Ý kiến độc giả

Tôi là người Việt Nam hay người Úc?

Tôi phải thu thập [consent form] và những dữ kiện của sinh viên năm thứ nhất của sinh viên ngành giáo dục trong giờ giảng với hai nhà nghiên cứu của trường đại học, bởi vì những dữ kiện về ai là người tham gia vào cuộc nghiên cứu sẽ được giữ bí mật và chỉ một mình tôi là người duy nhất biết điều đó thôi. Lớp toàn sinh viên nữ. Theo truyền thống chọn lựa nghề nghiệp, ngành giáo dục hầu như dành cho sinh viên nữ, nam chiếm chỉ ít hơn một phần ba. Số trung niên theo học cũng tương đối, những người đã lập gia đình và có con, nay con đã lớn thì đi học lại. Nhiều người trước giờ chỉ làm công việc dựa trên sức lao động, nay đã quá ngán ngẫm với công việc này nên quyết định đi học lại. Đây là sự khác biệt lớn lao giữa những người phụ nữ ở các nước phương Tây và phụ nữ Việt nam.

Ở Việt Nam, sau khi tốt nghiệp xong bằng phổ thông cấp 3, các học sinh nữ hoặc sẽ ghi danh thi đại học, trung cấp, hoặc tìm cho mình một ngành nghề, hoặc lập gia đình. Những phụ nữ đã chọn cho mình một ngành nghề thì sẽ sống chết mãi với ngành nghề đó, hay là sẽ chuyển sang một ngành nghề khác, chứ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện ghi danh học đại học để thay đổi cuộc đời như tại các nước phương Tây này. Tuy nhiên cũng có một số rất ít người dám can đảm ghi danh học đại học với ý nghĩ sẽ làm thay đổi số phận của mình. ”Can đảm” vì họ sẽ phải đương đầu với những câu hỏi móc méo, sự trêu ghẹo của một số người không tin vào nền học vấn, hoặc nói rõ hơn là sự nghi ngờ của một số người cho rằng với cái lứa tuổi trên 26 là không còn là tuổi học nữa. Những người phụ nữ đã có bằng cấp, đã đi làm và học tiếp thêm bằng thứ hai thì dễ dàng chấp nhận, thậm chí còn thán phục. Nhưng không ai nghĩ đến chuyện khuyến khích một người phụ nữ trung niên, những người phụ nữ làm công việc bằng sức lao động ghi danh học đại học cả, chứ đừng nói gì đến chuyện thành lập những dịch vụ như giữ trẻ ngay trong trưỡng đại học để giúp đỡ họ như những trường đai học ở Mỹ, Úc, và các nước văn minh khác.

Trước khi buổi học bắt đầu, các sinh viên lần lượt giới thiệu về mình, từ đâu đến, tại sao lại chọn ngành sư phạm,… rồi đến lượt các giáo viên. Tôi chăm chú lắng nghe những sinh viên nữ trong lứa tuổi khoảng từ 35-45 giới thiệu về họ. Đây là những người muốn thay đổi số phận và cuộc sống, muốn học để tìm cho bản thân một ngành nghề. Một trong số họ làm nghề quét dọn lao công và quyết định bỏ nghề để đi học ngành sư phạm cho cấp trung học môn Toán và Vật lý. Mọi người đều òa lên khi nghe nói về Toán, và cô ta đã nói là nhiều người cho cô là ngu ngốc [idiot] khi theo học môn Toán. Tôi tin là cô ta sẽ học và sẽ là giáo viên môn Toán sau này, nếu như cô ta có khiếu về Toán, có ý chí và nghị lực. Truyền thống chọn ngành nghề, môn học theo giới tính đã từ lâu ăn sâu bám rể vào đầu óc mọi người. Theo tôi thì những ngành nghề như Công nghệ Thông tin (ICTs), Toán, Vật lý không chỉ để dành cho nam giới mà thôi. Thế nên tôi luôn khuyến khích những học sinh nữ nên chọn ngành Công nghệ Thông tin (ICTs) để học, để chứng tỏ là phụ nữ có thể vươn lên trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Tôi là người giới thiệu về mình sau cùng. Khi tôi nói “I am Vietnamese (tôi là người Việt Nam)….”, một vị giáo sư đã cắt lời “Now you are Australian” (Bây giờ cô đã là người Úc)… “Well, I am Australian now, but I came from Vietnam in …” (À, bây giờ tôi là người Úc, nhưng tôi đến từ Việt Nam năm…). Bà giáo sư thường hay nhấn mạnh tôi là người Úc trước đám đông, trước sinh viên Úc và thường hay kể lại cuộc đời gian nan khổ cực của tôi để trở thành một cô giáo trường TAFE college, và bây giờ là trợ giảng và cũng là project manager cho một dự án nghiên cứu về [mental models] (dịch nôm na là tâm thức) trong việc học của sinh viên. Có lẽ lý do bà giáo sư nhấn mạnh tôi là người Úc chỉ vì tôi làm trưởng ban nghien cúư (project manager) cho một đề án nghiên cứu hơn gần cả ngàn sinh viên Úc theo học các ngành khác nhau như giáo dục học, kinh tế thương mại, nghệ thuật, kỹ thuật… Thế nên bà muốn tôi được kính nể, một sự đồng tình của dân bản xứ. Bà giáo sư e rằng sẽ có một vài người nào đó lên tiếng phản đối là tại sao lại để cho một tên Việt Nam da vàng mũi tẹt đi làm những cái nghiên cứu về tư duy [cognition], [metacognition], [mental modes] của người Úc.

“I am Aussie”, “I am Australian”. Tôi cảm nhận rõ rệt được sự khác nhau khi tôi là người Úc và khi tôi là người Việt. Là người Việt Nam ở Việt Nam, xin được giấy thông hành đi chơi ở các Là người Úc, sống tại Úc, vói một nền tự do dân chủ, tôi hoàn toàn có tự do về đời sống cá nhân, không e dè ngần ngại khi nói chuyện như ở Việt nam. Tôi là người Úc trong cung cách làm việc, nhưng mặt mũi, vóc dáng của tôi hoàn toàn là người Việt Nam, suy nghĩ của tôi trên một số quan điểm nào đó vẫn còn thuần suy nghĩ Việt Nam. Là người Úc mà tôi có thể dễ dàng kiếm việc làm vì rất nhiều công việc hiện nay chỉ dành cho người Úc. Nói gì thì nói, thích tôi là người Úc trong con mắt cộng đồng của dân Úc, nhưng thực chất, tôi vẫn là người Việt da vàng mũi tẹt. Và tôi tự hào mình là người Úc gốc Việt Nam, tự tin vào bản thân, trọng chữ tín.

Tôi là người Úc nhưng nhưng đầu tôi luôn nhớ về Việt nam. Tôi viết nghiên cứu bằng tiếng Anh nhưng lại thích trải lòng mình qua những đêm thao thức viết tiếng Việt. Tôi sống ở Úc, một thời gian tương đối dài. Tôi học và làm, làm và học trong thời gian đó, không ngừng. Tôi chỉ nói tóm tắt về công việc làm của tôi trong thời gian sống ở Úc này, nhưng bà giáo sư đã tiếp lời kể lại câu chuyện thời gian tôi làm ruộng khổ cực tại Việt Nam, việc Cha tôi làm việc cho chế độ miền Nam Việt Nam và thế rồi tôi không được bước vào ngưỡng cửa đại học khi tốt nghiệp cấp 3, phải đến khi qua khi qua Úc khi tuổi đời trung niên tôi mới có thể nộp đơn xin học để rồi có cái bằng đại học.

À, bà giáo sư biết được đây là phần gây ấn tượng cho các sinh viên, nhất là các sinh viên nữ giới trung niên. Vì họ sẽ nhìn tôi như là một kiểu mẫu, nếu tôi đã thành công ở nước Úc này sau hơn mười mấy năm rời học đường, thì họ cũng sẽ thành công nếu như họ có ý chí quyết tâm. Và quả đúng như vậy, khi chỉ còn riêng tôi trong phòng với sinh viên, nhiều sinh viên nữ đã nói chuyện với tôi về mơ ước của họ.

Lòng tôi dấy lên một nỗi buồn về thân phận những người phụ nữ ở Việt Nam đã cùng hoàn cảnh với tôi trước đây nhưng không có cơ hội như tôi. Ước gì, họ cũng may mắn như tôi, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Trang Nguyen

GÓP Ý VỀ VISA VỢ CHỒNG

Trong số báo thứ sáu tuần vừa qua. Có bài hướng dẫn Thực Tập Phỏng Vấn Visa Vợ Chồng của Ls Lê Đức Minh, gồm có 100 câu hỏi nháp để gọi là thực tập cho những nguyên đơn bảo lảnh theo diện Visa vợ chồng. Điều nầy thì tôi cũng có nghe người ta nói tới nhiều rồi, nhưng tôi cũng không ngờ nó là một thực tế đang xảy ra.

Đọc xong bài báo, tôi liền copy gởi về bên Việt Nam, cho người bạn trai của tôi lo học thuộc, để khi phỏng vấn mà biết trước để còn trả lời cho đúng. Nhưng người bạn trai của tôi ổng lại than, như vầy chắc anh học tới khi em có bầu rồi mà vẫn không sao thuộc nỗi “Vì nó có tới hai ngôn ngữ lận em ơi!”.

