Nghị viện châu Âu kêu gọi kiện Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông
Nghị viện châu Âu hôm 19/6 bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) đưa chính quyền Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế, nếu Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, theo The Epoch Times.
Nghị quyết được Nghị viện châu Âu thông qua với 565 phiếu thuận, 34 phiếu chống và 62 phiếu trắng. Nghị viện “kêu gọi EU và các quốc gia thành viên xem xét nộp đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế trong trường hợp luật an ninh mới được áp dụng”. Tòa án Công lý Quốc tế là cơ quan pháp lý cao nhất của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại La Hay, Hà Lan.
Ngoài ra, nghị quyết cũng kêu gọi EU xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc. Nghị viện “cho rằng EU nên sử dụng các đòn bẩy kinh tế của khối để ngăn chặn chính quyền Trung Quốc đàn áp nhân quyền”.
Mặc dù các nghị quyết của Nghị viện châu Âu không có giá trị ràng buộc, song những tín hiệu chính trị mà các nghị quyết đưa ra có thể đóng vai trò trong việc định hướng chính sách của khối.
Trước đó, vào hôm 15/6, ông Josep Borrell, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, đề nghị thiết lập kênh đối ngoại song phương với Mỹ để đối phó với những thách thức mà hai bên phải đối mặt.
Các nhà lãnh đạo của EU và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự kiến sẽ tham dự hội nghị cấp cao trực tuyến vào ngày 22/6.
HSBC có kế hoạch cắt giảm 35,000 việc làm
Trong bối cảnh khó khăn do lợi nhuận sụt giảm mạnh, HSBC đã khởi động lại việc cải tổ lớn nhất trong năm đã được lên kế hoạch từ 3 tháng trước nhưng phải tãm hoãn vì đại dịch Covid-19.
Theo Bloomberg, vào hồi tháng 2, Noel Quinn – Tổng giám đốc điều hành của HSBC đã công bố kế hoạch cắt giảm quy mô của ngân hàng, cải tổ hoạt động tại Mỹ và Châu Âu. HSBC đang trong tiến trình cắt giảm 35.000 việc làm trong vòng 3 năm tới và đã tạm dừng các hoạt động tuyển dụng mới trong năm nay. Ngân hàng đặt mục tiêu giảm 4,5 tỷ USD chi phí tại các Đơn vị hoạt động không hiệu quả.
HSBC cho biết họ cần cải thiện lợi nhuận tại thị trường Mỹ, nơi ngân hàng hoạt động kém hiệu quả nhiều năm, HSBC sẽ đóng cửa khoảng 1/3 trong số 224 chi nhánh và chỉ hướng mục tiêu đến các khách hàng quốc tế và giàu có. Với các hoạt động bán lẻ tại Pháp, HSBC cũng đang tìm kiếm người mua, việc này cũng khiến vài nghìn nhân viên mất việc.
Sự bùng phát của dịch bên Covid-19 cũng tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của HSBC ở khu vực Châu Á, đóng góp tới 50% doanh thu cho ngân hàng này. Tuy hiện tại dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng HSBC vẫn phải tiếp tục các biện pháp cắt giảm khi lợi nhuận giảm mạnh, HSBC cũng xem xét cắt giảm các chi phí trong nửa cuối năm 2020.
Các nhà phân tích nhận định động thái của HSBC sẽ là tiền đề cho những đợt cắt giảm nhân sự trên diện rộng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng khi các nhà băng đang phải đối mặt với môi trường hoạt động ngày càng khó khăn.
Các chuyến bay thương mại quốc tế khó vận hành tới ngày 16/9
Theo thông báo từ Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), các chuyến bay đến Việt Nam vẫn không được phép chở khách, ngoại trừ các trường hợp nhập cảnh mang tính chất ngoại giao, công vụ,… hoặc những trường hợp được sự đồng ý của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Theo báo Người lao động đưa tin, tại cuộc họp ngày 18/6, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 đã nhấn mạnh nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao bởi làn sóng bệnh dịch thứ hai đang bùng phát tại nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc,… Do vậy, Việt Nam cần phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý nhập cảnh để không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.
