Trung Quốc: Hàng nghàn người dân đụng độ cảnh sát, phản đối cướp đất
Ngày 22/6, hàng nghìn dân làng của xã Đông Thạch Kiểu, huyện Thanh Uyển, thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã đụng độ với hàng trăm cảnh sát đặc nhiệm. Do chính quyền địa phương bồi thường không thỏa đáng trong việc phá bỏ di dời, dân làng đã tiến hành bảo vệ quyền lợi nhưng đến nay vẫn không có kết quả.
Vào lúc 5 giờ chiều ngày 22/6, chính quyền địa phương đã điều động 400 – 500 cảnh sát đặc nhiệm, quan chức các cấp, cùng xe cảnh sát, xe buýt… chuẩn bị xông vào thôn làng, nhưng bị dân làng chặn lại ở chốt kiểm soát phòng dịch. Một người phụ nữ họ Lý sống ở đây tiết lộ với phóng viên Thời báo Epochtimes rằng rất nhiều người bên phía chính quyền đột nhiên kéo đến, dân làng đứng chặn ở cổng làng không cho họ vào. Sau đó, người dân khác hay tin cũng vội vã đến hiện trường, có trên cả nghìn người.
Cô Lý nói rằng đầu tiên cảnh sát đã xịt nước ớt vào người dân và bắt đầu đánh người, có người già bị đánh gục xuống đất. Người dân trong làng đều tay không tấc sắt, chỉ có thể chống trả bằng gạch đá.
Xung đột giữa hai bên tiếp diễn cho đến khoảng 0 giờ sáng hôm sau (23/6). Phía dân làng có 13 người bị bắt, 5 hoặc 6 người bị thương, 2 người phải nhập viện.
Ngày 23/6, dân làng vì ngăn cảnh sát quay lại, đã chuẩn bị sẵn cục đá và chai rượu ngay tại cổng làng. Cô Lý nói rằng lần này nếu họ còn đến nữa, dân làng sẽ liều cả mạng này. Hiện tại, người dân trong làng đang luân phiên thay nhau trực tại lối vào cổng làng liên tục 24 giờ trong một ngày.
Ông Lưu, người dân trong làng tiết lộ với phóng viên rằng vụ việc bắt nguồn từ ngày 18/3, khi kế hoạch phá bỏ di dời do chủ tịch xã tự ý quy định truyền từ nội bộ ra, “Mỗi hộ gia đình dựa theo diện tích nhà ở cá nhân, phải tự bỏ tiền túi chi trả thêm từ 100.000 đến 200.000 Nhân dân tệ (khoảng 320 – 640 triệu VNĐ) mới có thể sở hữu căn hộ bàn giao thô, hơn nữa căn hộ thô này phải sau nhiều năm mới được cấp. Sau đó, địa điểm tái định cư được chọn lại cách xa ruộng vườn và thôn làng của chúng tôi đến 20 km, dân làng không sao chấp nhận được”.
Dân làng bắt đầu khiếu nại lên chính quyền các cấp để bảo vệ quyền lợi của mình. Ông Lưu nói rằng chủ tịch xã này đã tại nhiệm hơn 30 năm, bên trong chính quyền huyện và chính quyền thị trấn đều là người của ông ta, bởi vậy quan chức chính phủ đối với khiếu nại của dân làng chỉ là đùn đẩy trách nhiệm, trì hoãn hết lần này đến lần khác.
Ngày 21/3, gần một nghìn dân trong làng đã diễu hành đến Ủy ban huyện để kháng nghị. Ngày 23/3, hơn nghìn người dân đã tham gia diễu hành đến Ủy ban thành phố. Cô Lý nói rằng vào lúc 7 giờ sáng hôm đó, có khoảng 3.000 dân làng đã xuất phát từ thôn làng, sau đó đi bộ 15 km, mãi đến 10:00 sáng mới đến Ủy ban thành phố.