Hồi mới quen anh, tôi đã thuộc nằm lòng câu “củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ xài”, nào ngờ gặp phải trường hợp như vầy làm cho tôi nản quá luật sư ơi. Rồi từ cái chuyện đó, tôi lại nãy sanh ra chuyện khác. Tôi tự hỏi nếu Bộ Di Trú có hồ nghi bộ hồ sơ bảo lảnh nào, thì phải điều tra cho tới bến, chớ còn một khi đã nhận đơn, nhận đóng tiền bảo lảnh lên tới hơn 5 ngàn rồi. Bây giờ lại giỡ quẻ ra phỏng vấn, thì như vậy mấy người “khờ” như bạn trai của tôi thì phải làm sao để chui qua cái lỗ nầy cho lọt?

Đâu có làm cách nào mà học một lúc cho thuộc tới 100 câu hỏi mẫu đó. Chưa nói tới cái việc còn biết bao nhiêu câu hỏi khác mà không nằm trong số 100 câu hỏi mẫu nầy. Vậy luật sư; cũng như nghiệp đoàn luật sư Úc có thể nào đạo đạt nguyện vọng của chúng tôi, đã cho bão lãnh theo diện vợ chồng rồi, nhận tiền lệ phí rồi thì kể như Hồ Sơ đó đã hoàn tất, chớ còn bắt bẻ thì chúng tôi biết phải làm sao.

Chỉ có một tuần lễ vừa qua, mà bạn trai của tôi âu sầu thấy rõ, một chút là ổng điện thoại qua than “Em ơi, nếu thấy không được thì tìm cách mua vé máy bay trở về bên đây, anh đẹp xe ba gác nuôi em cũng được nữa mà”. Nghe ổng nói mà tôi càng thêm tội nghiệp, nên mới làm gan mà viết lá thơ nầy. Mong ông chủ báo cho đăng lên mục Ý Kiến Bạn Đọc. Trước là để gióng lên một hồi chuông, sau nữa nếu người nào có cảnh ngộ như tôi, thì để cho người ta có dịp lên tiếng.

Thiệt tình ở giá lỡ thời thì cũng khổ, mà lập gia đình trong lúc nầy cũng khổ quá trời ơi, nhưng bây giờ gạo đã nấu thành cơm rồi, nếu không tiếp tục tới luôn thì lỡ cỗ. Còn tới luôn như vầy thì trong bụng lại không yên, lúc nào cũng nghĩ tới khi đi phỏng vấn, người ta sẽ bươi móc ra thêm những chuyện ngoài lề. Tại sao hồi nhận đơn, họ không xét duyệt cho kỹ càng, rồi mới nhận tiền lệ phí. Đằng nầy tiền thì họ lấy cất vô tủ sắt rồi, bây giờ nếu bạn tra của tôi trả lời sơ hở thì hồ sơ sẽ bị xù, còn tiến đóng trước kia thì bị mất luôn!

Quả thật một nước Úc Đại Lợi Tự Do, nhưng trong đạo luật Hồ Sơ Bảo Lãnh Vợ Chồng. tôi thấy nó còn nhiều điều khuất tất. Hy vọng Ls Lê Đức Minh sẽ đọc được mấy dòng nầy, để rồi sau đó coi có thể giúp đỡ được điều gì cho bà con mình hôn. Trước khi dứt lời, tôi xin gởi lời cám ơn đến ông Ls Lê Đức Minh đã bỏ công ra soạn hoặc sưu tập 100 câu hỏi đã đăng trong số báo vừa rồi. Nhìn 100 câu hỏi mà mắc no ngang, chớ đừng nói chi học thuộc./-

Trần Thị Thu Hà

Ngựa Về Ngược Ông Ơi

Trên số báo tuần rồi, phát hành ngày 21/8 vừa qua. Nhà bình luận thời cuộc là ông Phạm Đức Đồng Hùng có viết bài với tựa : Trump Sẽ Thua và yếu tố Murdoch.

Trong bài viết nầy tác giả đã phân tích rất kỹ khi dựa vào một sử gia ở bên Hoa Kỳ là ông Allan Lichtman ở Washingtin DC cho rằng ông Donald Trump sẽ thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới …

Tất cả lý do trong bài viết, đều dựa vào sự kiện kết quả thăm dò hiện nay. Ông Joe Biden được 53%. Ông Donald Trump thì chỉ có 42%. Một con số chênh lệch tuy không lớn. Vì từ đây tới ngày bầu cử là ngà 3/11. Ông Trump có thể lật ngược thế cờ. Vì ông Trump có thể vận động với cử tri, đưa ra những chương trình thiết thực để phục hồi nền kinh tế, khi đã kiến tạo được công ăn việc làm đời sống cho người dân, mà tổng thống Trump đã chứng minh được qua nhiệm kỳ 4 năm vừa rồi. Từ chỗ nước Mỹ mang công nợ do ông Barack Obama để lại ngập đầu, cho đến chỗ thặng dư, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ.

Còn cơn dịch Covid-19 nầy đã xảy ra không chỉ riêng cho nước Mỹ, mà nó đã xảy ra khắp cả thế giới lận mà, làm sao trút lên vai ông Trump cho được. Tất cả mọi công dân Mỹ, phải ý thức được điều đó, để cùng chung tay dập tắt cơn dịch đã xảy ra. Chớ không phải lấy cớ Black Lives Matters rồi làm loạn. Còn đảng Dân Chủ kỳ nầy đề cử ông Joe Biden ra ứng cử chức tổng thống. Ông Joe Biden đưa bà Kamala Harris ra “làm phó tướng”. Bà Harris là người da đen. Cha bà là người Jamaika. Mẹ bà là người Ấn Độ. Tại sao phải như vậy? Ông Obama người gốc Kenya đã làm tổng thống hết 2 nhiệm kỳ 8 năm rồi, chưa đủ sao? Bây giờ lại muốn them một tổng thống da đen nữa. Vì ông Joe Biden nếu có đắc cử, vì tuổi già nên không thể đảm đang việc nước. Tới chừng đó thì sao? Thì ông sẽ trao quyền lại cho phó Tổng Thống như trong luật pháp đã quy dịnh.

Cá nhân tôi nhận thấy bài viết của ông Phạm Đức Đồng Hùng dựa trên 13 vấn đề của 13 câu hỏi dành cho hai ứng viên với lời đáp đúng hay sai. Điều nầy theo tôi thì kết quả cũng không phải chắc chắn như đinh đóng cột. Vì nó chỉ là một cuộc trả lời trong lúc phỏng vấn mà thôi. Chớ thật sự một ngân sách quốc gia, còn phải chịu trải qua bao nhiêu cửa ải khác nữa.

Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần, thì 13 câu hỏi đó cũng có câu quan trọng và thực tế tới đời sống người dân. Cũng có câu phải đợi tới vài ba đời tổng thống nữa mới mong thực hiện. Nhưng điều quan trọng trong lúc nầy, là người dân Mỹ muốn gì ở tương lai? Ông tổng thống của họ phải làm gì trong những ngày sắp tới…

Với tôi; rất mong ông Trump đắc cử thêm nhiệm kỳ nầy. Không phải để cho ông “uýnh Trung Cộng”, hay trừng phạt Trung Cộng bằng cách áp thuế hải quan, mà tôi chỉ mong mỏi “chánh quyền Trump” để mắt canh chừng Biển Đông, cho ông Trung Quốc đừng có lấy hết Biển Đông để làm thành một cái ao nhà, mà hiện nay “họ” đã và đang nạo vét bồi đắp hết chỗ nầy rồi tới chỗ kia. Nếu nước Mỹ không có tổng thống Trump, liệu tổng thống khác có dám nói, dám làm hay không, hay làm lơ để cho Trung Quốc ỹ mình là một nước lớn rồi đi ăn hiếp các nước nhỏ…

Còn việc trông Mỹ đánh lộn với Trung Quốc thì việc đó không bao giờ xảy ra đâu. Bởi không ai dại gì mà đi bấm nút nguyên tử để rồi tự sát. Không phải một nước, mà còn rất nhiều nước nữa sẽ chết theo. Chỉ có một chánh sách ngăn chận hữu hiệu, và dám làm. Đó là siết mỏ, siết mòm của ông Trung Quốc lại. Trên đây là những lời thô thiển để đóng góp vào trang ý Kiến Bạn Độc cho vui, chớ tôi đâu dám múa riều qua mắt thợ ./-

Lê thanh Hùng Bankstown

Góp ý về nội dung tờ báo

Trước tiên tôi xin tự giới thiệu. Tôi là Trần Thị Thu Hà cư dân của miền Tây – Nam khu phố Cabramatta. Hai vợ chồng của chúng tôi là độc giả trung thành của tờ báo Việt Luận kể từ khi ông Gia Du mới làm chủ bút.

Từ đó cho đến ngày nay, đã trải qua bao nhiêu đời chủ. Nhưng hai vợ chồng chúng tôi vẫn đọc tờ Việt Luận. Hôm thứ Sáu tuần nầy, tức là ngày 7/8. Tôi đã thấy chồng tôi cứ lật mấy trang báo hoài mà không chịu đọc. Tôi hỏi: “Vậy chớ tía thằng Cu muốn tìm cái gì ỏ trong đó vậy?” Ổng mới trả lời: “Tôi tìm trang “Ý Kiến Độc Giả” bà ơi”. Tôi mắc cười quá, nhưng nín lại, rồi đưa ngón tay ra chỉ: “Nó đang nằm ở trước mặt ông đó…”

Chồng tôi lại lầm bầm “Mắc dịch cái thằng chủ báo. Không chịu làm khổ lớn như hồi trước (Frame). Làm khổ nhỏ hại tui, mắt mũi mấy thằng già bây giờ thì như vậy đó”. Tôi xin đề nghị: Làm cái sườn (Frame) lớn một chút, Font chữ Ý Kiến Độc Giả lớn hơn một chút, chớ làm khổ nhỏ như vầy, nó nằm trơ trơ trước mắt mà cứ lật tìm hoài.

