Tin thế giới sáng thứ Năm 19/6

Ấn – Trung đồng ý giảm căng thẳng biên giới

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ( ghép từ ảnh chụp màn hình video của CNA).

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã điện đàm với người đồng cấp Vương Nghị hôm 17/6, hai bên nhất trí giảm căng thẳng biên giới sau vụ đụng độ dữ dội khiến nhiều binh lính thiệt mạng, theo AFP.

Sau cuộc điện đàm của hai vị quan chức, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết ông Jaishankar đã “truyền đạt sự phản đối” của chính phủ với phía Trung Quốc. Ông Jaishankar cảnh báo “diễn biến chưa có tiền lệ này sẽ tác động nghiêm trọng đến quan hệ song phương” và kêu gọi Bắc Kinh “thực hiện các biện pháp khắc phục”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố cho biết ông Vương Nghị yêu cầu “Ấn Độ điều tra kỹ lưỡng” và trừng phạt những người cần chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, cả hai nước đồng ý tìm cách giảm căng thẳng. Trung Quốc tuyên bố cả hai bên đã đồng ý “hạ nhiệt tình hình càng sớm càng tốt”, còn phía Ấn Độ cho biết hai nước nhất trí “không có hành động làm leo thang vấn đề”.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình về vụ đụng độ ở biên giới, Thủ tướng Narendra Modi cho biết Ấn Độ muốn hòa bình, nhưng vẫn có khả năng đáp trả nếu bị khiêu khích.

Cuộc đụng độ dữ dội giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra vào tối 15/6 tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Ấn Độ cáo buộc lính biên phòng Trung Quốc đã vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế và xâm nhập khu vực do nước này kiểm soát. Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ vượt biên và tấn công binh lính nước này.

Quân đội Ấn Độ tuyên bố 20 quân nhân nước này đã hy sinh. Truyền thông Ấn Độ đưa tin có thể 43 binh sĩ Trung Quốc đã chết và bị thương, song phía Trung Quốc chưa xác nhận.

Tổng thống Trump ký luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư (17/6 giờ Washington DC) đã ký ban hành luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Trong một bản tuyên bố được đưa ra vào chiều thứ Tư, Tổng thống Trump cho biết đạo luật này “buộc các thủ phạm phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền, như sử dụng có hệ thống các trại truyền bá tư tưởng, lao động cưỡng bức và hoạt động giám sát mang tính chất xâm phạm để xóa bỏ bản sắc dân tộc và tín ngưỡng của người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác ở Trung Quốc”.

Trong vòng 180 ngày kể từ khi ký ban hành đạo luật, Tổng thống Trump sẽ phải nộp báo cáo lên Nghị viện, trong đó liệt kê các quan chức Trung Quốc cũng như các cá nhân nước ngoài khác phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Đạo luật cũng đưa ra những biện pháp trừng phạt mà chính quyền Trump có thể áp dụng, như đóng băng tài sản, cấm nhập cảnh và các biện pháp xử phạt khác.

Trong bản tuyên bố của mình, Tổng thống Trump đưa ra một lưu ý liên quan đến Phần 6, G, về việc phải thông báo cho các ủy ban của Nghị viện ít nhất 15 ngày trước khi đình chỉ các lệnh trừng phạt đối với cá nhân nước ngoài nào đó. Ông Trump giải thích rằng yêu cầu này có thể khiến ông bị hạn chế khi thực thi các thẩm quyền khác theo quy định của Hiến pháp, như việc tiếp đón các cá nhân nước ngoài có tư cách là đại biểu ngoại giao của quốc gia đó. Tổng thống cho biết chính phủ của ông sẽ cố gắng tuân tủ Phần 6, G bằng cách thông báo cho các ủy ban của Nghị viện trước khi đình chỉ lệnh trừng phạt đối với cá nhân nước ngoài nào đó, nhưng ông không coi thời hạn trước 15 ngày là một quy định bắt buộc.

Luật nhân quyền Duy Ngô Nhĩ do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio đề xuất, trong đó đặc biệt chỉ đích danh một thủ phạm hàng đầu về vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ, đó là Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Tân Cương, ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), một thành viên trong Bộ Chính trị đầy quyền lực của Trung Quốc.

