Anh có thể đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông
Truyền thông Anh đưa tin, nước này sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông vì luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh.
Báo Times và Daily Telegraph dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm 19/7 cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền “trắng trợn” và sẽ công bố đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông tại quốc hội vào hôm 20/7.
“Chúng ta đã có động thái mạnh mẽ nhất từ trước đến nay từ Ngoại trưởng Vương quốc Anh, đó là sẽ hủy bỏ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông để đáp trả các hành động của Trung Quốc tại đó”, ông Nick Eardley, nhà phân tích, phóng viên của tờ BBC bình luận. “Quyết định chính trị này được đưa ra nhằm gửi một thông điệp khác đến Bắc Kinh”, ông Earldley nói thêm.
Bộ Ngoại giao Anh chưa bình luận về thông tin trên.
Giới chức Anh nhiều lần chỉ trích luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh vi phạm tuyên bố chung Trung – Anh được ký kết trước khi Hồng Kông được chuyển giao cho Trung Quốc vào năm 1997. Ngoài ra, Bắc Kinh đang làm xói mòn các quyền tự do vốn giúp Hồng Kông trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.
Đầu tháng 7, chính phủ Anh thông báo cho phép 3 triệu người Hồng Kông đủ điều kiện nhận hộ chiếu hải ngoại Anh cùng những người phụ thuộc định cư ở nước này và có cơ hội nhập tịch. Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel nêu sáng kiến mở rộng cấp hộ chiếu hải ngoại cho người trẻ Hồng Kông sau khi luật an ninh mới có hiệu lực.
Không chỉ Anh, nhiều quốc gia phương Tây khác cũng chỉ trích đạo luật hà khắc của Bắc Kinh. Chính phủ Canada và Úc hồi đầu tháng cũng thông báo đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông.
Quan hệ Anh – Trung trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây do dịch Covid-19, vấn đề Hồng Kông và việc Thủ tướng Boris Johnson cấm tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia mạng 5G. Hôm 19/7, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming) cảnh báo phản ứng cứng rắn nếu London trừng phạt bất kỳ quan chức nào của nước này, theo yêu cầu từ một số nghị sĩ thuộc đảng của Thủ tướng Johnson.
Lũ hạ lưu Tam Hiệp dâng cao, An Huy cho nổ đê để xả lũ
Khu vực hạ lưu sông Trường Giang Trung Quốc đang trong đợt mưa lớn mới, tình hình phòng chống lũ trở lên gay go. Ngày 17/7, trạm thủy văn trên dòng chảy Trường Giang đoạn qua thành phố Ân Thi tỉnh Hồ Bắc, xuất hiện mực nước vượt mức cao nhất trong lịch sử; trạm thủy văn Nam Kinh ngày 18/7 xuất hiện mực nước cao nhất trong lịch sử; tỉnh An Huy sáng sớm ngày 19/7 đã cho nổ đoạn đê trên sông Trừ để xả lũ.
Theo trang mạng Dịch vụ tin tức Trung Quốc (CNS) đưa tin, một đợt mưa lớn mới bắt đầu từ ngày 17/7, đã gây ra ảnh hưởng cho khu vực trung và hạ lưu sông Trường Giang, các tỉnh thành như Trùng Khánh, Giang Tô, An Huy cũng xuất hiện mưa lớn, tình hình phòng chống lũ lụt trên các sông hồ lớn như Trường Giang, Thái Hồ, sông Hoài, đều trở lên gay go.
Lúc 1 giờ chiều ngày 19/7, Cục Thăm dò Thủy văn và Nguồn nước thành phố Kinh Châu tỉnh Hồ Bắc đã phát đi cảnh báo lũ màu đỏ (mức cảnh báo cao nhất), theo đó, mực nước Trường Hồ đã đạt mức 32,84 mét, vượt mức cảnh báo 0,34 mét; mực nước Hồng Hồ là 26,99 mét, vượt mức đảm bảo 0,02 mét, mực nước sẽ tiếp tục tăng và mực nước cao sẽ tiếp tục kéo dài một khoảng thời gian.
Theo trang ThePaper đưa tin, do mực nước sông Trừ tại tỉnh An Huy dâng cao với tốc độ nhanh, vào lúc 2:49 và 3:27 sáng ngày 19/7, liên tiếp có 2 tiếng nổ lớn, sau đó đê sông Trừ tỉnh An Huy có 2 chỗ vỡ, nước sông tràn vào khu vực tích lũ đê bao số 2 và đê bao số 3, cánh đồng xanh trong thời gian ngắn trở thành biển nước. Đây là lần thứ hai tỉnh An Huy khởi tiếp tục sử dụng 2 khu tích lũ sau khi khu vực tích lũ đê Đông được sử dụng vào ngày 18/7.
Hai bên bờ sông Trừ phân bố 24 khu đê bao, với khoảng 87.000 nhân khẩu. Quan chức địa phương nói, người ở khu tích lũ đã được di chuyển đi nơi khác.
Trước đó, đê bao số 2 và đê bao số 3 lần lượt được sử dụng 4 lần vào năm 1991, năm 2003, năm 2008 và năm 2015.
Báo cáo cho biết, áp lực phòng chống lũ trên sông Trường Giang, sông Hoài tiếp tục gia tăng. Mực nước trên sông Trường Giang vào ngày 18/7 đã phá vỡ kỷ lục cao nhất của trạm thủy văn Nam Kinh trước đây, mực nước đã vượt qua dấu mốc “10,22 mét, năm 1954” khắc trên tấm bia trên sông Hạ Quan, và đạt mức 10,26 mét.