Tới trang THÔNG BÁO CỘNG ĐỒNG thì cũng vậy. Có chút nị mà làm sao tìm thấy. Trong tờ báo; có khi trang đó cần thiết cho người nầy mà không cần thiết cho người kia. Riêng hai vợ chồng của chúng tôi thì khoái đọc trước 2 trang nầy, để coi số báo nầy bà con độc giả của mình có ai có ý kiến ý cò gì không? Còn trang Thông Báo Cộng Đồng là để theo dõi sự sinh hoạt cũng như sự làm việc của ông Chủ Tịch Cộng Đồng và các đoàn thể hoạt động chánh trị hiện giờ ra sao cái đã. Bởi hai vợ chồng tôi có ý định, là nếu tới kỳ bầu cử dân biểu chiếc ghế Hạ Nghị Viện ở Fairfield. Ông Paul Huy Nguyễn có ra tranh cử, thì chúng tôi hết lòng ủng hộ.

Vì ông chồng tôi ổng từng nói, đã tới lúc cộng đồng người Việt của mình đang sinh sống tại NSW, phải cần có một người đại diện ở trong quốc hội. Rồi ổng nhận xét thật lòng. Vi hai đứa chúng tôi chưa có quen biết với ông Huy. Nhưng chồng tôi đã từng khen, là ông Huy một người năng nổ, biết nhận lãnh trách nhiệm của mình ở chức vụ Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt NSW. Hơn thế nữa; ông Huy đã giỏi tiếng Anh, còn tiếng Việt thì vốn liếng từ ngữ đầy một bồ. Nếu cộng đồng của mình mà đồng lòng ủng hộ, thì đó cũng là một thời cơ mà từ trước tới nay chưa hề có. Những lời mà tôi vừa viết ra đây, là do cái sự nhận xét của chồng tôi. Bởi ổng là một người ít nói. Vậy mà hôm nay ổng nói, thì “thời cơ” đã đến rồi. Không biết chừng nào mới tới ngày bầu cử Hạ Nghị Viện của tiểu bang NSW mình đây.

Tôi còn một việc nầy nữa, xin ông chủ nhiệm Phạm Hoài Nam cho tôi trình bày luôn. Số là mấy tuần rồi trên báo Việt Luận số đực, số cái tường trình về mấy trận “đá banh” của mấy đội tuyển bên Anh quốc mà không có ghi ngày giờ của trận đấu. Thật tội nghiệp cho chồng tôi, ổng phải bấm trên Youtube ngồi coi. Nhưng trên đó phần đông chỉ Hightline thôi, nên ổng coi mà tức.

Chớ còn hồi trước kia cũng trên tờ Việt Luận, hễ hôm nào mà có trận banh của hai đội “dữ” đụng nhau, thì tôi thấy ổng tối lo đi ngủ sớm, vặn đồng hồ ré canh giờ. Khi thức dậy thì lo đi nấu nước pha cà phê, rồi ngồi mở cái TV lên coi như một tín đồ ngoan đạo. Có lần tôi đứng rình một lát, thấy ổng buột miệng la lên. Ối nó vào rồi. Ui da, sao mà chưa vào, thì ra trái banh đó bị ông trọng tài bắt là “việt vị”…

Thấy thương quá, tôi bèn ngồi xuống cho có bạn. Coi thét thành ghiền. Trưa ngày hôm qua, tôi với ổng mở Youtube lên coi. Trận then chốt giựt cúp giữa Arsenal Vs Chelsea hai bên đều tung quân dữ dội. Kết thúc tận đấu. Arsenal thắng 2/1 ẵm Cúp quốc gia rất ngon. Mầy lời thật tôi đã viết ra đây, rất mong được ông chủ báo lưu ý./-

Trần Thị Thu Hà

XIN PHÚC ĐÁP THẦY SƯ PHƯỚC LONG XÁ LỢI

Thưa thầy Sư Phước Long Xá Lợi:

Tôi rất ngại ngùng khi viết ra những lời nầy, Vì trang “Ý KIẾN ĐỘC GIẢ”. Tôi đã từng nuôi dưỡng nó, đã từng nói với chủ nhiệm Phạm Hoài Nam là trang Ý Kiến Độc Giả phải tuyệt đối khách quan, phải tuyệt đối tôn trọng mọi bài viết. Người viết phải chịu trách nhiệm về bài viết của họ. Người phản biện lại cũng phải ở trong tinh thần hòa nhi bất đồng, chớ không thể làm sức mẻ tình cảm với nhau.

Tôi xin phân tách ra từng phần trong bài viết của tôi là bài (Những bước chân khất thực hiện giờ ở khu phố Cabramatta NSW). Đây là những hình ảnh“Khất Thực” đã có từ lâu rồi, nó đã có từ thời năm 2013 lận. Khi đó chẳng những “họ” dán rất nhiều bố cáo “Coi Chừng Thầy Chùa Giả” cùng khắp cả phố Cabramatta. Đồng thời trong lúc đó có một vị Thượng Tọa trong Giáo Hội Phật Giáo Úc Châu lên đài SBS Ban Việt Ngữ nói về vấn đề nầy (tôi xin miển nêu tên vị thầy nầy vì không cần thiết).

Thầy Phước Long Xá Lợi nói đúng: Thầy Thích Đức Tánh lúc đó có viết một bài trình bày nguyện vọng của Thầy “là Thầy sẽ tự thiêu”. Đọc bài báo xong, tôi liền viết một bài báo dài khoảng chừng 2 ngàn chữ, để trình bày với mọi người rằng đây là một xứ sở tự do, đi Khất Thực hay đi xin ăn cũng là quyền tự do của người ấy, không ai có quyền hăm dọa, hoặc xúc phạm đến cá nhân người đó. Ngoại trừ Giáo Hội Phật Giáo Úc Châu, họ mới có quyền xem lại coi “nhà sư” đó thiệt hay giả mà ôm Bình Bát đi Khất Thực như vậy …

Qua tuần lễ sau, thì ông Nguyễn Văn Đức bạn tôi, cũng là bạn của thầy Thích Đức Tánh, gặp tôi tại Cabramatta nói: “May quá, nhờ cậu viết bài báo mà ông Tánh mới tỉnh trí hồi tâm, chớ thôi ông ta cũng dám tẩm xăng làm thiệt lắm”. Bài báo bây giờ không còn nằm trong máy của tôi, nhưng nội dung sẽ là như vậy …

Tôi xin xác nhận với thầy Sư Phước Long Xá Lợi một cách chắc chắn: hình trong bài viết của tôi là một ông thầy khác. Khi đó tôi có cúng dường $5, thầy đó có móc trong túi áo đưa cho tôi tấm card rồi nói “Mời anh tới ngày đó … đi lại (Tịnh xá hay Chùa gì đó ở Canley Heights mà tôi đã quên) ăn bún chay” (hay cái gì chay đó tôi cũng quên luôn).

Ông sư nầy còn trẻ tuổi hơn sư Thích Phước Tánh, thấp hơn Thích Phước Tánh, gương mặt tròn hơn Thích Phước Tánh, dáng đi lẹ hơn Thích Phước Tánh. Nhưng rất giống, không phải có một mình Sư Phước Long lầm, mà cả mấy người bạn của tôi họ cũng lầm luôn. Đến khi ngồi uống Café tại quán chỗ đầu hẽm Bầu Trường dòm ra, khi ông thầy nầy đi ngang tôi chỉ, thì mấy người bạn tôi mới xác nhận sao mà giống quá …

Cái đặc biệt của hai ông sư nầy khác nhau ở chỗ là: thầy Thích Đức Tánh khi đi Khất Thực không bao giờ đội mão. Còn ông sư trong tấm hình của bài viết của tôi thì có đội mão đàng hoàng. Trong ngày hôm đó, tôi có chụp 5 tấm hình của mấy nhà sư đi Khất Thực, trong đó có một tấm Ni Cô …

Tôi nói một cách thật lòng, và viết với lương tâm của người đã từng viết trên 20 tác phẩm và rất nhiều bài báo trên Việt Luận, và bên Mỹ, Canada đã chiếm 2 giải Văn Học trên tờ Làng Văn Canada, một giải trên tờ tuần san bên Mỹ. Khi tôi cúng dường cho Ni Cô $5, mãi cho đến hôm nay tôi mới biết tới pháp danh của Ni Cô là Thích Tịnh Hạnh, nhờ bài viết của thầy Sư Phước Long trên báo Việt Luận.

Tôi xin nói thật lòng và kính trọng: trong ngày hôm đó tôi có cúng dường cho Ni Cô, bằng tất cả tấm lòng của một người Việt tha hương tỵ nạn. Khi tôi đã nhìn thấy những bước chân trần trong mùa đông lạnh lẽo thấu xương, với động tác của một Sư Cô ôm Bình Bát đi Khất Thực, rồi lòng tôi tự hỏi “Tại sao phải như vầy? Sao không mang giép, mang giày cho đỡ lạnh”. Chớ tôi cũng không biết rằng, cái “hạnh” Khất Thực thì phải đi như vậy. Nhưng thôi, đó là việc của nhà tu, họ thường phải thi hành đúng theo luật định của nhà chùa.

Khi viết bài báo nêu trên, tôi có tham khảo Tạp Chí Thư Viện Hoa Sen bên Hoa Kỳ để viết ra bài báo. Trong đó tôi có việt cái hạnh đi Khất Thực Bình Bát phải bằng đất nun, chớ không được bằng bình kim khí rồi sơn đen lại, và chỉ có đi xin  7 nhà thôi bất luận giàu hay nghèo. Khi nhận được của bố thí chừng nửa Bình Bát thì ngưng, để còn quay về chùa làm lễ (những lời trên là do nhớ tôi viết ra, chớ tôi không có chép y trang lại bài viết cũ. Vì đó là cái tật lớn của tôi. Ít có khi nào tôi chép lại nguyên văn của ai. Ngoại trừ có vài mẫu tin bắt buột).

