Tin thế giới chiều Chủ Nhật 21/6: Bài da trắng, một dạng kỳ thị chủng tộc mới

Bài da trắng, một dạng kỳ thị chủng tộc mới

Trong dòng thời sự, phong trào chống kỳ thị chủng tộc bùng lên tại Mỹ rồi lan rộng ra thế giới tiếp tục thu hút sự chú ý và đã được L’Express nêu bật trên trang bìa.

Tựa đề “Sự ra đời của một nạn kỳ thị mới”, đã trích dẫn câu nói của nữ triết gia Pháp Élisabeth Badinter, kèm theo ghi nhận về một số biểu hiện lệch lạc: “đặc quyền da trắng”, “chủng tộc hóa”, “hạ bệ tượng đài”.

Trong 3 trang, nhà triết học phân tích tình hình, trở lại những sự kiện bên Mỹ như cái chết của George Floyd hay bên Pháp như vụ Adama Traoré, và đề cập đến hiện tượng kỳ thị bài da trắng mà bà không tán đồng chút nào:

“Khi người Pháp gốc Ả Rập hay da đen bảo vệ tính phổ quát của nền Cộng Hòa, thì họ bị thóa mạ là hèn hạ, nịnh bợ, nhưng tôi đồng tình với họ, tôi thấy họ rất can đảm. Rất khó mà đứng lên chống lại cộng đồng của mình để bảo vệ tính phổ quát. Tôi rất ngưỡng mộ những người có dũng khí này chỉ vì họ cho là cần thiết về mặt chính trị cũng như đạo đức”.

Nữ triết gia kết luận: “Tôi nghĩ đây là sự ra đời của một hình thức kỳ thị chủng tộc mới, mà “người da trắng” là biến tướng cuối cùng, có thể dẫn đến một sự phân cách xã hội thực thụ. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy người ta giờ đây nói đến “người da trắng” chứ không còn là “người phương Tây”, và đó là biểu hiện của ý muốn nêu trở lại vấn đề kỳ thị chủng tộc, tức là loại trừ nhau”.

Mỹ chi 396 triệu USD xây dựng khả năng hàng hải cho đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương

  • Như Ngọc

Quyền Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Ấn Độ – Thái Bình Dương David F. Helvey trong buổi họp báo trực tuyến hôm 18/6 nói rằng Bộ Quốc phòng đã chi 396 triệu USD để xây dựng khả năng hàng hải cho các đồng minh và đối tác tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, một phần trong chiến lược của Mỹ tại khu vực này. 

Ông David F. Helvey, quyền Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Ấn Độ – Thái Bình Dương. (Ảnh: defense.gov)

Ông David F. Helvey nói trong buổi họp báo: “Bộ Quốc phòng vẫn cam kết xử lý các mối đe dọa và đảm bảo khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương duy trì tự do và cởi mở cho tất cả các quốc gia. Bây giờ, hơn bao giờ hết, điều quan trọng là chúng ta phải giữ các nguyên tắc về Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, thúc đẩy minh bạch, tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp và cam kết thương mại tự do, công bằng và có đi có lại”.

Để làm được như vậy, chúng ta cần tiếp tục các ưu tiên. Thứ nhất và trên hết là sự chuẩn bị sẵn sàng. Điều đó đồng nghĩa đảm bảo rằng Mỹ luôn sẵn sàng và có khả năng ngăn chặn và bảo vệ. Thứ hai là các quan hệ đối tác. Điều này bao gồm việc củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác của chúng ta khắp Ấn Độ – Thái Bình Dương. Và cuối cùng là thúc đẩy một khu vực kết nối thực sự để gìn giữ và bảo vệ tốt hơn nữa các lợi ích chung của chúng ta”.

Về ưu tiên thứ hai của Mỹ, ông Helvey nhấn mạnh: “Các đồng minh và đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ tiếp tục là nền móng cho chiến lược của chúng ta”.

Chúng ta tiếp tục tìm kiếm cơ hội để đẩy mạnh chia sẻ thông tin, tập trung vào xây dựng khả năng phòng thủ tương hợp và dựa trên sự gắn kết sâu với các đồng minh khu vực đã ký hiệp ước với chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, cũng như Philippines và Thái Lan. Chúng ta cũng tập trung vào các đối tác có cùng chí hướng như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ, cùng với rất nhiều các đối tác khác có tầm quan trọng trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Sáng kiến An ninh Hàng hải

Ông Helvey nói rằng: “Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đối với chúng ta vẫn là nơi rất năng động và đa dạng, đem đến nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức. Và những thách thức này đã gia tăng ảnh hưởng tới một khu vực rộng lớn hơn, cũng như toàn cầu”.

