EU chỉ trích kiểu đưa tin ‘cắt xén’ của Trung Quố
Hôm thứ Tư, Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng cảnh báo các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng hãy ngừng kiểu đưa tin “cắt xén” và “không thể chấp nhận được” về cuộc họp giữa quan chức EU với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị diễn ra trong tuần này, SCMP đưa tin.
“Thông cáo báo chí của Trung Quốc đưa ra một báo cáo cắt xén và không cân bằng trong các cuộc thảo luận [giữa EU và Trung Quốc]”, người phát ngôn đối ngoại của EU, Virginie Battu-Henriksson, nói với SCMP, đề cập tới cuộc họp giữa ông Josep Borrell, quan chức ngoại giao cấp cao của EU và ông Vương Nghị được truyền thông Trung Quốc đưa tin theo hướng EU đang “tìm cách đối thoại và hợp tác với Trung Quốc”.
Theo SCMP, cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh EU đang có kế hoạch mới nhằm ngăn chặn các chiến dịch thao túng thông tin xuất hiện trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán từ các hãng truyền thông phục vụ chính quyền Trung Quốc và Nga.
Người biểu tình Séc công khai ủng hộ Đài Loan
Vào tối thứ Ba, khoảng 3000 người Séc đã tập trung tại một trung tâm cũ của Thủ đô Prague trong cuộc biểu tình mới nhất của phong trào sinh viên “một triệu người” chống lại nạn tham nhũng. Nhiều người biểu tình đã bày tỏ tình cảm với Đài Loan, điều ít thấy trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng gia tăng sức ép buộc các thực thể quốc tế phải thừa nhận Đài Loan là một vùng lãnh thổ “không thể tách rời” của họ.
Taiwan News cho hay, nhiều người tham gia cuộc biểu tình này cầm cờ Đài Loan và những tấm biểu ngữ cám ơn đảo quốc vì giúp đỡ Séc trong dịch viêm phổi Vũ Hán.
Theo CNA, có 9.000 người Séc đã ký tên vào một bản kiến nghị vinh danh Đài Loan. Cũng theo Taiwan News, chủ tịch Thượng viện Séc, ông Milos Vystrcil, đã lên kế hoạch thăm Đài Loan vào tháng Tám tới đây.
Mỹ đặt yêu cầu bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên
Hoa Kỳ đã nói với Triều Tiên rằng việc cải thiện các điều kiện về nhân quyền của Bình Nhưỡng, bao gồm việc chính quyền Bắc Hàn phải tôn trọng tự do tôn giáo, là cơ sở để hai nước bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương, một báo cáo về vấn đề nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Tư, theo Yonhap.
Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế (RFR) của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2019, chính quyền Triều Tiên tiếp tục từ chối quyền tự do tôn giáo của người dân và có những hành vi bạo lực cấu thành tội ác chống lại loài người.
“Trong các cuộc ọp với các quan chức Triều Tiên, chính phủ Hoa Kỳ luôn nói rõ rằng bình thường hóa quan hệ sẽ đòi hỏi [Bắc Hàn] phải giải quyết vấn đề quyền con người, bao gồm cả tự do tôn giáo”, RFR viết.
“Có các báo cáo cho thấy chính phủ này tiếp tục cư xử hà khắc với những người tham gia vào hoạt động tôn giáo, thể hiện qua các vụ hành quyết, tra tấn, đánh đập và bắt giữ”, RFR viết. “Không thể tiếp cận và thiếu thông tin kịp thời từ quốc gia này tiếp tục khiến việc tìm hiểu các vụ bắt giữ và đàn áp trở nên khó khăn”.
Truyền thông Trung Quốc chi gần 19 triệu USD để ‘tuyên truyền’ trên hàng loạt báo Mỹ
Một hộp báo của tờ China Daily tại thành phố New York, Mỹ vào ngày 27/2/2020
Trong bốn năm qua, tờ Trung Quốc Nhật Báo (China Daily), tờ báo tiếng Anh thuộc sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc đã trả cho các tờ báo của Hoa Kỳ gần 19 triệu USD để chạy các quảng cáo dưới dạng tin tức.
