Quan chức Mỹ ca ngợi vai trò của Đài Loan
Một cơ quan y tế toàn cầu sẽ khó thành công nếu không có sự góp mặt của Đài Loan, đặc phái viên Hoa Kỳ tại Đài Bắc nêu quan điểm trong một cuộc họp hôm thứ Tư, theo Taiwan News.
Giám đốc viện Mỹ tại Đài Loan (AIT), ông Brent Christensen, đã nói như vậy tại một cuộc họp trực tuyến bàn về Cơ sở Hợp tác và Đào tạo Toàn cầu (GCTF), nơi hơn 70 quan chức của 16 quốc gia tập trung thảo luận cách ngăn chặn làn sóng thứ hai của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Tại cuộc họp, Giám đốc AIT đã ca ngợi “mô hình Đài Loan” vì tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong việc phòng chống đại dịch, thêm rằng nếu một tổ chức y tế quốc tế mà không có sự đóng góp của mô hình này thì sẽ không thành công.
Đài Loan nhiều lần bày tỏ mong muốn tham gia các cuộc họp của Tổ chức Y tế thế giới để bàn về phương cách phòng chống dịch Covid-19, tuy nhiên họ bị chính quyền Trung Quốc cản trở.
Cố vấn Mỹ chỉ trích chính sách ‘ngây thơ’ với Trung Quốc
Việc các chính quyền Mỹ chiều chuộng giới cầm quyền Trung Quốc với hy vọng kiềm chế Bắc Kinh đã dẫn tới thất bại lớn nhất trong các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ kể từ năm 1930, cố vấn an ninh cho Tổng thống Trump, ông Robert C. O’Brien, nhận định tại một cuộc họp hôm thứ Tư, theo Washington Times.
Ông O’Brien nói rằng thất bại này là hậu quả của việc các chính quyền Mỹ trước đây hiểu lầm về bản chất của hệ thống Mác-Lê vốn dẫn hướng tư tưởng của giới cầm quyền Trung Quốc từ xưa cho tới nay.
Tuy nhiên, “Những ngày thụ động và ngây thơ của người Mỹ đối với chính quyền Trung Quốc đã kết thúc”, ông O’Brien nói với một nhóm các CEO tại Cơ quan Thương mại Arizona.
Ông O’Brien nói rằng cách tiếp cận cứng rắn hơn của Tổng thống Trump đã khiến Hoa Kỳ cuối cùng nhận ra những nguy hại do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra.
Trung Quốc chiếm vùng đất rộng sau vụ xô xát với Ấn Độ
Lính Trung Quốc đã chiếm giữ một khu vực rộng ở cửa thung lũng Galwan, nơi xảy ra cuộc đụng độ làm chết nhiều binh lính Trung – Ấn diễn ra hôm 15/6, các nguồn tin quân sự nói với AFP.
Sau đụng độ, hai bên công khai tuyên bố rút quân, nhưng vẫn duy trì lực lượng xung quanh thung lũng Galwan, theo SBS News.
Hôm thứ Tư, các máy bay phản lực Ấn Độ đã thường xuyên cất cánh từ một căn cứ quân sự ở Leh, một thị trấn của Ấn Độ nằm trong khu vực tranh chấp, và bay về phía khu vực biên giới với Trung Quốc.
“Hiện tại chúng tôi có lực lượng mạnh trong khu vực [tranh chấp]”, một quan chức giấu tên của Bộ chỉ huy phía Bắc Ấn Độ nói với AFP. Trong khi đó, Tashi Chhepal, một cựu sĩ quan quân đội Ấn Độ từng phục vụ tại Leh, nói rằng chưa bao giờ thấy đất nước ông lại điều động một lực lượng quân đội hùng hậu như vậy đến vùng đất tranh chấp với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ lên án Trung Quốc ‘hứa suông’ về viện trợ chống dịch
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo chỉ trích Trung Quốc đang tạo ra những gánh nặng nợ nần trong khi hứa suông với các nước về việc viện trợ chống dịch COVID-19.
Ông Pompeo chỉ ra trường hợp của châu Phi là ví dụ điển hình cho việc Bắc Kinh tạo ra những khoản nợ không bền vững với các nước.
“Rõ ràng Trung Quốc là một chủ nợ song phương lớn nhất đối với các chính phủ châu Phi, với việc tạo ra gánh nặng nợ nần không bền vững”, hãng tin Fox News trích dẫn lời Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố hôm thứ Tư (24/6). “Ngược lại, hầu hết các hỗ trợ nước ngoài của Hoa Kỳ đều ở dạng tài trợ thay vì cho vay, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế minh bạch, do khối tư nhân dẫn đầu, và điều đó mang lại lợi ích cho tất cả các bên.”
Ông Pompeo bình luận rằng thông báo viện trợ COVID-19 của Trung Quốc chỉ là một “lời hứa suông”, ông nói thêm rằng Trung Quốc nên thực hiện Sáng kiến hoãn nợ của nhóm G20, viết tắt là DSSI, nhằm đảm bảo viện trợ minh bạch cho hoạt động chống dịch virus corona.
DSSI là một sáng kiến của nhóm các nền kinh tế lớn G20, với sự phối hợp của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Mục đích của sáng kiến này là cung cấp viện trợ tài chính cho các quốc gia đủ điều kiện nhằm chống lại dịch COVID-19. Sáng kiến sẽ cho phép 77 quốc gia đang phát triển được hoãn trả nợ cho đến cuối năm 2020.