Do vậy, theo thông báo từ ICAO tới toàn ngành hàng không, có hiệu lực từ 16/6 dự kiến tới 16/9, các chuyến bay đến Việt Nam vẫn không được phép chở khách, ngoại trừ các trường hợp nhập cảnh mang tính chất ngoại giao, công vụ, chuyên gia, thương gia, lao động tay nghề cao hoặc những trường hợp được sự đồng ý của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Với các chuyến bay từ Việt Nam đi quốc tế, ICAO thông báo được phép chở cả hàng hóa và hành khách.
Tất cả các hành khách phải cách ly bắt buộc 14 ngày và tuân thủ quy định về cách ly ngăn chặn dịch bệnh. Với quản lý nhập cảnh là các nhà ngoại giao, quan chức cấp cao, nhà đầu tư,… nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian ngắn để xử lý công việc, Ban Chỉ đạo đề xuất rà soát, xây dựng các quy định để tổ chức các khu vực riêng biệt, đảm bảo các điều kiện an toàn dịch tễ, phòng xét nghiệm để phục vụ các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân vào làm việc.
Ban chỉ đạo cũng bàn thảo để trình cấp thẩm quyền nối lại đường bay thương mại với một số quốc gia, lãnh thổ cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và quan hệ nhiều mặt với Việt Nam.
Ấn Độ điều khẩn cấp máy bay chiến đấu đến biên giới với Trung Quốc
Hãng thông tấn Ấn Độ ANI dẫn nguồn thạo tin hôm 19/6 cho biết, các máy bay được Không quân Ấn Độ triển khai đến khu vực biên giới với Trung Quốc gồm máy bay Sukhoi-30MKI, Mirage 2000 và phi đội máy bay chiến đấu Jaguar. Những máy bay này được đưa đến các căn cứ tiền phương để có thể triển khai nhanh chóng trong trường hợp cần thiết.
Các trực thăng tấn công Apache mà Ấn Độ mới mua lại từ Mỹ cũng được triển khai đến khu vực tranh chấp Ladakh để hỗ trợ quân đội Ấn Độ ứng phó khi cần thiết. Ngoài ra, các trực thăng vận tải Chinook cũng được triển khai trong và xung quanh căn cứ không quân Leh, nhằm hỗ trợ việc di chuyển binh sĩ nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp.
Nguồn tin của ANI cũng cho biết, Không quân Ấn Độ đang có kế hoạch đẩy nhanh thương vụ mua 33 máy bay chiến đấu từ Nga, gồm 21 máy bay MiG-29 và 12 máy bay Su-30MKI. Không quân Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn đề xuất thương vụ để trình tại một cuộc họp của Bộ Quốc phòng vào tuần tới. Thương vụ này đã được cân nhắc từ lâu, song có thể được đẩy nhanh trong bối cảnh căng thẳng Ấn – Trung leo thang. Ấn Độ đã đặt mua 36 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, 4 chiếc đầu tiên có thể được bàn giao vào cuối tháng 7.
Quan chức Mỹ: Trung Quốc ‘thiếu chân thành’ trong cuộc gặp ở Hawaii
Theo SCMP, ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương, ngày 18/6 cho biết, mặc dù Trung Quốc đã tái cam kết thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, song Washington vẫn phải chờ xem những gì sẽ xảy ra với mối quan hệ Mỹ – Trung trong vài tuần tới.
“Xét đến bối cảnh hiện tại của mối quan hệ này, phía Trung Quốc chưa được coi là thực sự chân thành”, ông Stiwell nói sau khi dự cuộc họp giữa Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Hawaii trong 2 ngày 16-17/6.
“Tôi sẽ không nêu chi tiết những gì đã thảo luận (trong cuộc họp), nhưng dù cho các vấn đề đó có hiệu quả hay không, tôi vẫn sẽ chờ xem những gì sẽ xảy ra trong vài tuần tới: Liệu chúng ta có thấy các hành vi hung hăng được giảm bớt hay không”, trợ lý ngoại trưởng Mỹ nói thêm.