Tờ Daily Caller dẫn dữ liệu từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết, kể từ tháng 11/2016, tờ Trung Quốc Nhật Báo đã trả hơn 4,6 triệu USD cho tờ The Washington Post và gần 6 triệu USD cho tờ Tạp chí Phố Wall (The Wall Street Journal) để chạy các quảng cáo dưới dạng tin tức.
Ngoài ra, theo dữ liệu, trong bốn năm qua, tờ Trung Quốc Nhật Báo cũng đã trả cho tờ The New York Times 50.000 USD, tờ Foreign Policy 240.000 USD, The Des Moines Register 34.600 USD và CQ-Roll Call 76.000 USD để chèn các tuyên truyền dưới dạng quảng cáo.
Tổng cộng trong bốn năm qua, tờ Trung Quốc Nhật Báo đã chi hơn 11 triệu USD cho quảng cáo trên các tờ báo của Hoa Kỳ và hơn 265 ngàn USD cho quảng cáo trên mạng xã hội Twitter.
Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết, China Daily còn bỏ ra 7,6 triệu USD chi cho việc in ấn tại nhiều tòa soạn, xưởng in ở Mỹ để in báo của China Daily. Các “khách hàng” trong diện này gồm có tờ The Los Angeles Times, Thời báo Seattle (The Seattle Times), Tạp chí Hiến pháp Atlanta (The Atlanta Journal-Constitution), tờ The Chicago Tribune, tờ The Houston Chronicle và tờ Quả cầu Boston (The Boston Globe).
Một ví dụ về các quảng cáo mà tờ Trung Quốc Nhật Báo đã phải chi hàng triệu USD để chạy trên các tờ báo Mỹ là chương trình mang tên “Quan sát Trung Hoa” (China Watch). Những quảng cáo này được đăng dưới dạng tin tức trên các tờ báo lớn của Hoa Kỳ như tờ Tạp chí Phố Wall, tờ The New York Times, tờ The Washington Post, The Los Angeles Times. Chương trình “Quan sát Trung Hoa” được cho là có nhiều tin, bài mang định hướng ủng hộ chính quyền Trung Quốc. Ví như, một bài viết từ tháng 9/2018 đã ca ngợi sáng kiến Vành đai Con đường của chính phủ Trung Quốc với tiêu đề: “Vành đai và Con đường đồng hành cùng các nước châu Phi”.
Nhiều năm qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc Nhật Báo công bố hoạt động theo định kỳ 6 tháng/lần dựa theo Luật đăng ký đại diện nước ngoài (FARA). Lần gần nhất Trung Quốc Nhật Báo nộp đệ trình cho Bộ Tư pháp Mỹ là hôm 1/6 vừa qua. Đây cũng là lần đầu tiên China Daily nêu chi tiết các khoản chi trả cho các báo, tổ hợp truyền thông của Mỹ, với số liệu thống kê từ tháng 11/2016 – 4/2020.
Theo tờ The Epoch Times, vào đầu năm nay, trong một bức thư gửi cho Bộ Tư pháp Mỹ của hàng chục nhà lập pháp Hoa Kỳ, cho biết, China Daily là một phần trong các nỗ lực tuyên truyền toàn cầu của Trung Quốc, một chiến dịch mà Bắc Kinh đã đầu tư 6,6 tỷ USD kể từ năm 2009. Theo hồ sơ của FARA, nhà cầm quyền Trung Quốc đã chi 35 triệu USD cho China Daily kể từ năm 2017, không bao gồm hồ sơ nộp gần đây.
Các bài báo đăng trên các ấn phẩm của Hoa Kỳ “phục vụ như một vỏ bọc cho sự tàn bạo của Trung Quốc, bao gồm các tội ác chống lại loài người ở khu vực Tân Cương và sự hỗ trợ của nó cho cuộc đàn áp ở Hồng Kông”, các nhà lập pháp đã viết.
Đầu năm nay, cùng với bốn phương tiện truyền thông nhà nước khác của Trung Quốc đang hoạt động tại Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác định China Daily là “cơ quan ngoại giao” vì tờ báo này giữ vai trò là cơ quan tuyên truyền cho Bắc Kinh.