Còn việc tôi đau xót cho những bước chân trần của Ni Cô, là một sự cảm thông của một con người đối với con người. Cho tới bây giờ, hình ảnh Ni Cô là một hình ảnh rất lớn đối với tôi khi tôi ngồi viết mấy dòng nầy, nên tôi không có lý do gì mà bôi bát. Tôi xin nói thật, bài viết vừa rồi có liên quan đến Những Bước Chân Khất Thực ở Phố Caramatta NSW, là một bài viết làm cho tôi mất ngủ. Không phải là một bài viết hay, mà nó là một bài viết có đụng chạm tới niềm tin Tôn Giáo của nhiều người lẽ ra tôi phải tránh. Nhưng tôi phải viết, vì trong mùa (dịch bịnh) như thế nầy mà mỗi ngày tại phố Cabramatta đã có bao nhiêu người ôm Bình Bát đi Khất Thực? Như vậy thì ai thiệt ai giả đây? Thầy chùa ở đâu mà nhiều quá vậy? Nếu chẳng mai họ bị bịnh, rồi mang mầm bịnh về chùa thì phải làm sao? Hơn nữa; hơn 7 năm qua rồi, sao cái nạn ôm bình bát đi như vầy vẫn còn tiếp diễn, hay là những ông sư giả nầy thấy đi xin cũng dễ ăn, nên họ làm như vậy là một cái nghề. Bao nhiêu câu hỏi đó cứ hiện về trong bữa ăn, trong giấc ngủ. Cuối cùng thì tôi phải viết …

Còn thầy Sư Phước Long Xá Lợi nói. “Vì có 2 tấm hình đăng trên báo quá rõ ràng nên vài nhân vật bị hình đưa lên có thể sẽ kiện người viết vì ảnh hưởng tới cá nhân theo Pháp Luật của Úc”. Điều nầy Thầy nói rất đúng. Tôi rất cám ơn Thầy. Nhưng cũng cần phải nói thêm, nếu là một người dân bình thường thì tôi hoàn toàn không dám, còn nếu họ là những người của công chúng (public figure) thì việc đăng hình chắc có lẻ cũng bình thường. Nếu những người mà được đăng hình không đồng ý, thì tôi chỉ cần đăng vài dòng trên tờ báo xin lỗi rồi thôi. Chớ còn nói tới việc thưa gởi về tội “defamation” thì chỉ xảy ra khi người viết “cố ý” viết những điều không đúng sự thật, không phải xúc phạm tới danh dự cá nhân một lần, mà phải nhiều lần. Thí dụ cũng một bài báo xúc phạm đó, nay đăng báo nầy, mai lại cho đăng trên tờ báo khác. Còn bài báo của tôi viết như Thầy đã nêu trên, thì tôi không hề thấy một chữ nào xúc phạm cả …

Thầy nói tôi không biết gì về Hạnh Nhân và Luật Khất Thực điều đó rất đúng. Vì tôi chỉ theo đạo Phật do cha má tôi để lại cái bàn thờ và lư hương bát nước để cúng cữu huyền thất tổ hằng đêm, chớ tôi chưa có làm lễ xuất gia, nên tôi chưa có dịp nghiên cứu về giáo lý.

Hình như giữa Thầy với tôi đã từng có giao lưu qua E-mail rồi thì phải. Thầy đã từng đi thuyết giảng bên Mã Lai, Singapore, Indo, Thái Lan. Thầy đã từng gởi những bài giảng đó bằng tiếng Anh về cho tôi đọc, từ đó tôi rất kính trọng Thầy. Ngoài sự uyên bác trong kinh điển, thầy còn nói được, viết được lưu loát tiếng Anh. Nhờ những kiến thức đó, mà Đạo Phật ngày nay mới phát triển mạnh trên khắp thế giới.

Riêng về ông chủ nhiệm báo Việt Luận, tôi xin có một đề nghị: Hãy mở rộng trang Ý KIẾN ĐỘC GIẢ ra để đón nhận những sự đóng góp của xã hội, vì một tờ báo cho dầu có bao nhiêu phóng viên đi nữa, thì họ cũng không thấy hết và quan sát hết những sự việc xảy ra, nhưng cũng đừng để cho ai mượn cái diễn đàn nầy mà đôi co làm miếng đất riêng tranh luận. Cuối cùng thì tôi xin cám ơn Thầy, đã khai thị cho tôi nhìn lại bài viết của mình./-

Phùng Nhân

TÔI XIN ĐÓNG GÓP VÀI LỜI VỚI ÔNG THÀNH NGUYỄN

Trần Thị Thu Hà

Trên báo Việt Luận số thứ Sáu vừa qua ngày 24/07/2020. Tôi thấy trên mục “Ý KIẾN ĐỘC GIẢ” của Thanh Nguyễn viết với cái tựa thật là lạ. Cái tựa đó như thế nầy “Tại Sao Cabramatta Chưa Ai Bị Nhiễm?” Mới nhìn qua tôi cứ tưởng ông hay bà nầy đang trù ẽo cư dân đang sống ở vùng Cabramatta. Tại sao lại có chuyện kỳ khôi như vậy, đã là con người thì chúng ta phải có bổn phận thương yêu với nhau không hết, có đâu lại hỏi ở nơi đó sao chưa có ai bị bịnh. Câu hỏi nầy cũng giống như trên Facebook mấy bữa rày, có người lại “pực pội” nói ra, là tại sao cái đập TAM HIÊP giờ nầy chưa bễ. Họ đâu có biết cho rằng khi cái đập nầy pị pể, thì sẽ có hằng triệu người ngộp nước như chơi, và cả thành phố Vũ Hán dài xuống phía Nam của con sông Dương Tử sẽ bị nhấn chìm trong biển nước .

Nhưng rồi tôi đọc tiếp trong bài viết của Thanh Nguyễn, thấy tác gỉa nầy đóng góp cũng rất chân thành. Vì người láng giềng của chúng ta là ông Victoria hôm nay lại ho hen, ấm đầu sổ mũi. Mỗi ngày từ 300 rồi tăng lên có bữa lên tới hơn 500 người, mà cơn bịnh ho hen nầy hiện nay thế giới người ta đặc cho một cái tên là “đại dịch”. Sợ chưa, chắc dân Cabramatta chưa sợ, nên họ mới đi chợ, đi ăn uống tụ tập chẳng biết giữ gìn. Khoảng cách ly người nầy với người kia là 1m5, không gian trong nhà hàng, quán ăn là 4m – vậy mà thiên hạ họ có biết giữ gìn đâu!. Với cái đà nầy cái thì thằng Covid – 19 nó nhập vào thì hết phương chống đỡ. Bởi vì hiện nay thuốc tiêm ngừa thì chưa có, nếu có rồi thì cũng còn phải thử nghiệm lâm sàng, chớ đâu phải như con cá, con tôm, chỉ cần cắt đầu rồi bỏ vào nồi nhóm bếp lên là có bữa ăn trước mặt. Tôi xin trích ra một đoạn trong bài viết của Thanh Nguyễn “Hiện tại tất cả các vùng chung quanh cabramatta là những “điểm nóng” (hot spot) nhưng Cabramatta không bị – thật là lạ mặc dầu so với các vùng chung quanh thì Cabramatta đông đúc hơn, xô bồ hơn và vô kỷ luật hơn” HẾT TRÍCH.

Bà con mình cũng như tôi, vừa đọc hết đoạn văn trên, trái lại không càm ràm tác giả viết bài nầy, mà trái lại còn khoái hơn. Vì ở trên tiểu bang NSW của mình mới vừa trải qua một cơn dịch đứng đầu trong nước Úc. Bà thủ hiến phải mất ăn mất ngủ để làm việc mới có ngày hôm nay. Nhưng mới vừa xả lịnh Lockdown có mấy bữa, rồi bà con mình lại quên đi không lo phòng bị. Tôi xin đóng góp được bấy nhiêu lời, hy vọng bà con mình phải tự ý thức bản thân, đi ra đường nhớ mang khẩu trang vào để khi nói cái thằng Covid – 19 nó không có dịp bay ra ngoài mà lây lan cho người khác. Tôi nhắn riêng với anh Thanh Nguyễn: Bà con ta đang mong đọc được những dòng đóng góp của anh. Có như vậy thì trang Ý Kiến Độc Giả mới có giá trị để cho chúng tôi không tiếc tiền khi bỏ ra $2 mua nó ./-

 Trần Thị Thu Hà

Góp ý về bài viết của tác giả Phùng Nhân

NHỮNG BƯỚC CHÂN KHẤT THỰC HIỆN GIỜ Ở PHỐ CABRAMATTA NSW, do báo Việt Luận đăng ngày 14/10/2020, mà tác giả là Phùng Nhân như ĐỤNG LỚN qua lời lẽ táo bạo với ngôn từ có ĐÚNG, nhưng cũng có quá SAI với lời dạy của đức Phật và Chúa Jesus trong Tam Tạng Kinh Luật Luận và Thánh Kinh. Vì có 2 tấm hình đăng trên báo quá rõ ràng nên vài nhân vật bị hình đưa lên có thể sẽ kiện người viết vì ảnh hưởng tới cá nhân theo Pháp Luật của Úc, do vậy bài phân tích sẽ viết vài kỳ mới trình bày hết theo lẽ thật đúng theo lời dạy của các vị khai sinh ra Tôn Giáo, chớ không thể thêm bớt, làm ảnh hưởng tới Trí và Phước của chư Thiên và loài người, mà Phùng Nhân khi viết Hạnh Khất Thực đi CHÂN KHÔNG với tấm hình của Sư Cô Thanh Tịnh Hạnh: 

“Sao không mang giày, mặc áo ấm để chống lại cơn rét mùa đông, mà phải đi chân không trên những con đường tráng nhựa”.