Cô Lý cũng tiết lộ rằng lần đó chính quyền địa phương đã huy động một lượng lớn lực lượng cảnh sát, còn có cảnh sát chống bạo động, dọc đường tiến hành ngăn chặn, có dân làng bị đánh trọng thương, nhiều người bị bắt giải lên xe buýt đưa đến trường học giam lại, đến đêm mới được thả ra. Cuối cùng, chỉ có hơn 300 người dân đến được cổng của Ủy ban thành phố, bảo vệ quyền lợi vẫn không có kết quả gì.
Dân làng cho hay, chủ tịch xã có tồn tại vấn đề tham nhũng, chuyển nhượng đất tập thể của dân làng cho người thân bạn bè của mình với giá thấp, sau đó bán ra với giá cao. Nhà tái định cư cũng dùng thủ đoạn bất hợp pháp làm thành nhà thương mại bán cho người dân hòng nhét đầy túi tham.
Người dân trong quá trình bảo vệ quyền lợi, hơn 1.300 dân làng đã cùng nhau ký tên bãi miễn chủ tịch xã. Tuy đã có một chủ tịch xã mới đến thay thế, nhưng ông ta vẫn là người của chủ tịch xã ban đầu. Ông Lưu nói: “Người này đến này vẫn chưa được thông báo chính thức, qua các kênh thông tin khác nhau, dân làng đoán rằng chủ tịch xã ban đầu trước tiên xoa dịu dân làng xong rồi, sau đó vẫn sẽ tiếp tục nắm quyền trở lại”.
Được biết, thôn làng này kể từ tháng 7 năm 2019 lấy danh nghĩa cải tạo đường sông tiến hành phá bỏ di dời đối với nhà dân, mãi đến tháng 3 năm nay mới đưa ra thông báo cho người dân, và dân làng bị buộc phải di dời trước cuối tháng 6 mà không công khai phương án phó bỏ di dời. Sau khi nói chuyện, chính quyền xã hứa sẽ không di dời, nhưng cuối cùng phát triển thành một cuộc xung đột giữa cảnh sát với người dân như đã nói ở trên.
Theo Fao Jing, Epochtimes
Vũ Dương biên dịch
Rò rỉ 93 tấn khí mê-tan mỗi giờ ở đường ống dẫn khí đốt Yamal
Vào mùa thu năm ngoái, vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã phát hiện ra những luồng khổng lồ của khí mê-tan đang vô hình làm nóng hành tinh rò rỉ từ các đường ống Yamal, dòng chảy mang khí đốt tự nhiên từ Siberia đến châu Âu, theo Reuters.
Công ty tư vấn năng lượng Kayrros ước tính vụ rò rỉ đã phun ra 93 tấn khí mê-tan mỗi giờ, có nghĩa là lượng khí thải hàng ngày từ vụ rò rỉ này tương đương với lượng khí CO₂ được thải ra trong một năm của 15.000 chiếc xe hơi ở Mỹ. Kayrros đang phân tích dữ liệu vệ tinh, và cho biết một vụ rò rỉ khác gần đó đang xuất hiện với tỷ lệ 17 tấn một giờ và họ đã thông báo cho nhà điều hành Gazprom của Yamal về những phát hiện đó.
Pakistan lên án việc Ấn Độ trục xuất các nhà ngoại giao
Pakistan đã lên án đối thủ lâu đời của mình là Ấn Độ vì đã trục xuất các nhà ngoại giao Pakistan vào thời điểm “tế nhị” sau khi các lực lượng Ấn Độ đụng độ vũ trang với Trung Quốc ở biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya. Pakistan lo ngại khả năng có thể bị lôi kéo vào vụ việc, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi nói.
“Mọi điều đã trở nên xấu đi, mọi thứ rất tế nhị”, ông Qureshi nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn ở Islamabad cuối ngày thứ Năm (25/6). Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc là ba nước láng giềng có vũ khí hạt nhân cũng như đều có tranh chấp lịch sử về việc phân định biên giới trên cao ở dãy núi Himalaya.
Đã tới lúc Ấn Độ ‘chia tay’ Trung Quốc?
Khả năng đã tới lúc Ấn Độ và Trung Quốc nói lời chia tay sau cuộc đụng độ biên giới chết người cùng những hoạt động leo thang căng thẳng khác đang diễn ra trên dãy Himalaya.
