm hở đón chờ ngày này, tưởng rằng sau thời gian cấm cửa khánh sẽ ào ào kéo đến nhưng rồi hoàn toàn thất vọng. Nhiều nhà hàng đã phải đóng cửa, không biết tình trạng này kéo dài được bao lâu.
Tình trạng ế khách này diễn ra trước khi chính phủ ban hành lệnh cách ly. Ngay từ hạ tuần tháng 1, trùng với tết âm lịch, khách đặt bàn trước đã hủy bỏ hàng loạt và doanh thu sụt giảm đến 70%. Lúc đó am ảnh với tâm lý “sợ Trung Quốc”, thực khách Úc đa số đều tránh đến các khu phố Tàu cũng như các nhà hàng, quán ăn của họ.
Nhà hàng Shark Fin House, mở cửa 30 năm trước tại Chinatown của Melbourne đã phải đóng cửa vào tuần cuối tháng Một và nay vẫn hồi hộp, chưa biết bao giờ mới có thể tấp nập như xưa.
Từ Queensland đến NSW lướt sóng, bị cá mập cắn chết
Một người lướt sóng 60 tuổi bị một con cá mập trắng dài 3 m tấn công và giết chết ngoài khơi bờ biển Salt Beach ở gần thị trấn Kingcliff thuộc vùng biển ở phía bắc tiểu bang New South Wales. Thị trấn Kingscliff, cách Brisbane khoảng 100 km về phía Nam.
Nhưng nạn nhân lại cư ngụ tại Tugun, thuộc tiểu bang Queensland, đã bị con cá cắn ở phía sau đùi và những người lướt sóng xung quanh nhìn thấy vụ tấn công liền đổ xô tới, chiến đấu với con cá mập và đuổi nó đi. Nạn nhân được những người lướt sóng khác đưa vào bờ để sơ cứu nhưng đã tắt thở ngay tại chỗ.
Quan sát các vết cắn, một nhà sinh vật hải dương kết luận thủ phạm là một con cá mập trắng giết chết. Quan chức bang NSW Terence Savage mô tả đây là một tình huống khủng khiếp: “Họ đã làm tất cả những gì có thể để cố gắng cứu mạng ông ấy nhưng không thể”.
Giới chức hữu trách lập tức yêu cầu mọi người rời khỏi các bãi biển lân cận, thông báo đóng cửa trong 24 giờ.
Đây là vụ cá mập tấn công làm chết người thứ ba tại Úc trong năm nay. Vào tháng 1, một thợ lặn bị cá mập cắn gần Esperance, ngoài khơi bờ biển bang Tây Úc, dẫn đến thiệt mạng. Vào tháng 4, một con cá mập cắn chết một nhà động vật học 23 tuổi trên rạn san hô Great Barrier.
Năm ngoái, có 27 vụ cá mập tấn công người tại Úc song không có trường hợp tử vong nào.