Trung Quốc: Lũ lụt lớn, hàng trăm ngàn người phải sơ tán
Hàng trăm ngàn người ở miền nam và miền trung Trung Quốc đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để lánh nạn sau khi lũ lụt lớn gây ra sự tàn phá trên toàn khu vực, Fox News đưa tin hôm thứ Tư.
Bộ Quản lý Khẩn cấp của Trung Quốc hôm thứ Ba cho biết, có khoảng 228.000 người đã buộc phải tìm nơi trú ẩn khẩn cấp sau khi những cơn mưa xối xả gây ra lũ lụt lớn.
Đã có 6 người thiệt mạng và một người mất tích sau khi mưa lớn gây ra lũ lụt và lở đất ở Quảng Tây. Một video chia sẻ trên internet hôm thứ Ba cho thấy một ngôi nhà ở tỉnh này đã bị đổ sụp do mưa lớn.
Hãng truyền thông nhà nước China Daily cho biết 7 người được báo cáo đã chết vì lũ lụt tại tỉnh Hồ Nam. Trận mưa lụt đã phá hủy khoảng 1.300 ngôi nhà, với thiệt hại ban đầu ước tính lên tới hơn 500 triệu USD. Các quan chức Trung Quốc cho biết sau những cơn mưa, 110 con sông ở tám vùng đã dâng lên trên mực nước lũ.
Thủ tướng Iraq tuyên bố cứng rắn về IS
Nhóm Nhà nước Hồi giáo IS sẽ không bao giờ tái chiếm được lãnh thổ Iraq, Thủ tướng Iraq, Mustafa al-Kadhimi, đã đưa ra khẳng định này hôm thứ Tư trong chuyến thăm tỉnh Mosul, thuộc miền bắc Iraq, theo AP.
Chuyến thăm của ông al-Kadhimi diễn ra trong bối cảnh các cuộc tấn công của phiến quân IS gia tăng trong thời gian gần đây và các lực lượng thuộc liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đang rút quân theo kế hoạch khỏi Iraq.
“Chuyến thăm của chúng tôi tới Mosul là để gửi một thông điệp tới IS: Những gì đã xảy ra sẽ không được phép lặp lại”, ông Kadhimi nói với các phóng viên đi cùng.
Một nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư cho thấy hai mối quan tâm cấp bách nhất của cư dân Mosul là việc làm và nhu cầu cải thiện an ninh. AP cho hay, IS vẫn có khả năng tấn công ở khắp miền bắc Iraq.
Sinh viên Trung Quốc lợi dụng sự hỗn loạn ở Mỹ để cướp các sản phẩm hàng hiệu
Các cuộc biểu tình trên khắp Hoa Kỳ được cho là có sự can dự của người Trung Quốc. Một số sinh viên Trung Quốc đã lợi dụng sự hỗn loạn để cướp các sản phẩm hàng hiệu, thậm chí còn khoe khoang chiến lợi phẩm cướp được trên các trang mạng xã hội. Kết quả dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cư dân mạng. Cục Điều tra Liên bang FBI cũng đã vào cuộc điều tra, nghi phạm rất có thể sẽ phải đối mặt với bản án nghiêm khắc nhất.
Cái chết của người đàn ông Mỹ gốc Phi George Floyd trong quá trình bị cảnh sát thực thi pháp luật quá tay đã dấy lên các cuộc biểu tình và tuần hành trên khắp nước Mỹ, lần nữa khơi mào các vấn đề chủng tộc tại đất nước này. Tại một số nơi hoạt động biểu tình đã vượt khỏi tầm kiểm soát, diễn biến thành các cuộc bạo loạn, thậm chí phóng hỏa cướp phá. Bộ phận những người biểu tình đã thừa lúc cháy nhà hôi của, đập phá cướp bóc các cửa hàng, đặc biệt là các cửa hàng cao cấp hầu như đều không thoát khỏi kiếp nạn.