Trước khi Tổng thống Trump ký ban hành, đạo luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền đã được Nghị viện Mỹ bỏ phiếu thông qua với tỷ lệ áp đảo. Hôm 27/5, Hạ viện Mỹ thông qua đạo luật với tỷ lệ 413 phiếu thuận và một phiếu chống, trong khi Thượng viện Mỹ thông qua hôm 14/5 với toàn bộ phiếu thuận.

Giới quan sát nhận định việc Tổng thống Trump ban hành đạo luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc về vấn đề nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ sẽ khiến mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh vốn đã căng thẳng, nay sẽ càng trở nên gay gắt. Chính quyền Trump trước đó đã đưa ra một bản chiến lược dài 16 trang, trong đó công khai chỉ rõ các mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc và những quyết sách để đối phó với những tham vọng của giới cầm quyền Bắc Kinh.

Bệnh viện ở Bắc Kinh bị phong tỏa, nhà tang lễ ngày ngày hỏa thiêu thi thể bệnh nhân COVID 19

Chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh bị đóng cửa do COVID 19

Làn sóng thứ hai của đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán bùng phát ở Bắc Kinh, theo các chuyên gia, khả năng lây nhiễm của dịch bệnh ở Bắc Kinh lần này cao hơn ở Vũ Hán.

Hiện tại, Bắc Kinh đã bước vào “trạng thái thời chiến”. Người dân sống ở Bắc Kinh tiết lộ rằng nhà tang lễ mỗi ngày đều đang hỏa thiêu thi thể các nạn nhân tử vong bởi dịch bệnh.

Ngày 14/6, trang web của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đưa ra thông báo rằng Bắc Kinh mới xác nhận thêm 57 trường hợp nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán, đây là kỷ lục cao nhất kể từ tháng 4 đến nay, trong đó có 36 trường hợp đến từ Bắc Kinh. Truyền thông Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh có tổng cộng 79 trường hợp được chẩn đoán trong 4 ngày. Ngày 14/6, một cuộc xét nghiệm quy mô lớn đã được tiến hành, lấy mẫu 76.499 người, kết quả có 59 người dương tính.

Tuy nhiên, có người dân sống ở Bắc Kinh đã tiết lộ với Đài Tiếng nói Hy vọng (SOH) rằng số liệu do phía chính quyền công bố vẫn có che giấu, dữ liệu thực tế có thể nhiều hơn gấp 10 lần.

Vào ngày 15/6, chợ Đông Ngọc Tuyền và 10 khu cộng đồng xung quanh ở quận Hải Điến, Bắc Kinh đã thực hiện quản lý khép kín và khởi động cơ chế thời chiến, tất cả 11 tiểu khu xung quanh khu chợ bán buôn Tân Phát Địa đều bị quản lý khép kín.

Theo video được lan truyền trên mạng cho thấy, một số lượng lớn xe cảnh sát đã xuất hiện ở quận Hải Điến, Bắc Kinh. Theo thông tin của cư dân mạng, cộng đồng xung quanh khu chợ Đông Ngọc Tuyền cũng sắp bị phong tỏa. Một video khác cho thấy một tiểu khu ở quận Xương Bình, Bắc Kinh cũng bị phong tỏa. Người quay video cho biết, nhiều tiểu khu ở Bắc Kinh đã trang bị loa, yêu cầu cư dân đã từng đến chợ Tân Phát Địa đi làm xét nghiệm axit nucleic.

Cao Du, phóng viên tự do sống ở Bắc Kinh cho biết trong một video rằng đường Vĩnh Định, Thiết Kiến, Tây Lý, Lục Kiến, chung cư Gia Đức, công viên Bạch Lang, bệnh viện số 11 và bệnh viện số 2, tất cả đều đã bị phong tỏa. Mọi người cũng đừng đến bệnh viện 721, bệnh viện Cảnh sát Vũ trang, nơi đó đang tiến hành tập trung xét nghiệm axit nucleic.