Để ứng phó với các thách thức tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo về Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI) vào năm 2015 và năm 2016 đã chính thức bắt đầu thực thi sáng kiến này nhằm xây dựng khả năng hàng hải cho các quốc gia Đông Nam Á gần Biển Đông.

Trong cuộc họp báo hôm 18/6, ông Helvey đã cập nhật thông tin thực hiện MSI: “Cho tới nay, chúng ta đã chi hơn 396 triệu USD nhằm hỗ trợ đẩy mạnh khả năng hàng hải và khả năng nhận thức chủ quyền hàng hải của các đồng minh và đối tác của chúng ta, trong đó có Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và mới thêm Bangladesh”.

Mục tiêu của MSI là để xây dựng khả năng của các đồng minh và đối tác trong việc giải quyết các thách thức hàng hải đa dạng, bao gồm cả những ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bộ Quốc phòng vẫn tập trung vào thích ứng với các thách thức về cạnh tranh dài hạn và sự quay lại của các đối thủ chiến lược, trong đó có các thách thức từ Trung Quốc”, ông Helvey nói.

Căn cứ theo MSI, Washington hiện nay đang hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á để cải thiện khả năng của các nước này về phát hiện, hiểu, ứng phó và chia sẻ thông tin về các hoạt động hàng không và hàng hải trên Biển Đông.

Việt Nam cũng đã được Mỹ tài trợ một số tàu tuần duyên hiện đại thông qua chương trình Sáng kiến An ninh Hàng hải. Theo tờ Thanhnien, Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận tàu tuần duyên của Mỹ tài trợ vào cuối năm nay.

Như Ngọc

Một sĩ quan chỉ huy Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc đụng độ với Ấn Độ

Ấn Độ tổ chức lễ tang cho binh lính thiệt mạng sau vụ ẩu đả với binh lính Trung Quốc (ảnh chụp từ video https://www.youtube.com/watch?v=3H5KlGENmTQ).

Tờ Taiwan News dẫn tin từ truyền thông Ấn Độ cho biết, một sĩ quan chỉ huy của quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ ác liệt với binh lính Ấn Độ hôm 15/6 tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả hai nước tuyên bố chủ quyền.

Một quan chức Ấn Độ cho biết, vào hôm diễn ra vụ ẩu đả, những người lính Trung Quốc đang cố gắng thực hiện “chiến lược đi bộ” của PLA tại thung lũng Galwan. Tuy nhiên, quân đội PLA đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của binh lính Ấn Độ.

Quan chức này cho biết “phía Trung Quốc đã mất sĩ quan chỉ huy của tiểu đoàn được triển khai gần Điểm tuần tra 14 của khu vực Galwan, khu vực nơi binh lính hai nước đụng độ”.

Sau vụ ẩu đả khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, Ấn Độ nói rằng Trung Quốc đã “đơn phương cố gắng thay đổi hiện trạng”, đồng thời cho rằng cuộc tấn công bạo lực là một “hành động được lên kế hoạch và suy tính từ trước”.

Các quan chức Ấn Độ cho biết vụ việc có thể đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Trung-Ấn.

“Sự đối mặt này đã chứng minh rằng Ladakh không phải là Biển Đông, nơi người Trung Quốc có thể đơn phương thay đổi hiện trạng”, một quan chức Ấn Độ cho biết.

Mỹ bác yêu cầu của Trung Quốc muốn tăng chuyến bay vào Hoa Kỳ

Theo Reuters, vào hôm 19/6, Mỹ đã bác yêu cầu của các hãng hàng không Trung Quốc về việc tăng chuyến bay hằng tuần giữa hai nước, nhưng nhấn mạnh quyết định này không phải nhằm leo thang căng thẳng về hạn chế đi lại.

Trong một tuyên bố, Bộ Giao Thông Mỹ (DOT) cho hay quyết định này là nhằm “duy trì công bằng” trong lịch bay giữa hai nước, và cho biết Mỹ sẵn sàng xem xét lại quyết định này nếu giới chức hàng không Trung Quốc điều chỉnh những quy định ảnh hưởng đến các hãng hàng không Mỹ.

“Chúng tôi đã thông báo với phía Trung Quốc rằng quyết định này chỉ là vấn đề thủ tục, và không nên xem đây là bước leo thang của chúng tôi”, DOT nói trong tuyên bố.

