Hermann Hesse: Hiền thánh Á đông trong tấm áo Đức

Thái Kim Lan

Với lối viết tài hoa, ngôn ngữ sáng tạo và độc đáo – có khi độc đoán trong lối hành văn và sử dụng ngữ pháp, như nhận xét của vài nhà phê bình văn học – Hermann Hesse đã thành công trong việc xây dựng các truyện cổ tích và nâng cao vai trò của thể loại này trong công cuộc sáng tác văn chương thành những tác phẩm văn học có giá trị.


Tượng đồng Hermann Hesse tại thành phố quê hương Calw (Đức) do nhà điêu khắc Kurt Tassotti thực hiện vào năm 2002 nhân dịp kỷ niệm 125 ngày sinh của ông. Nguồn: flickr.com

Hermann Hesse sinh ngày 2/7/1877 tại Calw/Wuerttrmberg. Sau khi theo học nhiều năm ở trường Cổ Ngữ ở Goeppingen, ông tham gia khóa giảng về Thần học Tin lành vào năm 1891 ở tu viện Maulbronn và muốn trở thành nhà thần học. Nhưng đến năm 1892, ông rời bỏ tu viện, làm nhiều nghề khác nhau. Trong lúc làm nghề bán sách và sưu tầm Cổ thư, ông đã tìm kiếm rất nhiều tài liệu căn bản cho công cuộc sáng tác văn chương của mình. Từ năm 1912, ông dừng lại tại Thụy Sĩ. Năm 1919, ông sống cố định ở Montagnola cạnh hồ Lugan và mất năm 1962.


Iris và các truyện ngắn khác trong Huệ tím là những truyện cổ tích viết theo lối mới của Hesse, xuất bản lần đầu tiên năm 1946 tại Thụy Sĩ trong tập truyện cổ tích mang tên Maerchen.


Lấy tên là truyện cổ tích hay có thể dịch là truyện thần tiên, nhưng truyện cổ tích của Hesse không chỉ dành cho trẻ thơ mà còn cho người lớn và cả người già, truyện thì nghe ra như “xưa” mà lại rất “nay”. Trong cái bình cũ cổ tích, Hesse đổ vào chất rượu mới của thời đại, nồng nàn men say tìm kiếm ý nghĩa đời sống thực sự cho thế hệ của con người Âu châu thời bấy giờ, những con người khao khát cuộc sống tâm linh sâu sắc có thể hóa giải mọi sự xung đột, mọi mâu thuẫn xã hội, để cho con người thật sự “thành nhân”. Với cách sử dụng tài tình yếu tố cơ bản của truyện cổ tích trong mối tương quan giữa người tiên và người phàm hay uy lực siêu hình và khả năng phàm tục, giữa mộng và thực, giữa ước nguyện và cuộc sống thực tại, giữa khổ đau và hạnh phúc… Với lối viết tài hoa, ngôn ngữ sáng tạo và độc đáo – có khi độc đoán trong lối hành văn và sử dụng ngữ pháp, như nhận xét của vài nhà phê bình văn học – Hesse đã thành công trong việc xây dựng các truyện cổ tích và nâng cao vai trò của thể loại này trong công cuộc sáng tác văn chương thành những tác phẩm văn học có giá trị.

Yếu tố Đông phương được sử dụng để đưa các yếu tố thần thoại Tây phương khuôn sáo hay nhàm chán trở thành huyền thoại hơn, tạo một không khí huyền hoặc thu hút say mê người đọc. Hesse trân trọng “cái khác” Đông phương và điều này làm cho tâm hồn Tây phương của ông trở nên cao quý và mới mẻ, qua ngôn ngữ của ông, chân tình người Đức riêng tư được bày tỏ thật sự không một chút vẽ vời giả tạo trong khối tình chung.

