Nhật Tân
Không đòi hỏi luật lệ và ràng buộc phức tạp, phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ ra, và ví BRICS như một “hiệp hội các quốc gia chia sẻ giá trị chung và đường hướng chung” chứ không phải theo cấu trúc lấy thực thể nào đó làm trung tâm. Hiện nay đang diễn ra hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan, Liên bang Nga. BRICS được hình thành như một nhóm các nước mà nền kinh tế tăng trưởng từ đầu thế kỷ này, hợp tác với nhau, tìm ra cơ chế không bị lệ thuộc vào những hệ thống của phương Tây đứng đầu bởi Mỹ. Giới quan sát cho rằng lần họp thượng đỉnh lần thứ 16 này đánh dấu cột mốc phát triển khi số thành viên tiếp tục gia tăng, đồng thời đem lại vị thế cho nước Nga chủ nhà, trong khi Nga đang chịu chính sách cô lập của phương Tây. Có những phỏng đoán nước chủ nhà Nga sẽ tìm cách đưa BRICS tạo thế, vươn sang lĩnh vực chính trị.
BRICS hứa hẹn những lợi ích về kinh tế và thương mại, với các cơ chế cho phép tiếp xúc các nguồn vốn đầu tư mà không phải qua các tổ chức IMF hay World Bank của phương Tây, hoặc khả năng thanh toán mà không dùng đồng đô-la Mỹ.
Phát biểu với các phóng viên bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan hôm thứ Ba, ông Peskov giải thích rằng nhóm vẫn “không có các đặc tính cần thiết để được coi là một tổ chức”, chẳng hạn như điều lệ hoặc các quy tắc được xác định rõ ràng, theo truyền thông Nga đưa tin.
Thay vào đó, ông Peskov mô tả BRICS là “hiệp hội các quốc gia chia sẻ giá trị chung và đường hướng chung,” cam kết tuân thủ các nguyên tắc phổ quát về tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, chứ BRICS không có “chủ nghĩa độc quyền.”
Ngược lại, Liên minh EU, là một tổ chức có các văn bản luật định riêng, các quy định rõ ràng, bắt buộc phải tuân thủ một bộ các ràng buộc.
Ông cũng nhấn mạnh rằng nhóm BRICS không giống EU kiểu như “xây dựng tình bạn để chống lại ai đó.” Không có yêu cầu là hợp tác với quốc gia này sẽ kèm theo điều kiện là phải chống phá một quốc gia nào đó khác.
BRICS hiện đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16 tại Kazan, thành phố lớn thứ năm của Nga, nơi hàng chục nhà lãnh đạo nước ngoài đã tụ tập trong ba ngày, 22 đến 24 tháng 10, thảo luận ngoại giao và đàm phán song phương.
Mặc dù có khẩu hiệu “phi đô la hóa”, nhưng BRICS không đặt mục tiêu vào “kế hoạch đánh bại đồng đô-la Mỹ” như phương Tây miêu tả ví như trong tờ The Economics.
“Hợp tác trong BRICS không nhằm mục đích chống lại bất kỳ ai hay bất cứ thứ gì, không chống lại đồng đô-la hay các loại tiền tệ khác,” ông Peskov tuyên bố. “Nó theo đuổi mục tiêu chính là đảm bảo lợi ích của những quốc gia tham gia vào hình thức này.”
Nga và các nước trong BRICS cũng đang có các nỗ lực để tránh khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT của phương Tây. Đã có rất nhiều hoạt động thương mại giữa các thành viên mà không dùng tới đồng đô-la Mỹ.
Những nỗ lực này đem lại lợi ích to lớn cho các nước đang chịu chính sách trừng phạt kinh tế của phương Tây như Nga và Iran.
Theo Douglas Macgregor, đây là hấp dẫn không nhỏ. Tại sao các quốc gia phải tiếp tục làm ăn với Mỹ để rồi phải chịu đủ thứ điều khoản ràng buộc chính trị từ Mỹ?
Theo một số bình luận trong chương trình Inside Story của Al Jazeera thì nước chủ nhà Nga lần này sẽ tìm cách thông qua BRICS để gây ảnh hưởng cả sang các lĩnh vực chính trị, chứ không còn chỉ là kinh tế đơn thuần. Tuy nhiên các bình luận cho rằng BRICS sẽ khó có thể làm được như vậy.
Ngay 1 ngày trước sự kiện, hôm 21/10, Ấn Độ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận ổn định đường biên giới. Trong ngày đầu, Nga đã có dịp thảo luận với Trung Quốc và Brazil về sáng kiến hòa bình cho Ukraine và được báo cáo là có kết quả “hữu ích”. Nga và UAE đã đạt được cam kết “đối tác chiến lược.”
Theo bình luận trong chương trình của Al Jazeera nêu trên, BRICS vẫn là cơ cấu thương mại và kinh tế. Ngoài ra, các thành viên trong BRICS vẫn còn nhiều điểm chưa tương đồng về cơ cấu chính trị và xã hội. Các quốc gia nào không hài lòng với cách làm chính trị và ngoại giao của phương Tây, thì vẫn là cần đến các phương án khác, trong quá trình chuyển biến sang thế giới đa cực.
Ví dụ, cải tổ Liên Hợp Quốc (LHQ) có thể sẽ là một phương án. Những diễn biến trong chiến tranh Trung Đông, khi Mỹ liên tiếp ủng hộ Israel, dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ, góp phần cho việc Israel tiến hành không kiềm chế các hoạt động diệt chủng ở Gaza kể từ 7/10 năm ngoái cho đến nay. Các nước bất đồng quan điểm sẽ chọn phương án đòi hỏi cải tổ LHQ, chứ sẽ không chọn phương án tạo ra một BRICS nào đó thay cho LHQ.
BRICS được thành lập vào năm 2006 và ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, với Nam Phi gia nhập vào năm 2010. Ethiopia, Ai Cập, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã được thêm vào vào đầu năm nay. Nhóm hiện nay đại diện chung cho khoảng 46% dân số thế giới và hơn 36% GDP toàn cầu.
Khoảng ba chục quốc gia khác trên khắp thế giới cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS hoặc tăng cường mối quan hệ với nhóm này. Nhiều nước đã cử phái đoàn cấp cao tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Kazan.
Nhật Tân