Gần đây, có một sinh viên Trung Quốc đã khoe chiến lợi phẩm cướp được và viết: “Một cuộc bạo loạn đã khiến trong một gia đình vốn không giàu gì có thêm 2 chiếc túi LV”. Còn có một người Trung Quốc khác nói rằng mấy ngày trước anh ta đã tự bôi nhọ mặt của mình, rồi đeo khẩu trang trà trộn vào nhóm biểu tình người da đen, cướp được mấy chiếc túi da và bán chúng với giá thấp mà không có hóa đơn.
Ngoài ra còn có một sinh viên Trung Quốc tên Viên Hồng Nhuệ (Yuan Hongrui) đã khoe khoang trên mạng về chiếc túi da hàng hiệu mà mình đã cướp được ở thành phố Seattle. Từ trong hình ảnh có thể thấy được rằng, chiếc túi da trị giá hơn hai nghìn đô-la này chính là cái mà anh ta gọi là “chiến lợi phẩm”.
Viên Hồng Nhuệ còn nói, chỉ cần anh ta làm một chuyến, một chiếc túi da còn hơn cả mấy tháng lương của những kẻ bạo loạn này. Anh ta còn nói ngày mai lại đi cướp nữa. Nếu ĐCSTQ sẵn sàng trả tiền cho anh ta, anh ta có thể kích động người biểu tình và biến Hoa Kỳ thành Hồng Kông thứ hai. Như vậy anh ta có thể phát đại tài rồi. Viên Hồng Nhuệ còn lớn giọng rằng: “Tôi yêu Mẹ Tổ quốc của tôi, tôi yêu ĐCSTQ?”.
Học giả độc lập Trung Quốc Gobi Đông bày tỏ: “Đằng sau những sự việc này, thực tế nó chính là vì có những thành phần gián điệp và đặc vụ của ĐCSTQ cài cắm bên trong du học sinh Trung Quốc. Trong nhóm những người trẻ tuổi như vậy, ĐCSTQ đã dành ra nhiều nỗ lực để làm một việc lớn như vậy. Mục đích đã rõ ràng, nó đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nước Mỹ trong thời gian dài. Vì vậy, vụ trộm ở Seattle trên bề mặt nhìn thì thấy đó là sự việc rất hèn hạ thấp kém, nhưng anh ta lại ngang nhiên khoe khoang chiến tích ở đó, tại sao vậy? Chính là vì anh ta muốn biểu đạt cái ý này, chính là truyền đạt một thông điệp tới ĐCSTQ rằng tôi đang làm những việc này”.
Ông Gobi Đông chia sẻ thêm rằng có rất nhiều sinh viên Trung Quốc đều đã trở thành những phần tử thân cộng một cách nhiệt tình, trong các cuộc biểu tình hay bạo loạn hầu như đều có thể nhìn thấy bóng dáng của phần tử này. Việc ĐCSTQ cài cắm gián điệp trong du học sinh từ sớm vốn đã không còn là điều bí mật nữa.
Trong cuộc bạo loạn ở Santa Monica ở Los Angeles, bên phía cảnh sát đã bắt giữ ba sinh viên Trung Quốc, họ đã thú nhận rằng tất cả họ nhận được chỉ thị từ quan chức lãnh sự quán Trung Quốc bảo họ xuống đường và tham gia diễu hành cùng nhóm người da đen, và nhân cơ hội kích động đập phá cướp bóc để giương cao tinh thần chủ nghĩa yêu nước, làm ra cống hiến cho đảng và cho đất nước.
Cựu phóng viên của tờ “Tuần báo Bắc Kinh” (Beijing Review) Kim Tú Hồng cho hay: “Du học sinh Trung Quốc trước nay đều là thông qua chỉ thị từ phía lãnh sự quán hoặc đại sứ quán Trung Quốc có trụ sở tại Hoa Kỳ để làm việc. Ví như ở khu chúng tôi đây, mỗi khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đến đây, cũng là bọn họ giơ cao lá cờ đỏ để kháng nghị. Họ chính là ở trên mảnh đất tự do này của Hoa Kỳ mặc cho ĐCSTQ tùy ý thao túng làm ra những chuyện như vậy. Họ chính là đội quân 5 xu, tận hưởng cuộc sống tự do của nước Mỹ, sống trên mảnh đất tự do này, nhưng lại làm việc thay cho ĐCSTQ”.
