Twitter xóa 170,000 tài khoản tuyên truyền cho Bắc Kinh
Twitter vừa tiết lộ chi tiết hơn 180.000 tài khoản bị phong tỏa và xóa khỏi nền tảng sau khi bị phát hiện có dính líu với các hoạt động tuyên truyền và phát tán thông tin sai lệch của 3 chính quyền Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Gã khổng lồ công nghệ đã điều tra những tài khoản đáng ngờ đang phát tán tràn ngập những luận điệu ủng hộ chính phủ nhằm thao túng dư luận, theo ABC News.
Twitter đã chia sẻ dữ liệu với Đài quan sát Internet Stanford (SIO) có trụ sở tại Mỹ và Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) tại Canberra.
“Mỗi tài khoản và mảng nội dung liên quan đến các hoạt động này đã bị xóa vĩnh viễn khỏi nền tảng của chúng tôi”, Twitter cho biết trong một tuyên bố.
Nga có 1152 tài khoản bị phong tỏa, trong khi con số này ở Thổ Nhĩ Kỳ là 7340, theo thông báo của Twitter. Tuy vậy, số lượng tài khoản bị phong tỏa lớn nhất – 23.750 tài khoản – có liên hệ với Chính phủ Trung Quốc sau khi tình trạng tăng cường hoạt động được phát hiện tại đỉnh điểm cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
“Nói chung, toàn bộ mạng lưới này đã tham gia vào một loạt các hoạt động thao túng và phối hợp”, mạng xã hội này cho biết.
“Họ đã tweet chủ yếu bằng tiếng Trung và truyền bá các thông điệp tuyên truyền có lợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong khi tiếp tục thúc đẩy các thông điệp sai lệch về động lực chính trị [của người biểu tình] ở Hồng Kông”, Twitter cho hay.
150.000 tài khoản khác được xác định là “các bộ khuếch đại”, chuyên đăng lại (retweet) tin nhắn nhằm mở rộng phạm vi tuyên truyền trên Twitter.
Viện ASPI đặc biệt quan tâm đến dữ liệu từ phía Trung Quốc. Viện đã nghiên cứu dữ liệu và nhận thấy các tài khoản chủ yếu nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến và những người phê bình chính phủ Trung Quốc.
“Hoạt động tuyên truyền tập trung vào các cuộc biểu tình ở Hồng Kông thực sự rất nổi bật. Những chiến dịch này mô tả những người biểu tình là những kẻ bạo lực, chúng nhấn mạnh vào nguyên nhân của bạo lực là do những người biểu tình khởi phát”, Tiến sĩ Jake Wallis từ ASPI chia sẻ với tờ ABC.
“Có rất nhiều hoạt động tuyên truyền được thiết kế để nói tốt cho cảnh sát Hồng Kông.
“Có rất nhiều hình ảnh trong kho dữ liệu đang phi nhân cách hóa những người biểu tình, khi mô tả họ như những con gián.”
Tiến sĩ Wallis cho biết một số dấu hiệu cho thấy các tài khoản này không đáng tin, ví như số người theo dõi (follower) họ có.
“Twitter bị cấm ở Trung Quốc, tuy nhiên khi chúng tôi xem xét các khung giờ đăng tweet trong kho dữ liệu này, chúng rõ ràng ăn khớp với giờ hành chính từ thứ Hai đến thứ Sáu, theo giờ Bắc Kinh … bài đăng có khối lượng lớn đã giảm bớt vào cuối tuần,” ông nói.
“Đó là một dấu hiệu rõ ràng của loại hành vi phối hợp có chủ đích, và không trung thực [đối với một người dùng thông thường]”.
“Ngoại suy từ kho dữ liệu Twitter, hoạt động tuyên truyền này gần đây đã tập trung vào việc lợi dụng các cuộc biểu tình và tình trạng bất ổn dân sự ở Mỹ, nhằm đánh tráo khái niệm và biện minh cho việc ĐCSTQ đàn áp các cuộc biểu tình ở Hồng Kông”.
Theo phân tích của Đài quan sát Internet Stanford, rất nhiều tài khoản này cũng phát tán nhiều ngôn luận ca ngợi phản ứng chống dịch Covid-19 của Bắc Kinh, theo The Hill.
“Những ngôn luận xung quanh COVID-19 chủ yếu ca ngợi phản ứng của Trung Quốc trước dịch bệnh, đồng thời so sánh với phản ứng của Mỹ hoặc Đài Loan”, SIO phân tích. “Nội dung tuyên truyền bằng tiếng Anh bao gồm các thông điệp lặp đi lặp lại việc Trung Quốc – chứ không phải Đài Loan – có phản ứng vượt trội hơn trong việc dập dịch”.