Ông Chu – một cư dân Bắc Kinh có bạn làm ở nhà tang lễ tiết lộ rằng: “Tôi biết một người làm ở nhà tang lễ. Mỗi ngày đều có người chết vì virus Vũ Hán. Khi đi hỏa táng thi thể, họ đều trang bị đầy đủ. Nếu là thi thể người chết bình thường, họ mặc quần áo làm việc đến lò thiêu đốt xác. Còn với thi thể nhiễm dịch thì khác. Thi thể được đưa vào một lò thiêu đặc biệt. Có 2 người mặc trang bị bảo hộ đầy đủ, họ chuyên môn xử lý thi thể chết vì dịch bệnh. Người bạn tôi không dám tiết lộ quá nhiều, anh ấy cũng sợ…”

Ông Hác, một cư dân Bắc Kinh đặt nghi vấn rằng dịch bệnh viêm phổi lần này không phải là đợt bùng phát thứ hai, mà là do ĐCSTQ vẫn luôn che giấu tình hình dịch bệnh.

Ông Hác nói: “Thật ra, tôi thấy nghi ngờ. Thực tế, từ đầu đến giờ, dịch bệnh này vẫn chưa hết, vậy là chuyện gì đã xảy ra? ĐCSTQ đã ngừng báo cáo thông tin vì để ổn định. Bây giờ mọi quốc gia trên thế giới vẫn đang đưa tin về số ca nhiễm, chẳng phải là ĐCSTQ không thể che giấu nổi? Các nước không kiểm soát được tình hình dịch bệnh? Vậy chúng ta tiếp tục báo cáo một chút thông tin ở đây. Tôi nghi ngờ là như thế. Làm sao có thể đột nhiên nói rằng ‘không có ca nhiễm mới’ là ‘không có ca nhiễm mới nữa’, có thể không? Chuyện này cũng không lừa được trẻ con! Tôi nghĩ vậy”.

Ông Hồng, một cư dân Bắc Kinh, tiết lộ rằng ông đã nhận được hàng loạt tin nhắn vào lúc 3:30 ngày thứ Hai yêu cầu xét nghiệm acid nucleic, nhưng vào thời điểm đó rất nhiều người đã bỏ trốn vì sợ phong tỏa thành phố.

Ông nói: “Họ nói là đi xét nghiệm acid nucleic, kể từ ngày 30/5, những người đã đến chợ bán buôn Tân Phát Địa, hoặc những người tiếp xúc gần với nhân viên bán hàng cần xét nghiệm acid nucleic. Nhiều người không tham gia xét nghiệm, và tất cả đều chạy trốn rồi. Tôi không biết tại sao họ lại bỏ chạy từ sớm như vậy”.

Tuy nhiên, ông Tiêu, một cư dân Bắc Kinh cho rằng các quan chức của ĐCSTQ sẽ không phong tỏa thành phố một lần nữa vì để “duy trì sự ổn định”. Ông nói: “Nền kinh tế của Trung Quốc cũng đầy lỗ hổng, chính quyền ĐCSTQ không có thực lực để phong thành. Hơn nữa, cho dù có bao nhiêu người chết, ĐCSTQ cũng sẽ cố gắng che đậy dữ liệu với bên ngoài. Họ vì lợi ích của chính mình mà không quan tâm tới sống chết của người dân”.

Hiện tại, công tác giám sát tại khu vực trung tâm của Bắc Kinh đã được nâng cấp, dịch bệnh cũng đã lan sang các tỉnh và thành phố khác. Tính đến sáng ngày 15/6, 3 tỉnh Liêu Ninh, Hà Bắc và Tứ Xuyên đều xác nhận trường hợp lây nhiễm có liên quan đến Bắc Kinh.

Theo trang web của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, ngày 14/6, 31 tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc) bao gồm: Hà Bắc, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Thiểm Tây và Phúc Kiến,.. và binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương đều báo cáo có ca nhiễm mới được xác nhận.

Hiện tại, hơn 10 tỉnh thành ở Trung Quốc đã ra thông báo khẩn cấp khuyến cáo người dân nếu không thật sự cần thiết thì không đi đến Bắc Kinh và tăng cường giám sát những người từ Bắc Kinh trở về.