Sau sự việc, một người Hoa đã sống ở Mỹ hơn 20 năm chia sẻ với Vision Times rằng, người Trung Quốc bình thường là không tham gia vào loại hoạt động này, trong tình huống này chắc chắn có người đứng sau tổ chức.
“Tính cách người Trung Quốc chúng tôi đều tương đối bảo thủ, ở Mỹ cũng đều là bớt việc nào hay việc đó, huống hồ đây lại là người da đen. Ngoài ra, nói một câu thực tế, người Trung Quốc cũng có thành kiến với người da đen, cho nên họ khó có thể vì một người da đen mà không ngại vi phạm pháp luật, mạo hiểm kháng nghị một cách bạo lực ở bên ngoài Nhà Trắng. Cho nên, có người nghi ngờ những người này có thể là do ĐCSTQ đứng sau tổ chức, rất có thể là vậy”.
Cục điều tra liên bang Mỹ FBI đã bắt đầu vào cuộc điều tra, nghi phạm có thể bị buộc tội theo “Luật pháp liên bang Hoa Kỳ” vốn được xem là nghiêm khắc rất nhiều so với “Luật pháp tiểu bang”. Viên Hồng Nhuệ đã bị cư dân mạng tố giác lên FBI. Viên Hồng Nhuệ lập tức thay đổi giọng điệu, nói rằng chiếc túi Gucci mà anh ta đã khoe là của người khác lấy cắp và anh ta chỉ giúp người khác xử lý nó. Sau đó, Nhuệ đã xóa tất cả tài khoản Twitter và Facebook của mình. Tuy nhiên nhiều cư dân mạng đã kịp chụp lại rồi đăng lại hình ảnh túi xách và những điều anh ta đã viết. Lần này, Viên Hồng Nhuệ dù muốn chối tội cũng không dễ.
Ông Gobi Đông nói: “Nhóm những người trẻ này kinh nghiệm vào đời chưa bao nhiêu, giá trị quan vẫn chưa được hình thành, thành ra rất dễ bị ĐCSTQ dụ dỗ lừa gạt. Vậy nên những sinh viên sống ở thành phố Seattle này, bao gồm rất nhiều du học sinh sau khi tham gia bạo loạn, cướp phá vẫn ngang nhiên khoe khoang khắp nơi về chiến tích của mình, bề mặt thì thấy rất ấu trĩ và chưa trưởng thành, nhưng điều này lại bộc lộ đặc điểm của họ. Họ còn quá trẻ, kỳ thực họ chính là thế hệ bị ĐCSTQ làm hại”. Ông Gobi Đông bày tỏ, nhiều người trẻ Trung Quốc, vì chịu sự tuyên truyền và giáo dục tẩy não lâu dài của ĐCSTQ, khiến cho các giá trị quan đã bị sai lệch, bị lợi dụng mà không tự biết. Vốn dĩ họ nên có được một tương lai tốt đẹp, nhưng rốt cuộc lại bị ĐCSTQ hủy hoại mất.
Rác khẩu trang dùng trong đại dịch Covid-19 làm ô nhiễm đại dương
Hàng loạt các khẩu trang và găng tay y tế được sử dụng trong đại dịch Covid-19 đã bị thải ra nhiều bãi biển trên khắp thế giới.
Các nhà bảo tồn đã cảnh báo rằng đại dịch virus corona có thể làm gia tăng tình trạng ô nhiễm đại dương, vốn đang tràn ngập rác thải nhựa đe dọa sinh vật biển. Họ phát hiện thấy nhiều khẩu trang và găng tay y tế dùng một lần trôi nổi như sứa, xuất hiện rải rác trên bờ và dưới đáy biển tại nhiều nơi trên thế giới.
Opération Mer Propre, một tổ chức phi lợi nhuận của Pháp chuyên điều phối các hoạt động như nhặt rác dọc theo vùng biển Côte d’Azur, đã bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo vào cuối tháng 5/2020.
