Chữ rằng: ‘Vật cố hữu hình, hình cố hữu danh’, có nghĩa là: ‘Vật thì có hình, hình thì có tên gọi’. Tên là duy nhứt dành cho chỉ một người nên nó quan trọng lắm đó nhe bà con!
Ở Mỹ hoặc Úc, tên đi trước họ đi sau. Chen chính giữa là tên lót.
Thân mật thì gọi tên. Quan cách thì gọi họ. Còn chữ lót thì ít ai xài.
Đó là lúc còn sống, còn ăn còn nhậu; chớ lúc lên bàn thờ thì trong điếu văn tiễn biệt người ta mới dùng đầy đủ họ tên và chữ lót! Chẳng qua nếu sơ sài vắn tắt quá, những hồn ma, bóng quế khác trùng tên trùng họ, dẫu khác chữ lót, nó cũng đòi lên bàn thờ để ngắm gà khỏa thân thì lại giành nhau lôi thôi phiền phức lắm!
***
Thủ tướng Úc có cái tên lót là John. Nên để cúng cơm, tên của Thủ tướng Úc thứ 30 là: ‘Scott John Morrison’. Tổng thống Mỹ cũng có cái tên lót là John nữa. Thế nên tên để cúng cơm của Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 là: ‘Donald John Trump’.
Chắc vì cùng tên lót là John; nên hai ông thần nầy thích nhau quá thể. Gặp nhau là bắn đại bác ầm ầm (nhưng hụt) rồi quốc yến, sơn hào hải vị, không hè, dù già trẻ cách nhau tới 21 năm.
Tuy nhiên có một số nước Châu Á (trong đó có nước ta), họ trước tên sau. Như Chủ tịch Tàu Cộng Tập Cận Bình là họ Tập tên Cận Bình. Hoặc Thủ tướng CS Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là họ Nguyễn tên Xuân Phúc.
Mà tên của Thủ tướng CS nầy cũng gây khó dễ cho Bộ Ngoại Giao Mỹ vì phải kiếm cách nào để Tổng thống phát âm cho nó trúng! Kẻo dân Mỹ tưởng Tổng thống của mình chửi Thủ tướng CS Việt Nam. Vậy là các nhà ‘phát âm học’ bèn phiên âm chữ Phúc thành ‘Fook’ trên máy nhắc tuồng cho Tổng thống Mỹ đọc diễn văn cho nó đúng.
***
Phải chi ông giảng viên dạy Toán của trường Cao đẳng Cộng đồng Laney, thành phố Peralta, tiểu bang California, Hoa Kỳ biết cách phát âm chữ Phúc theo kiểu ‘Fook’ nầy thì đâu xảy ra nhiều lôi thôi rắc rối đến nỗi nhức cả cái đầu!
Chẳng qua là: Laney College có hơn 17.000 sinh viên, gần 30% đến từ Châu Á. Vì cơn đại dịch Covid-19, các lớp học phải dạy trực tuyến trên mạng. Ngày thứ hai, giảng viên môn Toán Matthew Hubbard đã nằng nặc kêu nữ sinh viên năm thứ nhứt ‘Phuc Bui Diem Nguyen’ phải “Mỹ hóa” tên của em. Vì cứ giữ nguyên cái tên của cha sanh mẹ đẻ khi gọi đến tên em, thầy nghe như là tiếng chữi thề thô tục trong ngôn ngữ của thầy.
Cần phải nói ngay là vị giảng viên Toán nầy đã cố tình đổi thứ tự tên em sinh viên nầy. Người Việt mình ai cũng biết tên em là: Nguyễn Bùi Diễm Phúc. Với Nguyễn là họ của Cha. Bùi là họ của mẹ. Diễm Phúc là tên của em. Ý nghĩa của cái tên nầy là họ Nguyễn kết hợp với họ Bùi, rồi sinh ra một bé gái; là một diễm phúc, một hồng ân của Thượng đế ban cho.
Không hiểu được nền văn hóa của học trò mình mà vị giảng viên nầy cứ khăng buộc em phải đổi tên thì đâu có được nè.
(Người Việt mình dù có căm thù thực dân Pháp nhưng cũng tôn trọng họ tên của kẻ thù. Như Toàn quyền Đông Dương (1897- 1902) Paul Doumer được đặt tên một cây cầu bắt qua sông Hồng, sau nầy là cầu Long Biên.
Ông bà mình đâu có kêu tay thực dân Pháp hạng nặng nầy đổi tên đâu. Vì cứ để vậy, khi nói lên nghe nó sướng, nó đã cái lỗ tai, đã cái bụng căm thù quân cướp nước mà không bị lính mã tà bắt nhốt.)
Em Diễm Phúc quyết định giữ hoàn toàn tên họ của em để cho mọi người biết rằng họ nên tự hào về cái tên của họ”
Em Diễm Phúc nói trước đây thầy Hubbard chưa bao giờ gặp em để hỏi cách phát âm tên của em như thế nào? Mà lại yêu cầu em phải ‘Mỹ hoá’ tên tiếng Việt của mình. Hành vi đó làm em cảm thấy minh không được tôn trọng, bị phân biệt đối xử.
Em sẽ nộp đơn khiếu nại nếu thầy không gọi em bằng cái tên khai sinh của em.
