Tròn 1 năm người Hồng Kông biểu tình phản đối luật dẫn độ
Tờ SCMP đưa tin, hàng trăm người biểu tình trưa nay (9/6) tập trung tại ít nhất 4 trung tâm thương mại trên khắp Hồng Kông, nhằm đánh dấu một năm kể từ khi một triệu người xuống đường để phản đối dự luật dẫn độ hiện đã bị hủy.
Ở trung tâm Landmark, đám đông hô vang các khẩu hiệu và các biểu ngữ ủng hộ dân chủ, trong đó có biểu ngữ: “Đừng quên dũng khí khi bạn bắt đầu, kiên trì cho đến cuối cùng”.
Cô Leung, một người làm việc trong ngành luật thường xuyên tham gia biểu tình vào giờ ăn trưa nói với RTHK rằng, cô cảm thấy trưởng đặc khu Carrie Lam đã không rút ra được bài học trong một năm qua.
“Tôi nghĩ rằng những gì bà ấy làm có vẻ như cuối cùng là để trả đũa những người biểu tình và bất cứ ai cản đường bà ấy”, cô Leung nói.
Ngoài trung tâm thương mại Landmark, các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại trung tâm APM ở Kwun Tong, Cityplaza ở Tai Koo và trung tâm thương mại Cửu Long ở Kwai Chung.
Hồng Kông: Các nhà dân chủ nói họ đang bị theo dõi bởi những kẻ nói giọng Trung Quốc đại lục
Một số nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng của Hồng Kông nói rằng họ đang bị theo dõi và bị quay phim bởi những kẻ lạ mặt mà họ tin đó là các nhân viên an ninh Trung Quốc.
Hoàng Chi Phong, nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng của Hồng Kông cho biết, sau khi kết thúc một cuộc họp vào tối ngày 6/6, anh và một số cộng sự đã phát hiện họ đang bị 4 người đàn ông theo dõi.
Khi nhóm của Hoàng Chi Phong đối mặt với một trong những kẻ theo dõi và hỏi anh ta rằng, anh ta đang làm việc cho an ninh Hồng Kông hay an ninh Trung Quốc, người đàn ông này đã la lên và cáo buộc nhóm của Hoàng Chi Phong đang cướp đồ của anh ta, rồi nhanh chóng leo lên một chiếc xe taxi và biến mất.
Theo Hoàng Chi Phong, vào thời điểm nhóm của anh đang chất vấn người đàn ông kia, một chiếc ô tô màu trắng đậu gần đó đã được lái đi. Phong cho biết, gần đây, anh đã nhiều lần thấy chiếc ô tô này. Anh nghi ngờ rằng, chiếc xe là để chở những kẻ theo dõi nhưng đã lái đi sau khi bị lộ.
Hoàng Chi Phong cho biết, trong tuần qua, anh đã bị theo dõi bởi một người đàn ông trung niên ngồi trong một chiếc xe hơi và chụp ảnh anh khi anh đến văn phòng của Demosisto, đảng dân chủ mà Hoàng Chi Phong là tổng thư ký.
“Có thể điều này xảy ra mọi lúc ở Trung Quốc đại lục, nhưng Hồng Kông là khác với Trung Quốc. Rốt cuộc, luật an ninh quốc gia vẫn chưa được thực thi tại Hồng Kông. Vậy tại sao các nhà hoạt động dân chủ và ủy viên hội đồng bị theo dõi mỗi ngày?”, Hoàng Chi Phong viết trên Twitter.
“Thật đáng buồn, giám sát chính trị nhằm gây ra hiệu ứng sợ hãi đã trở thành hiện thực mới ở Hồng Kông. Mọi người, hãy bảo trọng. Để giữ an toàn, hãy đừng ra ngoài một mình”, Hoàng Chi Phong cảnh báo.