Chất sáng tạo trong truyện của Hesse ở chỗ ông đã lấy những đề tài hiện thực trong đời sống, đồng thời cũng là những vấn đề triết học, thi ca, thời sự như việc chiêm ngưỡng một bông hoa đẹp trong Iris (Huệ tím), nỗi thường tình trong tình yêu: Yêu người hay được người yêu (Augustus), hóa thân hay cõi vĩnh hằng (Bích Thảo hóa thân), nghệ thuật thi ca (Thi nhân), thông điệp từ một hành tinh xa… từ đó, với những yếu tố huyền thoại hay thần thoại (nàng Iris, hóa thân của hoa huệ tím; ông già Binsswanger với hộp đồ chơi âm nhạc đã biến điều ước về tình yêu thành sự thật, đã không chết sau khi uống ly rượu có độc, cũng như ngọn lửa thần thoại với các thiên thần nhảy múa… Cũng thế, ánh sáng cho trí tưởng tượng và mộng ảo tung hoành trong Bích Thảo hóa thân, tài biến hóa sáng tạo trong từng phút giây, hoa biến thành bướm, thành chim, thành ngọc quý; người biến thành cây, thành cá, thành voi, thành sông, thành sao trời… – đây là điều thích thú nhất cho trẻ thơ và cả người lớn như trong một màn ảo thuật – Nhà thơ gặp người tiên trong Thi nhân… Hesse xây dựng cốt truyện cho nhân vật của mình với những tình tiết khi rất nên thơ, lúc rất sâu sắc về tâm lý nhân vật, lúc hào hứng dí dỏm với những biến chuyển bất ngờ. Nhưng khác với các truyện cổ tích truyền thống và truyện cổ tích nghệ thuật khác, các nhân vật của Hesse không đi tìm kho tàng hay được lên ngôi vua, làm hoàng hậu, mà lại đuổi theo một lí tưởng thoát tục, hay lên dường tìm chân lý. Lí tưởng này cuối cùng có thể đạt được, nhưng không phải từ một thế lực bên ngoài mà do sự thể nghiệm từ bên trong của mỗi nhân vật, một thứ hạnh phúc được thực hiện trên con đường về nội tâm, một thứ giác ngộ về cuộc sống lấy ra từ những dấn thân thật sự vào chính cuộc sống. Điểm đặc biệt lí thú trong các truyện này là cái đạt được ở đây đều như những vòng Thiên rỗng không, cái “được nhưng không có gì được” vì không có gì để mà sở đắc, nhưng lại là tất cả; một chất thơ, một ngôi sao đôi trên bầu trời, tiếng hát trong hang thẳm, nguồn sống vô tận, cái “tôi” gặp Đại ngã hay Thiên đường chan hòa của tình yêu, ở đây chân lí hừng sáng trong tim.

***

Chất mới trong truyện cổ tích của Hesse, như Winko phân tích, lấy từ yếu tố văn hóa Á Đông mà Hesse tìm lại được như gặp gỡ một tri kỉ từ ngàn xưa, như Hesse tự nhận: “Và rồi chuyện bất ngờ xảy đến cho tôi, kẻ mãi đến lúc ấy chỉ biết về văn học Trung Hoa qua các tác phẩm dịch thơ Kinh thi của Rueckert; qua các dịch phẩm của Richart Wihelm và của một vài người khác, tôi được tri ngộ một điều mà nếu không điều này thì tôi không biết phải sống ra sao nữa: đó là lí tưởng Lão Trang của các nhà hiền thánh. Bay qua hai nghìn rưỡi năm, một niềm may mắn hạnh phúc đã đến với tôi, kẻ không biết một chữ Hán tự và cũng không bao giờ đặt chân ở trên vùng đất Trung Hoa, đã tìm thấy trong văn chương cổ Trung Hoa sự xác nhận linh cảm của chính mình, tìm lại được bầu không khí và quê hương tinh thần, như không có một lần thứ hai trong đời ngoài bầu trời sinh quán và tiếng mẹ.” (Hesse, Tổng tập, 12, tr.281, Suhrkamp xuất bản).

