Tin thế giới sáng thứ Bảy 20/6

Trung Quốc tuyên án luật sư nhân quyền 4 năm tù giam

Trung Quốc tuyên án luật sư nhân quyền 4 năm tù giam
Luật sư Dư Văn Sinh (ảnh chụp màn hình/AP).

Dư Văn Sinh (Yu Wensheng), một luật sư nhân quyền Trung Quốc đã bị kết án 4 năm tù sau khi bị giam giữ hơn 900 ngày kể từ hồi đầu năm 2018. 

Hứa Nghiên (Xu Yan), vợ ông Dư Văn Sinh đã xác nhận với tờ Apple Daily qua một đoạn ghi âm rằng, chồng bà đã bị kết án vào sáng ngày 16/6.

Giọng nói của bà Hứa trong đoạn ghi âm đầy vẻ lo lắng. Bà nói rằng chính quyền Trung Quốc đã không liên lạc với gia đình hoặc luật sư bào chữa của ông Dư trong khi họ bí mật kết án ông. Bà chất vấn liệu Trung Quốc còn có luật pháp nữa hay không, khi ông Dư bị kết án mà không qua xét xử ở một phiên tòa công khai nào và cũng không có quyền gặp người đại diện của mình.

“Đàn áp chính trị dưới danh nghĩa thực thi luật pháp…”, tổ chức Ân xá Quốc tế trích lời Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức này trên dòng trạng thái Twitter của mình, xoay quanh vụ bắt giữ luật sư nhân quyền Dư Văn Sinh gần đây. Ông Dư Văn Sinh trong ảnh (ảnh chụp màn hình Twitter).

Bà Hứa cho biết chồng bà sẽ kháng án trong 10 ngày tới. Bà kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ để “ngăn chặn chính quyền Trung Quốc đàn áp người Trung Quốc một cách bất hợp pháp và vô lối”.

Luật sư Dư đã khiến chính quyền Trung Quốc tức giận khi đăng một bức thư ngỏ lên Twitter vào tháng 1/2018, gửi tới các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong kỳ họp Lưỡng Hội tại Bắc Kinh. Trong thư, ông đưa ra một số đề nghị cải cách hệ thống chính trị Trung Quốc, ví như tiến hành bầu cử dân chủ đối với các lãnh đạo.

Một ngày sau khi đăng bức thư, cảnh sát địa phương đã bắt giam ông ở gần nhà tại Bắc Kinh. Sau đó, ông đã được đưa đến thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô và bị đặt dưới tình trạng “bị giám sát”.

Ông Dư đã bị đưa ra xử bí mật tại Từ Châu vào ngày 9/5/2019. Cả vợ ông, bà Hứa, và luật sư bào chữa đều không được báo trước. 

Tháng Tư năm nay, văn phòng công tố viên Từ Châu đã buộc tội ông Dư “phá hoại trật tự an ninh công cộng”, và “kích động lật đổ quyền lực nhà nước” – những tội danh thường được Bắc Kinh dùng đối với tất cả những người bất đồng chính kiến. 

Vợ ông Dư cho biết bà lo ngại chồng mình sẽ phải đối mặt với tình huống còn tồi tệ hơn những gì luật sư nhân quyền Vương Toàn Chương đã phải đối mặt. Luật sư Vương được thả vào đầu tháng 4 sau khi thụ án bốn năm rưỡi với tội danh “lật đổ quyền lực nhà nước”.

Ông Dư đã từng là một luật sư bào chữa cho luật sư Vương. Cả hai vị luật sư này khá nổi tiếng với việc bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền và các học viên Pháp Luân Công, một môn khí công ôn hòa theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn nhưng đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp nghiêm trọng kể từ năm 1999 cho đến nay.

Michael Caster, một người ủng hộ nhân quyền và đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha, cho rằng việc tuyên án như vậy là quá sai trái.