Cụ thể, các thợ lặn đã tìm thấy những thứ mà ông Joffrey Peltier (đến từ tổ chức trên) mô tả là “chất thải Covid-19”: hàng chục găng tay, khẩu trang và chai nước khử trùng tay dưới biển Địa Trung Hải, cùng với những chiếc cốc dùng một lần và vỏ hộp bằng nhôm.
Số lượng khẩu trang và găng tay được tìm thấy không phải là lớn, ông Peltier cho biết. Nhưng ông lo lắng rằng điều này đã cho thấy một loại ô nhiễm mới, nhiều khả năng sẽ trở nên phổ biến hơn sau khi có hàng triệu người trên thế giới đã chuyển sang sử dụng các loại vật dụng bằng nhựa dùng một lần nhằm đối phó với virus corona. “Tình trạng ô nhiễm sẽ diễn ra nếu chúng ta không làm gì cả,” ông Peltier cho hay.
Chỉ riêng ở Pháp, các nhà chức trách đã đặt mua 2 tỷ khẩu trang dùng một lần, ông Laurent Lombard thuộc tổ chức Opération Mer Propre cho biết. “Sớm thôi chúng ta sẽ có nguy cơ chứng kiến nhiều khẩu trang hơn sứa tại khu vực Địa Trung Hải,” ông chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội kèm theo video cho thấy các thợ lặn đã phát hiện nhiều khẩu trang bị mắc vào tảo và găng tay dính đầy đất ở đáy biển gần thành phố Antibes (Pháp).
Nhóm này hy vọng những hình ảnh trên sẽ khiến mọi người sử dụng loại khẩu trang có thể tái sử dụng, và rửa tay thường xuyên hơn thay vì đeo găng tay. “Với tất cả các giải pháp thay thế, nhựa không phải là cách thức giúp bảo vệ chúng ta khỏi Covid-19. Đó là thông điệp của chúng tôi,” ông Peltier cho biết.
Trong những năm trước khi xảy ra đại dịch, các nhà môi trường đã cảnh báo về mối đe dọa của rác thải nhựa đối với các đại dương và sinh vật biển. Theo ước tính năm 2018 của Liên Hợp Quốc, có tới khoảng 13 triệu tấn nhựa bị xả ra đại dương mỗi năm. Tại khu vực Địa Trung Hải, có chừng 570.000 tấn nhựa bị thải vào đại dương mỗi năm, con số mà WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) mô tả là tương đương với việc đổ 33.800 chai nhựa xuống biển mỗi phút.
Đại dịch Covid-19 vẫn đang rất nghiêm trọng ở một số quốc gia, nên khó tránh khỏi thực trạng đáng báo động về ô nhiễm rác thải y tế trên toàn cầu.
Theo The Guardian,
Phan Anh
Iran sẽ xử tử gián điệp bị cáo buộc giúp Mỹ giết Tướng Qasem Soleimani
Phát ngôn viên ngành tư pháp Iran Gholamhossein Esmaili trong một cuộc họp báo được phát sóng trên truyền hình hôm thứ Ba (9/6) đã thông báo rằng một người đàn ông Iran được cho là đã giúp Mỹ giết Tướng Qasem Soleimani hồi đầu năm nay sẽ bị xử tử.
Công dân Iran bị chính quyền nước này cáo buộc cung cấp những thông tin quan trọng cho Israel và Mỹ trước cuộc tấn công bằng máy bay không người lái giết chết Tướng Soleimani là Mahmoud Mousavi-Majd. Theo Reuters, ông Mousavi-Majd cũng là một nguồn tin tình báo của CIA và Mossad (cơ quan tình báo của Israel).
“Ông ta đã chuyển tin tức an ninh cho các cơ quan tình báo Israel và Mỹ về lực lượng quân đội Iran, đặc biệt là Vệ binh Cách mạng”, phát ngôn viên Esmaili nói mà không cung cấp thêm bằng chứng.