Hai tấm hình tờ báo đưa lên, 1 tấm là hình Thầy Thích Đức Tánh “Giác Lộc”, tái xuất gia nhưng bị các vị Thầy và Sư của các nhóm và tổ chức TUNG CHIÊU TRIỆT HẠ Thầy Tánh, do đi Khất Thực mà NHẬN TIỀN và mang GIÀY – DÉP với mắt láo liên như bài viết trên báo, hơn thế nữa các Thầy biết Thầy Tánh không phải Xuất Gia với Khất Sĩ mà Thọ Giới với Thầy Đại Thừa đi Khất Thực nên tung thư rơi và Thông Báo không người ký dáng trên các tiệm tạp hóa, hay cho người đi đụng bát cho rớt theo Thầy Tánh kể v.v… Làm cho Thầy bị khủng hoảng tinh thần dẫn tới chuẩn bị 4 lít xăng để tự thiêu “Barbecue” tại Cabramatta nơi thủ phủ của người Việt Sydney, may quá là cũng vừa lúc chư Tăng Singapore và Malaysia sang Úc nên kịp lúc cứu thầy như bài báo Việt Luận đăng năm 2013 nhằm giải hóa cho Thầy.

Đọc bài viết của Phùng Nhân mới biết tác giả không hiểu gì về NHÂN HẠNH và LUẬT KHẤT THỰC mà đức PHẬT đã CHẾ không một ai được quyền PHÁ PHÁP như trong Kinh Pháp Cú, do vậy ngay cả đức Dalai Lama hay Vua Thái Lan khi Thọ Giới Xuất Gia Khất Thực vẫn phải đi CHÂN TRẦN như PHÁP và ngay khi Chúa Jesus mới từ Miền Bắc Ấn Độ trở lại Jerusalem hành đạo Ngài cũng dạy. 

“Mathiơ 10.9 Đừng đem vàng, hoặc bạc, hoặc tiền trong lưng các ngươi; 10 cũng đừng đem cái bao đi đường, hoặc hai áo, hoặc giày, hoặc gậy; vì người làm việc đáng được đồ ăn. 14 Nếu ai không tiếp rước, không nghe lời các ngươi, khi ra khỏi nhà đó, hay là thành đó, hãy phủi bụi đã dính chân các ngươi”.

https://vietchristian.com/kinhthanh/tim.asp?btt/39/10

Jesus was a Buddhist Monk BBC Documentary – Chúa Jesus là một nhà Sư Phật Giáo.

Đọc Phật và Thánh Kinh mới thấy Phùng Nhân không hiểu gì về Tôn Giáo mới viết những lời MẠ LỴ KHINH HỦY Sư Cô những vị Hành Y Pháp Phật và như Thánh Kinh Chúa dạy Mathiơ10.10 và 14 thì quá rõ ràng nếu có mang GIÀY DÉP thì đâu phải BỤI đã DÍCH CHÂN, hơn nữa theo Đài BBC thì Chúa Jesus là một vị Khất Sĩ khi chạy trốn sự TRUY SÁT của Vua như phim tài liệu.

Sư Phước Long Sá Lợi

Góp ý về bài diễn văn mới nhất của Ngoại trưởng Mike Pompeo  

Có một điều rất quan trọng trong bản diễn văn này của Ngoại Trưởng Mike Pompeo mà ít người để ý đến, ngoài trừ một số rất nhỏ vẫn thường theo dõi thời sự chính trị Hoa Kỳ.

     Trong bản diện văn này, Ngoại Trưởng Pompeo dùng chữ “Tổng Bí Thư Tập Cẩm Bình” chứ không dùng chữ “Chủ Tịch Tập Cẩm Bình” như vẫn thường dùng suốt 4 năm nay.

     Sự thay đổi xưng hô này biểu lộ một sự thay đổi hết sức quan trong về đường lối ngoại giao Hoa Kỳ.

Ngoại Trưởng Pompeo có được nhắc nhở trước khi đọc diễn văn là chức vị thường dùng để kêu ông ta là “Chủ Tịch Tập Cẩm Bình”

     Tổng Trưởng Pompeo từ chối không sửa đổi cách xưng hô.

     Làm như vậy, Hoa Kỳ gửi một thông điệp kín đáo cho nhân dân Trung Hoa là Tổng Bí Thư Đảng Công Sản Trung Hoa (CCP) chỉ đại diện cho các đảng viên của Đảng mà thôi, không đại diện cho toàn thể nhân dân Trung Hoa.

     Hàm ý là nhân dân Trung Hoa là những người yêu chuộng hòa bình, muốn sống thân tình với Hoa Kỳ, và không bắt buộc phải đồng ý với thái đô hung hãn, lèo lặt của Đảng Công Sản Trung Hoa (CCP) .

Washington tránh không làm rùm beng việc thay đổi chiều hướng ngoại giao này, lẽ tất nhiên cái Apparatchik & Politburo tại Bắc Kinh hiểu ngay cái tín hiệu chính trị này.

Sư chọn lựa Thư Viên Nixon tại San Clemente cũng là một sư chọn lựa cố tình: Nixon Tổng thống Hoa Kỳ là người đã đưa Trung Hoa vào đời sống toàn cầu, bây giờ Tổng thống Trump của Hoa Kỳ cũng có thể thay đổi việc này nếu cần thiết.

Một độc giả

Tại sao Cabramatta chưa ai bị nhiễm?

Đọc qua các ý kiến độc giả trên Việt trong 3 tuần qua nói về sự “miễn nhiễm” của Cabramatta, tôi có đóng góp vài ý kiến.

Hiện tại tất cả các vùng chung quanh Cabramatta đều là những “điểm nóng” (hot spot) nhưng Cabramatta lại không bị – thật là lạ mặc dầu so với các vùng chung quanh thì Cabramatta đông đúc hơn, xô bồ hơn và vô kỷ luật hơn.

Khi nói về dịch bệnh trở lại ở Victoria và NSW, cả hai Thủ hiến Andrews và Morrison đều dùng từ “complacent” như một lý do chính làm cho dịch bệnh trở lại. “Complacent” có nghĩa là tự mãn, người dân nghĩ là dịch bệnh đã qua rồi cho nên không cần phải đề phòng như trước.

 Từ khi mở cửa lại hơn một tháng nay, Cabramatta sinh hoạt giống như chưa hề có dịch xảy ra mặc dầu có một số người mang khẩu mang nhưng chuyện giữ khoảng cách an toàn và 4 mét vuông/người trong nhà hàng gần như không có.

Cabramatta là nơi hội tụ tất cả những yếu tố thuận lợi để dịch bệnh phát triển, cư dân ở dây không chỉ tự mãn như ông thủ tướng nói mà còn không tôn trọng luật lệ và ít nghĩ đến người khác.

Cho nên theo tôi, dịch bệnh trở lại vùng này chỉ là vấn đề thời gian và một khi đã bắt đầu lây lan thì rất khó để ngăn chận, có thể sẽ tệ hơn cả Melbourne.

Nếu điều đó xảy ra, trách nhiệm đầu tiên phải nói là cảnh sát và nhân viên council, rất hiếm khi thấy họ tuần để xem cư dân có thi hành đúng luật hay không.

Kế đến là ý thức tự giác của cư dân tại đây, từ người đi shop cho đến các chủ shop, chủ nhà hàng. Đúng ra các chủ shop phải luôn nhắc nhỡ khách hàng phải giữ luật 1.5m. Còn các chủ hàng trong vùng này gần như không thấy ai thi hành đúng luật 4m2/người, thậm chí có nhiều nhà hàng còn chứa đến mức tối đa mặc dầu nhà hành của họ rất nhỏ.

Tại sao các chủ shop, chủ nhà hàng không nghĩ sâu xa rằng nếu như dịch bệnh trở lại, chính phủ bắt buộc  phải phong tỏa trở lại thì sự mất mát sẽ lớn hơn nhiều.

Bây giời chỉ có một cách duy nhất để cứu được Cabramatta, là cảnh sát và nhân viên council phải đi kiểm tra thường xuyên và phạt thẳng tay đối với những ai phạm luật. Mong họ sẽ làm điều nay để Sydney không biến thành một Melbourne thứ hai ở Úc.

Thanh Nguyễn

Cư dân Cabramatta Sydney nói chuyện với cư dân Footscray Melbourne

 Phùng Nhân

Anh Trần V Tư thân,

Trên tờ báo của Việt Luận có trang “Ý Kiến Độc Giả”, đã tạo ra một cơ hội cho anh em độc giả chúng ta khi đọc báo, để rồi sau đó có một nhận xét thật lòng  đóng góp ý kiến với nhau. Trong một thời gian dài như vậy trôi qua, đã làm cho độc giả càng thêm gắn bó. Nhưng có một lúc trong mục đóng góp ý kiến với nhau, người nầy hiềm khích với người kia, nên trang báo Ý Kiến Độc Giả đã trở thành lạnh nhạt.

Rồi cơn đại dịch Covid – 19 đã xảy ra, làm cho tờ báo Việt Luận tạm đình bản hơn 3 tháng. Ngày hôm nay tái bản trở lại, trong đó có anh và tôi, cũng như bao nhiêu người khác đều quan tâm tới tờ báo, mong đóng góp ý kiến của mình vào tờ báo để cải thiện cho nó hoàn chỉnh hơn, mà trang “Ý Kiến Độc Giả” luôn mong đợi.

