Tin thế giới Thứ Bảy 18/7

Với phong cách ngoại giao ‘chiến lang’, Trung Quốc tiếp tục xúc phạm Mỹ

Trái: bà Hoa Xuân Oánh (ảnh: Wikimedia Commons); Phải: ông Hồ Tích Tiến (ảnh chụp từ video của Bloomberg).

Theo AFP, vào hôm 17/7, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh nói rằng, các quan chức Mỹ đã bị “mất trí và phát điên” trong cách hành xử với chính quyền Trung Quốc.

“Những người này, vì lợi ích cá nhân và lợi ích chính trị, đã không ngần ngại đánh lạc hướng dư luận trong nước, tới mức họ mất trí và phát điên”, bà Hoa nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh.

“Một con chim sẻ không thể hiểu nổi tham vọng của con thiên nga. Đây là đánh giá sai lầm nghiêm trọng và hiểu sai về mục tiêu chiến lược của Trung Quốc”, bà Hoa khẳng định.

Tuyên bố của bà Hoa được cho là nhằm đáp trả Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Pelham Barr, khi ông Bộ trưởng một ngày trước đó nói rằng Bắc Kinh đang thực hiện “chiến tranh kinh tế chớp nhoáng” nhằm thay thế Washington thành cường quốc thế giới cũng như truyền bá tư tưởng chính trị khắp toàn cầu.

Trước đó, vào hôm 13/7, ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu-cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc đã hỏi trên Twitter rằng, Hoa Kỳ có đang bị “tâm thần” hay không khi ra bản thông cáo bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phong cách ngoại giao “chiến lang” được cho là phong cách mới mà các nhà ngoại giao Trung Quốc gần đây thường xuyên sử dụng. Những nhà ngoại giao nước này thường sẵn sàng đe dọa hay thậm chí là xúc phạm những quốc gia mà họ cho là có hành vi không tốt với Trung Quốc. Không chỉ các nhà ngoại giao, truyền thông Trung Quốc cũng từng đưa ra những phát biểu mạnh bạo, như tờ Hoàn Cầu từng ví nước Úc giống “bã kẹo cao su dính trên đế giày của Trung Quốc” và “phải chà vào đá mới gỡ được”, sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch Covid-19.

Trinh sát cơ Mỹ lại quần thảo gần Trung Quốc

Theo SCMP, vào hôm 17/7, tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Viện Nghiên cứu Đại dương Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc đăng trên Twitter cho biết trinh sát cơ E-8C Joint STARS của không quân Mỹ đã hoạt động tại khu vực phía nam đảo Đài Loan và tới vị trí cách bờ biển tỉnh Quảng Đông 72 hải lý (133 km).

SCSPI cho biết đây là lần thứ ba trong tuần máy bay Mỹ hoạt động gần bờ biển Trung Quốc. Cùng ngày, một máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry của không quân Mỹ cũng hoạt động trên khu vực Biển Đông.

Hoạt động của trinh sát cơ E-8C và máy bay cảnh báo sớm E-3C diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quanh Đài Loan khi hòn đảo tổ chức cuộc diễn tập bắn đạn thật Hán Quang. Trung Quốc được cho là đã cử hai tàu trinh sát tới khu vực phía đông đảo Đài Loan để “rình mò” theo dõi cuộc diễn tập, buộc lực lượng phòng vệ của Đài Loan phải cử tàu tuần tra ra ứng phó.

Dân Ấn Độ đòi đổi tên đường gần Đại sứ quán Trung Quốc thành ‘Đường Đạt Lai Lạt Ma’

Theo tờ Taiwan News, người dân Ấn Độ đang khởi động một chiến dịch trực tuyến kêu gọi đổi tên đường gần đại sứ quán Trung Quốc thành đường “Đại Lai Lạt Ma”. Tính đến sáng ngày 17/7, 979 người đã ký vào đơn thỉnh nguyện trên trang Change.org.

