EVN giải thích tiền điện tăng vọt là do ‘nắng nóng’, liệu người dân còn tin?

  • Ngọc Long

Trong khi người dân “than trời” vì tiền điện tăng vọt thì Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lại dùng “lối nói cũ” để giải thích như: do “nắng nóng”; do “gia đình có sử dụng máy lạnh/máy điều hòa”; do “mở cửa ra vào nhiều, đóng mở tủ lạnh nhiều”,… Liệu người dân còn tin những điều mà EVN nói?

Thời gian qua, người dân “than trời” vì giá điện tăng vọt. (Ảnh: shutterstock)

Truyền thông trong nước thời gian qua liên tục đưa tin về việc người dân “than trời” khi hóa đơn tiền điện tăng đột biến.

Báo Lao động hôm 18/6 dẫn lời từ anh Lê Ph. (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, hoá đơn tiền điện tháng 6 của gia đình tăng đột biến (gấp 4,5 lần), dù vẫn đang trong thời gian được hỗ trợ 10% giá điện do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. “Nếu trong tháng 4 và tháng 5, số tiền tôi phải thanh toán là khoảng 1 triệu đồng, thì sang tới tháng 6, con số này vọt lên 4,5 triệu đồng với 1.526kWh, trong khi mức sử dụng điện không tăng đột biến”.

Ông B.T.A (TP.HCM) cho biết từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020, trung bình mỗi tháng gia đình tiêu thụ trên dưới 400 KWh điện. Bắt đầu từ tháng 4/2020, mức tiền điện đột ngột tăng, trung bình mỗi tháng 720 KWh dù vật dụng sử dụng điện trong gia đình không thay đổi so với các tháng trước.

“Việc tăng tiền điện xảy ra sau khi Công ty Điện lực Thủ Thiêm thay mới công-tơ điện tử cho gia đình tôi từ ngày 11/3/2020. Tôi nhận thấy đây là nguyên nhân dẫn đến việc tăng mức sử dụng điện bất thường”, ông T.A nói trên báo Người lao động, hôm 21/6.

Đặc biệt, báo chí trong nước còn đưa tin về hai trường hợp khách hàng tại Quảng Ninh và Quảng Bình đã “tá hỏa” khi phát hiện hóa đơn tiền điện “vọt” tới hàng chục lần.

Tờ Zing hôm 23/6 dẫn lời bà Đào Thị Gái (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) cho biết, hóa đơn tiền điện gia đình phải trả trong tháng 6 lên tới gần 90 triệu đồng, trong khi trung bình hàng tháng, bà chỉ sử dụng hết khoảng 200kWh (khoảng 368.335 đồng). Sau khi làm đơn khiếu nại, phía điện lực huyện Vân Đồn đã kiểm tra và cho rằng: ”Bước đầu ghi nhận máy đo trên công tơ điện bị sai do ngày ghi chỉ số thời tiết có mưa, mắt đọc trên công tơ điện tử đo xa bị đọng nước dẫn đến bị nhiễu loạn thông tin”.

Một trường hợp khác là khách hàng tên T.V.D (Quảng Bình) vô cùng bất ngờ khi nhận hóa đơn tiền điện lên tới hơn 58 triệu đồng, trong khi, hóa đơn các tháng trước của gia đình chỉ khoảng 500.000 đồng. Sau đó, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Quảng Bình thừa nhận có “sai sót trong việc ghi chỉ số công tơ tháng”,…

EVN lại ra thông cáo báo chí

Trước bức xúc của người dân về việc tiền điện tăng đột biến, hôm 23/6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ra thông cáo báo chí để “trấn an dư luận”.

Theo thông cáo, EVN cho rằng: “Một số sai sót về việc ghi chỉ số tiêu thụ điện trong thời gian qua là những sai sót cá nhân, hệ thống phần mềm quản lý chỉ số điện năng của EVN hoạt động bình thường, hiệu quả, góp phần giảm thiểu sự sai sót và can thiệp của con người”.

Ngoài ra, EVN cũng “lặp lại” những câu nói như: do “nắng nóng”; do “gia đình có sử dụng máy lạnh/máy điều hòa”; do “mở cửa ra vào nhiều, đóng mở tủ lạnh nhiều”,… để giải thích nguyên nhân tiền điện tăng vọt.