Hãng Reuters hôm 25/6 công bố các bức ảnh vệ tinh chụp ngày 22/6 được công ty vũ trụ Maxar Technologies (Mỹ) cung cấp, cho thấy Trung Quốc đang xây dựng nhiều công trình tại thung lũng Galwan thuộc dãy Himalaya. Đây cũng là nơi xảy ra vụ đụng độ giữa quân đội Trung – Ấn hôm 15/6. Các công trình mới được xây dựng gồm các cấu trúc dựa vào vách đá và một cấu trúc được cho là trại mới đang được xây dựng gần đó với tường hoặc rào chắn, cùng lều bạt ngụy trang. Giới chuyên gia nhận định hoạt động xây dựng này cho thấy hai bên ít khả năng xuống thang căng thẳng.
Trong nhiều năm, chính phủ Ấn Độ do Thủ tướng Modi dẫn dắt đã cố gắng tránh chọn phe trong bối cảnh sự đối kháng giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng tiến nhanh. Ông Modi duy trì lập trường mềm mỏng với Trung Quốc, nước về bản chất là một kẻ thù mà Ấn Độ phải học cách sống chung.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, ông Modi đã gặp ông Tập nhiều lần và ông đã có năm chuyến thăm Trung Quốc. Tháng 10/2019, hai nhà lãnh đạo Trung – Ấn đã có một hội nghị thượng đỉnh hữu nghị, sau đó ông Modi đã lên tiếng ca ngợi về “một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai quốc gia chúng ta”.
Nhưng nay tâm trạng của New Delhi đã rất khác. Bất cứ điều gì xảy ra trên dãy Himalaya, Ấn Độ đều cảm thấy như bị Trung Quốc nhục mạ. Đáng chú ý là ông Modi đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp với các nhà lãnh đạo phe đối lập ở Ấn Độ. Hiện tại, trong giới tinh hoa hoạch định chính sách của Ấn Độ đã gần như đồng thuận rằng, Trung Quốc là một thế lực thù địch và phản ứng khả thi đối với Ấn Độ lúc này là tiến gần hơn tới Mỹ và các nền dân chủ khác như Nhật Bản, Úc.
Bất chấp những nỗ lực của ông Modi để xây dựng mối quan hệ thân thiết với ông Tập, sự lo lắng của người Ấn Độ về sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đã gia tăng. Ấn Độ còn lo lắng về việc Trung Quốc xây dựng mối quan hệ đặc biệt với Pakistan, một kẻ thù mà Ấn Độ có nhiều giao tranh. Sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại các quốc gia láng giềng như Sri Lanka, Myanmar, Bangladesh và Nepal cũng khiến quan hệ Bắc Kinh – New Delhi đi xuống. Ấn Độ báo hiệu sự bất mãn của mình bằng cách từ chối gửi phái đoàn của mình tới diễn đàn Vành đai và Con đường của Trung Quốc năm 2017 và 2019.
Là một quốc gia với gần 1,4 tỷ người, không kém Trung Quốc về mặt dân số, Ấn Độ có thể đi theo con đường riêng và duy trì quyền tự chủ chiến lược. Cũng có những viện dẫn về lý do kinh tế để Ấn Độ duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc vốn là đối tác thương mại thứ hai của Ấn Độ.
Mặc dù Ấn Độ giữ lập trường “không liên kết” (non-alignment) nhằm cân bằng các mối quan hệ với các cường quốc nhưng trên thực tế, Ấn Độ gần gũi với Moscow hơn là với Washington.
Nhưng với suy nghĩ về việc cố gắng duy trì mối quan hệ ngang bằng giữa Mỹ – Trung, giờ đây khả năng Ấn Độ sẽ từ bỏ suy nghĩ đó. Đã có gợi ý rằng Ấn Độ có thể xem xét một liên minh chính thức với Mỹ. Một trí thức Ấn Độ thân cận với chính quyền Modi cách đây ít tuần đã chỉ ra, một lý do khiến Trung Quốc có thể tùy tiện giết lính Ấn Độ, chứ không phải lính Nhật Bản hay lính Đài Loan, là vì Nhật Bản và Đài Loan đều đang trú ẩn an toàn dưới chiếc ô an ninh của Mỹ.