Bắc Kinh xét nghiệm virus Vũ Hán cho toàn bộ nhân viên giao hàng

A health worker wearing a protective suit takes a swab test from a woman at Guang?an Sport Center for people who visited or live near the Xinfadi Market in Beijing on June 14, 2020. – The domestic COVID-19 coronavirus outbreak in China had been brought largely under control through strict lockdowns that were imposed early this year — but a new cluster has been linked to Xinfadi market in south Beijing. (Photo by Noel Celis / AFP)

Theo Reuters, giới chức y tế thủ đô Bắc Kinh hiện đang nhắm đến mục tiêu xét nghiệm cho hàng chục nghìn nhân viên giao hàng, đội quân sử dụng xe máy điện chuyển bưu kiện, thực phẩm khắp Bắc Kinh. 

Nhân viên SF Express, công ty chuyển phát nhanh lớn thứ hai Trung Quốc, đã tới các điểm xét nghiệm ở Bắc Kinh vào tối 19/6. Công ty cung cấp thực phẩm Meituan Dianping cũng xác nhận toàn bộ nhân viên vận chuyển tại Bắc Kinh sẽ được xét nghiệm, những người giao hàng tại khu vực có nguy cơ cao được cho nghỉ làm và cách ly tại nhà trong 14 ngày.

Giới chức Bắc Kinh cho biết thành phố đã thực hiện hơn 2,3 triệu lượt xét nghiệm, 40 khu dân cư bị phong tỏa và dân chúng tại đó được yêu cầu tự cách ly tại nhà. Những người không tuân thủ sẽ phải đi cách ly tập trung 14 ngày, sau đó phải xét nghiệm virus Vũ Hán và chỉ được về nhà nếu kết quả âm tính.

Bắc Hàn chuẩn bị chiến dịch rải truyền đơn chống Nam Hàn

Truyền đơn của Bắc Hàn rải xuống Nam Hàn

Bắc Hàn đang chuẩn bị rải truyền đơn chống Seoul vào Nam Hàn, truyền thông nhà nước KCNA cho biết hôm thứ Bảy, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai miền. 

“Những người Bắc Hàn giận dữ hiện đang chuẩn bị đẩy mạnh việc rải một số lượng lớn truyền đơn vào miền Nam”, hãng tin KCNA cho biết.

Bình Nhưỡng gần đây đã đưa ra một loạt những chỉ trích Seoul liên quan đến các tờ rơi chống Bắc Hàn. Những người đào thoát sang Hàn Quốc thường xuyên gửi qua biên giới – thường được gắn vào bóng bay rồi cho bay sang Triều Tiên – các thông điệp phơi bày vấn nạn vi phạm nhân quyền của Kim Jong Un và tham vọng hạt nhân của nhà độc tài này.

Trước đó, Triều Tiên đã cho nổ văn phòng liên lạc chung giữa hai miền và đe dọa tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực biên giới chung.

Nam Hàn kêu gọi Bắc Hàn không rải truyền đơn

Theo Yonhap, Seoul hối thúc Bình Nhưỡng rút lại ngay lập tức kế hoạch gửi truyền đơn chống Nam Hàn qua biên giới sau khi Bắc Hàn thông báo sắp hành động.

“Thật đáng tiếc khi Bắc Hàn công bố kế hoạch gửi lượng lớn truyền đơn chống Nam Hàn thông qua truyền thông, và chúng tôi yêu cầu dừng kế hoạch này ngay lập tức”, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết trong thông cáo hôm 20/6.

Nam Hàn cho rằng kế hoạch thả truyền đơn của Bắc Hàn là vi phạm thỏa thuận giữa hai bên, không giúp “giải quyết các hành động sai lầm” của cả hai bên mà chỉ “làm tình hình trầm trọng thêm” và ảnh hưởng xấu đến quan hệ liên Triều cũng như tiến trình hòa bình trên bán đảo.

Tuyên bố được đưa ra sau khi hãng thông tấn Trung ương Bắc Hàn KCNA hôm 20/6 cho biết “núi truyền đơn” đang được người dân Bắc Hàn tích cực chuẩn bị để rải qua biên giới như biện pháp trả đũa Nam Hàn giữa lúc căng thẳng leo thang suốt nhiều ngày qua.

