Tin thế giới sáng thứ Sáu 17/7

Mỹ tăng cường khả năng tác chiến điện tử ở Biển Đông, chuẩn bị cho xung đột với Trung Quốc

Các tàu chiến của hải quân Hoa Kỳ (ảnh: Hải quân Hoa Kỳ/Flickr).

Báo Nikkei của Nhật Bản sáng sớm ngày 17/7 đưa tin, quân đội Hoa Kỳ có kế hoạch triển khai lực lượng tác chiến điện tử đến Biển Đông, một động thái mới nhất của chính quyền Trump nhằm gây sức ép với Trung Quốc sau khi Washington tuyên bố các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh là “hoàn toàn bất hợp pháp”.

Nikkei cho biết, Hoa Kỳ sẽ triển khai hai đơn vị đặc biệt đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào đầu năm 2021, để hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chiến tranh điện tử và chiến tranh mạng nhằm làm gián đoạn hoạt động liên lạc của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột ở Biển Đông.

Tờ báo Nhật Bản cho biết ít nhất một trong hai đơn vị sẽ đóng quân ở quanh Biển Đông.

Một vị tướng nghỉ hưu, ông Jack Keane, cựu phó tổng tham mưu quân đội Hoa Kỳ cho biết, việc làm gián đoạn liên lạc quân sự của Trung Quốc sẽ là một cách phản ứng hiệu quả trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp nào đó ở Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết toàn bộ Biển Đông thông qua “đường chín đoạn” và đã đẩy nhanh mở rộng quân sự tại khu vực này trong thập kỷ qua. Họ đã xây dựng một đường băng dài 3.000 mét và một cảng quân sự quy mô lớn trên bãi Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã trang bị một nhà chứa máy bay chiến đấu, và khả năng là cả tên lửa đất đối không, cũng như tên lửa đất đối tàu.

Ngoài những tên lửa trên đảo Phú Lâm, Trung Quốc cũng đã triển khai trên các tên lửa bờ biển có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên Biển Đông. Để chống lại điều này, Hoa Kỳ muốn có khả năng ngăn chặn Trung Quốc theo dõi các lực lượng Mỹ, trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang tại Biển Đông.

Theo Nikkei, chiến lược quốc phòng của Trung Quốc được xây dựng dựa trên chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), kết hợp giữa các tên lửa và cảm biến để ngăn cản hoạt động tự do di chuyển của kẻ thù, đồng thời ngăn chặn họ tiếp cận Trung Quốc đại lục.

Cựu tướng Keane nói với Nikkei rằng Washington nhận định chiến lược A2/AD của Trung Quốc đang mang lại cho Bắc Kinh một lợi thế cạnh tranh. Do đó, Washington phải đảm bảo đưa ra “một lời răn đe hiệu quả ở đó và các tên lửa tầm xa là một phần trong chiến lược của Hoa Kỳ”, ông Keane nói.

Ông Keane cũng kêu gọi Hoa Kỳ và các nước bạn bè “phải hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể đánh bại các hệ thống vũ khí” của Trung Quốc.

Ông Trump có thể áp thêm lệnh trừng phạt quan chức cấp cao Trung Quốc

Một quan chức Nhà Trắng hôm 15/7 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump không loại trừ khả năng áp thêm các lệnh trừng phạt với các quan chức hàng đầu của Trung Quốc vì vấn đề Hồng Kông, theo Reuters.

Hôm 14/7, ông Trump đã ký ban hành Đạo luật Tự trị Hồng Kông, cho phép trừng phạt các quan chức Trung Quốc và cảnh sát đặc khu xâm phạm quyền tự trị của thành phố, đồng thời trừng phạt cả những ngân hàng thực hiện các giao dịch quan trọng với họ.

Tờ Bloomberg đưa tin rằng, Tổng thống Trump loại trừ việc áp lệnh trừng phạt bổ sung đối với các quan chức hàng đầu Trung Quốc để tránh căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Ullyot cho biết: “Không có chuyện Tổng thống loại trừ việc áp thêm lệnh trừng phạt lên các quan chức đảng về vấn đề Hồng Kông hoặc các vấn đề khác. Những thông tin từ các nguồn ẩn danh đều hoàn toàn sai”.

