Hồng Kông bị yêu cầu xóa sách, phim, chương trình truyền hình ‘đe dọa’ Trung Quốc

Hải Lam

Một hiệu sách ở Hồng Kông (ảnh chụp màn hình video Coconuts TV/Youtube).

Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, hôm 9/7 đưa tin rằng Hồng Kông phải cấm phim, chương trình truyền hình, sách báo và bài đăng trực tuyến vi phạm luật an ninh mới, cụ thể là đe dọa Trung Quốc, và những người tham gia chương trình hay bán các tài liệu này có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời thư ký an ninh Hồng Kông John Lee Ka-Chiu tuyên bố rằng, luật an ninh đã sửa chữa một số “lỗ hổng”, ví dụ như trao cho cảnh sát quyền hạn mới để “xóa thông tin kích động người khác phạm tội hoặc tham gia vào các tội ác gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.

Ông Lee đe dọa rằng nếu các nhà xuất bản, các nhà cung cấp dịch vụ không xóa những thông tin đe dọa an ninh quốc gia, thì họ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Thời báo Hoàn Cầu cũng đăng rằng, đại diện của bất kỳ tổ chức nào hoạt động tại Hồng Kông hoặc các tổ chức nước ngoài nên cung cấp thông tin cho cảnh sát, để họ có thể “chuẩn bị phòng ngừa trong trường hợp có vấn đề xảy ra”, và “để đánh giá rủi ro đối với an ninh quốc gia”. Tờ báo này đang ám chỉ các công ty công nghệ như Twitter, Google, Telegram vì họ đã lên tiếng từ chối cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền Hồng Kông.

Theo Breitbart, giờ đây, nhiều nhà bán sách và các nhà cung cấp truyền thông lo sợ rằng họ có thể bị truy tố theo luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh vì tội “truyền bá” tài liệu.

“Các hành động của Bắc Kinh tại Hồng Kông đã tạo thành công bầu không khí sợ hãi. Bạn không cần một bộ máy kiểm duyệt hàng tỷ đô la khi không có gì được nói”, người sáng lập trang web theo dõi Trung Quốc GreatFire.org nói với Vice News hôm 7/7.

“Cách thức hoạt động của ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) là, vì nó tùy ý thiết lập các quy tắc và có thể làm bất cứ điều gì muốn, nên nó tạo ra các chủ đề mơ hồ và nhiều người chọn cách thận trọng. Đó là những gì mà luật an ninh quốc gia của ĐCSTQ mang đến Hồng Kông”, nhà hoạt động dân chủ Kong Tsung Gan bình luận.

Rama Jit Singh Chima, giám đốc chính sách châu Á của Access Now, lập luận rằng Trung Quốc cố tình xây dựng luật an ninh mơ hồ, đáng sợ và không tôn trọng các tiêu chuẩn pháp lý mà Hồng Kông có quyền được hưởng, cũng như phớt lờ các luật nhân quyền quốc tế.

Related posts