Trước đó, vào tối ngày 5/6, ông Đàm Văn Hào (Jeremy Tam), ủy viên Hội đồng Lập pháp thuộc Đảng Công dân Hồng Kông cho biết, ông đang bị hai kẻ “nói giọng Trung Quốc đại lục” theo dõi và những kẻ này cũng chạy trốn bằng cách vẫy một chiếc taxi khi ông đối mặt với họ.
Theo ông Đàm, vụ việc cho thấy Hồng Kông không còn an toàn nữa và việc Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông sẽ khiến quyền tự do của người dân sụp đổ.
“Sau khi luật an ninh quốc gia được thực thi, trong những trường hợp tương tự như vậy, nếu người đó nói rằng anh ta là lực lượng an ninh quốc gia Trung Quốc, tôi có thể làm gì? Nếu tôi đối đầu với anh ta, tôi sẽ bị bắt đi chứ?”, ông Đàm cho biết.
Ông Dương Nhạc Kiều (Alvin Yeung), lãnh đạo đảng Công dân Hồng Kông cho biết, ông Đàm không phải là người duy nhất bị theo dõi, vì các nhà lập pháp, ủy viên hội đồng quận và các nhà hoạt động khác cũng đang gặp tình trạng tương tự. Theo ông Dương, chính quyền đang tạo nên sự sợ hãi trong các chính trị gia và cảnh báo người dân cũng có thể bị bắt cóc khi luật an ninh quốc gia được thực thi tại Hồng Kông.
“Luật an ninh quốc gia chưa được thực thi, nhưng khủng bố trắng đã được thực hiện”, ông Dương nói, nhưng nói thêm rằng đảng của ông sẽ không lùi bước vì sợ hãi và sẽ tiếp tục phản đối việc Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông.
Theo HKFP
Băng Thanh dịch và biên tập
Chiến đấu cơ Đài Loan ‘xua’ tiêm kích Trung Quốc
Theo hãng tin Reuters, Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm nay cho biết họ đã phát đi cảnh báo bằng lời sau khi phát hiện một số tiêm kích Su-30 Trung Quốc tiến vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở phía tây nam hòn đảo. Đài Loan đã triển khai chiến đấu cơ để “xua đuổi” các tiêm kích Trung Quốc.
Dữ liệu vệ tinh cho thấy Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc từ rất sớm
Ảnh chụp vệ tinh thành phố Vũ Hán
Sự gia tăng đột ngột lưu lượng ô tô quanh các bệnh viện lớn ở Vũ Hán vào mùa thu năm ngoái cho thấy Covid-19 có thể đã xuất hiện và lan rộng khắp miền trung Trung Quốc từ lâu trước khi Trung Quốc báo cáo cho thế giới biết đến lần đầu, theo một nghiên cứu mới của Đại học Y Harvard.
Sử dụng các biện pháp tương tự các cơ quan tình báo, nhóm nghiên cứu đã phân tích ảnh chụp vệ tinh thương mại và “quan sát thấy sự gia tăng đáng kể lưu lượng giao thông bên ngoài năm bệnh viện lớn ở Vũ Hán bắt đầu từ cuối mùa hè và đầu mùa thu năm 2019”, theo Tiến sĩ John Brownstein, giáo sư y khoa Harvard, trưởng nhóm nghiên cứu.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy sự tăng vọt lưu lượng xe đậu tại bệnh viện bà mẹ và trẻ em Hồ Bắc ở Vũ Hán hồi tháng 10/2019
Trao đổi với ABC News, ông Brownstein cho biết sự gia tăng lưu lượng giao thông cũng “trùng khớp” với sự gia tăng tìm kiếm các từ khóa trên mạng internet Trung Quốc cho “các triệu chứng bệnh nhất định mà sau đó đã được xác định là có liên quan chặt chẽ với virus corona chủng mới”.
Mặc dù ông Brownstein thừa nhận đây chỉ là các bằng chứng gián tiếp, nhưng ông cho rằng nghiên cứu này cung cấp một kho dữ liệu mới quan trọng góp phần làm sáng tỏ bí ẩn về nguồn gốc COVID-19.