***

Ấy thế mà Hesse vẫn là người Đức trong từng kẽ tóc chân tơ, một người Đức nguyên thủy (urdeutsch). Có lẽ Đức hơn tất cả những người đồng thời với tính nhạy cảm sâu thẳm về thân phận con người, với tâm hồn lãng mạn say mê thiên nhiên và nghệ thuật, và với năng khiếu phân tích đào sâu cũng như hí lộng phê bình nhưng rất trầm lặng và ngoan đạo. Trong suốt các tác phẩm của ông, Hesse vẫn là người ái quốc nhưng không “ồn ào lố bịch”, Hesse vẫn ngoan đạo mà không bao giờ “đàng điếm tâm hồn” như Walther Rathenau nhận xét. Trong Iris, hoa được chọn là hoa huệ, một loài hoa được xem là hoa của phương Tây, đóa hoa mộng tưởng trong vùng quê hương của Hesse, chứ không phải hoa sen; trong Bích Thảo hóa thân, cái cây kì lạ trên Thiên đường là cây tri thức trong huyền thoại kinh thánh Ki-tô, ông lão lùn kì dị trong Augustus là bóng dáng quen thuộc của các truyện cổ tích Đức; trong Thi nhân thì không phải cốt truyện mà là thi ca, ngôn ngữ Hesse vừa là phương tiện vừa là mục đích của người đi tìm đường vào nghệ thuật. Ở đây, yếu tố Đông phương được sử dụng để đưa các yếu tố thần thoại Tây phương khuôn sáo hay nhàm chán trở thành huyền thoại hơn, tạo một không khí huyền hoặc thu hút say mê người đọc. Không bao giờ xem là một món lạ rẻ rúng, Hesse trân trọng “cái khác” Đông phương và điều này làm cho tâm hồn Tây phương của ông trở nên cao quý và mới mẻ, qua ngôn ngữ của ông, chân tình người Đức riêng tư được bày tỏ thật sự không một chút vẽ vời giả tạo trong khối tình chung.

Trong cái bình cũ cổ tích, Hesse đổ vào chất rượu mới của thời đại, nồng nàn men say tìm kiếm ý nghĩa đời sống thực sự cho thế hệ của con người Âu châu thời bấy giờ, những con người khao khát cuộc sống tâm linh sâu sắc có thể hóa giải mọi sự xung đột, mọi mâu thuẫn xã hội, để cho con người thật sự “thành nhân”.

Đọc Thi nhân, Iris, Bích Thảo hóa thân hay Sidharta, độc giả Á Đông ngạc nhiên thích thú là mỗi tình tiết câu chuyện cho ta gặp tác giả người Tây phương này như gặp một người bạn tâm giao, một người thấu rõ ngọn nguồn ta nhưng vẫn giữ bản sắc riêng biệt của ông trong giọng nói, tiếng cười. Chính văn phong sáng tạo, phong phú và sâu sắc, ngữ pháp linh động, súc tích vượt ra mọi khuôn sáo để tạo nên yếu tố thành công trong thi ca của ông. Trong ngôn ngữ của Hesse, những gì “huyền thoại tưởng tượng” lại là cụ thể, và những gì “nắm giữ được” lại là “huyền thoại”, vị “ngọt bùi” là “niềm cay đắng”, “vị đắng cay lại vẫn ngọt ngào” (Rudolf Hagelstange). Bút pháp sáng chói của Hesse có lẽ nằm ở chỗ ông đã sử dụng tài tình điểm mạnh của ngôn ngữ Đức trong công cuộc sáng tác của mình, một ngôn ngữ rất thích hợp cho sự phân tích đào sâu ý thức của phương pháp phân tâm, cho sự diễn đạt những ý niệm trừu tượng, cho sự khám phá những ngõ ngách riêng tư của tâm hồn, cho thế giới mộng ảo, cho nghệ thuật như chính Hesse nhận xét:


