“Gone With the Wind” được xem là “tượng đài” của nền điện ảnh Mỹ và thế giới.
Giữa lúc tượng đài về Nội Chiến bị tháo dỡ khắp nước Mỹ, một “tượng đài” trong làng điện ảnh cũng chịu chung số phận, đó là phim “Gone With the Wind.”
Công chiếu năm 1939, “Gone With the Wind” (Cuốn Theo Chiều Gió) là một trong những bộ phim được yêu thích nhất trong lịch sử, không chỉ của Mỹ mà cả thế giới. Tuy nhiên, lối miêu tả tích cực về chế độ nô lệ như chủ nô da trắng và nô lệ da đen sống chan hòa như người thân, những nhân vật mang tính phân biệt chủng tộc, và nhiều khía cạnh lỗi thời khác trong nội dung như phớt lờ những tội ác khủng khiếp của chế độ nô lệ ngoài đời thực, khiến bộ phim được coi là “quá độc hại” vào thời nay.
Đó là lý do dịch vụ chiếu phim trên mạng HBO Max rút “Gone With the Wind” ra khỏi danh sách phim của họ từ tối Thứ Ba, 9 Tháng Sáu, giữa lúc biểu tình nổ ra rầm rộ trên cả nước phản đối tình trạng bất công chủng tộc sau vụ ông George Floyd bị cảnh sát làm thiệt mạng ở Minneapolis, Minnesota, hồi 25 Tháng Năm. Cái chết của ông Floyd còn khiến người ta phải xem xét lại những điều sai trái kéo dài từ lâu khắp lĩnh vực văn hóa, trong đó có phim ảnh.
Tuy nhiên, HBO Max sẽ không cất luôn bộ phim có từ cách đây 81 năm này, mà sẽ chỉnh sửa nội dung cho phù hợp để chiếu lại.
“‘Gone With the Wind’ là sản phẩm của thời đó, và miêu tả một số định kiến về sắc tộc và chủng tộc mà đáng tiếc, rất phổ biến trong xã hội Mỹ từ xưa đến nay,” HBO Max nói trong một tuyên bố. “Những cảnh phân biệt chủng tộc này đã sai từ thời đó và thời nay cũng sai. Do đó, chúng tôi cho rằng chiếu bộ phim này mà không có lời giải thích và không lên án những cảnh đó là vô trách nhiệm. Những cảnh này chắc chắn đi ngược lại tiêu chuẩn của WarnerMedia.”
“Gone With the Wind” bị “thay đổi số phận” do bài bình luận trên báo Los Angeles Times
HBO Max quyết định rút “Gone With the Wind” sau khi ông John Ridley, người soạn kịch bản cho bộ phim “12 Years a Slave” từng đoạt giải Oscar phim hay nhất, viết bài bình luận trên nhật báo Los Angeles Times cho rằng không nên tiếp tục chiếu phim này. Bài báo đề tựa: “Ê, HBO, ‘Gone With the Wind’ lãng mạn hóa nỗi kinh hoàng thời nô lệ. Hãy rút phim khỏi HBO đi.”
Ông Ridley thừa nhận rằng, qua thời gian, nhiều bộ phim trở nên dở hơn vì xã hội thay đổi. “Tuy nhiên, vấn đề của ‘Gone With the Wind’ khác hẳn bất kỳ phim nào khác. Phim này không những ‘không miêu tả đúng’ nhân vật, mà còn đề cao miền Nam nước Mỹ trước Nội Chiến. Bộ phim luôn phớt lờ nỗi kinh hoàng của chế độ nô lệ. Khi nào không phớt lờ, bộ phim lại nhấn mạnh vài mẫu người da màu thuộc loại đau khổ nhất,” ông viết.
Ông Ridley viết thêm rằng “Gone With the Wind” thực sự có hại ở thời nay vì đã “nói tốt” cho Liên Minh Miền Nam, cũng như biện minh cho quan niệm rằng tách khỏi Chính Phủ Liên Bang để bảo vệ chủ nô là chính nghĩa cao cả: “Bộ phim này tiếp tục tạo cái cớ cho những người cứ tuyên bố một cách sai trái rằng sở dĩ người ta vẫn còn bám vào biểu tượng thời đồn điền là do ‘di sản để lại, chứ không phải thù ghét.’”
Ông Ridley không kêu gọi cất luôn bộ phim này, cũng tương tự cách Disney từng làm với bộ phim gây nhiều tranh cãi “Song of the South.”
“Xin được nói rõ: Tôi không ủng hộ chuyện kiểm duyệt. Tôi không muốn cất luôn ‘Gone With the Wind.’ Tôi chỉ muốn HBO Max chiếu lại bộ phim sau khi đã bỏ ra đủ thời gian để xem xét lại,” ông nói.
Ông cho rằng nên xếp “Gone With the Wind” chung với những phim mô tả thời kỳ nô lệ chính xác hơn, hoặc đặt trong hoàn cảnh sao cho thừa nhận những khía cạnh sai trái của thời kỳ này.
Đó chính là điều mà hãng WarnerMedia hứa sẽ thực hiện.