Reuters dẫn một nguồn thạo tin cho biết, Nhà Trắng đang thảo luận về các đối tượng bị trừng phạt, nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Nguồn tin này tiết lộ thêm, trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) có thể nằm trong danh sách các quan chức Trung Quốc bị Washington nhắm đến vì bà ủng hộ luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh.

 Tờ The New York Times cuối ngày 15/7 đưa tin, chính quyền Trump đang xem xét lệnh cấm các thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng người thân của họ đến Mỹ. Trước đó, hôm 9/7, Washington áp lệnh trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc, trong đó có ông Trần Toàn Quốc – bí thư đảng ủy khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Chính quyền Trump từng nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh vì các hoạt động vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương.

Ông Pompeo nói Trung Quốc phải ‘trả giá’ vì Covid-19

Trái: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh: White House/Flickr); phải: Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (ảnh chụp từ video The Telegraph/Youtube).

Ông Pompeo nói Trung Quốc phải ‘trả giá’ vì Covid-19

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 15/7 nói với tờ The Hill rằng thế giới sẽ nhìn Trung Quốc khác đi và khiến Bắc Kinh phải “trả giá” vì đại dịch Covid-19.

“Tôi nghĩ rằng thế giới sẽ nhất định khiến họ phải trả giá… Mọi nơi tôi đến, mọi ngoại trưởng tôi trò chuyện đều nhận ra những gì Trung Quốc đã làm với thế giới. Tôi tin rằng thế giới sẽ nhìn Trung Quốc khác đi và giao thiệp với họ về cơ bản khác những gì từng làm trước thảm kịch này”, ông Pompeo nói.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói rằng chính sách của chính quyền Trump đối với Trung Quốc nhằm “đảm bảo có mối quan hệ công bằng và có đi có lại với Trung Quốc”.

Hàn Quốc điều tra em gái Kim Jong-un

Phát ngôn viên của Văn phòng Công tố quận Trung tâm Seoul hôm nay cho biết Seoul đã mở cuộc điều tra chưa từng có tiền lệ nhắm vào Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, liên quan đến việc Bình Nhưỡng cho nổ tung Văn phòng Liên lạc liên Triều hồi tháng 6, theo AFP.

Động thái này diễn ra sau khi các công tố viên nhận được đơn tố giác bà Kim Yo-jong từ luật sư Lee Kyung-jae ở Seoul, 3 ngày sau khi bà Kim tuyên bố Văn phòng Liên lạc sẽ sớm “hoàn toàn sụp đổ”.

Trong đơn kiện, luật sư Lee lập luận rằng Văn phòng Liên lạc liên Triều bị phá hủy là tài sản của Hàn Quốc dù nằm ở Triều Tiên, vì công trình được cải tạo bằng các quỹ của chính phủ Hàn Quốc. Kim “đã sử dụng chất nổ để phá hủy tòa nhà mang sứ mệnh ngoại giao của Hàn Quốc, nhằm phục vụ lợi ích chung”, luật sư Lee viết.

Ngoài Kim Yo-jong, luật sư Lee cũng tố giác tướng Pak Jong-chon, Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên. Luật sư này đã dẫn căn cứ từ luật hình sự Hàn Quốc, trong đó tội gây thiệt hại tài sản nhà nước hoặc phá hoại trật tự an ninh bằng chất nổ có thể bị phạt tù ít nhất 7 năm, thậm chí tử hình.

Úc ủng hộ ‘rất mạnh mẽ’ tự do hàng hải ở Biển Đông

Thủ tướng Scott Morrison hôm nay nói rằng Úc tiếp tục ủng hộ “rất mạnh mẽ” tự do hàng hải ở Biển Đông, theo Reuters.

“Úc sẽ tiếp tục lập trường rất nhất quán”, ông Morrison phát biểu trong một cuộc họp báo ở Canberra khi được hỏi liệu nước này có ủng hộ lập trường của Mỹ về Biển Đông hay không.

“Chúng tôi sẽ ủng hộ lập trường đó bằng hành động, ý tưởng và tuyên bố theo cách của Úc”, Thủ tướng Morrison nói thêm.

Related posts