Giải thích về lý do đề nghị đổi tên đường, ông Om Prakash Mishra, cựu bộ trưởng Nhà ở cho biết tên đường Panchsheel Marg gần Đại sứ quán Trung Quốc là một hiệp ước được ký giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 1954 để biểu thị sự tôn trọng lẫn nhau về toàn vẹn lãnh thổ giữa hai bên. Theo ông, hiệp ước được hình thành trên cơ sở cả hai nước sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và sẽ cùng tồn tại hòa bình, nhưng những diễn biến gần đây đã khiến ông tin rằng Bắc Kinh không có ý định tôn trọng thỏa thuận song phương này.

Theo ông Mishra, việc đặt tên nhà lãnh tụ tinh thần Đạt Lai Lạt Ma cho con đường sẽ không chỉ tôn vinh người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, mà còn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh về chủ nghĩa bành trướng xâm lược của họ. Vị quan chức Ấn Độ nói đùa rằng sẽ rất vui khi thấy đại sứ Trung Quốc đi dọc theo đường Đạt Lai Lạt Ma mỗi ngày để làm việc.

Công chúa Anh bí mật kết hôn

Theo CNN, công chúa Anh Beatrice, con gái hoàng tử Andrew, đã tổ chức hôn lễ bí mật ở lâu đài Windsor với sự chứng kiến của Nữ hoàng Elizabeth II.

Điện Buckingham hôm 17/7 xác nhận công chúa Beatrice và hôn phu Edoardo Mapelli Mozzi đã tổ chức hôn lễ cùng ngày. Hai người đính hôn từ tháng 9 năm ngoái, song đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới lễ cưới của họ.

“Lễ cưới riêng của công chúa Beatrice và ngài Edoardo Mapelli Mozzi được cử hành lúc 11h ngày 17/7 tại nhà thờ hoàng gia All Saints ở Windsor”, Điện Buckingham ra tuyên bố.

Theo điện Buckingham, bữa tiệc nhỏ có sự tham gia của Nữ hoàng Anh, Hoàng thân Philip và gia đình. Hôn lễ cũng diễn ra theo các quy tắc liên quan của chính phủ Anh.

Reuters: Hồng Kông yêu cầu quan chức Đài Loan ký giấy công nhận “một Trung Quốc”

  • Đức Thiện

Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên nói rằng giới chức Hồng Kông mới đây đã yêu cầu các quan chức Đài Loan phải ký vào một tài liệu bày tỏ ủng hộ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan theo chính sách “một Trung Quốc” nếu không họ sẽ không được gia hạn thị thực.

Quảng trường Tự Do ở Đài Bắc, Đài Loan. Người dân tại Đài Loan cũng tổ chức hoạt động tưởng niệm 31 năm Lục Tứ . (Ảnh: CNA).

Động thái trên của Hồng Kông đến sau khi Đài Loan mạnh mẽ chỉ trích luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông từ ngày 1/7 và tháng này Đài Loan vừa mở một văn phòng tại Đài Bắc để giúp đỡ người dân muốn rời bỏ trung tâm tài chính châu Á.

Một quan chức cấp cao Đài Loan giấu tên nói với Reuters rằng nhiều quan chức Đài Loan tại lãnh sự quán danh nghĩa của họ tại Hồng Kông phải xin gia hạn thị thực đã bị chính quyền Đặc khu yêu cầu ký vào tài liệu công nhận chính sách “một Trung Quốc”.

Vị quan chức giấu tên này nói rằng động thái nêu trên của giới chức Hồng Kông là chưa từng có tiền lệ và là “sự cản trở chính trị không cần thiết” đối với mối quan hệ Đài Bắc-Hồng Kông.

Họ sẽ không cấp thị thực nếu chúng tôi không ký vào tài liệu đó. Đó hoàn toàn là vấn đề do họ tạo ra. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ lập trường của mình. Những đại diện của chúng tôi tại Hồng Kông sẽ giữ vững lập trường”, vị quan chức Đài Loan nói với Reuters.

Reuters cho biết họ đã liên hệ với cơ quan xuất nhập cảnh Hồng Kông để yêu cầu bình luận về thông tin trên, nhưng không nhận được phản hồi.