Đầu năm nay, Tướng Iran Soleimani đã bị quân đội Mỹ dùng máy bay không người lái giết chết ở Iraq. Ông Soleimani là lãnh đạo Lực lượng Quds, trực thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Lực lượng này đã bị Mỹ liệt vào danh sách Tổ chức Khủng bố Nhà nước. Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc ông Soleimani trước khi bị tiêu diệt đang có kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao và binh lính Mỹ tại Iraq.
Sau cái chết của Tướng Soleimani, Iran đã phóng nhiều tên lửa vào các căn cứ không quân Iraq có lính Mỹ đồn trú. Tiếp nữa, quân đội Iran đã bắn nhầm một máy bay dân dụng chở khách của Ukraine cất cánh từ Tehran làm toàn bộ hơn 170 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, chủ yếu là người có quốc tịch Iran. Tehran ban đầu phủ nhận bắn rơi máy bay Ukraine, nhưng sau đó đã thừa nhận bắn nhầm do “lỗi con người”.
Mặc dù cáo buộc Mousavi-Majd có vai trò trong cái chết của Tướng Soleimani, nhưng giới chức Iran nói rằng tiến trình tố tụng vụ án liên quan tới Mousavi-Majd đã diễn ra trước thời điểm lãnh đạo lực lượng Quds bị Mỹ tiêu diệt.
Phát ngôn viên Esmaili nói thêm rằng Mousavi-Majd đã từng bị bắt giữ vào tháng 10/2018, theo Reuters.
Trong cuộc họp báo hôm 9/6, ông Esmaili không nói rõ khi nào Mousavi-Majd sẽ bị hành quyết và ông cũng không xác nhận cái chết của Tướng Soleimani là nguyên nhân khiến Mousavi-Majd bị kết án tử, theo Fox News.
Ngành tư pháp Iran vào cuối ngày 9/6 xác nhận rằng vụ xử tử Mousavi-Majd không liên quan tới vụ việc Tướng Soleimani bị giết. Giới chức Iran coi hành vi giết hại Soleimani là “hành động khủng bố của chính phủ Mỹ”.
Giới chức Iran cũng không liên kết vụ án của Mousavi-Majd với các vụ án khác mà các gián điệp của CIA bị Tehran bắt giữ và xử tử. Iran chưa phát đi bất kỳ tuyên bố chính thức nào xác nhận mục đích hành quyết Mousavi-Majd.
Như Ngọc
Nghiên cứu: Số người nhiễm viêm phổi Vũ Hán có thể ở mức 2.2 triệu người
Nghiên cứu của Khoa Vi sinh vật thuộc Đại học Hồng Kông suy đoán, tỉnh Hồ Bắc – nơi đầu tiên bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán, có khoảng 2,2 triệu người từng bị lây nhiễm virus Trung Cộng (virus corona mới, virus viêm phổi Vũ Hán).
Đài truyền hình Hồng Kông đưa tin, nghiên cứu này do đội ngũ giáo sư thỉnh giảng Viên Quốc Dũng (Yuen Kwok-yung) của Khoa Vi sinh vật Đại học Hồng Kông dẫn đầu. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành xét nghiệm 452 người Hồng Kông từ Hồ Bắc về Hồng Kông hồi tháng Ba năm nay và không có triệu chứng bệnh. Kết quả cho thấy, 17 người (tức 3,8%) có kháng thể viêm phổi Vũ Hán, tỷ lệ này vượt xa so với người bệnh đã qua xét nghiệm axit nucleic xác nhận lây nhiễm.
Nghiên cứu suy đoán, trong 59 triệu người ở Hồ Bắc, có khả năng có 2,2 triệu người từng lây nhiễm viêm phổi Vũ Hán, vượt xa so với con số 67.000 người được công bố chính thức. Ước tính tại đây có 97% người lây nhiễm không được chẩn đoán chính xác do không có triệu chứng bệnh rõ rệt.
Nhóm nghiên cứu lo lắng, Hồng Kông và đại bộ phận cư dân Hồ Bắc đều không có kháng thể, trong tình huống không có vắc-xin, dịch bệnh có khả năng bùng phát trở lại.
