By Vijay Gokhale
Phạm Hoài Nam dịch
Trung Quốc đang đứng giữa một cuộc chiến gay go nhất để cứu uy tín của họ.
Đang bị chống đối khắp nơi vì trách nhiệm trong đại dịch và không giữ lời hứa “một quốc gia, hai chế độ” đối với Hồng Kông. Cách đối phó của họ gồm có hai phần. Thứ nhất, nhấn mạnh sự thành công trong cách đối phó với đại dịch và cố gắng che giấu những lầm lỗi lúc đầu. Thứ hai, tấn công những ai đang muốn chống lại Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình để trận chiến này cho cấp dưới của ông giải quyết. Khi nước Mỹ đang giao động và thế giới Tây phương đang lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, Chủ tịch Tập Cận Bình có mối quan tâm lớn hơn: làm sao trở thành vai trò lãnh đạo trong các tổ chức quốc tế, như Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) và Liên Hiệp Quốc, là những tổ chức có ảnh hưởng lớn nhất đối với thế giới.
Dự án được mang nhãn hiệu nhân từ và vô thưởng vô phạt “Community With a Shared Future for Mankind” (Một Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai Chung Cho Nhân Loại) – được ông Tập khởi xướng đầu tiên vào năm 2013 và được giới thiệu vào Liên Hiệp Quốc hai năm sau. Theo quan điểm của Trung Quốc, dự án nhầm mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng của hội ý và đối thoại để đạt đến sự đồng thuận trong một sự hợp tác mà tất cả các thành viên đều có lợi (win-win cooperation). Nói tóm lại đó là một dự án hoàn toàn mơ hồ, không có một hành động, một kế hoạch hay một mục tiêu nào cụ thể trong một trật tự mới của thế giới.
Đó là điểm mà chúng ta cần phải để ý đến.
Hoàn toàn ngược lại những lời đồn đãi, Trung Quốc luôn luôn nói rằng họ không có ý định lật đổ trật tự toàn cầu. Chúng ta nên lắng nghe. Tại sao Trung Quốc phải mất nhiều công sức để lật đổ một trật tự thế giới trong khi có thể tiếp quản nó một cách đơn giản – tất cả và nguyên vẹn?.
Cuối cùng, Trung Quốc là xứ hưởng lợi nhiều nhất trong quá trình toàn cầu hóa. Họ đã sử dụng các tổ chức đa quốc gia của Tây Phương lập ra, như Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (World Trade Organization) để hưởng lợi và gây ảnh hưởng. Mặc dầu vẫn còn đang tranh đấu để nắm phần kiểm soát nhiều hơn trong Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund), họ đã chiếm được vai trò lãnh đạo trong 4 cơ quan chính yếu của Liên Hiệp Quốc, đó là những cơ quan có trách nhiệm vạch ra những luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế. (Xém chút nữa họ đạt thêm kỷ lục thứ năm, Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới (World Intellectual Property Organization) vào đầu năm nay.
Không có gì phải ngạc nhiên Trung Quốc hiện đang là quốc gia đóng góp tài chánh lớn thứ nhì cho Liên Hiệp Quốc. Họ đã kế hoạch gây dựng ảnh hưởng trong các tổ chức quốc tế từ nhiều năm qua.
Trung Quốc không bao giờ muốn mở ra một mặt trận mới. Kế hoạch của Trung Quốc là chiến đấu trong chiến trường quen thuộc. Thông điệp của họ gởi cho thế giới rất đơn giản: Trung Quốc sẵn sàng thay thế Mỹ trong vai trò lãnh đạo khi đất nước này đang muốn rút lui khỏi các trách nhiệm toàn cầu. Trong một thế giới đang quá mệt mỏi và nghèo đi vì đại dịch COVID-19, đây là một đề nghị có vẻ hấp dẫn và rất ít người còn có sức để quan tâm đến ý nghĩa của trật tự toàn cầu. Phát triển và ổn định là những ưu tiên của phần lớn các quốc gia hiện nay.
Đây là lý do chính đáng để mạo hiểm. Đại dịch coronavirus để lộ ra những yếu kém trong hệ thống chính trị của Trung Quốc, nhưng đồng thời nó cũng cho thấy nhiều thiếu xót của thế giới Tây Phương. Cả Hoa Kỳ và Âu Châu đều bị gánh nặng bởi những khó khăn chính trị và các thử thách xã hội, đang chiến đấu với con vi khuẩn mà họ thiếu chuẩn bị. Các tổ chức quốc tế mà họ gầy dựng và nuôi dưỡng từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đang mất phương hướng. Phần còn lại của thế giới, mỗi nước đều phải tự lo cho phần mình.
Trung Quốc vấp ngã lúc đại dịch mới xảy ra, đúng như thế. Nhưng thế giới Tây Phương có vẻ mất thẩm quyền đạo đức (moral high ground). Cho đến khi mà người Mỹ có vị tổng thống kế tiếp, chắc chắn đất nước này trải qua một cuộc tranh cử đầy phân hóa giữa bối cảnh xã hội đang hỗn loạn bởi vấn đề màu da chủng tộc, Trung Quốc chỉ hy vọng có thể để lấy lại sự tin tưởng của thế giới. Chắc chắn là họ hưởng lợi nhiều từ những khủng hoảng hiện nay.
Khó có thể giữ được lạc quan từ viễn ảnh này. Thế giới đang cần một sự quân bình – vào lúc này, không một quốc gia nào khác ngoài Hoa Kỳ có đủ phương tiện để làm được điều này. Một cách thực tế, vai trò lãnh đạo của họ không thể thay thế.
Nhưng hơn thế nữa. Thế giới đang cần sự lãnh đạo của Hoa Kỳ để nhắc nhỡ mọi người rằng tôn trọng quyền tự do và nhân phẩm con người là con đường tốt đẹp nhất để chia sẻ tương lai của nhân loại.
Trong lúc đó mô hình chính trị của Bắc Kinh – một nhà nước độc đảng toàn trị đề cao sự thành công về kinh tế trên sự chọn lựa chính trị – có thể hấp dẫn đối với một số người. Nhưng đó chắc chắn không phải là tương lại mà nhân loại muốn nhắm tới. Đối với văn hóa và lịch sử đặc thù của Trung Quốc, phương pháp này có thể thành công tại đó. Dân chủ, ngược lại, dựa trên những nguyên tắc phổ biến có thể được mọi người ở khắp mọi nơi chấp nhận một cách dễ dàng hơn.
Câu tục ngữ nổi tiếng của người Trung Hoa: “Ngồi yên trên tàu dẫu cho sóng to gió lớn,” (Sit tight in the fishing boat, despite the rising wind and waves). Chúng ta có thể biết chắc chắn, Trung Quốc đang quyết tâm vượt qua cơn phong ba bảo táp.
Và khi mà Thế giới Tây Phương không thể hồi phục lại niềm tin của họ vào sức mạnh của dân chủ phổ quát – từ Ấn Độ đến Nam Dương, từ Ghana đến Uruguay – Trung Quốc có thể sẽ thống trị thế giới như những gì đang xảy ra.
Tác giả từng là Đại sứ của Ấn Độ ở Trung Quốc.
Nguồn: New York Times – China Doesn’t Want a New World Order. It want This One.