27 nước ra tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc xem xét lại luật an ninh Hồng Kông
- Như Ngọc
27 quốc gia hôm thứ Ba (30/6) đã cùng ký vào một tuyên bố chung gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu Trung Quốc phải xem xét lại luật anh quốc gia Hồng Kông mà Bắc Kinh đã chính thức thông qua.
Các quốc gia ký tên vào tuyên bố chung gồm Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Úc, Canada, New Zealand, Thụy Sĩ và một số quốc gia khác thuộc Liên minh Châu Âu. Mỹ đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền nên không ký vào tuyên bố chung này.
Theo AFP, Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Julian Braithwaite đã thay mặt các quốc gia cùng ký tên đọc tuyên bố chung tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 30/6.
Trong tuyên bố chung, 27 quốc gia đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc và ngày càng gia tăng” về luật an ninh quốc gia mới mà chế độ Trung Quốc mới thông qua. Tuyên bố nhấn mạnh luật này có những ảnh hưởng rõ ràng tới quyền của người dân Hồng Kông.
Việc áp đặt luật an ninh mới này mà không có sự tham gia trực tiếp của người dân, cơ quan lập pháp hoặc tư pháp Hồng Kông “làm xói mòn” nguyên tắc “Một quốc gia, Hai chế độ” đang bảo vệ quyền trị cao độ, các quyền và tự do của Hồng Kông, tuyên bố chung nói.
Các nước cùng ký tuyên bố chung nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông hãy xem xét lại việc áp đặt luật này và hãy khuyến khích người dân, các thể chế và nền tư pháp Hồng Kông tham gia vào ngăn chặn việc làm xói mòn hơn nữa các quyền và tự do mà người dân Hồng Kông đã được thụ hưởng trong nhiều năm qua”.
Theo HKFP, trong ngày 30/6, Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam, trong cuộc họp qua video với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đã lên tiếng bảo vệ quyền của Bắc Kinh được áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông.
Bà Lam nói rằng luật an ninh mới là là chính đáng trước việc leo thang bạo lực “bị thổi bùng lên bởi các thế lực bên ngoài” và “mối đe dọa về các hành động khủng bố”.
Trưởng Đặc khu Hồng Kông cho biết những người trẻ của thành phố này đã bị cực đoan hóa trong việc vận động độc lập và tự trị. Bà Lam nói thêm rằng các nhà hoạt động dân chủ đã kêu gọi các chính phủ nước ngoài áp đặt chế tài lên Hồng Kông.
“Tất cả các quốc gia mà đã công khai lên án Trung Quốc đều áp dụng luật an ninh quốc gia tại nước họ”, bà Lam nói.
“Chúng tôi không thể nghĩ ra bất cứ lý do hợp lý nào giải thích cho việc tại sao chỉ một mình Trung Quốc nên bị cấm ban hành luật an ninh quốc gia để bảo vệ mọi ngóc ngách lãnh thổ và tất cả công dân của mình”, bà Lam nhấn mạnh.
FCC Mỹ chính thức liệt Huawei, ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia
- Xuân Thành
Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) hôm 30/6 đã chính thức liệt Huawei và ZTE của Trung Quốc là các mối đe dọa an ninh quốc gia. Theo đó, các nhà cung cấp viễn thông Mỹ sẽ bị cấm sử dụng 8,3 tỷ USD ngân sách liên bang để mua thiết bị từ hai công ty viễn thông Trung Quốc này.
Biện pháp nêu trên của FCC đã chính thức hóa một quyết định của cơ quan này từ tháng 11/2019. Thời điểm đó, FCC đã nhất trí bỏ phiếu ban hành tuyên bố Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia. Cơ quan quản lý viễn thông của Mỹ này khi đó cũng đã bỏ phiếu để đề xuất yêu cầu các nhà mạng nhỏ ở vùng nông thôn Mỹ “dỡ bỏ và thay thế” các thiết bị của Huawei và ZTE trong các mạng di động hiện tại của họ.
Reuters dẫn lời Chủ tịch FCC Ajit Pai nói trong tuyên bố phát đi hôm 30/6: “Chúng tôi không thể và sẽ không cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc khai thác các lỗ hổng an ninh của mạng di động và gây tổn hại cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của chúng ta”.
“Cả hai công ty này đều có quan hệ gần gũi với Đảng Cộng sản Trung Quốc và bộ máy quân đội Trung Quốc, và cả hai công ty phải tuân thủ sâu rộng luật pháp Trung Quốc, buộc họ phải có nghĩa vụ hợp tác với các cơ quan tình báo nhà nước”, ông Ajit Pai nói thêm.
Tuyên bố của FCC dựa trên hành động ngày càng cứng rắn của chính quyền Trump đối với Huawei – nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc mà Washington cho rằng chúng đặt ra các rủi ro về an ninh quốc gia.
Bộ Quốc phòng Mỹ tuần trước cũng đã liệt Huawei vào danh sách gồm 20 công ty do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát. Ngũ Giác Đài cũng đã thúc đẩy kêu gọi chế tài kinh tế các doanh nghiệp Trung Quốc này.
Tháng 5/2019, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông được sản xuất bởi các công ty đặt ra rủi ro an ninh quốc gia. Chính quyền Trump năm ngoái cũng đã bổ sung Huawei và hàng chục chi nhánh của công ty này vào danh sách đen thương mại, cấm các công ty Mỹ hợp tác kinh doanh với công ty này nếu không được cấp phép. Tháng trước, chính quyền Trump đã tiếp tục ra lệnh cấm Huawei mua chip từ tất cả các công ty trên toàn cầu mà sử dụng công nghệ nền của Mỹ.
Ủy viên FCC Geoffrey Starks hôm 30/6 nói rằng thiết bị “không đáng tin cậy” vẫn được sử dụng trong các mạng di động tại Mỹ. Ông yêu cầu Quốc hội phải phân bổ tài chính để các nhà cung cấp mạng di động tại Mỹ tiến hành thay thế các thiết bị này.
Theo The Epoch Times, mặc dù các công ty cung cấp mạng di động lớn tại Mỹ đã cắt đứt quan hệ với Huawei, nhưng các nhà cung cấp mạng nhỏ hơn ở vùng nông thôn vẫn có xu hướng sử dụng các bộ chuyển mạnh và các thiết bị viễn thông khác của Huawei và ZTE bởi vì giá thành của các thiết bị này thường rẻ hơn.
Hiệp hội các Nhà mạng di động Nông thôn Mỹ, tổ chức đại diện cho các nhà cung cấp mạng với ít hơn 100.000 thuê bao, ước tính rằng 25% thành viên của họ có sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE. Hiệp hội này cũng cho biết họ sẽ cần phải chi 800 triệu USD đến 1 tỷ USD để thay thế các thiết bị này.
Tháng trước, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã giới thiệu ra Thượng viện Mỹ một dự luật cung cấp 700 triệu USD tài trợ để giúp các nhà cung cấp viễn thông Mỹ chi trả cho việc thay thế thiết bị Huawei.
Xuân Thành