Hai tàu sân bay Mỹ đã khởi động các cuộc tập trận chung ở Biển Philippines hôm Chủ nhật (28/6), một ngày sau khi các nhà lãnh đạo Đông Nam Á mạnh mẽ phản đối yêu sách của Bắc Kinh đối với hầu hết khu vực Biển Đông.
Theo tuyên bố trên trang web của Hải quân Mỹ, hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã bắt đầu các cuộc tập trận nhằm củng cố “các cam kết linh hoạt và bền bỉ” của Mỹ trong các thỏa thuận phòng thủ đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận của bộ đôi tàu sân bay diễn ra đúng một tuần sau khi Nimitz và một tàu sân bay khác, USS Theodore Roosevelt tiến hành các hoạt động diễn tập chung trong khu vực. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, hải quân Hoa Kỳ triển khai cùng lúc 3 tàu sân bay ở trước thềm Biển Đông, và thậm chí còn bất thường hơn khi có hai cuộc tập trận tàu sân bay riêng biệt nối tiếp nhau trong một khung thời gian ngắn đến vậy, theo Japan Times.
“Chúng tôi tích cực tìm kiếm mọi cơ hội để phát huy và tăng cường khả năng và thực lực tác chiến trên mọi phương diện”, Chuẩn Đô đốc George M. Wikoff George Wikoff, chỉ huy tàu sân bay Carrier Strike 5 nói.
“Hải quân Hoa Kỳ duy trì vị thế sẵn sàng chiến đấu trên toàn cầu. Các hoạt động của tàu sân bay kép thể hiện cam kết của chúng tôi đối với các đồng minh khu vực, khả năng chiến đấu nhanh chóng của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, và khả năng sẵn sàng đối đầu với tất cả những lực lượng nào thách thức các chuẩn mực quốc tế làm nền tảng cho sự ổn định khu vực”.
Tờ báo Nhật nhận định, tuyên bố trên về các đồng minh khu vực của sẽ làm gia tăng thêm áp lực đối với Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, chồng lấn với các nước khác gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei.
Hôm thứ Bảy (27/6), trong một tuyên bố do nước chủ nhà Việt Nam ban hành thay mặt cho khối 10 nước trong khối, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết tuyên bố Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) là cơ sở của các tuyên bố chủ quyền trong trong khu vực hàng hải tranh chấp.
Công ước Luật Biển UNCLOS xác định quyền lợi của các nước đối với các vùng đại dương trên thế giới và phân định các vùng đặc quyền kinh tế của các nước đối với tài nguyên năng lượng và thủy sản.
Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 28/6 cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với tuyên bố chung của ASEAN, đồng thời phản đối Trung Quốc coi Biển Đông là của riêng mình.
“Mỹ hoan nghênh lập trường của các lãnh đạo ASEAN rằng tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế trên biển của mình. Chúng ta sẽ sớm bàn thêm về chủ đề này”, ông Mike Pompeo viết trên Twitter cá nhân.
Từ đầu năm tới nay, Trung Quốc liên tục có hành vi khiêu khích trên Biển Đông, trong đó có việc nước này ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là quận hành chính “quản lý” quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam, đơn phương ra lệnh cấm bắt cá, nạo vét và xây dựng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, điều tàu khảo sát theo dõi tàu thăm dò dầu khí của Malaysia.
Giới quan sát cho rằng, chính quyền Bắc Kinh đang lợi dụng dịch Covid-19 để bành trướng Biển Đông. Mới đây, Mỹ cảnh báo việc Trung Quốc tính lập vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển chiến lược này.
Trước đó, Ngoại trưởng Pompeo ngày 2/6 viết trên Twitter rằng Mỹ đã gửi thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc để “phản đối yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông”. Mỹ cũng đề nghị Liên Hợp Quốc chuyển thư này tới tất cả các nước thành viên.