“Điều gì đó đã xảy ra vào tháng 10/2019”, ông Brownstein, giám đốc sáng tạo của Bệnh viện Nhi Boston và giám đốc Phòng thí nghiệm dịch tễ học thuộc ĐH Harvard. “Rõ ràng, có một mức độ gián đoạn hoạt động xã hội nhất định diễn ra khá lâu trước thời điểm chính thức khởi đầu dịch bệnh”.
Brownstein và nhóm của ông, bao gồm các nhà nghiên cứu từ Đại học Boston và Bệnh viện Nhi Boston, đã dành hơn một tháng để cố gắng xác định các dấu hiệu cho thấy dân số tỉnh Hồ Bắc (vùng tâm dịch) bắt đầu bị ảnh hưởng.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy sự tăng vọt lưu lượng xe đậu tại bệnh viện Thiên Hữu ở Vũ Hán hồi tháng 10/2019
Logic trong dự án nghiên cứu của Brownstein khá rõ ràng: các bệnh về đường hô hấp dẫn đến một loạt các hành vi rất cụ thể trong các cộng đồng nơi chúng lan rộng. Vì vậy, những bức ảnh thể hiện những kiểu hành vi này có thể giúp giải thích những gì đang xảy ra ngay cả khi những người nhiễm bệnh không nhận ra vấn đề rộng lớn hơn vào thời điểm đó.
“Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là nhìn vào hoạt động, một bệnh viện bận rộn như thế nào”, ông Brownstein nói. “Và cách chúng tôi làm là đếm những chiếc xe đang ở bệnh viện đó. Bãi đậu xe sẽ trở nên đầy ắp khi bệnh viện bận rộn. Vì vậy, nhiều xe hơi hơn trong bệnh viện, bệnh viện bận rộn hơn, có thể là do có gì đó xảy ra trong cộng đồng, tình trạng lây nhiễm đang gia tăng và người dân phải đi khám bác sĩ. Do đó, bạn thấy sự bận rộn của bệnh viện thông qua những chiếc xe .. Chúng tôi đã thấy hiện tượng này tại nhiều bệnh viện”.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy sự tăng vọt lưu lượng xe đậu tại bệnh viện Trung Nam ở Vũ Hán hồi tháng 10/2019 (ảnh chụp màn hình ABC News).
Bức tranh được dựng lên dựa trên các dữ liệu này không phải là kết luận, ông Brownstein thừa nhận, nhưng ông cho rằng những con số này đang nói lên điều gì đó.
“Một lượng lớn thông tin đang chỉ ra có điều gì đó đang diễn ra ở Vũ Hán vào thời điểm đó”, ông Brownstein nói. “Vẫn cần tiến hành nhiều nghiên cứu để hé mở đầy đủ những gì đã diễn ra và để mọi người thực sự hiểu được cách thức dịch bệnh này bùng phát và xuất hiện trong cộng đồng dân cư. Vì vậy, đây chỉ là một bằng chứng khác”.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc vào năm ngoái và lây lan ra toàn cầu, lây nhiễm cho gần 7 triệu người và cướp đi tính mạng của hơn 400.000 người, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
Trong đại dịch, chính quyền Trung Quốc đã bị thế giới lên án vì bịt miệng những tiếng nói cảnh báo dịch bệnh sớm như bác sĩ Lý Văn Lượng, báo cáo hạ giảm số ca nhiễm và tử vong, đồng thời không cho chuyên gia y tế phương Tây vào Trung Quốc để hỗ trợ nghiên cứu dịch bệnh mới nổi. Bên cạnh đó, trước khi dịch bệnh thoát ra toàn cầu và lây nhiễm cho hàng triệu người dân thế giới, Trung Quốc đã ồ ạt thu gom khẩu trang và vật tư y tế toàn cầu để sau đó bán lại để trục lợi với giá cao.
Hải quan Mỹ thu giữ lô tiền giả từ Trung Quốc
Các quan chức Hải quan Mỹ cho biết gần đây họ đã thu giữ được một lô tiền giả có xuất xứ từ Trung Quốc.
Hơn 351.000 USD tiền giả loại 100 đô la là lượng tiền giả thu giữ được ở Milwaukee, bang Wisconsin, Mỹ, theo The Epoch Times.
Vụ bắt giữ diễn ra tại một cơ sở xử lý các lô hàng chuyển phát nhanh vào ngày 27/5, theo một tuyên bố ngày 3/6 của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP). Các lô hàng tiền giả, được gửi đến một địa chỉ ở Milwaukee, có nguồn gốc từ Thượng Hải.
CBP cho biết trong một email rằng không có vụ bắt giữ nào được thực hiện sau khi cảnh sát phỏng vấn người nhận gói hàng và “không tìm thấy hành vi bất chính nào”. Người này “không biết gói hàng đó là bất hợp pháp”.
Các tờ tiền giả được làm bằng vật liệu kém chất lượng và không có có vết mờ cần thiết, các nhà điều tra cho biết. Ngoài ra, mỗi tờ tiền giả đều có cùng số sê-ri và có chữ Trung Quốc màu đỏ ở mặt sau. Lô tiền giả sau đó đã bị hủy, theo một tuyên bố.
“Việc nhập khẩu tiền giả có thể là mối đe dọa không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ, mà còn cả với an ninh quốc gia của chúng ta”, ông William Braun, giám đốc dịch vụ cảng Milwaukee, cho biết trong tuyên bố.
“Việc nhập khẩu trái phép số lượng tiền giả này có khả năng cấu thành nên một hành vi tội phạm rất nghiêm trọng”, ông nói thêm.
Mặc dù Peru được cho là nguồn cung tiền đô la Mỹ giả chính trên thế giới, nhưng tiền giả có nguồn gốc từ Trung Quốc đã liên tục bị chính quyền Hoa Kỳ phát hiện và tịch thu trong sáu tháng qua.
Theo một thông cáo báo chí ngày 22/5, các quan chức hải quan Mỹ đã tịch thu 252.300 USD tiền giả tại một cơ sở chuyển phát nhanh ở Cincinnati hôm 13/5. Chuyến hàng đó đến từ Thâm Quyến, một thành phố cảng ở miền nam Trung Quốc và được gửi đến Guthrie, bang Oklahoma.
Tiền giả có khả năng được sản xuất bởi một máy in cao cấp trên giấy thường, các quan chức Mỹ cho biết vào thời điểm đó. Các chữ tiếng Trung giản thể đã được nhìn thấy ở mặt sau các tờ tiền.
Vào ngày 14/12/2019, Hải quan Mỹ đã thu giữ 900.000 USD tiền giả loại 1 đô la tại Cảng Quốc tế ở Minnesota.
Lô hàng được phát hiện trong một lô hàng thương mại gửi bằng đường sắt có nguồn gốc từ Trung Quốc; Sở Mật vụ – cơ quan chống tiền giả đã được gọi đến và xác định đây là tiền giả.
Chính quyền tại các địa phương ở Mỹ trước đây đã cảnh báo người dân về tiền giả có ký tự tiếng Trung.
Tháng 2/2019, các quan chức ở Hilliard, bang Ohio, tuyên bố rằng năm kẻ làm tiền giả đã bị bắt và bị kết án. Cảnh sát đã phát hiện ra giấy, mực và các mặt hàng khác được dùng để sản xuất tiền đô la giả tại nhà của họ.
Chính quyền thành phố đã đưa ra một số đề xuất về cách thức phát hiện tiền giả. Một gợi ý trong đó là: “Hãy tìm kiếm những dấu hiệu lạ. Nhiều tờ tiền giả ở Hilliard có ký tự tiếng Trung. Màu sắc cũng hơi khác thường”.
Liên Hợp Quốc cảnh báo nạn đói ở Triều Tiên
Một chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc hôm nay lên tiếng báo động về tình trạng thiếu lương thực và suy dinh dưỡng trên diện rộng ởTriều Tiên đã trở nên tồi tệ hơn khi nước này đóng cửa biên giới gần 5 tháng với Trung Quốc để đối phó với dịch Covid-19, theo Reuters.