“Tiếng Đức và ngôn ngữ nghệ thuật Đức có một tư thế riêng biệt. Về sự súc tích từ ngữ cũng như quy luật văn phạm và các khả năng diễn đạt nghệ thuật, nó xứng đáng được xem là một trong vài ngôn ngữ cao quý nhất của thế giới, đã được các thi nhân và tư tưởng gia vĩ đại triển khai, phong phú và tinh vi hóa. Nhưng nó không có hậu thuẫn của các giới yêu văn, phê bình gia, chuyên môn gia hay người thưởng thức như tiếng Anh, tiếng Nga và các ngôn ngữ khác nằm trong lĩnh vực ngôn ngữ Latinh, mà lại chỉ có một tầng lớp trí thức ít ỏi… Người ta có thể trở thành bộ trưởng, giáo sư hay văn sĩ trong các nước nói tiếng Đức mà không cần phải là người Đức, có nghĩa là không cần có một tương quan thực sự, hồn nhiên, vui tươi và tự tin với chính tiếng nói này.” (Hesse, Tổng tập, 11, tr.287, nhà xuất bản Suhrkamp).

***

Nhưng thành công của Hesse lại là cái khổ cho người dịch tác phẩm của ông nói riêng ngoài cái khổ “dịch thuật” nói chung, nhất là từ một tiếng phương Tây sang tiếng Việt. Hesse cũng đã nhận xét dí dỏm về việc dịch thuật như sau: “Đặc trưng của một bài thơ vần thường bị đánh mất trong bản dịch, ngay cả khi được dịch đúng nhất; trường hợp may mắn nhất là từ bản chính nảy sinh ra một bài mới chỉ còn dính dáng ít nhiều với không khí của bài thơ gốc.” (Hesse, Tổng tập, 11, tr. 332, nhà xuất bản Suhrkamp).


Ý thức về những khó khăn nói trên trong việc dịch tác phẩm từ tiếng Đức sang tiếng Việt, người dịch cố gắng trung thực trong việc chuyển đạt ngôn ngữ, mặc dù lắm lúc câu văn rất “Tây”, với dụng ý để người đọc va chạm với những uẩn khúc của một thuật ngữ có tính phân tích của ngôn ngữ Đức, điểm khác biệt rõ rệt so với tiếng Việt Nam. Có thể nói tiếng Đức là tiếng nói của lí trí phân tích, trong khi tiếng Việt nghiêng về cảm tính trực giác, trong các đoạn diễn tả đường vào nội tâm của các nhân vật Anselm và Augustus, Hesse đã sử dụng tinh vi đặc điểm khúc chiết của tiếng Đức, dịch sang tiếng Việt lắm lúc dài dòng nhưng cần thiết cho độc giả cảm nhận được lối suy nghĩ phương Tây. Khi dịch Thi nhân, các thuật ngữ Á Đông lại được sử dụng theo đúng tinh thần Đông phương trong cách xưng hô theo với tuổi tác và cấp bậc trong gia đình, trong xã hội, một điểm khác nữa không có trông ngôn ngữ Đức.

Hesse đã sử dụng ngôn ngữ Đức như một cuộc đùa bỡn chữ nghĩa tùy theo nguồn suối cảm hứng của con tim. Ngôn từ mọc lên muôn màu muôn vẻ như cỏ cây vạn vật, mặc cho làn sóng tưởng tượng xô đẩy thành câu văn. Ngôn ngữ thoát xác thành tiên, thành người, thành cây, thành chim, ngọc pha lê, là ảo thuật, là sự thật, là “đùa vui”, thật sự “khoái cảm” văn chương, như Thomas Mann đã nhận định.