Trong bài viết của anh, số thứ Sáu ngày 10/07/2020, tôi thấy anh có nêu ra một số vấn đề so sánh, giữa đời sống hiện nay từ Melbourne với Sydney đã có một sự khác biệt rõ ràng. Đó là ở Melbourne có lịnh “hard lockdown” (khóa cứng), còn ở trên tiểu bang NSW thì chưa. Bởi hiện nay ở Sydney thì tụi tui còn rủ nhau đi cà phê, phở, hủ tiếu bình thường. Miễn là khi vào quán, mình ngồi giản cách xã hội đúng theo quy định là 1.5m thì được.

Trong bài anh viết. Tôi thấy nhắc tới một người bạn lính hiện đang sống tại Cabramatta thiệt là thân mật, làm cho tôi nhớ tới câu “huynh đệ chi binh” khi còn học ở quân trường. Bây giờ thì tụi mình đang sống ở đây, một nước Úc Đại Lợi xa xôi nhưng đầy tình nhân ái. Nhưng rồi con người từ xưa tới nay, hễ được cái nầy, thì đòi thêm cái khác. Như tục ngữ “được voi đòi tiên”

Trong thơ thấy anh than: “Vừa mới hết lockdown gần 3 tháng, bây giờ thêm 6 tuần nữa. Nếu không dính con cháu chắc tôi phải tính chuyện dọn lên Cabramatta sống. Không sống cảnh Melbourne qúy vị khó hiểu được tâm trạng mệt mỏi của những người không biết bao giờ dịch bệnh mới hết để được tự do hoàn toàn, nhất là những người như tôi thích ra phố gặp bạn tán dóc – thật là khốn khổ. Sau 6 tuần không biết sẽ ra sao …” (hết trích)

Một đoạn văn trên, đã diễn tả tâm trạng của một người đang sống trong cảnh mất tự do, làm cho tôi nhớ tới thời 1975 đến năm 1985. Trong 10 năm trời đằng đẵng đó, ở ngay trong Huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre của tôi. Lúa gạo xã nầy không được bán cho xã kia, vì vậy mới có cái cảnh người dân ôm bụng đói mà ngủ. Trong tình cảnh đó nếu đem so sánh với tình cảnh hiện giờ, thì tụi mình còn sướng hơn nhiều. Chỉ cần so sánh một chuyện đó thôi, thì mới thấy trong đời sống của con người, nếu mất tự do là mất tất cả. Nhưng mà anh Tư ơi, chuyện gì rồi cũng vậy, ở dưới tiểu bang của anh, ông Daniel Andrews cũng là người tài giỏi lắm mà, chắc có lẽ ổng tính tới đường binh, thà là khóa cứng cho nó chắc ăn, chừng nào hết dịch cho dân chúng mặc tình tự do đi lại. Nhưng ông Andrews lại ký bản cam kết “một vành đai, một con đường” với Trung Quốc để làm gì. Trong khi đó thì cả nước Úc “Say No!”, chỉ có một mình ông ta “Say Yes”. Việc nầy cũng rắc rối đây vì ông Trung Quốc hiện nay đang bắt đầu bành trướng. Phía Bắc thì đụng độ uýnh lộn bằng tay chưn, hoặc bằng dao kiếm với ông Ấn Độ, khiến cho binh sĩ Ấn phải chết hết 20 mạng người. Con số thương vong nầy không phải nhỏ, nên ở dưới chân Hymalaya hai bên đang gầm gừ từ mấy tuần nay. Có lẽ ông Trung Quốc đang cho binh lính rèn luyện “tịch tà kiếm phổ”. Còn ông Ấn Độ thì nhờ mấy ông thầy phù thủy trên núi rèn luyện rắn hổ man, khi ra trận chỉ cần phun nọc độc thì lính gì cũng chết … 

Lạy trời cho ông Andrews hồi tâm lại, mà xóa cái hiệp ước mắc dịch kia. Bởi nước Úc hiện nay vỏn vẹn có hơn 25 triệu, với số dân ít ỏi đó, người Trung Quốc chỉ cần cắn cổ mỗi người một cái thì nước Úc cũng tiêu tùng, tới chừng đó tụi mình thì sao, thiệt là khó xử!

Trong thơ anh có nhắc tới cái thú đánh cờ, làm cho tôi nhớ tới hôm tuần rồi tôi có thả bộ xuống phố Cabramatta ngắm nhìn thiên hạ. Nó không khác gì trong Chợ Lớn ngày xưa. Ngoài các hàng quán bán đồ ăn, còn có nhà hàng Nhẫm Xà mới là độc đáo, nhưng bên cạnh đó, ngay chỗ ông Council Farfield mới xây dựng mấy dãy phố tại chỗ bến xe cũ. Trước quán cà phê, ông Council có xây một cái bờ tường chắn làm vành đai cao lên chừng 6 tấc chắc là để đề phòng tai nạn.

Nhưng mấy ông già mới nảy ra sáng kiến – mua vài bàn cờ tướng rồi xách lại rủ nhau ngồi thành từng khúm đánh chơi. Tôi cũng không biết họ đánh ăn chơi, hay ăn tiền mà trên gương mặt của họ ngồi chơi đều căng thẳng. Chắc anh Tư cũng dư biết quá mà, chỉ có hai ông chơi, thì mâm cờ đó có cả chục người đứng bên ngoài chỉ chỏ. Có ông hăng tiết vịt nói “Hoành xe xuống chiếu, nó bí rồi”. Ông kia nói lại “Bí cái con khỉ đột chớ bí. Chiếu thử coi. Con ngựa tao nó nhào vô đá cho giập dái chớ đừng tưởng bở”.

Mấy lúc bình thường thì sao cũng được, chớ lúc nầy chánh phủ người ta ra lịnh giản cách xã hội đứng cách xa nhau 1.5m. Vậy mà họ đứng chùm nhum như vậy coi làm sao cho được, có khi họ còn gây gổ um sùm. Như vậy rũi dính Covid – 19 thì sao. Về nhà thì sẽ lây cho con, cho cháu, từ đó lây ra ngoài cộng đồng xã hội nào có khó gì. Bởi hiện nay trên thế giới đã mắc bệnh trên 10 triệu người rồi, số người chết thì trên nửa triệu…

Tôi hy vọng rồi đây mọi người tự giác ngộ, để phòng bệnh lây lan. Nếu muốn cắt đứt được vòng truyền bệnh, thì chúng ta phải tuân hành theo pháp luật, chớ chúng ta không thể cứ sống theo ý mình, trong khi đó cả nước đang lo. Từ ông thủ tướng, cho tới bà Gladys Berejiklian thủ hiến đều đêm ngày trăn trở. Chưa có lúc nào tui thấy gương mặt của bà thủ hiến NSW bơ phờ cho bằng lúc nầy, hai gò má thì nhô cao, còn cái sóng mũi két thì quặp xuống trông rất là xấu tướng. Nhưng mà tài thao lược cầm cân nẩy mực mấy đấng nam nhi chưa chắc vì bằng, nhờ vậy mà tiểu bang NSW mới chận được cơn dịch Coronavirus đứng ngoài ngõ dòm vô, nên bà con mình vỗ tay hoan hô quá xá …

Anh Tư ơi, vậy thì từ nay trở đi, anh cứ việc sống ở dưới đó đi, đừng nghĩ tới cái việc “mu” đi lên trên nầy làm chi cho rắc rối. Đi đâu anh phải đeo khẩu trang cho nó đàng hoàng, mình làm như vậy để làm gương, từ con cháu trong gia đình rồi lan dần ra ngoài xã hội.

Ở trên nầy thì tôi cũng vậy, đi đâu cũng thủ sẵn trong người một chai nước rửa tay, với cái mask để đeo vào trong thời kỳ đại dịch. Tụi mình nay thì đã già cả hết rồi, nếu không làm được điều gì để giúp ích quốc gia, thì mình phải nghiêm chỉnh chấp hành theo luật pháp, để đền đáp công ơn họ đã nuôi dưỡng đến mình, từ đó tụi mình sẽ cố gắng nuôi dạy đàn con. Tụi mình chỉ làm thân cây mắm, cây bần, mong tới đới sau con cháu tụi mình sẽ có một đời sống khác.

Xém chút nữa tui quên. Lockdown cứng như vậy thì báo Việt Luận họ có gởi về tới dưới không anh. Nếu không chắc bà con của mình đang trông ngóng. Còn anh thì nên vào trang Web vietluan.com.au hoặc trang Facebook.com/baovietluan tìm đọc cho đỡ nhớ. Cái lứa tuổi của tụi mình thật là kỳ cục, chỉ khi nào cầm trên tay tờ báo giấy thì mới thấy cuộc đời nầy còn có niềm vui. Chớ còn cầm cái khác thì buồn thấy mẹ.

Hôm Chủ Nhựt tuần rồi, tôi có người bạn ở dưới Adelaide lâu rồi mà chưa gặp, nên tụi tui có điện thoại hỏi thăm. Sau một hồi chuyện vãn thì tôi hỏi? Vậy chớ ở Adelaide báo Việt Luận có gởi tới dưới hôn. Người bạn trả lời: “Có … anh. Nhưng sao bữa nay về trễ, hai vợ chồng tụi em đứng đợi nãy giờ mà chưa thấy mặt nó đây…”

Anh Tư thấy hôn, món ăn tinh thần nó rất là quan trọng. Lái xe đi một quảng đường dài, cốt là để mua cho được tờ Việt Luận mà thôi, nhưng liệu rồi đây ông chủ nhiệm Phạm Hoài Nam, cũng như Ban Biện Tập có làm tròn bổn phận của mình, khi độc giả khắp nơi tin cậy và ủng hộ.