Bắc Kinh hiện đang hứng chịu chỉ trích của cộng đồng quốc tế vì giấu dịch tại nội địa, khiến dịch bênh cục bộ lan ra thành đại dịch toàn cầu, lây nhiễm cho gần 8 triệu người và cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người dân thế giới, theo số liệu từ Worldometers.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhận định Bắc Kinh cũng báo cáo hạ giảm số ca lây nhiễm và tử vong tại đại lục xuống thấp hơn mức thực tế hàng chục lần. Đài Loan, một quốc gia rất gần gũi với Trung Quốc và có nguy cơ phơi nhiễm Covid-19 rất lớn, trái lại có thành tích chống dịch đáng nể, ghi nhận số ca lây nhiễm và tử vong ở mức thấp kỷ lục, theo giới quan sát quốc tế.
Quan chức Mỹ – Đài sẽ cùng tham dự hội nghị về dân chủ
Tuần tới, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen được tổ chức trực tuyến vào thứ Năm và thứ Sáu tuần sau, cùng với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông Hoàng Chi Phong, SCMP đưa tin tối thứ Năm..
Theo kế hoạch của hội nghị, bà Thái sẽ có một bài phát biểu dài khoảng 10 phút. Trong khi đó ông Pompeo sẽ nói về chủ đề: “Trung Quốc và những thách thức đối với xã hội tự do”.
Gần 150 nghị sĩ Cộng hòa đề xuất trừng phạt toàn bộ giới chức cấp cao của Trung Quốc và gia đình họ
Báo The National Interest hôm 11/6 đưa tin, các nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa trong Hạ viện Hoa Kỳ đang đề xuất những biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó một số biện pháp sẽ được áp dụng đối với tất cả các thành viên của cơ quan lập pháp Trung Quốc và gia đình họ.
Bài báo cho biết, Ủy ban Nghiên cứu của Đảng Cộng hòa, bao gồm 147 thành viên thuộc Nghị viện, đã công bố một bản chiến lược an ninh quốc gia mới vào hôm 10/6 nhằm chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc và hoạt động phá hoại của Bắc Kinh đối với lợi ích của Hoa Kỳ.
Bản chiến lược dài 120 trang, trong đó đề xuất nhiều biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Trung Quốc, trong đó có lệnh cấm học tập tại các trường đại học Hoa Kỳ. Lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với tất cả các thành viên của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc, hiện có 2.280 đại biểu). Lệnh cấm này cũng áp dụng đối vợ/chồng, con cái của tất cả các quan chức nêu trên.
Đề xuất của Đảng Cộng hòa cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng.
Một trang tin khác có tên The National Review, cho biết bản chiến lược của các nghị sỹ Cộng hòa cũng đề xuất Nghị viện mở rộng thẩm quyền cho Tổng thống Donald Trump áp dụng Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky để trừng phạt Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bản đề xuất có ghi: “Mặc dù thực tế là Mặt trận Thống nhất không phải là một thực thể có hành vi bạo lực hay tham gia vào các cuộc tấn công khủng bố, nhưng nó là một cánh của ĐCSTQ có liên quan đến các hoạt động đe dọa Hoa Kỳ”.
The National Review bình luận rằng Ủy ban Nghiên cứu của đảng Cộng hòa thậm chí không cần phải giải thích như vậy để áp dụng các biện pháp trừng phạt theo đạo luật Magnitsky. Bởi vì trước đó Viện Chính sách Chiến lược Australia đã công bố một bản báo cáo, trong đó kết luận Mặt trận Thống nhất là một mạng lưới tinh vi, xâm nhập vào các lĩnh vực khác nhau của các nước dân chủ tự do. Các chi nhánh của nó có tác động đến xã hội dân sự, nó cũng theo dõi và bắt nạt các thành viên của cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, kể cả trong các trường đại học.
Bản chiến lược cũng khuyến nghị các biện pháp báo cáo chặt chẽ hơn nữa đối với các thực thể khác tham gia vào Mặt trận Thống nhất, như Viện Khổng Tử, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi lợi nhuận và các hãng truyền thông của nhà nước Trung Quốc.
The National Review bình luận: “Những đề xuất này là một cuộc thúc đẩy chưa từng có để chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ”.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây cũng đưa ra một bản chiến lược khác dài 16 trang trực tiếp nhắm vào các mối đe dọa từ ĐCSTQ, trong đó chỉ đề cập đến ông Tập Cận Bình với tư cách là Tổng Bí thư ĐCSTQ, mà không hề nhắc đến chức vụ Chủ tịch nước của ông này. Đây được coi là một thông điệp mạnh mẽ, ngầm ám chỉ rằng Washington coi ĐCSTQ là một thế lực thù địch và không còn thừa nhận vị trí lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.
Rumania ngưng một dự án lớn với Trung Quốc
Chính phủ Rumania trong một tuyên bố gần đây cho biết, họ đã yêu cầu Công ty điện hạt nhân Rumani Nucleelectrica chấm dứt đàm phán việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân với Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC), theo bản tin tối thứ Năm của Taiwan News.