3 cựu trợ lý của các nhà lập pháp Đài Loan bị bắt vì nghi ngờ làm gián điệp cho Trung Quốc

Taiwan President Tsai Ing-wen gestures during a ceremony to unveil the Cyber Security Investigation Office in New Taipei City on April 24, 2020. – The office is under the Ministry of Justice Investigation Bureau to monitor fake news. (Photo by Sam Yeh / AFP) (Photo by SAM YEH/AFP via Getty Images)

Ba cựu trợ lý này là ông Lee Yi-hsien, ông Chen Wei-jen và ông Lin Yun-ta. Văn phòng công tố tại Đài Bắc đã thẩm vấn 3 người này vào ngày 18/6, sau khi các công tố viên của Cục Điều tra Bộ Tư pháp Đài Loan tiến hành các cuộc đột kích và bắt giữ các nghi phạm tại 5 địa điểm, theo truyền thông Đài Loan.

Hai người là Lee Yi-hsien và Chen Wei-jen hiện đang bị giam giữ với cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia Đài Loan theo yêu cầu của Tòa án quận Đài Bắc. Các công tố viên ra lệnh giam giữ 2 người này vì lo ngại rằng họ có thể thông đồng và phá hủy bằng chứng. Trong khi đó, Lin Yun-ta đã được tại ngoại sau khi trả 100.000 Đài tệ (khoảng 79 triệu đồng).

Các công tố viên cho biết, các điệp viên Trung Quốc thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã chỉ đạo 3 người này thành lập một tổ chức gián điệp tại Đài Loan và tuyển người Đài Loan vào tổ chức này trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2018.

Theo kênh truyền thông Đài Loan United Daily News, 3 người đàn ông đã liên lạc với các phóng viên địa phương chuyên đưa tin về chính phủ Đài Loan và cung cấp cho họ khoản trợ cấp hàng tháng là 30.000 Đài tệ (khoảng 23 triệu đồng) và các chuyến đi du lịch miễn phí tới Trung Quốc, để đổi lấy thông tin về các cuộc họp do chính phủ tổ chức.

Theo các công tố viên, trong vòng 4 năm, 3 người này đã gửi các thông tin bí mật từ nhiều cơ quan chính phủ Đài Loan, bao gồm Bộ Ngoại giao và Hội đồng các vấn đề Đại lục, cho các đặc vụ Trung Quốc.

WHO nói thế giới đang trong ‘giai đoạn mới và nguy hiểm’ của COVID-19

Đại dịch coronavirus đã tiến vào một ‘giai đoạn mới và nguy hiểm’, khi số ca Covid-19 được ghi nhận hàng ngày đạt mức cao kỷ lục, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo hôm thứ Sáu, theo CNBC.

Số lượng các ca nhiễm mới trong một ngày được báo cáo hôm thứ Năm “là nhiều nhất từ trước đến nay”, ở mức 150.000 ca, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo.

Gần một nửa tổng số ca nhiễm mới được báo cáo từ châu Mỹ, ông Tedros nói, với một số lượng lớn đến từ Nam Á và Trung Đông.

Brazil vượt mốc 1 triệu ca nhiễm COVID-19

Bộ Y tế Brazil hôm thứ Sáu đã báo cáo 54.771 ca lây nhiễm Covid-19 mới, mức tăng kỷ lục theo ngày đã đưa tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên tới con số 1.032.913, theo CNN.

Đại dịch Covid-19 đang nhanh chóng lan rộng ở Brazil mà không có dấu hiệu chậm lại, khi các thành phố lớn dỡ bỏ các biện pháp gián cách xã hội và bắt đầu mở cửa lại các nhà hàng, cửa hàng và các doanh nghiệp không thiết yếu khác.

Nhiều chuyên gia tin rằng số ca lây nhiễm của Brazil có thể vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia bị virus tấn công nặng nhất.

Tokyo khôi phục hoàn toàn hoạt động kinh doanh

Nhật Bản hôm thứ Sáu (19/6) đã dỡ bỏ các khuyến cáo du lịch quốc nội do Covid-19 nhằm vực dậy nền kinh tế ảm đạm. Thủ đô Tokyo cũng đã dỡ bỏ yêu cầu đóng cửa tạm thời tại các sự kiện âm nhạc, các hộp đêm và các địa điểm giải trí khác trong thành phố, theo Strait Times.

“Chúng ta sẽ nâng cao mức độ các hoạt động kinh tế và xã hội hơn chút nữa”, Thủ tướng Shinzo Abe nói hôm thứ Năm (18/5), khi ông tuyên bố kế hoạch mở cửa biên giới đất nước cho khách du lịch kinh doanh.

Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng: “Nguy cơ lây nhiễm không thể giảm xuống mức 0, nhưng chúng ta có thể phấn đấu cho một lối sống mới cho phép chúng ta nâng cao mức độ hoạt động kinh tế xã hội trong khi vẫn có thể kiểm soát nguy cơ lây nhiễm”.

Related posts