Sai rành rành ra đó mà ông giảng viên Toán nầy vẫn còn cố cãi chày cãi cối là: “Tên em đọc lên nghe giống như: ‘F *** Boy’
“Nếu tôi sống ở Việt Nam và tên của tôi trong ngôn ngữ của em nghe giống như ‘Eat a D ***’, tôi sẽ thay đổi nó để tránh bối rối cho thiên hạ” Tôi cũng từng kêu em khác phải ‘Mỹ hóa’ tên của mình, và em đó cũng làm. Tại sao em lại không?
Người ta nói giận quá mất khôn. Hoặc đừng hành động trong cơn giận dữ vì làm như vậy giống như giong thuyền vào cơn bão tố.
Hubbard tiếp tục chơi khăm, bằng cách gọi em Diễm Phúc là ‘P. Nguyen’. Ai cũng biết P. trong tiếng Anh là ‘Pee’ nghĩa là đi ‘tè’.
Rõ ràng là ông giảng viên dạy toán nầy muốn ăn thua đủ, muốn sĩ nhục đứa học trò mà ông cho là cứng đầu cứng cổ của mình.
Ông quên rằng em lại là một nữ sinh thì phận làm thầy, mình không được quyền ăn nói thô lỗ, trây trúa như vậy chớ?
***
Công tâm mà nói: thời Trung học, em Diễm Phúc đã từng lấy tên là ‘May’; theo tiếng Việt cũng có nghĩa là may mắn, là Diễm Phúc. Cho dù ‘May’ nầy đọc là /Mei/ theo tiếng Anh, có nghĩa là tháng Năm, để bạn bè đồng song dễ gọi.
Rồi bước chân vào đại học, nơi môi trường giáo dục rộng mở, đầu óc thông thoáng hơn, em háo hức muốn lấy lại chính cái tên cha sanh mẹ đẻ đã cho mình. Nhưng nào ngờ!
Ông giảng viên nầy thừa biết một bài Toán đưa ra, câu trả lời chỉ đúng hoặc sai. Sai thì mình xin lỗi. Hết chuyện. Còn sai mà cứ khăng khăng áp bức người khác phải tuân theo cái ý của mình thì tuổi trẻ Hoa Kỳ nó đâu có chịu nè.
Chị của Diễm Phúc cũng phẫn nộ về cách hành xử của ông giảng viên Toán nầy đối với em gái của mình. Một mặt nộp đơn khiếu nại với nhà trường. Một mặt đăng ảnh chụp các emails lên Instagram để dư luận phân xử ai đúng ai sai?
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Viện trưởng, ngay cả Ban Đại diện sinh viên đều phản đối hành động của thầy Matthew Hubbard.
“Chúng tôi không ủng hộ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, phải loại bỏ tệ phân biệt chủng tộc dưới bất kỳ hình thức ngấm ngầm nào. Chúng tôi không tán thành việc đàn áp về văn hóa và ngôn ngữ của các sắc dân khác bằng cách buộc mọi người phải theo tiêu chuẩn ‘da trắng’.
***
Bị dư luận chửi quá xá đến nỗi ông thầy phải đóng luôn trang mạng của mình. Rồi bị xếp lớn rầy rà, buộc đình chỉ giảng dạy để nhà trường mở cuộc điều tra cho tới nơi tới chốn.
Sợ bể nồi cơm, nên thầy Matthew Hubbard đành bấm bụng thừa nhận hành vi của mình là không tế nhị, không phù hợp, đã gây ra nỗi buồn phiền và tức giận cho học trò và những người đọc emails của ông trên mạng internet.
Tuy nhiên lời xin lỗi, vỏn vẹn có hai câu, làm chị của em Diễm Phúc cảm thấy ông thầy nầy chỉ làm cho lấy có. “Ông ấy không dám chịu trách nhiệm về hành động của mình! Tôi đã rất lấy làm kinh ngạc và thất vọng về sự thiếu hiểu biết của ông giảng viên ấy và của cả trường nầy.”
***.
Tuy nhiên vẫn có một số bà con mình cho rằng chuyện nhỏ như con thỏ. Chuyện bé xé ra to. Chỉ là ‘Storm in a teacup’, là cơn bão trong tách trà. Xong còn dạy đời thêm là: “Mình đến nước của người ta thì phải nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc”.
Nói hời hợt như vậy đâu có được nè. Đâu có cái luật nào bắt buộc mình phải đổi tên đâu; trừ trường hợp mình tự nguyện.
Mấy năm trước, có ông Tiến sĩ bên Mỹ đã đưa vụ việc phải viết tên trước họ sau ra Tòa. Tên của xứ Mít quê mình họ trước tên sau, tui hổng đổi gì hết ráo á. Tòa xử ông thắng vì tên là của ông thì ông muốn làm gì thì ông làm.
Quả vậy: Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp (2001-2003), Đinh Đồng Phụng Việt, Thiếu tướng Dù Lương Xuân Việt, rồi nhà văn Nguyễn Thanh Việt (giải Pulitzer năm 2016), cả ba ông đều giữ y chang tên ‘Việt’ đó thấy hông?
Ông giảng viên Toán nầy nếu có ngon đi kêu mấy ‘cây đa, cây đề’ nầy đổi họ tên đi thì sẽ biết thế nào là lễ độ. Để từ đó, từ giả luôn cái thói kỳ thị chủng tộc. Da trắng thượng đẳng mà lại đi ăn hiếp phụ nữ tay yếu chân mềm thì kỳ quá xá hè!
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.