“Một luật sư nhân quyền Trung Quốc lại bị kết án bất công sau khi bị giam giữ trong một khoảng thời gian dài. Nếu ở một nơi tốt đẹp hơn Trung Quốc, ông sẽ được tán dương vì lý tưởng của mình”, ông Caster viết trên trang twitter của mình. 

Nhà hoạt động nhân quyền ở Hong Kong Patrick Poon cũng đã viết trên twitter rằng bản án của ông Dư là “một nỗi xấu hổ cho hệ thống tư pháp hình sự Trung Quốc”.

Đảng dân chủ Hong Kong Demosistō đã so sánh vụ án của ông Dư với luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc chuẩn bị áp đặt cho thành phố từng một thời có quyền tự trị này.

“Một phiên tòa bí mật đã được tiến hành nhưng vợ ông ấy chỉ được biết sau khi có phán quyết. Đó cách thức vận hành của Luật An ninh Quốc gia. Bây giờ Bắc Kinh định áp dụng nó lên Hồng Kông, và chính phủ Hồng Kông [thân Bắc Kinh] tuyên bố ‘nó sẽ không ảnh hưởng đến quyền tự do dân sự!’”, Tài khoản Đảng Demosistō viết trên trang twitter.

Cuối tháng 5, Bắc Kinh thông qua dự luật an ninh Hồng Kông với đa số phiếu. Luật an ninh mới sẽ cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở Hồng Kông. Luật cũng có thể cho phép các cơ quan an ninh và tình báo Trung Quốc thiết lập cơ sở trong thành phố. Luật sẽ được ban hành sau khi nội dung được soạn thảo chi tiết.

Trung Quốc: Luật sư nhân quyền lâm vào đường cùng, phải đi xin ăn

Luật sư nhân quyền Bành Vĩnh Hòa cho biết ông đã chịu đựng sự đàn áp của chính quyền suốt 3 năm qua (ảnh: Đài Á Châu Tự Do).

Đài truyền hình NTD ngày 19/6 đưa tin, ông Bành Vĩnh Hòa (Peng Yonghe), luật sư nhân quyền tại Thượng Hải cho biết suốt 3 năm qua ông đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp vì tham gia những vụ án “nhạy cảm”.

Luật sư Bành Vĩnh Hòa (Peng Yonghe) đã quay một video vào ngày 18/6 cho biết bản thân đang phải đi hành khất trên đường phố vì bị chính quyền chèn ép suốt 3 năm qua. Tuy nhiên, video của luật sư Bành không lâu sau đó đã bị xóa và ông bị cảnh sát địa phương triệu tập.

Trong video có tựa đề “Luật sư hàng đầu Thượng Hải treo bảng ăn xin trên đường”, ông Bành Vĩnh Hòa nói:

“Trong 3 năm qua tôi không hề có thu nhập, chứng chỉ luật sư của tôi vẫn còn, nhưng tôi không thể tìm được việc ở bất cứ văn phòng luật nào. Ngay khi tôi tìm thấy một công ty luật, họ nói rằng tôi có vấn đề trong khuynh hướng chính trị. Vì vậy, trước khi thẻ luật sư của tôi bị ‘xử lý’, ngoài việc phải chuyển sang ngành khác, tôi chỉ có thể đi xin ăn”.

Sau khi đăng tải, video nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội khác nhau, khiến giới chức Trung Quốc chú ý. Sở cảnh sát phố Đông Nam Thượng Hải sau đó đã triệu tập vị luật sư này với lý do “gây rối trật tự công cộng”.

Luật sư Bành nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, cảnh sát đã giam giữ ông trong khoảng 8 tiếng, uy hiếp và cảnh báo rằng nếu ông tiếp tục “vi phạm”, ông sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Ông Bành cho biết, mục đích ông đăng video vì muốn chất vấn Văn phòng Tư pháp thành phố Thượng Hải và chính quyền thành phố rằng: “Tại sao đối xử với tôi như vậy? Chẳng lẽ, một luật sư dám nói lên sự thật và nói theo lương tâm của mình lại không thể hành nghề ở Thượng Hải sao?”.