Bắc Hàn “thận trọng” trút cơn thịnh nộ lên Hàn Quốc

image.png
Hình ảnh vụ nổ đánh sập văn phòng liên lạc liên Triều tại Kaesong, trên đất Bắc Triều Tiên ngày 16/06/2020. Ảnh do KCNA công bố. via REUTERS – KCNA

Sau đúng hai năm tan băng, và đã ba lần lãnh đạo Bắc Hàn Tiên bắt tay với tổng thống Mỹ, Washington vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt với Bình Nhưỡng, đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên hoàn toàn bế tắc. Phải chăng Bắc Triều Tiên cần khiêu khích để quốc tế phải chú ý đến và khởi động lại đàm phán hạt nhân với Mỹ?

Trong tính toán của Bình Nhưỡng, cần khai thác lá bài Seoul: Trút cơn thịnh nộ “có chừng mực” lên đầu Hàn Quốc mà vẫn tránh được xung đột quân sự. Đó là phân tích của chuyên gia Pháp, Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược, giảng dạy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris –Sciences Po.

Hình ảnh văn phòng liên lạc liên Triều tại khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng của giai đoạn tan băng giữa Bình Nhưỡng và Seoul bốc khói đã thu hút chú ý của công luận và truyền thông quốc tế. Nhưng đây là một hành động “có tính toán và cân nhắc cẩn trọng” của Bắc Triều Tiên.

Một sự cân nhắc chi ly
Dù vậy chuyên gia Pháp về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho RFI tiếng Việt ngày 16/06/2020 lưu ý :thứ nhất Bình Nhưỡng đã rất khôn ngoan chọn thời điểm để trút cơn thịnh nộ lên Nam Hàn mà biết rằng hành động “khiêu khích và gây hấn đó ít có khả năng dẫn tới xung đột” liên Triều. Bởi Bắc Hàn không sợ Nam Hàn thay đổi chính phủ sau bầu cử Quốc Hội hồi tháng 4/2020. Đảng của tổng thống Moon Jae In chiếm đa số tuyệt đối. Tổng thống Moon vốn chủ trương chìa bàn tay thân thiên với Bình Nhưỡng. Nhờ vậy Bắc Triều Tiên cầm chắc kịch bản một cuộc đối đầu quân sự với nước làng giềng phía nam sẽ không xảy ra

Tuy nhiên, chuyên gia Antoine Bondaz không loại trừ khả năng chế độ Kim Jong Un tiếp tục “có những hành động khiêu khích” cả về mặt quân sự. Đây là kịch bản từng xảy ra hồi năm 2010 khi ngư lôi Bắc Triều Tiên đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc. Cùng năm đó, quân đội Bắc Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo thuộc chủ quyền của Hàn Quốc.

Một dấu hiệu thứ nhì cho thấy hiện tại Bắc Hàn chưa vượt qua “lằn ranh đỏ” mà mới chỉ “tấn công vào một biểu tượng”, phá sập một tòa nhà được xây dựng lên bằng vốn của Hàn Quốc và tiêu biểu cho sự hàn gắn được tổng thống Moon khởi động hồi 2018. Nhưng trên thực tế văn phòng liên lạc nằm trên lãnh thổ Bắc Hàn và hoàn toàn không còn hoạt động từ nhiều tháng qua do tình hình dịch Covid-19. Cảnh tòa nhà bốc khói gây ấn tượng nhưng không hề có đổ máu. Ông Bondaz ghi nhận phía Seoul cũng chỉ phản ứng một cách chừng mực.

Nam Hàn, bung xung của Kim Jong Un

Điểm thứ ba đáng chú ý trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay là Bình Nhưỡng chỉ trút cơn thịnh nộ lên chính quyền Seoul nhưng tránh để Washington can thiệp. Chuyên gia Antoine Bondaz giải thích : nếu Bắc Triều Tiên khiêu khích quá đáng, gây thiệt hại cho Nam Hàn, bắt buộc Mỹ, đồng minh quân sự của Seoul, phải lên tiếng cho dù là tình hình bán đảo Triều Tiên không là mối quan tâm của Tòa Bạch Ốc vào thời điểm này.

Dù vậy trong số tất cả những tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump đã tỏ ra “ít tệ nhất” với chế độ họ Kim. Vẫn theo chuyên gia Bondaz, bất luận chính quyền Mỹ trong sáu tháng nữa thuộc về phe Dân Chủ hay Cộng Hòa, Bắc Hàn sẽ phải trả giá đắt nếu động chạm đến quyền lợi cốt lõi của nước Mỹ.