Ông Tomas Ojea Quintana, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Triều Tiên, cho biết đại dịch đã khiến kinh tế Triều Tiên rơi vào khó khăn nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh rằng giao dịch thương mại của Triều Tiên với Trung Quốc sụt giảm 90% vào tháng 3 và tháng 4.
“Đã có báo cáo cho biết số người vô gia cư ở các thành phố lớn, gồm cả trẻ em lang thang, và giá thuốc đã tăng vọt. Ngày càng nhiều gia đình chỉ ăn hai bữa một ngày hoặc chỉ ăn ngô, và một số người đang chết đói”.
Bà Elisabeth Byrs, phát ngôn viên Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, cho biết khoảng 10 triệu người Triều Tiên, tương đương với 40% dân số, cần viện trợ nhân đạo.
Chi 26 triệu USD, Philippines sẽ xây thêm các công trình trên đảo Thị Tứ của Việt Nam
Philippines có kế hoạch chi 1,3 tỷ peso (26 triệu USD) để xây dựng thêm các công trình trên đảo Thị Tứ, hòn đảo mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền nhưng bị Philippines kiểm soát từ những năm 1970.
Trang Rappler đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm thứ Ba (9/6) tuyên bố nước này đã hoàn thành một đoạn đường nối trên bãi biển của đảo Thị Tứ, người Philippines gọi là đảo Pag-asa, từ đó cho phép vận chuyển các thiết bị xây dựng lên đảo dễ dàng hơn.
Hãng tin Bloomberg trích lời ông Lorenzana phát biểu tại một lễ khánh thành trên đảo Thị Tứ hôm thứ Ba: “Bây giờ chúng ta có thể tiến hành các các dự án khác đã được lên kế hoạch”. Ông Lorenzana nói rằng Philippines sẽ sửa chữa đường băng mà nước này xây dựng trên đảo Thị Tứ.
Tờ Nikkei của Nhật Bản đưa tin, ông Lorenzana nói rằng việc hoàn thành đoạn đường nối là “bước đầu tiên cần thiết để tạo điều kiện cho việc vận chuyển các thiết bị xây dựng thiết yếu đến đảo”.
Tuyên bố cũng cho biết Manila đã phân bổ 1,3 tỷ peso (26 triệu đô la) cho các công trình xây dựng và sửa chữa trên đảo, bao gồm cả việc “bê tông hóa đường băng” vốn đã bị hư hại do xói mòn.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết các tàu cá và các tàu hải cảnh của Trung Quốc gần đây hay đi lại quanh đảo Thị Tứ, làm dấy lên dự đoán rằng hòn đảo này có thể sẽ sớm trở thành một điểm nóng giữa Bắc Kinh và Manila. Dù vậy, bộ trưởng quốc phòng Philippines tuyên bố: “Trung Quốc đã nói rằng họ sẽ không tấn công chúng ta”.
Trong khi bộ trưởng quốc phòng đang ở đảo Thị Tứ, ông Harry Roque, phát ngôn viên của tổng thống Philippines đã đưa ra những lời ấm áp nhất nói về mối quan hệ Philippines-Trung Quốc, theo SCMP. Ông Roque nói rằng mối quan hệ giữa hai nước đang được “tận hưởng sự phục hưng nhờ chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte”.
Vài tháng sau khi lên nắm quyền vào tháng 6/2016, ông Duterte tuyên bố chuyển hướng từ mối quan hệ đồng minh với Mỹ sang kết thân với Trung Quốc.
Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc đều đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với đảo Thị Tứ, hòn đảo lớn thứ hai về diện tích thuộc quần đảo Trường Sa. Theo từ điển bách khoa toàn thư Wikipedia, Philippines đã cho quân bí mật chiếm đóng một số đảo thuộc Trường Sa, trong đó có Thị Tứ vào những năm 1970-1971.