Trong những năm gần đây, Mỹ công khai hơn trong việc xem Ấn Độ là một đối trọng với Trung Quốc. Năm 2018, quân đội Hoa Kỳ đã đổi tên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương, thể hiện sự gắn bó chặt chẽ và được phản ánh trong việc mua vũ khí, thăm cảng và tập trận chung. Ấn Độ có khả năng tăng cường hợp tác như vậy với Nhật Bản và Úc. Và họ có thể thách thức Trung Quốc trên các mặt trận khác bằng cách hợp tác với các đồng minh ở Ấn Độ Dương và Biển Đông. Ấn Độ cũng có thể thực hiện nhiều động thái phối hợp hơn để giảm phụ thuộc nền kinh tế của mình vào Trung Quốc.
Cơ hội của công ty viễn thông Trung Quốc Huawei được trao hợp đồng xây dựng mạng 5G ở Ấn Độ giờ đây là rất nhỏ. Nhưng tư thế đối đầu của Bắc Kinh cho thấy họ không quan tâm đến điều đó. Trung Quốc biết rằng nền kinh tế của họ lớn gấp 5 lần Ấn Độ và quân đội của họ có nhiều vũ khí hỏa lực hơn. Trung Quốc thậm chí còn đánh giá rằng đây là thời điểm tốt để đưa Ấn Độ vào đúng vị trí trong khi Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi virus corona và Mỹ cũng bị phân tâm bởi dịch bệnh. Sau hậu quả của cuộc đụng độ biên giới tuần trước, tờ Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo thuộc sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc trong một bài xã luận còn loan rằng Ấn Độ nên học hỏi từ sự cố này và không thể dựa vào Washington để được hỗ trợ và chống đối Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc nên lo lắng. Bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới, được xếp hạng theo sức mua là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. Cả bốn nước đều quan tâm đến sự cân bằng quyền lực ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Xung đột trên dãy Himalaya sẽ khiến Trung Quốc đẩy Ấn Độ vào cánh tay của Mỹ.
Tổng thống Hàn Quốc cam kết phản ứng cứng rắn trước mọi khiêu khích về an ninh
Trong bài phát biểu kỷ niệm Chiến tranh Triều Tiên trong tuần này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết phản ứng cứng rắn trước “những hành động khiêu khích từ bất kỳ hướng nào” khi nói về “an ninh toàn diện”, không chỉ đối với Triều Tiên, văn phòng của ông cho biết hôm thứ Sáu.
Tối hôm trước, ông Moon đã tham dự buổi lễ tại Căn cứ Không quân Seoul kỷ niệm 70 năm bùng nổ chiến tranh và ông nhấn mạnh: “Quân đội của chúng ta có đủ sức mạnh để tránh khỏi bất kỳ mối đe dọa nào”, theo Yonhap.
Triều Tiên bất ngờ khen ngợi truyện Harry Potter
Các nhân vật chính trong bộ phim Harry Potter, được chuyển thể từ cuốn chuyện cùng tên của tác giả J. K. Rowling
Một tờ báo của nhà nước Triều Tiên đưa tin, sự quan tâm của người dân nước này với tác phẩm Harry Potter của tác giả người Anh J.K. Rowling đang tăng lên.
Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap News, Báo Văn học của Triều Tiên hôm 20/6 đăng tin rằng thành công của “Harry Potter” là do tác phẩm này được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới và được cả người lớn và trẻ em yêu thích.
Báo Văn học cho biết, tác phẩm Harry Potter chỉ cho trẻ em cách “phát triển tương lai thông qua việc bộc lộ sức mạnh và kỹ năng cá nhân”, khi xem những hình ảnh về phép thuật diễn ra trong một thế giới giả tưởng.
Tờ báo đã tóm tắt nội dung bộ truyện và nói thêm rằng tác phẩm đã nâng thể loại văn học giả tưởng nước ngoài lên một “tầm cao mới”.