Luật sư Bành từng công khai khiếu nại chống lại Văn phòng Tư pháp Thượng Hải vì đã can thiệp vào các vụ án bảo vệ nhân quyền của ông, ngăn cản ông chuyển sang các công ty luật khác. Không chỉ vậy, Hiệp hội luật sư Thượng Hải còn cưỡng chế các luật sư phải tham gia vào hội, và cấm các luật sư đại diện cho các học viên Pháp Luân Công cũng như tham gia vào các vụ án “nhạy cảm” khác.

Khi được hỏi liệu sự đàn áp trường kỳ của chính quyền Trung Quốc có khiến ông từ bỏ trách nhiệm bảo vệ nhân quyền hay không, luật sư Bành Vĩnh Hòa nhấn mạnh, ông sẽ tiếp tục lên tiếng vì đây là quyền lợi cơ bản của công dân.

Đài Á Châu Tự Do đưa tin, luật sư nhân quyền Lưu Hiểu Nguyên (Liu Xiaoyuan) bày tỏ sự cảm thông trước cảnh ngộ của ông Bành. Nhiều luật sư chia sẻ, tình cảnh của luật sư Bành là cảnh ngộ chung của nhiều người dám lên tiếng bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc.

Cụ thể, luật sư nhân quyền nổi tiếng ở Bắc Kinh, ông Trình Hải (Cheng Hai), đã bị thu hồi giấy phép hành nghề của mình vào tháng 8/2018. Ông nói với Đài Á Châu Tự do rằng, đảng Cộng sản Trung Quốc vì muốn “hủy diệt tập thể” các luật sư nhân quyền, nên vài năm gần đây họ đã bắt giữ, treo giấy phép hành nghề và thu hồi thẻ luật sư để đảm bảo sự “ổn định” cho chính quyền.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc từ chức vì “không đạt kỳ vọng nhân dân”

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Sáu (19/6) đã chấp nhận đơn từ chức của người được ông bổ nhiệm giải quyết vấn đề Triều Tiên. Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã đệ đơn từ chức sau khi Bắc Triều Tiên cho nổ tung văn phòng liên lạc hai miền, một động thái nhằm tăng áp lực chống Hàn Quốc trong khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Hoa Kỳ vẫn đình trệ.

Kim Yeon-chul, người được Tổng thống Moon bổ nhiệm làm Bộ trưởng thống nhất hồi tháng Tư năm ngoái khi đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng bắt đầu tan rã, đã từ nhiệm mà không tiến hành được một cuộc gặp nào với phía Triều Tiên. Ông tuyên bố quyết định từ chức để chịu trách nhiệm về tình hình căng thẳng giữa hai bên.

Phát biểu trước báo chí hôm 17/6, ông Kim nói: “Tôi cảm thấy có lỗi vì đã không đáp ứng được kỳ vọng của người dân của chúng ta về hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên“.

Bắc Triều Tiên trong những tháng gần đây đã gần như cắt đứt mọi liên lạc với miền Nam, liên tục bày tỏ thất vọng về việc Seoul không sẵn sàng tách khỏi đồng minh Washington và khởi động lại các dự án kinh tế liên Triều bị đình trệ từ lâu do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ông Kim xin từ chức sau khi Triều Tiên chiếu trên TV hôm thứ Ba cảnh dùng chất nổ phá hủy tòa nhà liên lạc, vốn là biểu tượng của hy vọng hợp tác song phương ở thị trấn biên giới Kaesong. Ngoài ra, Bắc hàn cũng tuyên bố sẽ cắt đứt tất cả các kênh liên lạc chính phủ và quân đội, hủy bỏ một thỏa thuận quân sự quan trọng đạt được vào năm 2018 với Nam Hàn để giảm bớt các mối đe dọa vốn là nguy cơ xảy ra các cuộc giao tranh ở khu vực biên giới trên bộ và trên biển.