“Khi chúng tôi chiếu lại bộ phim trên HBO Max, nội dung phim sẽ đề cập hoàn cảnh lịch sử và lên án chế độ nô lệ, nhưng vẫn giữ nguyên bố cục ban đầu, vì nếu làm khác đi thì cũng giống như tuyên bố rằng những định kiến như vậy chưa bao giờ tồn tại,” hãng WarnerMedia nói trong một tuyên bố. “Muốn xây dựng tương lai công bằng hơn, trước hết, chúng ta phải thừa nhận và hiểu được lịch sử.”
Đáng mỉa mai, “Gone With the Wind” từng được ca ngợi là tiến bộ của Hollywood thời kỳ đó, qua sự kiện nữ tài tử Hattie McDaniel (đóng vai bà nô lệ giúp việc nhà) được trao giải Oscar diễn viên phụ xuất sắc nhất. Đó là giải Oscar đầu tiên dành cho người Mỹ gốc Phi, và bà McDaniel là người Mỹ gốc Phi đầu tiên được đề cử nhận giải Oscar.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin AP, nữ diễn viên kiêm ca sĩ người Mỹ gốc Phi – Queen Latifah – cho biết câu chuyện đằng sau giải thưởng của bà McDaniel không hề sáng loáng như tượng vàng Oscar mà bà nhận được.
“Thậm chí đến tận lúc lên nhận giải bà mới được cho vào rạp hát. Có người ra ngoài đưa bà vào. Thậm chí bà không được phép ngồi trong đó. Sau đó, bà phải đọc bài diễn văn mà hãng phim nào đó soạn sẵn. Ai cũng biết bà đâu muốn nói ba cái thứ đó,” bà Latifah cho hay.
“Rồi về sau, bà chỉ được giao những vai na ná như vậy… Cơ hội đóng phim thời đó cũng như cách mà các ông chủ hãng phim hạ thấp chúng tôi, cho chúng tôi ra rìa, và không cho chúng tôi vươn lên sau này thì thật là kinh khủng. Nhiều chuyện như vậy vẫn còn đến tận ngày nay,” bà Latifah nói.
Nữ tài tử kiêm ca sĩ từng đoạt giải Emmy, Golden Globe, Grammy, và từng được đề cử Oscar này đề nghị bỏ luôn “Gone With the Wind.”
“Hãy để ‘Gone With the Wind’ cuốn theo chiều gió,” bà nói.
“Gone With the Wind” là phim kiếm được nhiều tiền vé nhất lịch sử
Phim “Gone With the Wind” được làm dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên, xuất bản năm 1936, của nhà văn Margaret Mitchell, kể về cuộc sống trên đồn điền ở Atlanta, Georgia, trước, trong và sau Nội Chiến Mỹ (1861-1865).
Theo đài BBC, ông David O. Selznick, một nhà sản xuất phim độc lập, trả $50,000 để mua bản quyền làm phim. Tuy nhiên, chuyển cuốn tiểu thuyết dài 1,037 trang thành kịch bản khó đến mức chưa bao giờ họ làm xong. Kịch bản được nhiều nhà biên kịch, trong đó có ông F. Scott Fitzgerald, viết đi viết lại nhiều lần những năm sau đó, nhưng trong quá trình thực hiện bộ phim, bản thân ông Selznick ngày nào cũng sửa tới sửa lui lời thoại.
Quay một bộ phim dài và phức tạp như vậy thậm chí còn khó hơn. Ông Selznick phải quay thử 31 nữ tài tử thuộc loại nổi tiếng nhất nước Mỹ để tìm người đóng vai chính, và cuối cùng, chọn cô Vivien Leigh, một diễn viên người Anh chưa mấy ai biết đến.
Ông mời người bạn tên George Cukor làm đạo diễn, nhưng chỉ sau ba tuần thì thay ông Cukor bằng nhà làm phim Victor Fleming. Rồi ông Fleming bị suy nhược thần kinh, phải ngưng quay hai tuần. Khi chi phí làm phim tăng lên, “Gone With the Wind” bị người ta gọi đùa là “công trình vô tích sự của ông Selznick.”
Tuy nhiên, tất cả hoàn toàn thay đổi khi cuối cùng, bộ phim được công chiếu. Ngay lập tức, đây là tác phẩm điện ảnh cực kỳ ăn khách, rồi sau đó, đoạt 10 giải Oscar và trở thành bộ phim kiếm được nhiều tiền vé nhất trong năm 1939.
Đến nay, “Gone With the Wind” hiện vẫn là phim thu được tiền vé nhiều nhất lịch sử. Tính theo giá đô la hiện tại, phim kiếm được tổng cộng $3.7 tỷ tiền vé, cao hơn doanh thu $3.2 tỷ của phim bom tấn “Avatar” năm 2009.
“Gone With the Wind” được khán giả yêu thích nhiều chục năm trời nhờ chuyện tình lãng mạn, hình ảnh đẹp và lối diễn xuất cảm động, mặc dù cách miêu tả người nô lệ cũng như cái nhìn tích cực về chế độ nô lệ ngày càng khiến nhiều người khó chịu.
Không có diễn viên nào trong “Gone With the Wind” còn sống, trừ bà Olivia de Havilland, năm nay 103 tuổi và không còn liên hệ gì với công chúng mấy năm nay.
Thanh Long