Theo tờ Business Insider, mặc dù chính quyền Bình Nhưỡng chính thức cấm các hình thức giải trí từ nước ngoài như phim, nhạc, nhưng nhiều người vẫn có thể xem bằng nhiều cách khác nhau.
USB có chứa phim thường được nhập lậu vào Triều Tiên qua Trung Quốc. Một cuộc khảo sát với 350 người đào thoát, người tị nạn và khách du lịch Triều Tiên cho biết hơn 90% đã xem phương tiện truyền thông nước ngoài trên đầu DVD.
Ngư dân Indonesia giải cứu gần 100 người tị nạn Rohingya ở Aceh
Những ngư dân ở tỉnh Aceh, Indonesia đã giải cứu gần 100 người tị nạn Rohingya, bao gồm 79 phụ nữ và trẻ em, nhưng chính quyền tỉnh này không muốn nhận những chiếc thuyền tị nạn khi mà Indonesia đang chiến đấu với dịch virus corona. Ngư dân Aceh cho biết với Reuters rằng giải cứu những người Rohingya này là một trách nhiệm đạo đức.
Giới chức Aceh xác nhận những người tị nạn đã được đưa lên bờ vào hôm thứ Năm và được cấp nhà ở tạm. Những người tị nạn được giải cứu hồi đầu tuần và họ neo đậu ngoài khơi, nhưng các quan chức có kế hoạch đẩy họ trở lại biển trên một chiếc thuyền cùng nhiên liệu và thức ăn.
Lazada của Alibaba thay CEO
Lazada, chi nhánh Đông Nam Á của công ty thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc công bố hôm thứ Sáu (26/6) rằng họ thay giám đốc điều hành (CEO) của công ty. CEO kiêm đồng sáng lập Lazada là Pierre Poignant được thay bằng Chun Li, cựu CEO của Alibaba, người hiện là đồng chủ tịch Lazada và đứng đầu các hoạt động của công ty ở Indonesia.
Lazada đã chật vật cạnh tranh với các đối thủ như tập đoàn thương mại điện tử Shopee của SEA có trụ sở ở Singapore, công ty này được hỗ trợ bởi đối thủ của Alibaba là Tencent nhằm kiểm soát thị trường tăng trưởng nhanh chóng của 650 triệu người tiêu dùng.
Trung Quốc muốn thống trị nguồn nước để rồi ‘gậy ông đập lưng ông’
Giấc mơ sở hữu và khai phá tài nguyên nước nhằm dẫn đầu thế giới về công nghiệp điện năng của Trung Quốc có thể bị rơi vào tình thế ‘‘gậy ông đập lưng ông’’.
Thống trị Tây Tạng là thống trị tài nguyên nước
Cao nguyên Tây Tạng là khởi đầu của nguồn tài nguyên nước ngọt trải khắp châu Á, là nơi bắt nguồn của 10 hệ thống sông lớn chảy vào 10 quốc gia: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Miến Điện, Bangladesh, Nepal, Bhutan và Pakistan.
Sáu con sông lớn như Dương Tử, Hoàng Hà, Sông Ấn, Mê Kông, Brahmaputra, Sông Hằng cũng khởi nguồn từ Tây Tạng.
Trung Quốc nhìn thấy được tiềm năng lớn mạnh của việc khai phá nguồn nước từ những con sông bắt nguồn từ Tây Tạng. Điều này giúp hiện thực hoá giấc mơ khai mở kỷ nguyên mới về điện năng của Trung Quốc. Do vậy, Tây Tạng được nhìn nhận là quân át chủ bài trong bàn cờ chính trị của Trung Quốc: Thống trị được Tây Tạng sẽ thống trị nguồn nước và gây sức ép về kinh tế, chính trị lên các nước ở vùng hạ lưu thuộc châu Á.