Tóm lại những đòn hù dọa từ nhiều tháng qua của chế độ Bình Nhưỡng nhằm nhiều mục đích: bắt thế giới phải quan tâm trở lại đến Bắc Hàn; tăng thêm sức mạnh đoàn kết trong nước; đổ lỗi cho Hàn Quốc nhu nhược và vô dụng để tiến trình phi hạt nhân hóa bế tắc.

Sau cùng, về mặt chính thức Bắc Hàn không ghi nhận bất kỳ một ca nhiễm Covid-19 nào nhưng khủng hoảng y tế toàn cầu lần này mang lại những “hậu quả kinh tế vô cùng tai hại” cho Bắc Hàn. Đóng cửa biên giới chống dịch khiến giao thương với Trung Quốc hay Nga, hai điểm tựa của chế độ Kim Jong Un, kiệt quệ. Chuyên gia Antoine Bondaz kết luận, Hàn Quốc là “cái bung xung” của chế độ Kim Jong Un để giải thích về những khó khăn của Bắc Hàn hiện tại.

Bắc Hàn dọa tăng quân tại biên giới liên Triều

image.png
Một binh sĩ Nam Hàn đứng gác ở Thống Nhất Đại Kiều, dẫn vào khu công nghiệp Kaesong, trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp ngày 17/06/2020 REUTERS – KIM HONG-JI

Căng thẳng leo thang trên bán đảoTriều Tiên. Chính quyền Bình Nhưỡng ngày 17/06/2020 thông báo tăng cường các hoạt động canh gác tại khu vực phi quân sự, tăng cường hiện diện của quân đội tại khu công nghiệp Kaesong và khu du lịch tại núi Kim Cương. Để đáp trả, bộ trưởng Quốc Phòng Nam Hàn tuyên bố: tiến hành một chiến dịch quân sự, Bình Nhưỡng sẽ « trả giá đắt .

Theo hãng tin Nam Hàn Yonhap quân đội Bắc Hàn thông báo “khởi động lại các chiến dịch quân sự ở khu vực biên giới” liên Triều. Quyết định này bao gồm các biện pháp từ việc tái lập các đồn biên phòng dọc theo đường biên giới trong vùng phi quân sự, điều quân đến khu công nghiệp Kaeong và du lịch tại núi Kim Cương. Đây là những quần thể biểu tượng cho sự hợp tác liên Triều nhưng cả hai cơ sở nói trên đều đã bị đóng cửa từ nhiều năm qua. Hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cho biết bà Kim Yo Jong, em gái lãnh tụ Bắc Triều Tiên bác bỏ đề nghị của Nam Hàn gửi đặc phái viên đến Bình Nhưỡng xoa dịu tình hình. Cùng ngày, Bình Nhưỡng công bố hình ảnh vụ đánh sập tòa nhà được dùng làm văn phòng liên lạc giữa hai nước Triều Tiên.

Về phía Nam Hàn, một mặt bộ trưởng Quốc Phòng, Jeong Kyeong Doo tuyên bố sẽ đáp trả đích đáng trong trường hợp có xung đột quân sự, mặt khác Seoul đình chỉ chương trình tìm kiếm hài cốt lính Mỹ trong vùng phi quân sự, biên giới liên Triều. Theo tin mới nhất được Yonhap trích dẫn, một nguồn tin quân sự cho biết hai chiếc máy bay quan sát của quân đội Mỹ đã thi hành phi vụ trên bầu trời thủ đô Seoul để “quan sát tình hình”.  

Châu Âu: Hậu Covid-19, nạn phá sản doanh nghiệp bùng nổ

Vẫn về kinh tế, báo le Monde quan tâm đến nguy cơ phá sản thời hậu Covid-19 của các doanh nghiệp châu Âu. Mặc dù chính phủ các nước châu Âu đã chi hàng trăm tỉ euro để vực dậy nền kinh tế, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp bị tê liệt do các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19, nhưng theo kết quả nghiên cứu cơ quan bảo hiểm – tín dụng Coface công bố ngày 16/06/2020, các vụ doanh nghiệp phá sản sẽ tăng mạnh từ nay đến hết năm 2021: tỉ lệ này là 21% tại Pháp, 22% ở Tây Ban Nha, 37% đối với Anh và Ý, 36% tại Hà Lan. Nước ít bị ảnh hưởng nhất là Đức, với tỉ lệ phá sản tăng 12%.