Ông Stilwell cho biết mục đích của cuộc gặp lần này là để Trung Quốc hiểu rằng “các hành động của họ thực sự đang chống lại họ”, bao gồm vụ xung đột gần đây ở biên giới với Ấn Độ, căng thẳng trên Biển Đông và đề xuất dự luật an ninh mới với Hồng Kông.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo: ‘Dân chủ không mong manh’ như Bắc Kinh tưởng tượng
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Sáu (19/6) nói rằng chính quyền Trung Quốc cần mở rộng tự do và dân chủ cho người dân, thay vì thúc đẩy mô hình độc đoán của mình ra thế giới.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố video và toàn văn bài phát biểu của ông Pompeo tại một cuộc hội thảo trực tuyến về dân chủ được tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch.
Ông Pompeo nói: “Quân đội Trung Quốc đã leo thang những mối căng thẳng biên giới – như chúng ta thấy hiện nay ở Ấn Độ, nền dân chủ đông dân nhất thế giới. Và chúng ta cũng thấy họ quân sự hóa Biển Đông, đưa ra yêu sách phi pháp đối với nhiều lãnh thổ hơn tại đó, đe dọa các tuyến đường biển quan trọng, một lần nữa lại vi phạm lời hứa mà họ đã đưa ra”.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết Bắc Kinh đang tìm cách khiến châu Âu phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thông qua việc “đẩy mạnh các chiến dịch bóp méo thông tin và các chiến dịch mạng độc hại”. Ông Pompeo nói “chính Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thúc ép lựa chọn đó”, mà lựa chọn đó không phải là lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, “đó là lựa chọn giữa tự do và chuyên chế”.
Ông Pompeo cho rằng ĐCSTQ “muốn các bạn vứt bỏ những tiến bộ chúng ta đã có trong thế giới tự do, thông qua NATO và các tổ chức khác – kể cả chính thức lẫn không chính thức – và áp dụng một bộ quy tắc và chuẩn mực mới phù hợp với Bắc Kinh”.
“Nhưng dân chủ không mong manh như ĐCSTQ tưởng tượng. Dân chủ là mạnh mẽ. Chúng ta đã đánh bại chủ nghĩa phát xít. Chúng ta đã chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh”, Ngoại trưởng Pompeo nói.
“Chính là chủ nghĩa độc đoán mới là mong manh. Các cán bộ tuyên truyền của ĐCSTQ phải làm việc cật lực để kiểm soát các luồng thông tin và ngôn luận nhằm duy trì quyền lực của họ. Họ sẽ không thỏa mãn, chừng nào bức tường lửa kiểm duyệt kỹ thuật số của họ được mở rộng tới cả các quốc gia chúng ta.”
Ông cho rằng, nếu ĐCSTQ muốn trỗi dậy, họ cần phải thực hiện theo một bộ quy tắc của phương Tây, ngụ ý rằng chính quyền Trung Quốc cần hướng tới dân chủ và mang lại cho người dân Trung Quốc quyền tự do, theo AP.
Ngoại trưởng Pompeo nói: “Nếu họ làm những điều đó, thì tôi nghĩ thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn, trong đó các quốc gia yêu tự do có thể được an toàn trong các quyền tự do của họ”.
Châu Âu phải đứng lên chống lại Trung Quốc trước khi quá muộn
Trong một bài bình luận đăng trên Foreign Policy gần đây, ông Ian Bond, giám đốc chính sách đối ngoại của Trung tâm Cải cách châu Âu, kêu gọi châu Âu đứng lên để bảo vệ các giá trị của mình và chống lại mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, trước khi quá muộn.
Từng là thành viên của cơ quan ngoại giao Anh trong 28 năm, ông Bond cho rằng “Liên minh châu Âu (EU) phải bảo vệ các giá trị của mình thay vì nhượng bộ trước áp lực kinh tế từ Bắc Kinh”.
Theo ông Bond, sự thịnh vượng của châu Âu phụ thuộc vào một hệ thống có trật tự, đảm bảo dòng chảy toàn cầu về hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động, nhưng năm 2020 hóa ra là một năm rất tồi tệ đối với trật tự quốc tế dựa trên các qui tắc.
Ông Bond cho rằng châu Âu nên bắt đầu lập kế hoạch cho một thế giới, mà trong đó “Mỹ không còn là lực lượng bảo vệ chính cho trật tự quốc tế và an ninh châu Âu, trong khi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự toàn cầu”.