Quân đội Trung Quốc đã tấn công xâm lược Tây Tạng vào năm 1950 và gọi đây là cuộc “Giải phóng Hòa bình Tây Tạng”. Sau khi hợp nhất Tây Tạng, cấu trúc hội đồng cai trị Kashag và xã hội Tây Tạng được duy trì. Đến khi xảy ra biến động vào năm 1959, hội đồng cai trị Kashag Tây Tạng bị chính quyền trung ương giải tán, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng phải đi lưu vong tại Ấn Độ.
Khi Trung Quốc kiểm soát được Tây Tạng, Trung Quốc đã hoàn toàn kiểm soát khu vực ven sông trên tất cả các con sông lớn chảy ra khỏi cao nguyên Tây Tạng. Khi đó Tây Tạng vẫn là một lãnh thổ còn nguyên vẹn với ít hơn 0,6% tài nguyên thủy điện được sử dụng cho mục đích phát triển. Các công ty thủy điện và năng lượng của Trung Quốc đã vận động chính phủ cho phép xây dựng nhiều dự án thủy điện trên những con sông bắt nguồn từ Tây Tạng.
Hệ thống đập thuỷ điện khổng lồ của Trung Quốc
Trong bảy thập niên qua, Trung Quốc đã xây dựng hơn 98.000 con đập tạo ra 352,26 GW năng lượng, nhiều hơn cả công suất của Brazil, Hoa Kỳ và Canada cộng lại.
Trong Kế hoạch năng lượng của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc 5 năm lần thứ 12 (2011-2015) và Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Bắc Kinh đã phê duyệt các dự án nhằm đẩy mạnh sản xuất thủy điện trên cao nguyên Tây Tạng. Do đó, ngày càng có nhiều các con sông xuyên biên giới bị phá huỷ để đạt được các mục tiêu thủy điện.
Trung Quốc đã xây dựng ba đập thủy điện (Dagu, Jiexu và Jiacha) trên khu vực giữa của sông Brahmaputra. Các đập Dagu (660 MW) và Jiexu (560 MW) đang được xây dựng ở thượng nguồn của sông Tàng Mộc và đập Jiacha (320 MW) ở hạ lưu con sông này – tất cả đều chỉ cách nhau vài km.
Việc xây dựng các thủy điện đó mới chỉ là khởi đầu. Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 11 trạm thủy điện trên dòng chính Brahmaputra và một số trên các nhánh của nó. Huaneng, Huadian, Guodian và Datang – bốn nhóm phát điện lớn – đã cắm rễ ở Tây Tạng. Trong số đó, Huaneng là công trình thủy điện lớn nhất ở Khu tự trị Tây Tạng (TAR).
Hệ thống thuỷ điện này đã huỷ hoại môi trường của cao nguyên Tây Tạng và đẩy khoảng 1,3 tỷ người sống ở các lưu vực sông ở hạ lưu châu Á khốn đốn.
Vỡ mộng thuỷ điện, gậy ông đập lưng ông
Kể từ đầu tháng 6 đến nay, miền nam Trung Quốc đã liên tiếp phải hứng chịu những trận mưa lớn, gây ra tai hoạ cho 8,52 triệu người dân của 24 tỉnh. Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc mới đây đã tổ chức một cuộc họp báo thông báo rằng năm nay họ sẽ tập trung vào “ba rủi ro lớn” là mực nước lũ vượt mức, sự cố hồ chứa và lũ quét.
Lũ lụt ở lưu vực sông Trường Giang (hay còn gọi là sông Dương Tử) cộng với những trận mưa không ngớt ở khu vực trung và hạ lưu con sông này vào tháng 6, khiến đập Tam Hiệp chịu sức ép lớn. Hiện nay, đập Tam Hiệp đang có nguy cơ trở thành bom nổ chậm đe doạ tới 500 triệu dân Trung Quốc.
Quan chức Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc cũng thừa nhận tại một cuộc họp báo vào ngày 11/6 rằng một số đập chứa nước của Trung Quốc đang gặp nguy hiểm ở các mức độ khác nhau.
Tiến sĩ Vương Duy Lạc, một chuyên gia nổi tiếng về vấn đề đập Tam Hiệp, nói rằng nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp vẫn luôn tồn tại. Những người sống ở khu vực từ thành phố Nghi Xương đến thành phố Thượng Hải đều nên di chuyển nơi ở, nhưng họ biết đi đâu? Ngay cả khi họ đã có visa nước ngoài, có hộ chiếu nước ngoài thì họ cũng không thể xuất ngoại được nữa vì đại dịch virus Vũ Hán.