Chưa rõ ông Moon sẽ dùng ai để thay thế cựu bộ trưởng Kim Yeon-chul. Có những lời kêu gọi rằng ông Moon cần cải tổ mạnh mẽ chính sách đối ngoại và nhân sự an ninh quốc gia trong bối cảnh mối quan hệ với miền Bắc ngày càng xấu đi, và vai trò trung gian ngày càng mờ nhạt trong cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Chính phủ của ông Moon được ghi nhận vì nỗ lực phối hợp ngoại giao để xoa dịu rủi ro chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên. Các phái viên của ông Moon đã liên tục đi lại giữa Bình Nhưỡng và Washington để giúp thiết lập thành công cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào tháng 6 2018.

Nhưng nay khi căng thẳng với Bắc Hàn dâng cao trở lại, có nhiều lời chỉ trích rằng các quan chức Hàn Quốc đã quá lạc quan về các dấu hiệu từ Bình Nhưỡng và gặp vấn đề về uy tín khi Kim Jong Un rõ ràng không có ý định tự nguyện từ bỏ kho vũ khí hạt nhân mà ông ta coi là bảo đảm mạnh nhất cho mạng sống của mình.

Trong khi khiêu khích miền Nam, Bắc Hàn cũng liên tục miệt thị những người từng đào thoát khỏi quốc gia ngày nay thực hiện các chiến dịch gửi truyền đơn ngược trở lại Bắc Triều Tiên. Các nhà hoạt động đang sống tại Nam Hàn thường dùng bóng bay hoặc chai nhựa thả xuống sông, để mang truyền đơn, tiền bạc, USB có chứa phim và các video về Kim Jong Un cho người dân miền Bắc.

Bắc Hàn vốn nhạy cảm với bất kỳ lời chỉ trích nào đối với lãnh đạo của mình, đã huy động các chiến dịch lên án dày đặc trên các phương tiện truyền thông đối với những người đào tẩu mà họ gọi là “cặn bã của con người”. Quân đội Bắc Hàn cũng đã công bố kế hoạch hỗ trợ thường dân phóng tờ rơi tuyên truyền chống Hàn Quốc ở các khu vực cận biên giới trên bộ và trên biển, điều các chuyên gia cho rằng có khả năng tạo ra các vấn đề an ninh cho miền Nam.

Japan Times nhận định, trong tình cảnh tuyệt vọng để tránh căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát, Hàn Quốc tuyên bố sẽ ngăn chặn các nhà hoạt động gốc Bắc Hàn và dọa buộc tội hai anh em sinh ra ở Bắc Triều Tiên, những người đã dẫn đầu các chiến dịch thả tờ rơi qua biên giới và những chai gạo nổi vào miền Bắc bằng đường biển.

Hai anh em này, tên Park Sang-hak và Park Jong-oh tuyên bố sẽ tiếp tục các chiến dịch của họ bất chấp cảnh báo. Họ lên án Seoul đã cúi đầu trước những lời đe dọa của Bắc Triều Tiên.

“Chính phủ Hàn Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ với cảnh sát và chính quyền địa phương để tăng cường các phản ứng và an ninh tại chỗ để ngăn cản các chiến dịch gần biên giới”, phát ngôn viên Bộ Thống Nhất Hàn quốc Cho Hye-sil nói hôm thứ Sáu.

Theo Japan Times, mặc dù Seoul có đôi khi dùng cảnh sát để ngăn cản các nhà hoạt động thả truyền đơn vào miền Bắc trong những giai đoạn nhạy cảm, họ vẫn luôn khước từ yêu cầu của Bình Nhưỡng là hoàn toàn cấm hoạt động này, nói rằng việc này được bảo vệ bằng quyền tự do ngôn luận.

Các chuyên gia nói rằng miền Bắc có thể đang sử dụng hoạt động của những người đào tẩu như một cái cớ để tăng áp lực lên miền Nam trong khi củng cố đoàn kết nội bộ và chuyển sự chú ý của công chúng khỏi những thất bại ngoại giao và một nền kinh tế ảm đạm tồi tệ hơn trong đại dịch COVID-19.

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon vừa giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng ba tháng sau khi Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc.

Đức Trí

Related posts