Huyện miền núi còn hàng ngàn hộ nghèo vẫn xây tượng đài 48 tỷ đồng

  • Minh Long

Sử dụng tới 70% tiền ngân sách, huyện nghèo Vĩnh Thạnh (Bình Định) đang nhanh chóng hoàn thiện tượng đài 48 tỷ đồng.

xây tượng đài, huyện Vĩnh Thạnh
Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh 48 tỷ đồng. (Ảnh: tienphong.vn)

Truyền thông Việt Nam vừa đưa tin huyện miền núi nghèo Vĩnh Thạnh (Bình Định) đang nhanh chóng hoàn thiện “tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh” 48 tỷ đồng, sử dụng tới 70% tiền ngân sách.

Công trình được tỉnh phê duyệt năm 2019, với phần tượng đài có chiều cao 20m, phần thân tượng đài cao 15,5m và bục cao 4,5m, sử dụng chất liệu đá nguyên khối, được xây dựng ở đồi Lâm Viên (thị trấn Vĩnh Thạnh) trên diện tích khuôn viên hơn 3.000m2.

Tượng đài này được cho là tái hiện cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh hơn 60 năm trước của quân dân hai làng Tơlok, Tơlek, người Ba Na.

Đáng chú ý, trang Dân trí dẫn lại lời nghệ nhân Yang Danh (người đồng bào Ba Na), Chi hội trưởng Chi hội các dân tộc thiểu số, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định nhận xét rằng, nhiều chi tiết điêu khắc của tượng đài chưa phải của người Ba Na.

“Người Ba Na chúng tôi cầm giáo, mác… khi tham gia cuộc khởi nghĩa nhưng trên tượng đài lại cầm búa rìu,… Người Ba Na mặc váy hở chứ không phải váy kín như đồng bằng, hoa văn cũng không phải của người Ba Na. Dáng đứng bắn ná “nỏ” cũng không phải của người Ba Na mà là dáng đứng bắn súng”, nghệ nhân Yang Danh nói.

Còn tờ Tuổi trẻ dẫn lời từ ông Đinh Bá Hòa, nguyên giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cho rằng, Vĩnh Thạnh là một huyện nghèo, dân còn khổ cực, làm một tượng đài gần 50 tỷ thì quả thực quá lớn.

“Tượng đài nằm ở huyện miền núi, vị trí lại không phải di tích (di tích làng Tơlok, Tơlek nằm ở bên kia sông Kôn, trên núi thuộc xã Vĩnh Hiệp) nên chưa biết sẽ hiệu quả như thế nào. Chưa kể kiến trúc tượng đài quá hiện đại, người Ba Na thấy không gần gũi sẽ khó đến nhiều”, ông Hòa nói.

Vĩnh Thạnh là một trong 3 huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định. Trong một bài viết từ Cổng thông tin điện tử Bình Định cho thấy, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 48.240 hộ nghèo và hộ cận nghèo, thì huyện Vĩnh Thạnh đã đứng đầu bảng với 3.750 hộ nghèo.

Mới đây hồi tháng 5, Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Bình Định đã phải tổ chức “Phiên Chợ 0 đồng” để cứu trợ nhu yếu phẩm cho người dân tộc thiểu số tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh,…

Bình Định cũng là tỉnh vừa phải nhận 1.500 tấn gạo cứu đói.

Năm 2019, hạn hán tại tỉnh đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho hơn 11.445 ha lúa vụ Thu, trong đó 481 ha lúa bị chết, 54.809 người dân thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, bão, áp thấp nhiệt đới và gió mạnh trên biển gây ra 67 vụ tàu thuyền bị nạn với 521 thuyền viên. Trong 4 tháng đầu năm 2020, Bình Định tiếp tục đối mặt với tình hình hạn hán gay gắt, 5.165 ha buộc phải bỏ trống, không sản xuất.

Chỉ tính riêng một cơn bão số 5 đổ bộ hồi năm 2019, tỉnh đã thiệt hại sơ bộ là 250 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bình Định là một trong những tỉnh có nhiều tượng đài, mà nổi bật nhất là tượng Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành 118 tỷ đồng mới khánh thành năm 2017,…

Gần đây, dư luận tại Việt Nam tiếp tục bức xúc khi thông tin cho thấy chính quyền tại hàng loạt các tỉnh nghèo tiếp tục xây dựng, khánh thành tượng đài như: Quảng Bình khánh thành tượng 80 tỷ đồng; Quảng Trị muốn làm tranh cố lãnh tụ Cu Ba – Fidel Castro (nhưng giấu kinh phí xây dựng); Quảng Nam xây tượng đài 14 tỷ đồng,…

Minh Long

Related posts