- Lê Vy
Theo các yêu cầu mới được đề xuất, công chức Hồng Kông sẽ không được phép tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ, phải thề trung thành và ủng hộ bản hiến pháp của thành phố.
Đề xuất đưa ra hôm thứ Tư (8/7) quy định rằng 180.000 viên chức thành phố sẽ phải xác nhận bằng văn bản hoặc tuyên thệ duy trì Luật Cơ bản, đồng thời thề tuân thủ với “đặc khu hành chính đặc biệt Hồng Kông thuộc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.”
Đề xuất này hướng đến những người bắt đầu làm việc từ 1/7, cũng như những người được đề nghị thăng chức hoặc những người có chức trách được cho là “quan trọng” hoặc “nhạy cảm,” theo SCMP.
Phát biểu trong một cuộc họp của Hội đồng Luật pháp hôm thứ Sáu (10/7) để giải thích những đề xuất mới nhất của chính phủ, Bộ trưởng Dịch vụ Dân sự Patrick Nip Tak-kuen cho hay chính quyền Hồng Kông đã “nhất trí về nguyên tắc” rằng các thành viên của những thể chế được tài trợ công khai, gồm các trường đại học, trung học và bệnh viện cũng sẽ phải đưa ra lời hứa tương tự thể theo Luật An ninh quốc gia có hiệu lực từ 1/7.
“Các công chức nên theo đường lối trung lập chính trị, có nghĩa là họ nên ủng hộ nền chính quyền và thực thi những chính sách của chính phủ. Bất cứ sự tham gia nào vào các cuộc biểu tình chống chính phủ chắc chắn là chống lại [những yêu cầu mới],” ông Nip nói, nhấn mạnh rằng yêu cầu này là cần thiết trước việc “những hành động chống chính quyền Hồng Kông và chính quyền trung ương” đã diễn ra trong quá khứ.
Tháng 8 năm ngoái, khoảng 40.000 viên chức chính quyền và người dân đã tham gia một cuộc biểu tình khổng lồ ở khu Trung tâm để ủng hộ những người biểu tình chống chính phủ. Những người tổ chức cuộc tuần hành là thành viên của Liên minh Công chức mới, đã lớn tiếng chỉ trích về những chính sách của chính phủ khi đó.
Tuy vậy, ông Nip không đề cập tới hậu quả của việc không tuân thủ, hoặc những trường hợp liên quan đến vi phạm lời tuyên thệ.
Tại cuộc mít tinh hôm thứ Sáu, nhà lập pháp đảng Dân chủ Roy Kwong Chun-yu đã kêu gọi có những hướng dẫn rõ ràng về hậu quả có thể đối với việc không tuân thủ các yêu cầu mới này.
“Liệu họ sẽ bị khiển trách, bị sa thải hoặc thậm chí phải đối mặt với trách nhiệm hình sự?” ông hỏi.
Đại diện lĩnh vực giáo dục Ip Kin-yuen cũng hỏi: “Luật Dịch vụ Dân sự ràng buộc các hành vi của công chức trong khi làm nhiệm vụ. Vậy ngoài giờ làm việc thì như thế nào?”
Ông Nip không nêu chi tiết cách chính quyền truy nã các trường hợp liên quan đến việc vi phạm lời thề. Ông chỉ nói các quan chức cần có thời gian để xem xét việc liệu có cần thiết củng cố thêm những cơ chế liên quan hay không.
Tuy nhiên, ông nhắc nhở các nhân viên hãy cẩn thận với việc liệu “những hành vi của họ có trái ngược với ý chí chung của chính quyền hay không.”
Nhà lập pháp ủng hộ thể chế Regina Ip Lau Suk-yee tỏ ra ủng hộ quy định mới, cho rằng chính quyền cần mở rộng yêu cầu tới nhân viên tại tất cả các cơ quan công cộng, gồm các trường đại học, trường công lập và Ban quản lý bệnh viện.
“Nếu như các giáo viên mới không tôn trọng Luật Cơ bản, họ nên rời công việc… giáo viên được trả lương cao hơn nhiều lĩnh vực khác. Vì thế không có lý do gì để họ không thi hành chức trách của họ phù hợp với luật mới,” bà nói.
Đáp lại, ông Nip trả lời chính phủ đồng ý về nguyên tắc là nhân viên của các thể chế được tài trợ công khai cũng nên được yêu cầu cam kết trung thành, nhưng các quan chức cần nghiên cứu căn cứ pháp lý sâu hơn trước khi điều này được thực hiện.
Trước khi Luật An ninh quốc gia bị áp đặt tháng trước, ông Nip đã cảnh báo các quan chức nhà nước không tham gia cuộc trưng cầu không chính thức về quyền lập pháp. Ông cũng chỉ ra một trong những nhà tổ chức của Liên minh công chức mới đã ”ngang nhiên huy động” viên chức chính phủ tham gia sự kiện.
Lê Vy (theo SCMP)