Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc không được coi Biển Đông là ‘đế chế’ của mình
Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 28/6 viết trên Twitter rằng Mỹ phản đối Trung Quốc coi Biển Đông là của riêng mình, đồng thời ủng hộ ASEAN giải quyết tranh chấp trên biển theo luật quốc tế.
“Mỹ hoan nghênh lập trường của các lãnh đạo ASEAN rằng tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế trên biển của mình. Chúng ta sẽ sớm bàn thêm về chủ đề này”, ông Mike Pompeo viết.
Cũng trong bài đăng của mình, ông Mike Pompeo dẫn lại Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” được các nhà lãnh đạo trong khu vực thông qua tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 vào ngày 26/6.
Từ đầu năm tới nay, Trung Quốc liên tục có hành vi khiêu khích trên Biển Đông, trong đó có việc nước này ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là quận hành chính “quản lý” quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam, đơn phương ra lệnh cấm bắt cá, nạo vét và xây dựng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, điều tàu khảo sát theo dõi tàu thăm dò dầu khí của Malaysia.
Giới quan sát cho rằng, chính quyền Bắc Kinh đang lợi dụng dịch Covid-19 để bành trướng Biển Đông. Mới đây, Mỹ cảnh báo việc Trung Quốc tính lập vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển chiến lược này.
Trước đó, Ngoại trưởng Pompeo ngày 2/6 viết trên Twitter rằng Mỹ đã gửi thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc để “phản đối yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông”. Mỹ cũng đề nghị Liên Hợp Quốc chuyển thư này tới tất cả các nước thành viên.
Nhân viên chính phủ phá hủy nhà thờ Trung Quốc, đánh đập giáo dân
Khoảng 200 nhân viên chính phủ Trung Quốc đã đột nhập vào một nhà thờ Cơ đốc giáo ở tỉnh Hà Nam vào đầu tháng này, sau đó phá hủy nhà thờ và đánh đập những tín hữu Ki tô cố gắng ngăn cản họ, tờ Christian Post đưa tin hôm Chủ nhật (28/6).
Sáng 12/6, một nhóm lớn nhân viên công lực ở huyện Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, đã xuất hiện trước nhà thờ Sunzhuang cùng cần cẩu và máy ủi. Họ không trình lệnh khám xét nhưng vẫn tự ý yêu cầu mọi người ra ngoài, sau đó dọn dẹp đồ đạc bên trong trước khi san phẳng nhà thờ thành bình địa.
Hai thành viên nữ trong nhà thờ đã phải nhập viện sau khi cố gắng ngăn cản nhóm người đang “thi hành công vụ”, một trong hai người đã bất tỉnh sau khi bị ném xuống đất. Các nhân viên chính phủ cũng bắt giữ một thành viên nam trong nhà thờ.
Đây là lần thứ hai chính quyền Trịnh Châu đưa người tới nhà thờ Sunzhuang nhằm phá hủy nó. Lần đầu là vào năm 2013 nhưng họ đã không thể thực hiện được ý đồ. Các giáo dân đã ngăn cản quyết liệt và nhóm người của chính quyền đã phải rút lui.
Năm 2012, nhà thờ Sunzhuang đã yêu cầu chính quyền cho xây mới. Sau khi dự án nhà thờ mới hoàn thành vào năm 2013, Sunzhuang nhận được thông báo của chính quyền nói rằng nhà thờ đã không tuân thủ đầy đủ các thủ tục cần thiết để thực hiện dự án.
Chuyên gia về Trung Quốc Massimo Introvigne lưu ý rằng một trong những lý do chính khiến thể chế cộng sản tan rã ở Đông Âu là vì cho phép tôn giáo tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Vì thế để tránh vết xe đổ tương tự, chính quyền Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã thực hiện một chiến dịch đàn áp tôn giáo khủng khiếp nhất kể từ thời Cách mạng văn hóa. Họ đã phá hủy hàng chục ngàn nhà thờ và đền thờ thuộc các tôn giáo khác nhau.
Ông Introvigne còn cho hay, chính quyền Trung Quốc dưới thời Tập đã cho lắp khoảng 300 triệu camera, cùng lúc yêu cầu tất cả người dân Trung Quốc phải cài các ứng dụng nhận diện khuôn mặt và phần mềm gián điệp trên điện thoại để tiện giám sát người dân.
Trung Quốc đe doạ: ‘Nhật tiếp nhận hỏa tiễn Mỹ là không yên với Bắc Kinh’
Quân đội Trung Quốc tuyên bố sẽ không ngồi yên nếu các hoả tiễn tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ xuất hiện trên đất Nhật, đồng thời cảnh báo sẽ tiến hành “tất cả các biện pháp đáp trả cần thiết”, theo SCMP.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói hôm 24/6 rằng không chỉ Nhật mà các nước khác cũng nên nói “KHÔNG” với Mỹ và hành động thận trọng, tính đến hòa bình và ổn định chung.
Ngô Khiêm cho rằng nếu làm được như vậy, các nước sẽ không trở thành nạn nhân trong âm mưu địa chính trị của Mỹ ở khu vực. Ngô Khiêm cũng cảnh báo Tokyo nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định, bởi Trung Quốc sẽ không ngồi yên và tiến hành “tất cả các biện pháp đáp trả cần thiết”.
“Trung Quốc hy vọng Nhật Bản và các quốc gia khác cân nhắc sự ổn định và hòa bình ở khu vực, hành động cẩn trọng và nói không với Mỹ – quốc gia muốn triển khai tên lửa tầm trung trên lãnh thổ các nước – nhằm tránh trở thành nạn nhân của kế hoạch địa chính trị của Washington”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Trong một cuộc họp báo khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách định hướng phòng vệ của họ đã được quy định trong Hiến pháp nước này. “Nhật Bản nên tiếp tục theo đuổi con đường phát triển hòa bình với những hành động cụ thể”, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.
Bình luận của Bắc Kinh được đưa ra sau khi có thông tin nói rằng Mỹ dường như đang cân nhắc triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á sau khi rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga hồi năm ngoái.
Các hỏa tiễn tầm trung được xem là vũ khí nguy hiểm vì bay trong khoảng thời gian ngắn – khiến nó khó bị phát hiện và phòng thủ kịp thời. Ngoài ra, một số tên lửa loại này còn có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang có dấu hiệu leo thang trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang đối đầu trên hàng loạt mặt trận từ thương mại, công nghệ tới quân sự.
Các quan chức cấp cao Mỹ – Trung trong tháng qua đã gặp nhau ở Hawaii nhưng không đạt được bất cứ sự đồng thuận nào liên quan tới việc giải quyết mâu thuẫn, dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ ngày càng rõ rệt giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chuyên gia Lian Degui từ đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải nhận định rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận hỏa tiễn tầm trung được đặt gần họ và quan hệ Trung – Nhật có thể sụp đổ nếu Tokyo cho phép các vũ khí trên trên lãnh thổ.
Phía Trung Quốc cảnh báo sẽ triển khai vũ khí để ngăn mối đe dọa, đồng thời sẽ có các biện pháp trả đũa nền kinh tế Nhật Bản nếu kịch bản trên xảy ra.
Năm 2017, Trung Quốc từng trừng phạt kinh tế Hàn Quốc sau khi Seoul cho Mỹ đặt hệ thống Phòng thủ tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ.