Ngày 3/7, một số người sử dụng mạng đã đăng tải lên các nền tảng xã hội Trung Quốc video cho thấy một số lượng lớn châu chấu xuất hiện ở thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, huyện Giang Thành, thành phố Pu’er, tỉnh Vân Nam và những nơi khác. Châu chấu bay kín trên trời, che phủ dày đặc dưới mặt đất.
Huyện Tuyền Châu, một quận nông nghiệp lớn ở Quế Lâm, Quảng Tây, cũng bị châu chấu tấn công. Từ video được cư dân mạng đăng tải, có thể thấy rằng hoa màu bị cắn nham nhở và thậm chí quần áo của nông dân cũng bị châu chấu phủ kín.
Ông Triệu, một người dân ở thị trấn Thiệu Thủy, huyện Tuyền Châu, Quế Lâm, Quảng Tây, nói: “Mấy cánh đồng của chúng tôi ở đây đều đã bị châu chấu ăn mất. Lá cũng chẳng còn. Tổn thất vô cùng lớn. Năm nay chính là thảm họa châu chấu, trước đây không có, năm nay mới thấy có, chúng tôi trồng dâu, ngô, gạo và đậu nành ở đây. Châu chấu đã ăn hết, kể cả những cây bên dưới cũng bị chúng ăn hết”.
Đầu tháng 6, các tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm đã ra thông báo khẩn cấp để kiểm soát châu chấu. Thông báo cho biết khu vực đất nông nghiệp bị ảnh hưởng quanh Cáp Nhĩ Tân là khoảng 24.631 mẫu. Đàn châu chấu cũng xuất hiện ở vùng ngoại ô của thành phố Giai Mộc Tư và huyện Hoa Xuyên. Khoảng 13,4 hecta đất ở Cát Lâm cũng bị châu chấu xâm hại.
Ngoài ra rất nhiều châu chấu cũng đã xuất hiện ở huyện Ninh Nguyên, thành phố Vĩnh Châu, Hồ Nam. Video cho thấy chúng ở khắp mọi nơi trên các cánh đồng lúa địa phương, trên các bức tường của các ngôi nhà.
Trang NTD có thực hiện phỏng vấn với người dân địa phương.
Phóng viên NTD: “Ở đây không chỉ trồng trà đúng không ạ?”
Ông Trương, một người dân ở thôn Ngưu Lạc Hà, thành phố Phổ Nhị Giang, tỉnh Vân Nam cho biết: “Bây giờ trà, ngô và cà phê được trồng đan xen với nhau”.
Phóng viên: “Bác có rắc thuốc trừ sâu không?”
Ông Triệu: “Vâng, sử dụng máy móc để phun thuốc trừ sâu”.
Phóng viên: “Châu chấu đã xâm hại bao lâu rồi?”
Ông Triệu: “Khoảng chừng ba ngày nay”.
Với lũ lụt ở miền nam Trung Quốc và dịch châu chấu bùng phát ở nhiều nơi, kèm theo đó là một số hành động chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như cho thấy dấu hiệu thiếu lương thực ở đại lục.
Gần đây, Văn phòng Nông nghiệp và Nông thôn Thành Đô Tứ Xuyên đã ban hành một tài liệu để khuyến khích người dân trở về khôi phục việc trồng lúa nước, đảm bảo lương thực. Đồng thời hứa sẽ cung cấp cho nông dân các vườn cây một khoản 3.000 nhân dân tệ mỗi mẫu để đối phó với các nguy cơ liên quan đến lương thực có thể xảy ra.
Các quan chức ở thành phố Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc cũng tiết lộ với đài nước ngoài rằng thành phố đã huy động dân làng trồng trọt và hứa trợ cấp 150 nhân dân tệ cho mỗi mẫu lúa. Tuy nhiên, do thâm hụt nghiêm trọng giữa đầu vào và thu nhập từ nông nghiệp, nhiều nông dân không muốn canh tác.
Ông Vu, một công dân thành phố Hiếu Cảm, Hồ Bắc cho biết: “Một số nơi có trợ cấp. Chúng tôi cũng có trợ cấp ở đây, nhưng trợ cấp rất ít. Trên thực tế, đối với những người có thể làm việc bên ngoài, trợ cấp này thực sự không đáng kể. Một số nơi có thể có trợ cấp tương đối nhiều, nhưng cũng là do diện tích trồng tương đối lớn (nên nhân lên được con số tổng tiền lớn – PV) cuối cùng chúng tôi nhận được rất ít. Nó vô dụng, quá ít tiền trợ cấp, thực sự là không làm tăng được nhiệt tình của nông dân đối với việc trồng ngũ cốc”.
Các quan chức của Cục Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Thành Đô cho biết, việc thực hiện “lùi canh bảo đảm lương” (quay về làm nông nghiệp bảo đảm lương thực) là một nhiệm vụ quốc gia và các tiêu chuẩn trợ cấp ở các khu vực khác nhau là khác nhau.
Giới quan sát cho rằng chi phí sản xuất cao khiến nông dân phải từ bỏ vườn cây và việc trồng lúa vốn ít lợi nhuận, điều này cho thấy dự trữ lương thực của Trung Quốc có thể đang gặp khủng hoảng.
Ông Vu cho biết thêm: “Tôi cảm thấy rằng có thể có một số vấn đề trong nửa sau của năm âm lịch. Lũ lụt trong nửa đầu năm đã là câu chuyện đầy khó khăn rồi. Trong nửa cuối năm, không thể nói rằng sẽ có một đợt hạn hán. Nếu mà thật sự có hạn hán nữa, thì với rất nhiều nông dân mà nói là sẽ bị làm cho ngắc ngoải, đến lúc đó nói không chừng sẽ xuất hiện làn sóngg cướp lương thực. Một khi tình huống đó xuất hiện, thì những người ở dưới đáy xã hội có thể phải chịu đựng nhiều nhất”.
Loại châu chấu lần này là châu chất đất, hầu hết trứng của chúng nằm trong đất qua hết mùa đông, tầm giữa đến cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 và giữa tháng 7 là thời kỳ cao điểm của giai đoạn trưởng thành và cũng là thời kỳ cao điểm về thiệt hại đối với mùa màng. Khi tuổi của côn trùng tăng lên, lực lượng di cư tăng lên và dần dần chúng sẽ lan sang đất nông nghiệp. Nếu không được kiểm soát kịp thời, nó có thể ăn hết những cây trồng lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Dịch châu chấu đang diễn ra trên diện rộng, lại thêm 26 tỉnh thành miền nam Trung Quốc bị lũ lụt bao vây, ảnh hưởng đến việc sản xuất các loại cây lương thực chính như lúa và ngô sẽ là rất lớn. Cùng với việc giảm sản lượng xuất khẩu của các nước xuất khẩu ngũ cốc lớn quanh Trung Quốc như Việt Nam và Thái Lan, giá ngũ cốc tăng, cuộc khủng hoảng ngũ cốc của Trung Quốc xem ra đang tới rất gần.
Theo Trần Hán, NTDTV
Phụng Minh biên dịch