“Cho đến nay, phản ứng của EU trước chủ nghĩa toàn trị độc đoán của Trung Quốc là quá yếu đuối”, ông Bond bình luận.
Tuy nhiên theo ông Bond, lập trường này của EU, trong một mức độ nào đó, là điều dễ hiểu.
“Xét cho cùng, thương mại với Trung Quốc rất quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu, và thật khó để 27 quốc gia cùng thống nhất về các chính sách đáng tin cậy được”, ông Bond giải thích.
Ngay cả trước cuộc khủng hoảng COVID-19, Trung Quốc đã lợi dụng các khoản đầu tư của mình vào một số quốc gia thành viên EU, để khiến họ ngăn chặn những chỉ trích của EU về hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh.
“Trong đại dịch, Trung Quốc đã sử dụng cái gọi là ngoại giao khẩu trang, cung cấp các thiết bị bảo vệ và vật tư y tế cho Ý và các nước khác, để làm sao nhãng sự chú ý [của châu Âu] về trách nhiệm của Bắc Kinh đối với sự lây lan ban đầu của virus corona”, ông Bond chỉ rõ.
“Năm ngoái, EU mô tả Trung Quốc là một đối thủ mang tính hệ thống. Tuy nhiên, trong kế hoạch hành động 10 điểm, EU không đưa ra đề xuất nào về cách thức họ có thể chống lại thách thức mang tính hệ thống hoặc thúc đẩy các giá trị của chính mình để đáp trả”, ông Bond lưu ý và nhấn mạnh rằng “EU phải đưa ra” một đề xuất cụ thể.
Ông Bond cho rằng “dưới thời ông Tập, Trung Quốc đã trở nên thô bạo hơn bất cứ lúc nào kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, với ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, bị giam cầm trong các trại cải tạo”.
Luật an ninh Hồng Kông được công bố gần đây, cho thấy điều mà các nhà hoạt động dân chủ ở đó đã lo sợ từ lâu. Đó là “Trung Quốc có ý định làm xói mòn quyền tự trị được bảo đảm cho Hồng Kông trong Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1985”.
Ông Bond cho hay sau một cuộc thảo luận của các bộ trưởng ngoại giao các nước EU hôm 29/5, EU chỉ đưa ra được một tuyên bố “yếu ớt”, rằng các biện pháp của Trung Quốc là “không phù hợp với cam kết quốc tế của Bắc Kinh trong tuyên bố chung [Trung – Anh]”.
Nhưng ngay cả lời khiển trách nhẹ nhàng này cũng đã bị giảm nhẹ ý nghĩa bởi sự tiết lộ rằng chỉ có Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển đề nghị EU nên xem xét các biện pháp trừng phạt, và bởi thực tế là người đứng đầu chính sách đối ngoại EU, ông Josep Borrell, đã gọi Trung Quốc là “đồng minh” trong một cuộc họp báo sau khi tuyên bố trên được công bố.
Ông Bond cho rằng nếu Trung Quốc là đối thủ hệ thống, thì “EU cần ưu tiên đảm bảo các giá trị của mình, chứ không phải chủ nghĩa độc đoán của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Các quốc gia thành viên EU cần cung cấp nơi tị nạn cho các công dân Hồng Kông, những người có quyền lợi bị đe dọa.
“Như Vương quốc Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã đề xuất cho gần 3 triệu cư dân Hồng Kông quyền sống ở Anh và con đường trở thành công dân Anh hoàn toàn”, ông Bond đưa ra một thí dụ minh họa.
Theo ông Bond, các nước thành viên EU cũng cần sẵn sàng áp đặt các hạn chế thị thực như chính phủ Hoa Kỳ đã làm, để trừng phạt các quan chức Trung Quốc hoặc Hồng Kông tham gia bất kỳ cuộc đàn áp nào.
“Thích đáng hơn, các quốc gia thành viên cần thực hiện các biện pháp để chống lại các hoạt động ảnh hưởng của Trung Quốc, bao gồm cả trong các trường đại học, và để đảm bảo rằng sinh viên Trung Quốc học tập ở phương Tây không được tổ chức để làm đặc vụ cho Đảng [cộng sản Trung Quốc]”, ông Bond đề xuất.