Vào tháng Năm năm ngoái, Romania và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận trong đó có điều khoản rằng hai nước sẽ thành lập một công ty liên doanh trong lĩnh vực hạt nhân với 51% cổ phần thuộc về Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Hotnews, Thủ tướng Rumani Ludovic Orban nói: “Tôi có quan điểm rõ ràng rằng sẽ không hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này”. Ông Orban đảm nhận vị trí thủ tướng Rumani sau khi có thỏa thuận với Trung Quốc, trước đó ông từng phản đối thỏa thuận này.
Vào tháng 1/2020, Bộ trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường Kinh doanh của Rumani, ông Virgil Popescu, đã đề xuất ý kiến rằng Nucleelectrica cần xây dựng lò phản ứng hạt nhân độc lập và nên hợp tác với các đối tác của NATO vì nó khả thi hơn việc hợp tác với đối tác Trung Quốc.
Bắc Kinh lên án Mỹ tại cuộc họp WTO
Hôm thứ Năm, ông Jiankai Jin, đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đã cáo buộc chính quyền Trump làm xói mòn chuỗi cung cứng của ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu bằng việc gia hạn một lệnh điều hành cấm các công ty Hoa Kỳ sử dụng thiết bị của những hãng công nghệ có nguy cơ đe dọa an ninh nước Mỹ, theo Reuters.
Tháng trước, Tổng thống Trump đã gia hạn thêm một năm đối với lệnh hành pháp được ký vào tháng 5/2019, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cấm các công ty Hoa Kỳ sử dụng thiết bị viễn thông của những hãng công nghệ gây rủi ro cho an ninh nước Mỹ.
Các nhà quan sát cho rằng lệnh hành pháp này của ông Trump nhắm chủ yếu vào các tập doàn công nghệ Trung Quốc như Huawei hay ZTE, những thực thể được cho là chuyên thu thập thông tin tình báo cho Trung Nam Hải.
Chính khách Anh bỏ việc sau khi lên án người biểu tình vụ Floyd
Fox News hôm thứ Năm cho hay, ông Nigel Farage, lãnh đạo đảng Brexit và là một chính trị gia Anh có khuynh hướng bảo vệ văn hóa truyền thống, đã không còn dẫn chương trình talk show của đài LBC sau khi ông có bình luận so sánh những người biểu tình ủng hộ Black Lives Matter (mạng sống của người da đen cũng đáng giá) với lực lượng khủng bố Taliban.
Farage đã phải đối mặt với một làn sóng phản ứng dữ dội sau khi ông viết trên Twitter dòng trạng thái có ý chỉ trích những người biểu tình quá khích sau cái chết của George Floyd, một tội phạm ma túy người da đen ở Mỹ bị ngộ sát.
Chương trình của ông Farage có tên “The Nigel Farage Show” bắt đầu phát sóng vào năm 2017 với mật độ 5 số/tuần. Trong chương trình của mình, ông Farage thường nhận cuộc gọi từ người nghe để thảo luận về các sự kiện diễn ra hàng ngày, theo Sky News.
Mưa bão hoành hành trên diện rộng tại miền nam Trung Quốc, hàng triệu người dân phải đi sơ tán
Theo Liberty Times Net ngày 10/6, mưa bão đã hoành hành nghiêm trọng tại miền nam Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hàng chục triệu người dân tại đây.
Tính đến 14 giờ ngày 9/6/2020, mưa bão đã xảy ra tại 11 tỉnh thành bao gồm Quảng Tây, Quế Châu, Quảng Đông, Giang Tây, Hồ Nam, Phúc Kiến… 228.000 lượt người đã phải đi sơ tán, hơn 1300 ngôi nhà đã bị đổ nát, diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng lên tới 145.900 ha, thiệt hại kinh tế lên tới 4,04 tỷ nhân dân tệ (tương đương 13.736 tỷ VNĐ), tăng gấp nhiều lần so với ngày hôm trước.
Theo nguồn tin, từ ngày 2/6 đến nay, phía trung bắc tỉnh Quảng Tây, phía trung và duyên hải phía nam tỉnh Quảng Đông, phía trung đông tỉnh Hồ Nam, trung bắc tỉnh Giang Tây, phía nam tỉnh An Huy, phía tây tỉnh Chiết Giang, phía tây bắc tỉnh Phúc Kiến… đều xảy ra mưa lớn với lượng mưa từ 100 – 300mm. Do ảnh hưởng của mưa bão, 110 con sông thuộc 8 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Nam, Quế Châu, Vân Nam đều có mực nước dâng cao.
Chính quyền và người dân các địa phương bị ảnh hưởng của bão đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng do mưa lớn liên tục trên diện rộng nên thiệt hại về người và nhà cửa, hoa màu là rất lớn. Dự báo khí tượng thủy văn Trung Quốc cho biết, từ 12/6-15/6, phía bắc Giang Hán, Giang Hoài, Giang Nam và phía tây bắc Quý Châu, Quảng Tây, vùng Tứ Xuyên sẽ có mưa lớn, người dân cần đề phòng, tránh bão.