Ông Vương nói: “Trung Quốc có khoảng 100.000 đập chứa nước, nhưng ít nhất hơn 40% trong số đó là không an toàn”. Ông cho rằng việc xả lũ có thể gây hiệu ứng vỡ đập, trong đó một nguy cơ lớn là đập Tam Hiệp.
Tiến sĩ Vương Duy Lạc nói rằng người dân Trung Quốc đang ở trong tình cảnh nguy hiểm, trong khi chính quyền không quan tâm đến sự an toàn của người dân, còn những dư luận viên “50 xu” và “20 xu” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sống từ khu vực Nghi Xương trở xuống, liệu họ có tháo chạy không?
Ông Vương Duy Lạc bình luận, trong 70 năm kể từ khi ĐCSTQ giành được chính quyền, họ muốn kiểm soát điều gì thì đều kiểm soát rất tàn bạo, nhưng duy chỉ có nước là không thể khống chế được, việc trị thuỷ của họ là một vấn đề tệ hại do lòng tham dẫn đến. Ông cho rằng đây đều là kết quả do chính sách của họ gây ra.
Bắc Hàn phong tỏa thành phố lớn vì Covid-19
Các nguồn tin hôm 21/6 tiết lộ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, đợt dịch mới Covid-19 bùng phát tại hai nhà máy lớn ở trung tâm công nghiệp Chongjin của Bắc Hàn khiến các nhà chức trách phải đóng cửa thành phố lớn thứ ba của đất nước.
Đến nay, dù Bắc Hàn vẫn chưa chính thức xác nhận bất cứ trường hợp nhiễm Covid-19 nào, nhưng RFA hồi tháng 1 đưa tin chính quyền đã nói với người dân rằng virus này đã lây lan ở ba vùng của đất nước, bao gồm cả tỉnh Bắc Hamgyong. Chongjin, một trung tâm công nghiệp với dân số 625.000 người, là thủ phủ của tỉnh này.
Một cư dân của tỉnh Bắc Hamgyong đề nghị được giấu tên, nói với RFA rằng kể từ đầu tháng này, virus corona lại lan rộng trong và xung quanh thành phố Chongjin.
“Trung tâm kiểm dịch tỉnh và các cơ quan thực thi pháp luật nhanh chóng áp lệnh hạn chế đi lại nhằm ngăn dịch bệnh lây lan”, một nguồn tin cho biết.
Theo nguồn tin này, đợt dịch mới xuất hiện vào tuần trước, người bệnh là các công nhân ngành thép và xây dựng.
“Được biết khoảng 10 bệnh nhân có triệu chứng là các công nhân tại Khu liên hợp Sắt (Steel Complex), khu thép Kim Chaek (Kim Chaek Iron) và Khu liên hợp xây dựng kim loại thứ hai (Second Metal Construction Complex)”, nguồn tin nói thêm.
“Những khu phức hợp là những cơ sở rất lớn với hàng chục ngàn nhân viên. Các công ty đủ lớn để tự điều hành các bệnh viện, nhưng họ không thể cung cấp phương pháp điều trị thích hợp ngoài việc chỉ cách ly bệnh nhân”.
“Vì một số công nhân nhà máy có các triệu chứng giống như viêm phổi nặng, nên ủy ban tỉnh đã tạm thời đình chỉ hoạt động của các cơ sở này”, nguồn tin cho biết thêm.
Việc phong tỏa không chỉ ảnh hưởng tới người dân ở thành phố Chongjin cũng như tỉnh North Hamgyong. Một người ở tỉnh Ryanggang lân cận chia sẻ, do lệnh phong tỏa nên những ngày gần đây, nhiều người ở đây bị đói, nên phải tới tỉnh ven biển để tìm thức ăn.