Cũng theo ông Bond, EU cũng nên đẩy mạnh cam kết chính trị và an ninh với các nền dân chủ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là những nước chịu áp lực từ Trung Quốc, bao gồm Úc và Đài Loan. EU không nên mù quáng chấp nhận định nghĩa mở rộng của Trung Quốc về những lợi ích quốc gia cốt lõi của họ, theo đó, phần còn lại của thế giới chỉ đơn giản là chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc đối với Đài Loan, Biển Đông và các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông.
“EU cần làm rõ rằng họ bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và việc tạo ra các đảo được quân sự hóa ở đó, và các quốc gia thành viên có năng lực hải quân cần điều tàu chiến đến khu vực, để nhấn mạnh rằng đây là vùng biển quốc tế”, ông Bond ví dụ.
Tuy nhiên, ông Bond cũng lưu ý EU cần chuẩn bị trước việc Trung Quốc sẽ trả đũa. Thực tế cho thấy “Bắc Kinh đã không ngần ngại bắt nạt các quốc gia hoặc các định chế, chỉ trích các chính sách của mình. Trung Quốc đã áp đặt thuế quan hoặc cấm đối với một số hàng hóa từ Úc để trả đũa cho việc Canberra kêu gọi điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển đã đe dọa truyền thông Thụy Điển về việc họ đưa tin về vụ bắt cóc và bỏ tù [chủ hiệu sách ở Hồng Kông] Quế Mẫn Hải (Gui Minhai), một công dân Thụy Điển gốc Hoa”.
Kết thúc bài bình luận, ông Bond cảnh báo: “Bản thân EU cũng đang trong ‘tầm ngắm’ [của Trung Quốc] vì cố gắng đảm bảo xem xét kỹ lưỡng hơn các khía cạnh an ninh đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu, và đã phơi bày sự dính líu của Trung Quốc trong các chiến dịch thông tin sai lệch liên quan đến virus corona”.
Tàu Trung Quốc liên tục áp sát nhóm đảo tranh chấp với Nhật
Theo SCMP, Nhật Bản hôm 17/6 gửi công hàm phản đối Trung Quốc triển khai 4 tàu hải cảnh hoạt động 65 ngày liên tục trên vùng biển gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lần hoạt động dài nhất của tàu Trung Quốc gần nhóm đảo tranh chấp với Nhật Bản kể từ tháng 9/2012, thời điểm hai nước tranh cãi gay gắt về chủ quyền tại đây.
“Nhóm đảo Senkaku nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi và chắc chắn là lãnh thổ của chúng tôi, điều này mang tính lịch sử và tuân theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi cho rằng tình hình sẽ cực kỳ nghiêm trọng nếu hoạt động này vẫn tiếp diễn. Chúng tôi sẽ kiên quyết và bình tĩnh đáp trả Trung Quốc”, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói trong cuộc họp báo tại Tokyo.
Nhóm đảo không người Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông là tâm điểm tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo trong nhiều thập niên, dù quan hệ giữa hai bên đã dần cải thiện trong những năm gần đây.
Quan chức Mỹ muốn cử quan sát viên tới Trung Quốc
Theo AFP, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Đông Á đề xuất cử quan sát viên trung lập tới Trung Quốc nhằm tìm hiểu về ổ Covid-19 mới ở Bắc Kinh.
“Một khi uy tín đã mất, bạn sẽ phải tìm cách gây dựng lại nó. Tôi nghĩ cách duy nhất để thực hiện điều này là đưa các nhà quan sát trung lập tới đó để tìm hiểu chính xác điều gì đã xảy ra”, David Stilwell, người tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Hawaii, cho biết hôm 18/6.
Stilwell tỏ ý hy vọng những con số và báo cáo của Trung Quốc về ổ dịch mới ở Bắc Kinh sẽ “chính xác hơn” so với Vũ Hán, nơi khởi phát đại dịch Covid-19. “Sẽ tốt hơn nếu có người có mặt tại đó để xác nhận các số liệu”, quan chức ngoại giao Mỹ khẳng định, đồng thời đề cập những báo cáo trên các tạp chí khoa học dự đoán số ca nhiễm ở Bắc Kinh còn cao hơn ở Vũ Hán.