Ông Pompeo lên tiếng: “Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải vượt ra khỏi những tuyên bố công khai mơ hồ của mình, cần bắt đầu thực hiện đầy đủ và minh bạch sáng kiến DSSI theo các cam kết của họ đối với G20”.
Ông Pompeo đề cập đến một bài phát biểu trước đó của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng “các tổ chức tài chính Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc tham vấn thân thiện với các nước châu Phi theo nguyên tắc thị trường để tìm ra các thỏa thuận cho vay thương mại có bảo lãnh chủ quyền”.
Ngoại trưởng Mỹ nói rằng lời diễn văn trên của ông Tập chỉ là những lời lẽ “tuyên truyền gây mê muội”.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump liên tiếp gia tăng những lời chỉ trích công khai đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong những tuần vừa qua.
Cũng hôm thứ Tư, cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien tuyên bố: “Nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, cuối cùng đã thức tỉnh trước mối đe dọa từ các hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc và mối đe dọa mà họ gây ra đối với lối sống tuyệt vời của chúng ta”.
Ông O’Brien cho biết bài phát biểu của ông mới chỉ là mở màn của hàng loạt các bài phát biểu lên án chính quyền Trung Quốc mà Washington sẽ đưa ra trong những tuần tới.
Mỹ chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Châu Phi
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Tư đã chỉ trích chính sách cho vay của Trung Quốc đối với châu Phi, nói rằng nó tạo ra gánh nặng tài chính và tạo điều kiện cho tham nhũng tại châu lúc này, theo Reuters.
Ông Pompeo lưu ý rằng Trung Quốc “hiện tại là chủ nợ lớn nhất của châu Phi”, trong khi đó “hầu hết các hỗ trợ dành cho nước ngoài của Hoa Kỳ là dưới hình thức tài trợ thay vì cho vay với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân, mang lại lợi ích cho tất cả các bên”.
Nghị sĩ Canada kêu gọi chính phủ chống Bắc Kinh
Hơn 10 thượng nghị sĩ Canada đang kêu gọi chính phủ liên bang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Trung Quốc vi phạm thô bạo nhân quyền, CBC đưa tin hôm thứ Tư.
Trong một lá thư đề ngày 23/6 gửi Thủ tướng Canada Trudeau, các nghị sĩ đề nghị rằng Canada nên đứng ở lập trường chống lại chính quyền Trung Quốc. Lá thư này do hai nghị sĩ Thanh Hai Ngo, Leo Housakos viết và được 11 nghị viên khác ký tên
Trích dẫn việc Bắc Kinh cho giam giữ hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ để tẩy não, đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông, đàn áp người dân Tây Tạng kéo dài nhiều thập kỷ và giam cầm hai công dân Canada, các thượng nghị sĩ mô tả lực lượng đang cầm quyền ở Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại và an ninh thế giới”.
‘Bệnh viện 301 Bắc Kinh’ dành cho giới lãnh đạo cao cấp phải chăng đã bùng phát dịch?
Theo Epoch Times, có cư dân mạng mới đây cho hay, “Bệnh viện 301” ở Bắc Kinh, nơi điều trị đặc biệt cho giới chức cấp cao ĐCSTQ xuất hiện dịch bệnh. Việc quan chức khu Hải Điến, Bắc Kinh tiến hành bác bỏ tin đồn, càng dấy lên sự hoài nghi của người dân.
Rạng sáng ngày 24/6, trên Weibo chính thức của chính quyền quận Hải Điến, Bắc Kinh đã đưa ra thông báo “Trịnh trọng bác bỏ tin đồn”, trong thông báo có nói rằng: “Mấy ngày gần đây liên quan đến tin đồn được lan truyền rộng rãi trên mạng, rằng “Bệnh viện 301” xuất hiện dịch bệnh, hơn 100 tiểu khu quận Hải Điến có tên trong danh sách bị phong toả, điều này đã thu hút lượng lớn sự chú ý của cư dân mạng. Sau khi xác minh với các bộ phận liên quan, những thông tin trên chỉ là tin đồn nhảm, hy vọng quảng đại cư dân mạng không nghe, không tin, cũng như không lan truyền”.
Bản “Thông báo bác bỏ tin đồn” này càng dấy lên sự hoài nghi từ phía cư dân mạng, họ gọi bản thông báo này chẳng khác chi “Lạy ông tôi ở bụi này”.
Có dân mạng nghi vấn: “Tại sao không có chữ ký ở cuối bản thông báo bác bỏ tin đồn này nhỉ?”.
Cư dân mạng có tài khoản “GcdWW” bày tỏ, thật sự có trường hợp lây nhiễm đã từng đến Bệnh viện 301.
Bệnh viện 301 hoặc Bệnh viện Đa khoa Quân đội ĐCSTQ, đồng thời là Trường Y khoa sau đại học Quốc phòng Trung Quốc, đặt tại Bắc Kinh, Trung Quốc, là một bệnh viện quân đội trực tiếp thuộc Cục Hỗ trợ Hậu cần của Quân ủy Trung ương và là bệnh viện đa khoa lớn nhất dưới sự bảo trợ của Quân đội ĐCSTQ. Đây là một trong những cơ sở chăm sóc sức khỏe quan trọng của ĐCSTQ, chịu trách nhiệm về công tác chăm sóc sức khỏe cho các quan chức cấp cao trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và các cơ quan ban ngành khác. Trên thực tế nơi đây chính là bệnh viện điều trị cho các quan chức cấp cao ở Trung Nam Hải cũng như trong quân đội.