Nghiên cứu chỉ ra, tính đến cuối tháng Ba, thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc có 3.193 người tử vong vì viêm phổi, tương đương với 0,15% trong số 2,2 triệu người lây nhiễm (số người lây nhiễm dựa theo theo nghiên cứu), gấp 9 lần so với tỷ lệ tử vong của dịch cúm lợn năm 2009 (tức 0,017%). Nghiên cứu liên quan đã được công bố trên Tạp chí The Lancet.
(Ghi chú của biên tập viên: Virus gây bùng phát viêm phổi Vũ Hán là đến từ Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ, do chính quyền ĐCSTQ che giấu sự thật dẫn đến dịch bệnh lan ra toàn cầu. Người Vũ Hán, người Hồ Bắc và tất cả người Trung Quốc cùng nhân dân toàn thế giới đều là những người bị hại. ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, cũng không đại biểu được cho Trung Quốc, do đó, loại virus xuất hiện dưới sự cai trị của ĐCSTQ này nên được gọi là “virus Trung Cộng.”)
Huệ Anh
Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc ngân hàng HSBC “luồn cúi” Trung Quốc
Trong một tuyên bố hôm 9/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc ngân hàng HSBC của Anh đồng lõa với chế độ cộng sản Trung Quốc trong việc áp đặt Luật An ninh quốc gia tại Hồng Kông.
Ông Pompeo đã chỉ trích việc Giám đốc điều hành châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng HSBC Peter Wong Tung-shun ủng hộ quyết định của Bắc Kinh trong việc thông qua Luật An ninh quốc gia cho Hồng Kông, một động thái khiến Mỹ rút bỏ các đặc quyền kinh tế dành cho đặc khu.
Nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ cảnh báo các nước trên thế giới nên tránh việc phụ thuộc vào Trung Quốc Đại lục và cần bảo vệ tài sản cơ sở hạ tầng quan trọng của mình khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết Mỹ sẵn sàng giúp Anh có các lựa chọn thay thế sau khi Bắc Kinh đe dọa trừng phạt HSBC và phá vỡ các cam kết xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở nước này trừ khi London cho phép Tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc) xây dựng mạng 5G tại Anh.
Ông Pompeo nhận định nên xem sự áp đặt của ĐCSTQ đối với HSBC như “một câu chuyện cảnh báo.”
“Sự luồn cúi dường như mang lại cho HSBC rất ít sự tôn trọng ở Bắc Kinh, nơi tiếp tục sử dụng hoạt động kinh doanh của ngân hàng này tại Trung Quốc như một đòn bẩy chính trị chống lại London”, ông Pompeo nói, cho biết thêm rằng Mỹ sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác chống lại các chiến thuật cưỡng ép bắt nạt của Trung Quốc.
Ông cũng kêu gọi tất cả các nước xa lánh tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei bởi điều này sẽ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia nếu Huawei được phép xây dựng mạng Internet thế hệ 5G.
Trước đó, hôm 28/5, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật An ninh quốc gia cho Hồng Kông gây tranh cãi. Các nhà phê bình cho rằng luật này sẽ làm suy yếu quyền tự trị của thành phố theo nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ.”
Trong khi chi tiết về dự luật vẫn chưa được tiết lộ, các tập đoàn lớn ở Hồng Kông như Ngân hàng Standard Chartered của Anh và tập đoàn Jardines tuần trước đã bày tỏ sự ủng hộ với đạo luật an ninh mới.
HSBC và Standard Chartered đều có trụ sở tại London, nhưng kiếm được phần lớn lợi nhuận ở châu Á. Năm 2019, Hồng Kông chiếm hơn 12 tỷ USD lợi nhuận trước thuế của HSBC.
Động thái ủng hộ Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông của hai ngân hàng Anh Quốc đã khiến các nhà đầu tư lo ngại. Công ty quản lý tài sản toàn cầu Aviva Investors cho biết họ cảm thấy khó chịu về các quyết định của HSBC và Standard Chartered Bank khi hai doanh nghiệp này thậm chí chưa biết nội dung cụ thể của dự luật, cũng như cách nó được áp dụng trên thực tế.
Xuân Lan (t/h)