Liệu, người dân còn tin lời giải thích từ phía EVN?

Báo Tuổi trẻ trong một bài viết mới đây khẳng định: “Phần lớn người dân không đồng tình với phản hồi, giải thích của EVN”.

Theo tờ báo, một chuyên gia trong ngành điện cho hay việc khách hàng bức xúc về hóa đơn tiền điện tăng sốc có nguyên nhân từ việc ngành điện đang áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Đó là cách tính không còn phù hợp.

Báo cũng dẫn lại từ GS Trần Đình Long – phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, cần phải sửa ngay biểu giá bán lẻ điện bậc thang vì biểu giá này rất phức tạp, bộc lộ quá nhiều bất cập. Chưa kể, mức tính tiền điện lũy tiến của EVN như hiện hành cũng không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện khi bước nhảy giá giữa các bậc chưa hợp lý.

TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng việc tính tiền điện theo lũy tiến bậc thang mới chính là nguyên nhân khiến giá tăng cao như vậy, theo tờ Tổ quốc, hôm 23/6.

Cũng theo tờ báo, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, hoá đơn tiền điện tăng “sốc” thời gian vừa qua có nhiều mập mờ cần phải làm rõ, cần có sự giám sát của Thanh tra Chính phủ. Còn TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế thì đề nghị nên có một đơn vị độc lập vào cuộc để rà soát, kiểm tra.

Facebook Thành Phan Đình viết: “Chỉ có cách duy nhất là bỏ độc quyền điện là minh bạch ngay”.

Phạm Hợi than rằng: “Trời ơi!. Thảo dân sống sao đây”.

Thich Tran nghi vấn: “Ai bảo đảm rằng EVN không có ô dù? Không có sự chia chác từ trên xuống dưới?”.

Facebook Trần Trọng An viết:

“Tôi không nói EVN gian lận tiền điện vì tôi không có bằng chứng nào để nói như vậy cả.

Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định, cách tính giá điện bậc thang có 2 kẽ hở lớn mà nếu ai đó vô tình làm hoặc cố ý lợi dụng thì đều có thể “móc túi” người tiêu dùng số tiền lớn hơn số họ phải trả:

– Kẽ hở 1: Nhân viên đọc công tơ ghi chỉ số điện sớm hơn hoặc lệch ngày giữa các tháng. Vậy một phần tiền điện tháng trước (lẽ ra ở bậc thang thấp) sẽ bị tính vào tháng sau (ở bậc thang cao hơn).

– Kẽ hở 2: Nhân viên thu tiền điện ghi chỉ số công tơ ít hơn, tháng tiếp theo ghi đúng. Số tiền điện ghi thiếu của tháng trước cũng sẽ chuyển sang bậc thang cao hơn của tháng sau.

Với hàng chục triệu hộ dân sử dụng điện, chỉ cần mỗi hộ trả thêm 1 USD/tháng, số tiền người dùng phải trả thêm hàng chục triệu USD.

Tôi xin nhấn mạnh, đây là phép tính đơn giản để dễ hình dung về kẽ hở này chứ không phải con số thực tế mà EVN thu sai của người dân.

Và phân tích như vậy để thấy, EVN cần thực hiện ngay:

– Ghi số điện của 1 hộ dân cụ thể vào 1 ngày ấn định trong tháng (có thể chia theo đợt để ghi nhưng phải đảm bảo đúng ngày).

– Báo cho hộ dân cùng giám sát ghi chỉ số điện, kết quả có sự giám sát của người sử dụng mới có giá trị.

Hoặc:

– Lắp công tơ điện tử có gắn thẻ sim để tự động ghi nhận tiền điện và 3 bên (EVN, nhà mạng, người dùng) cùng giám sát.

Làm được như vậy, sẽ chấm dứt được hoài nghi của người dùng trước các thời điểm nhạy cảm (đầu mùa nóng, lạnh, tháng sau Tết…)”.

EVN cho biết theo số liệu thống kê, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92% khách hàng) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.Dự kiến kỳ hoá đơn tháng 6/2020 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5/2020.Theo số liệu thống kê mới đến ngày 20/6/2020 cho thấy, đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5/2020 (gấp 2,33 lần so với tháng 5/2020).Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó.

Ngọc Long

Related posts