Trong khi đó, Hội đồng Hoạch định chính sách về Các vấn đề Đại lục của Đài Loan đã kêu gọi Hồng Kông hãy tôn trọng “sự đồng thuận hiện tại” để duy trì trao đổi ngoại giao bình thường giữa Đài Loan và Hồng Kông.

Hội đồng này trong tuyên bố trả lời Reuters cho biết: “Hồng Kông nên tuân thủ những thỏa thuận song phương để đảm bảo văn phòng [của Đài Loan tại Hồng Kông] không bị can thiệp chính trị, và Hồng Kông không nên thiết lập những cản trở không cần thiết vượt ra ngoài khuôn khổ các thỏa thuận này”.

Đài Loan hiện nay có 15 nhân viên làm việc tại lãnh sự quán danh nghĩa tại Hồng Kông, Reuters dẫn thông tin từ một nguồn tin giấu tên khác.

Nguồn tin của Reuters từ chối nói chính xác có bao nhiêu quan chức Đài Loan bị yêu cầu ký vào tài liệu công nhận chính sách “một Trung Quốc”. Trong khi đó, quyền lãnh đạo lãnh sự quán Đài Loan tại Hồng Kông Kao Ming-tsun đã bay về Đài Loan vào cuối ngày thứ Năm [16/7] sau khi ông từ chối ký vào tài liệu để được gia hạn thị thực.

Reuters cũng đã liên lạc với ông Kao Ming-tsun để yêu cầu bình luận, nhưng không nhận được phản hồi.

Quan chức Đài Loan rời Hồng Kông vì từ chối ủng hộ ‘Một Trung Quốc’

Ông Cao Minh Thôn (Kao Ming-tsun), Quyền giám đốc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (ảnh chụp màn hình video trên Youtube của The Epoch Times).

Ông Cao Minh Thôn (Kao Ming-tsun), Quyền giám đốc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, đã rời Hồng Kông vào cuối ngày 16/7 vì từ chối ký văn bản ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” về vấn đề Đài Loan.

Một nguồn tin hôm nay nói với Reuters rằng, thị thực của các quan chức Đài Bắc tại Hồng Kông sẽ không được gia hạn nếu họ không ký một văn bản ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”.

“Họ không cấp thị thực nếu chúng tôi không ký vào văn bản”, một quan chức cấp cao của Đài Loan nói với Reuters.

Hiện chưa rõ có chính xác bao nhiêu quan chức Đài Loan bị phía Hồng Kông yêu cầu ký kết.

Vị quan chức cho biết hành động này chưa từng có tiền lệ và đã gây ra trở ngại chính trị không cần thiết cho mối quan hệ Đài Bắc – Hồng Kông.

Động thái của phía Hồng Kông được đưa ra sau khi Đài Loan chỉ trích mạnh mẽ luật an ninh hà khắc của Bắc Kinh và mở văn phòng tại Đài Bắc để hỗ trợ những người muốn rời khỏi xứ Cảng Thơm.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ lập trường của mình. Đại diện của chúng tôi tại Hồng Kông sẽ giữ vững quan điểm”, vị quan chức Đài Loan nói với Reuters.

Tờ Taiwan News đưa tin, ông Trần Minh Thông (Chen Ming-tong), người đứng đầu Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan, phản đối mạnh mẽ yêu cầu của chính phủ Hồng Kông, cho rằng điều này ảnh hưởng đến hoạt động của văn phòng đại diện Đài Loan cũng như mối quan hệ song phương.

Cục quản lý xuất nhập cảnh Hồng Kông chưa phản hồi khi được Reuters yêu cầu bình luận.

Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Quan hệ giữa hai bờ eo biển trở nên căng thẳng kể từ khi bà Thái Anh Văn, người ủng hộ dan chủ, lên nắm quyền năm 2016. Bà Thái kiên quyết phản đối chính sách “Một Trung Quốc” và cam kết bảo vệ hòn đảo khỏi sự bành trướng của Bắc Kinh.

Related posts