Thơ bất tận ngôn. Chúc anh giữ gìn sức khỏe trong mùa đại dịch ./-

                                                                                                Phùng Nhân

Vài Nhận Xét Với Tờ báo Việt Luận Mới Vừa Tái Bản

Hôm thứ Sáu tuần rồi ngày 3/07/2020, tôi rất mừng khi đi Shop tạp hóa ở Canley Heights, thấy có báo Việt Luận bày bán trên shạp. Tôi liền mua lấy một tờ, chắc có lẽ đây là số báo tục bản mới phát hành. Vì hơn 3 tháng nay phần đông báo chí Việt Ngữ ở Úc Châu đều đóng cửa, chỉ còn có một tờ Chiêu Dương mà thôi.

Cầm tờ báo về nhà, tôi liền mở ra đọc một cách say mê, vì có những bài vở mà tôi đã hằng mong đợi. Bởi với tôi thì đã có một quan niệm rất rõ ràng là tờ báo xuất bản tại Úc Châu, thì trước tiên nó phải có những tin tức của Úc Châu, sau đó thì mới tới tin Quốc Tế, kể cả tin trong nước Việt Nam. Chớ tờ báo không thể lên trên mạng lấy bài cũ rồi đem xuống bỏ vô, nên tôi đã theo dõi từng cây viết của các nhà báo, nhà văn của Úc Châu, cũng như các hoạt động văn nghệ bỏ túi, dù nó nhỏ, không quy mô như ở bên Mỹ, bên Pháp, Canada tôi cũng đều trân trọng …

Trong số báo Việt Luận tái bản tuần nầy, ngày thứ sáu 3/7/2020, tôi đã đọc bài của Luật sư nhà báo Lưu Tường Quang, Ls Nguyễn Văn Thân, Thư Ngỏ của Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW trong tháng 3 vừa qua. Ông Paul Huy Nguyễn làm Chủ tịch Cộng đồng NSW, đã thực hiện được mấy mục tiêu rất là quan trọng. 1/- Thực hiện 30 bản nhạc đấu tranh, tưởng niệm ngày 30/04 hằng năm của tháng 4 đen. 2/- Tạo nhóm “quốc hận 30/4” trên mạng xã hội với hơn 600 thành viên để chia sẻ những kỷ niệm ngày đau thương của dân tộc. 3/- Biểu tình trực tuyến vào ngày 26/4 với 19,500 người xem và 46,000 người biết đến chương trình. “Quý vị có thể xem lại tất cả các chương trình trực tuyến qua Youtube của CĐNVTD NSW”.

Tôi lật tới trang 34 thì có bài của Cổ Nhuế với tựa 36 khu vực ở Melbourne bị cô lập. Lật thêm nữa thì tôi đọc bài của Phạm Đức Đồng Hùng với tựa: Tam Hiệp Và Giấc Mơ Trị Thủy. Phải nói nhờ bài viết nầy mà tôi mới hiểu rõ thêm về con đập nầy, nó đã thành hình trong thời Mao Trạch Đông vừa dấy binh còn ở Tân Cương. Bạn nào muốn biết, thì hãy bỏ ra $2 mua tờ Việt Luận đọc khỏi phải mắc công lên mạng suy tầm.

Trang 42 thì có bài của Phùng Nhân với tựa: Vài Suy Nghĩ Về Báo Chí Người Việt Ở Úc Châu Nhân Tờ Việt Luận Tái Bản. Bài nầy viết với thể văn tự sự. Tôi đọc thì chẳng thấy có vấn đề gì, nhưng ông chủ báo Việt Luận Phạm Hoài Nam lại rào trước đón sau, cho đăng mở đầu với “Lời tòa soạn” như thế nầy: Một số quan điểm trong bài viết là quan điểm riêng của tác giả không hẳn là quan điểm của Việt Luận. Tôi phải công nhận rằng Phạm Hoài Nam là người chủ báo rất tinh tường, nên mới viết ra những dòng như đã nêu trên. Thế mới biết câu: “chữ dạy thầy, cây dạy thợ” nếu suy ngẫm trong trường hợp của bài viết nầy thì thật đúng. Hy vọng rằng Phạm Hoài Nam, sẽ điều hành tờ Việt Luận đi đúng theo con đường đã vạch.

Trang 44 thì đụng ngay trang Tạp Ghi của ký giả Đoàn Xuân Thu. Tay nhà báo nầy là con nhà nòi. Thỉnh thỏang tôi có đọc bài viết của ông ta, khi ông cụ thân sinh của ông ta còn sanh tiền là bạn thiết với nhà văn Sơn Nam và nhà báo Trần Tấn Quốc chủ bút Đuốc Nhà Nam. Chính nhờ sự giao thiệp nầy, mà con nhà tông nếu không giống lông thì cũng giống cánh, nên nhà báo Đoàn Xuân Thu trước tiên là một nhà thơ, đã chiếm giải thơ trên tờ báo Việt Luận tổ chức cách nay mấy năm, thì hôm nay viết văn, viết báo cũng là một chuyện bình thường …

Trang 45 thì tôi đọc được bài của bà Mỹ Linh viết về đề tài Tản Mạn Văn Chương. Nói về Hoàng Điệp: Đóa hoa yêu của âm nhạc Sài Gòn và Melbourne. Đây là một đề tài rất khó viết. Bởi nó cần phải có sự xã giao, cũng như giới thiệu vài nét tiêu biểu của nhân vật trong bài. Bài viết của bà Mỹ Linh thật là xuất sắc.

Trang 46 thì có bài của Ls Lê Đức Minh với tựa: Di Trú Úc Trong Mùa Dịch Covid – 19. Bài nầy rất hữu dụng cho những người Úc gốc Việt hiện giờ. Người nào cần hiểu thêm về luật di trú mùa dịch hiện nay, thì nên mua tờ Việt Luận đọc để biết thêm tin tức.

Trang 50 thì có bài của Nguyễn Thế Minh với tựa: Lại Chuyện “Tiến sĩ Google”. Tôi lật tới trang 53 thì gặp bài của bà Thu Tuyết. Bà nầy tuy tôi chưa có quen, nhưng đã có đọc bà trên báo Việt Luận trước khi cơn dịch Covid – 19 xảy ra. Hôm nay với số báo Việt Luận tái bản, thì bà Thu Tuyết viết bài với tựa: Lời Tình Buồn Và Nhạc Sĩ Hoàng Thanh Tâm. Trên đầu của tựa bài viết, có đăng hình của bà Thu Tuyết. một tấm hình với nụ cười rạng rỡ trong mùa đông lạnh lẽo của xứ Úc Châu nầy. Nội chỉ có coi tấm hình thôi, thì kể như tôi đủ vốn, còn đọc mấy bài kia thì kể như là quá xá lời. Hy vọng có một ngày nắng ấm, tôi đi xuống Melbourne một chuyến, trước là thăm bạn bè, sau nữa là xin gặp mặt nàng thơ. Vì theo như nhà thơ Hư Vô nói lại, thì bà Thu Tuyết đã in tới 3 tập thơ rồi. Một con số của một đời thơ như vậy không phải nhỏ …

Tôi lật tiếp tới trang 69, là trang thơ báo Việt Luận do nhà thơ Hư Vô phụ trách với những dòng chữ mở đầu. Quán Thơ Hư Vô. Nơi hội ngộ của thi nhân. Một cõi rong chơi lịch lãm. Phải nói ở đây là một trang thơ tình, do nhà thơ Hư Vô phục trách. Nó ăn khách cho đến nổi bao nhiêu người tài hoa mà tôi đã từng quen biết, ngày hôm nay họ đã hội tụ về đây, nên giúp cho trang thơ mỗi ngày càng thêm phong phú. Trang 72 thì có truyện dài TIẾNG MÕ TRONG ĐÊM của nhà văn Phùng Nhân. Truyện đã tới hồi gay cấn, mà mỗi khi cầm tờ báo lên đọc, rồi tôi mong cho tới tuần sau để được đọc tiếp …

Sở dĩ trong bài viết nầy tôi giới thiệu một số cây viết ở Úc Châu, vì tôi có quan niệm rằng những cây viết nầy là thành phần chủ lực của tờ báo, là xương là cốt của tờ báo hiện giờ. Còn những bài viết mà ở ngoài nước Úc gởi vào, cho dù nó có hay, nó có thượng thừa đi nữa, thì cũng là những cây viết ở bên ngoài góp vô. Tôi hy vọng rồi đây độc giả của chúng ta, sẽ góp một tay để nuôi dưỡng tờ báo Việt Luận, cũng như nuôi dưỡng những cây viết ở trong xứ Úc Châu của mình mỗi ngày thêm lớn mạnh. Đành rằng từ trước tới nay, chúng ta thường hay có quan niệm rằng “bụt nhà không thiêng”. Nhưng với tôi, thì hiện tại rất “thiêng” đó chớ. Bởi những cây viết ở Úc Châu nầy, họ đã từng chiếm giải Văn Học Nghệ Thuật bên Mỹ, Canada. Ngày hôm nay họ lại ngồi cặm cụi để viết cho tờ Việt Luận, theo tôi thì có lẽ họ chỉ muốn giúp cho nền báo chí Úc Châu nầy vượt qua bế tắc trong cơn đại dịch Covid – 19 đã xảy ra. Chớ mấy tay văn nghệ thì từ trước cho tới ngày nay, họ không có viết vì tiền, mà họ viết vì nghĩa vì tình hơn là vì danh vọng.