Tại Pháp, nếu không có thêm các biện pháp hỗ trợ bổ sung của chính quyền, theo Coface, đến cuối năm 2021 sẽ có tới 61.354 doanh nghiệp phá sản, nhất là các doanh nghiệp mới được thành lập, 200.000 việc làm trực tiếp sẽ bị ảnh hưởng. Các lĩnh vực có nhiều nguy cơ phá sản nhất đương nhiên là các ngành nghề bị tác hại nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng y tế Covid-19: du lịch, nhà hàng, giao thông vận chuyển, thương mại, may mặc, xây dựng.

Đối với các nước châu Âu khác, Coface nhấn mạnh mức độ phá sản sẽ có liên quan đến mức tăng giảm GDP. Theo các dự báo về tăng trưởng, Hà Lan và Đức sẽ là những nước ít bị suy thoái nhất, GDP chỉ giảm 2% so với năm 2019. GDP của Anh và Ý sẽ giảm 5-6% so với năm ngoái, nhiều hơn mức sụt giảm tại Pháp và Tây Ban Nha. Riêng tại Hà Lan có điểm đặc biệt là các doanh nghiệp dễ bị phá sản hơn ở các nước khác nhưng khi kinh tế được hồi phục, thì số công ty mới được thành lập cũng cao hơn.

Liên Hiệp Châu Âu và khủng hoảng dân số


Báo Le Figaro dành nhiều bài viết cho thời sự Pháp, nhưng không quên hồ sơ về cuộc khủng hoảng dân số Liên Hiệp Châu Âu: dân số giảm và già ở châu Âu, nhất là ở các quốc gia Đông Âu và Nam Âu như Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha, kéo theo đó là những hậu quả về kinh tế, xã hội và cả chính trị. Trong bài viết “Liên Hiệp Châu Âu mở mắt về khủng hoảng dân số”, Le Figaro lấy làm tiếc là giới lãnh đạo các nước thành viên Liên Âu đã coi nhẹ những hậu quả nói trên. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Liên Hiệp Châu Âu ghi nhận tỉ lệ tử cao hơn tỉ lệ sinh.

Theo báo cáo “Tác động của chuyển đổi dân số” do chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Lyen phụ trách, nếu kéo dài tình trạng này, tính từ năm 2030 đến năm 2070 dân số châu Âu sẽ giảm 5%. 30% dân số sẽ trên 65 tuổi, số người trên 80 tuổi chiếm 13%. Còn số người trong độ tuổi lao động sẽ giảm 18%. Điều này sẽ tạo gánh nặng về chăm sóc y tế và quỹ hưu trí.

Sau cuộc chiến Covid-19 là cuộc chiến du lịch


Vẫn liên quan đến châu Âu, nhưng về du lịch, báo La Croix nói về Cuộc chiến du lịch hè giữa các nước châu Âu. Nước nào cũng vừa muốn giữ khách nội địa và thu hút khách ngoại quốc. Trong cuộc chiến mới này, dường như các nước Nam Âu như Ý, Tây Ban Nha và cả nước Pháp có nhiều ưu thế vì khí hậu dễ chịu và có nhiều khu nghỉ mát ven biển. Hơn 50% người dân châu Âu mùa hè thường đi nghỉ ở vùng biển.

Năm nay, do tác hại của dịch bệnh, chính phủ Pháp đã nhiều lần bày tỏ mong muốn người dân Pháp sẽ đi nghỉ hè trong nước. Theo một cuộc khảo sát mới đây, 87% dân Pháp chọn du lịch nội địa mùa hè, chỉ có 13% muốn ra nước ngoài nghỉ hè. Các địa phương của Pháp cũng tìm đủ cách để thu hút du khách, với nhiều sáng kiến. La Croix nói đến khả năng xảy ra “cuộc chiến giữa các vùng lãnh thổ”.

Related posts