Khác với những truyện khác, với Bích Thảo hóa thân, Hesse đã sử dụng ngôn ngữ Đức như một cuộc đùa bỡn chữ nghĩa tùy theo nguồn suối cảm hứng của con tim. Ngôn từ mọc lên muôn màu muôn vẻ như cỏ cây vạn vật, mặc cho làn sóng tưởng tượng xô đẩy thành câu văn. Ngôn ngữ thoát xác thành tiên, thành người, thành cây, thành chim, ngọc pha lê, là ảo thuật, là sự thật, là “đùa vui”, thật sự “khoái cảm” văn chương, như Thomas Mann đã nhận định. Trong Bích Thảo hóa thân, lắm chỗ câu văn đang là văn xuôi bỗng biến thành văn vần (ví dụ: Das Glueck ist uebrall, Im Berg und Tall, in Blumen und Kristall: Hạnh phúc ở khắp mọi nơi, trên núi dưới đồi, trong hoa đua nở, trong ngọc sáng ngời) như con chim muôn màu đang chim bỗng thành hoa, đang hoa bỗng thành bướm, đang bướm thành ngọc… Văn phong với óc tưởng tượng như bóng với hình, phơi phới vô cùng vô tận. Hesse đã để ngôn ngữ tuôn chảy theo nguồn suối trực giác và tưởng tượng một cách tự do.


Và chính ở điểm này, truyện thần tiên của Hesse bỗng rất gần với chúng ta, rất gần với cổ tích thần tiên Việt Nam. Tôi nhớ đến con chim “vàng ảnh vàng anh” của cô Tấm, lông chim biến thành khóm măng, vỏ măng biến thành cây thị để “bà hu thị thị, rớt bị bà già, bà về bà giữ chứ bà không ăn”, hoặc những câu nói vu vơ thành vần của những chuyện ngẫu nhiên “bồng bồng cõng chồng đi chơi, đi ngang vũng lội đánh rơi mất chồng”, “ăn trái khế trả cục vàng, may túi ba gang mang đi mà đựng”…


Tôi đã mạn phép dịch Bích Thảo hóa thân khỏi ràng buộc quy luật sát chữ, sát nghĩa hầu bắt được nhịp rung cảm của cổ tích Việt Nam.


Khi đọc và dịch truyện cổ tích Hesse, hơn một lần tôi gặp lại tuổi thơ, trong căn nhà tranh tối mênh mông với ngọn đèn dầu, trong lòng bà nội, vườn sau cửa sổ có thể trời đang mưa hay trăng đang sáng, cứ bắt bà kể chuyện hoài… vào sâu giấc ngủ… phải chăng để mơ thấy “Tướng Mây1”gặp “Hồng Mông2”, “ở vào chốn không vang, đi vào chỗ không phương”, “để chơi bên miền không mối, ra vào không bờ cõi”, nghe “ngược” phương Tây hỏi thầy tường đông3, nẻo về gặp Bụt Việt Nam nhân từ…□

——

[1] Tượng trưng cho trí thông minh (tìm hiểu trong Trang Tử: Nam Hoa Kinh, bản dịch của Nguyễn Hiếu Lê, NXB Văn Hóa, 1994, chương XI.4, “Tại hựu”, trang 260).

[2] Có nghĩa là cái màn lớn, ý nói nguyên khí tự nhiên (Trang Tử: Nam Hoa Kinh, sđd)

[3] Đồng Quách Tử, một người theo Đạo Lão, ở thành ngoài phía Đông nên gọi như vậy, cũng có tên là Thuận Tử. Trong rất nhiều tác phẩm của Hesse, chất Á Đông – cái “khác” đối cực với phương Tây – như đến từ một cõi xa xôi huyền thoại tựa một tiếng chuông vui tìm thấy được lời giải đáp cho những băn khoăn thao thức của con người, đến không phải như một giá trị vật chất hay một sự quý giá kiêu hãnh nào đấy, mà đến như một thoáng gió tươi mát thổi qua nỗi nhàm chán cuộc sống trưởng giả với những lí tưởng đã trở nên rỗng tuếch của thời đại, đến như một vòng mống trời, và trong viễn ảnh hào quang của nó, Hesse vận dụng sức tưởng tượng và sự sáng tạo ngôn ngữ phương Tây để lí hội và diễn tả nó đúng theo với bản chất thật sự của nếp sống Đông phương.

Related posts