Bởi vì tôi là một người thường hay đọc kỹ, rồi đem so sánh với những bài viết đã thành danh mà Việt Luận đã từng được cho phép đăng vào. Mỗi bài đều chuyên chở sự việc khác nhau, cũng như chiếc xe chở cát, thì nó phải là cát. Còn chiếc xe chở xi măng, thì nó phải là xi măng. Cuối cùng hai thứ nầy nó họp lại mới xây được căn nhà, hay làm móng bắt cây cầu cho dân chúng đi qua.

Cuối cùng tôi xin chúc Ban Biên Tập của tờ Việt Luận khỏe mạnh và vững niềm tin. Chúng tôi sẽ hết lòng ủng hộ cho tờ báo mội ngày thêm vững mạnh, cũng như trong giới thương mải, hay các công ty đăng báo tìm người làm, hay việc quan hôn, tang tế chúng ta nên đăng trên Việt Luận để giúp cho tờ báo có sức sống lâu dài. Vì hiện nay không riêng gì báo chí của cộng đồng người Việt của mình đang thoi thóp, mà ngay cả mấy tờ báo lớn chánh mạch của xứ Úc Châu nầy. Họ đã đóng cửa rất nhiều rồi chớ không phải ít. Riêng cá nhân tôi, nhờ tờ Việt Luận tục bản mà tôi mới hay tin – chị Lê Thị Hồng Ngọc thân mẫu của Bác Sĩ Lê Vũ đã mản phần ngày 15 tháng 6 năm 2020. Quả thật trong đời sống của chúng ta hiện giờ, nếu không có tờ báo Việt Ngữ xuất bản phát hành trong cộng đồng, thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi cần một ông thợ sửa ống cống, hay làm lại cái hàng rào. Vì trên tờ báo Việt Luận ngoài bài vở thông tin, nghị luận, văn hóa, văn nghệ ra thì nó là một nhịp cầu giao lưu trong cộng đồng rất là cần thiết./-

Bùi Lộc Sơn (Cabramatta)

Góp thêm ý của ông/bà Lê T. Huyền

Tôi chỉ muốn nói với những đồng hương sống ở Sydney đặc biệt là vùng Cabramatta – quý vị quá may mắn so với chúng tôi ở Melbourne.

Không phải chờ đến khi đọc ý kiến của ông/bà Lê T. Huyền tôi mới biết Cabramatta khác xa với Footscray của tôi đang sống. Tôi có thằng bạn từ thời đi lính VNCH hiện đang sống tại Cabramatta, cứ 1, 2 ngày là chúng tôi gọi điện thoại cho nhau. Suốt thời lockdown mỗi ngày bạn tôi vẫn đi dạo phố Cabramatta còn tôi thì nằm nhà. Đến khi mở cửa, sợ tôi không tin cảnh sinh hoạt ở Cabramatta, bạn tôi dùng mobile thu hình gởi xuống cho tôi xem. Thật tình không thể tưởng tượng là Cabramatta khác quá xa với Footscray của tôi.

Trước đây tôi mỗi ngày đi bộ ra phố Footscray ngồi đánh cờ tướng, uống cà phê tán dốc với bạn. Đến khi lockdown nhà ai nấy ở, chúng tôi tuyệt đối không dám ra đường nếu không có chuyện thật cần thiết. Tôi hỏi bạn tôi lúc lockdown cảnh sát có đi tuần ở Cabramatta không, bạn tôi nói “chắc có nhưng riêng tao thì chưa bao giờ thấy.” Footscray của tôi nếu đi lang thang không có lý do sẽ bị “cop” chận lại cho ngay một ticket.

Mới nới lỏng được vài tuần tôi được ra phố lại nhưng không có cảnh ngồi đánh cờ tướng, tán dốc với bạn hay cảnh đông đúc như Cabramatta. Người Melbourne nói chung và người Việt ở đây nói riêng tuân hành luật nghiêm chỉnh (phần vì cảnh sát đầy đường) nhưng không hiểu sao chúng tôi bị “phạt” quá nặng. Vừa hết lockdown gần 3 tháng, bây giờ thêm 6 tuần nữa. Nếu không dính con cháu chắc tôi phải tính chuyện dọn lên Cabramatta sống. Không sống cảnh Melbourne quý vị khó hiểu tâm trạng mệt mỏi của những người không biết bao giờ dịch bệnh mới hết để được tự do hoàn toàn, nhất là những người như tôi thích ra phố gặp bạn tán dốc – thật là khốn khổ. Sau 6 tuần chưa biết sẽ ra sao…

Chắc chắn sau dịch bệnh này nhiều người Melbourne sẽ bị bệnh tâm thần, không chừng trong số đó có tôi.

Riêng với báo Việt Luận, rất mong quý vị ra đều để những người như tôi nằm nhà có gì giải trí.

Trần V. Tư / Footscray

XIN GÓP Ý VÀO NỘI DUNG BÁO VIỆT LUẬN TRONG TƯƠNG LAI

Tôi nhận thấy tất cả báo chí (giấy) tại hải ngoại ít quan tâm đến Thế Hệ Trẻ lớn lên tại các nước, không thông thạo Việt ngữ, cho nên không đọc được báo tiếng Việt. Thế hệ cao niên theo thời gian rồi cũng ra đi… Tất nhiên, báo chí cần về thông tin, tài liệu, và văn học nghệ thuật. Riêng về Văn Học (Thơ/Văn), có nhiều bạn Trẻ tôi thường giao tiếp cho biết là các cháu muốn đọc về Thơ/Văn nhưng không hiểu hết ý, tiếc quá. Mỗi tác giả Thơ/Văn đều có một cảm hứng sáng tác riêng, nhưng đa số Thơ/Văn đều viết về Tình Yêu cá nhân, ít viết về Quê Hương Dân Tộc để cho các Con Cháu biết thêm về nỗi lòng đối với Đất Nước cội nguồn qua lịch sử, chiến tranh, đau thương hiện tại…nếu chỉ có tác phẩm bằng tiếng Việt thì tuổi Trẻ không hiểu hết. Tình Yêu thì các cháu lớn lên sẽ biết, còn hoàn cảnh Quê Hương thì cần hướng dẫn thêm qua Thơ/Văn, tài liệu trên báo.

Nếu được, xin thêm một vài cột báo hàng tuần, với một Mục riêng, chuyên đề “Mỗi tuần một bài thơ/văn viết về Quê Hương, có bản dịch Anh ngữ, tặng các Thế Hệ Trẻ”. Như vậy các cháu có thể tìm đọc cả hai ngôn ngữ, học hỏi thêm.

Nếu quảng bá được Mục này trên VL hàng tuần thì sẽ có thêm sự đóng góp chung, rất hữu ích và mang sắc thái đặc biệt của báo Việt Luận, dành cho độc giả Trẻ.

Đây chỉ là Góp Ý nhỏ, xin tùy nghi xét định.

Một độc giả Việt Luận

Dịch bệnh bùng phát lại tại Victoria, nghĩ đến Cabramatta

Trong 10 vùng bị phong tỏa trở lại tại Victoria, có hai vùng quy tụ nhiều người gốc Việt Nam sinh sống: West Footscray và Maribyrnong.

Trong suốt thời gian phong tỏa gần 3 tháng qua, cảnh sát tại Victoria thi hành luật giới hạn người ra đường nghiêm khắc hơn NSW nhiều, như trường hợp một bà mẹ dạy con lái xe, một người đàn ông rửa xe trước nhà, 7 người gốc Pakistan chơi banh tại công viên sau nhà… bị giấy phạt ngay tại chỗ, trong lúc đó rất ít người bị phạt ở NSW, đặc biệt là vùng Cabramatta phải nói là quá dễ dãi.

Là một cư dân hiện đang sống tại Cabramatta, tôi chứng kiến rõ những sinh hoạt tại vùng này trong suốt thời gian phong tỏa vì mỗi tuần phải đi chợ ít nhất vài lần, phải nói là người Việt của chúng ta không chấp hành luật một cách nghiêm chỉnh. Rất may mắn là không có ai trong vùng này bị nhiễm trong thời gian qua.

Trong lúc đang bị phong tỏa, mặc dầu không đông bằng trước kia nhưng số người hiện diện trên phố Cabramatta vẫn đông, nhiều người đi lang thang trên đường, nhìn biết ngay là không có lý do chính đáng.

Sau đó vào giữa tháng 5, chính phủ nới lỏng cho phép nhà hàng, quán cà phê được chứa tối đa là 10 người (stage 1), và tuyệt đối phải giữ khoảng cách an toàn là 1.5m. Ngay sau đó tôi vào một nhà hàng ở Cabramatta, mặc dầu khách đã đủ 10 người nhưng chủ quán vẫn tiếp tục cho người vào. Còn chuyện giữ khoảng cách an toàn 1.5m thì gần như chẳng ai “care”. Kể từ lúc đó đến nay Cabramatta lúc nào cũng đông người, các cửa hàng, quán xá, nhà hàng lúc này cũng đông nghẹt người y hệt như trước kia, không ai màng đến chuyện phải giữ khoảng an toàn – từ khách cho đến chủ shop.

Thử tưởng tượng nếu vùng Cabramatta trở thành “hot spot” ở NSW giống như West Footscray và Maribyrnong ở Vic thì tình hình sẽ tệ như thế nào và lúc đó người bản xứ, báo chí, truyền thông chính mạch có quyền nói người Việt Nam không tôn trọng luật pháp và chúng ta không thể là họ kỳ thị.

Lê T. Huyền, một cư dân Cabramatta

Related posts