“Gần đây, tình hình thực phẩm ở tỉnh Ryanggang trở nên khó khăn, chính quyền từng cho phép mọi người tới các khu vực khác để kiếm thức ăn, nhưng bây giờ việc đến Bắc Hamgyong, đặc biệt là Chongjin, đã bị cấm hoàn toàn”, nguồn tin thứ hai tiết lộ.
Một nguồn tin này cho biết thêm chính quyền Ryanggang đã hoàn toàn ngừng cấp thẻ đi lại cho những người muốn đến Chongjin.
“Ngay cả khi tình hình virus corona nghiêm trọng, chính quyền cũng không cấm chúng tôi đến một thành phố cụ thể nào. Nhưng Chongjin bây giờ là một khu vực không có hoạt động, vì vậy tình hình hiện tại có vẻ nghiêm trọng”, theo nguồn tin thứ hai.
Mặc dù truyền thông Bắc Hàn khá kín tiếng với các tin tức trong nước, nhưng việc chính quyền Chongjin phong tỏa thành phố đã lan đến tỉnh Ryanggang, bất chấp lệnh cấm người dân đi lại.
“Tình hình ở Chongjin thường được thông báo qua điện thoại di động của chúng tôi”, nguồn tin thứ hai cho biết.
“Chúng tôi không chỉ nghe nói rằng, người dân bị hạn chế đi lại, mà cả việc các nhà máy lớn đã ngừng hoạt động cũng đã lan đến Ryanggang”, nguồn tin thứ hai nói.
Cũng theo nguồn tin này, người dân rất khó kiếm sống trong tình trạng như vậy.
“Các nhà chức trách chỉ biết thực thi lệnh phong tỏa mà phớt lờ sinh kế của người dân. Tôi có thể tưởng tượng ra bao nhiêu rắc rối mà người dân Chongjin đang phải trải qua”.
Triều Tiên đã chịu một cú sốc lớn về kinh tế khi Bình Nhưỡng ra lệnh đóng cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn dịch Covid-19. Trung Quốc là nguồn chính cung cấp thực phẩm và các hàng hóa khác cho Triều Tiên, đồng thời cũng là thị trường hàng hóa và lao động lớn nhất của Bắc Hàn.
RFA đã cố gắng liên lạc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm biết thêm thông tin về tình hình dịch Covid-19 ở Triều Tiên nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi tính đến chiều thứ Tư (24/6).
Hôm 25/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kono Taro phát biểu trước báo giới rằng, chính phủ nước ông nghi ngờ Covid-19 đang lan rộng khắp Bắc Hàn và Kim Jung Un đang cố gắng để không bị nhiễm bệnh. Ông Taro nói thêm: “Tư lệnh của lực lượng Hoa Kỳ tại Nam Hàn cũng đề cập đến điều đó, ông tin rằng Covid-19 đã xuất hiện ở Triều Tiên”.
Trước đó, hồi tháng 4, ông Kim Myong, cựu quan chức cấp cao đã đào tẩu khỏi Bắc Hàn nghi ngờ tuyên bố “sạch bóng Covid-19” của Bình Nhưỡng và cảnh báo số người tử vong ở nước này vì virus Vũ Hán có thể lên tới 3 triệu.
Không nên cho là virus corona đã bị triệt tiêu
Theo Le Figaro, tình hình đáng lo ngại nhất là tại các nước khác, đặc biệt ở phía đông châu Âu. Tại Đức, số ca nhiễm tăng lại, nhưng chính quyền đã kiểm soát được tình hình, tại Bồ Đào Nha thì một số biện pháp hạn chế tụ tập và đi lại đã được tái lập ở một số nơi.
Riêng tại vùng Balkan, từ Serbia, Croatia cho đến Montenegro, Bắc Macedonia, số ca nhiễm đã tăng lên trở lại, sau khi chính quyền nhiều nơi bãi bỏ các lệnh giới nghiêm hay hạn chế đi lại và tụ tập.
Một trường hợp điển hình được Le Figaro nêu bật là tay vợt tennis số một thế giới Novak Djokovic và nhiều người khác đã nhiễm Covid-19 sau giải quần vợt Adria Tour tổ chức ở Serbia.