Do ảnh hưởng của dòng chảy chính ở thượng nguồn và mực nước khu vực Tam Hiệp nhanh chóng tăng, lưu lượng nước chảy vào hồ chứa Tam Hiệp và mực nước hồ chứa vẫn tiếp tục tăng. Trạm thủy văn Ân Thi thượng lưu sông Thanh (một nhánh sông Trường Giang) ngày 17/7 xuất hiện đỉnh lũ, mực nước đo được là 420,68 mét, cao hơn so với mức cao nhất trong lịch sử hồi tháng 7/1989 là 420,64.
Do mực nước trên sông Thanh thuộc nhánh sông Trường Giang tiếp tục tăng cao, thành phố Ân Thi hầu như đều bị ngập trong nước, ngày 17/4, chính quyền quyết định năng mức ứng phó khẩn cấp trong phòng chống lũ tại thành phố Ân Thi lên cấp 1 (mức cao nhất).
Theo thông tin của Đài dự báo khí tượng Trung ương, ngày 21 – 23/7, lưu vực sông Hoài và thượng lưu sông Trường Giang sẽ có một đợt mưa lớn mới, cần tiếp tục chú ý đến ảnh hưởng của mưa đến tình hình lũ lụt thảm họa ngập úng cây trồng, lũ bất ngờ, và thảm họa địa chất có khả năng xảy ra.
Nhật Bản công bố 87 công ty đầu tiên đủ điều kiện nhận trợ cấp để “thoát Trung”
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản hôm thứ Sáu (17/7) đã tiết lộ nhóm các công ty Nhật Bản đầu tiên được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á hoặc về Nhật Bản, theo tờ Nikkei.
Cụ thể, 87 công ty hoặc dự án sẽ nhận được tổng cộng 70 tỷ yên (tương đương 653 triệu USD) để chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở nước này.
Đây là khoản đầu tiên trong 220 tỷ yên ngân sách bổ sung năm tài khóa 2020 cho chương trình trợ cấp của chính phủ Nhật. Trong số đó, 23,5 tỷ yên được giành để thúc đẩy đa dạng hóa các địa điểm sản xuất từ Trung Quốc đến Đông Nam Á.
Theo tờ Nikkei, 30 trong số 87 công ty sẽ chuyển sản xuất sang Đông Nam Á, số còn lại gồm 57 công ty sẽ về lại Nhật Bản.
Công ty Hoya chuyên sản xuất các bộ phận ổ cứng sẽ chuyển đến Việt Nam và Lào.
Sumitomo Rubber Industries, công ty sản xuất găng tay cao su nitrile sẽ chuyển tới Malaysia, trong khi Công ty hoá chất Shin-Etsu sẽ chuyển việc sản xuất nam châm đất hiếm sang Việt Nam.
Nhà sản xuất hàng gia dụng Iris Ohyama hiện đang sản xuất khẩu trang tại các nhà máy Trung Quốc ở thành phố Đại Liên và Tô Châu. Nhà máy này mua nguyên liệu vải không dệt và các vật liệu chính khác từ các công ty Trung Quốc.
Với khoản trợ cấp, công ty này sẽ bắt đầu sản xuất khẩu trang tại nhà máy Kakuda ở tỉnh Miyagi, miền bắc Nhật Bản. Tất cả nguyên liệu sẽ được mua tại địa phương.
Vào đầu đợt bùng phát dịch virus corona, Nhật Bản đã nếm trải sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng mặt hàng khẩu trang, nhiều trong số đó được sản xuất tại Trung Quốc.
Các công ty khác đủ điều kiện nhận trợ cấp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như sản xuất phụ tùng hàng không, phụ tùng ô tô, phân bón, thuốc và các sản phẩm giấy.
Trung Quốc đe dọa cắt phúc lợi xã hội để ép dân nghèo từ bỏ đức tin
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang lợi dụng tình cảnh khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra để ép buộc các tín đồ Công giáo nghèo khó từ bỏ đức tin của mình hoặc đối mặt việc mất trợ cấp phúc lợi, tạp chí nhân quyền Bitter Winter đưa tin hôm thứ Sáu (17/7).
Suy thoái kinh tế do đại dịch virus corona đã gây ra ảnh hưởng nặng nề nhất đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp ở Trung Quốc, nhiều người trong số đó dựa vào phúc lợi tài trợ của nhà nước để sinh tồn. Trong những tháng gần đây, ĐCSTQ đã buộc các tín đồ Công giáo trên khắp cả nước hiện đang nhận trợ cấp phúc lợi của nhà nước vứt bỏ các vật phẩm tôn giáo ra khỏi nhà và thay thế chúng bằng hình ảnh của Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông; một số người còn bị thúc bách từ bỏ đức tin của mình. Nếu các tín đồ Công giáo từ chối, chính quyền sẽ ngừng cấp phúc lợi, theo tạp chí.
Vào tháng Tư, chính quyền một thị trấn ở tỉnh Sơn Tây, đã lệnh cho các quan chức từ tất cả các ngôi làng địa phương đến tháo dỡ các cây thánh giá, vật phẩm tôn giáo và tượng Thánh khỏi nhà của những người Công giáo trong diện phúc lợi xã hội của chính phủ và thay thế chúng bằng chân dung của Mao và Tập. Các quan chức đã được ĐCSTQ chỉ thị hủy bỏ các khoản trợ cấp cho những ai phản đối lệnh này”, tờ Bitter Winter đưa tin.
Dưới một chính quyền lấy vô thần luận làm cơ sở, Trung Quốc chỉ cho phép một số ít tôn giáo hoạt động, bao gồm Công giáo và Cơ đốc giáo, mà ĐCSTQ gọi là Giáo hội Ái quốc Tam tự. Phật giáo, Đạo giáo và Hồi giáo bị cấm đoán trên danh nghĩa. Trên thực tế, ĐCSTQ không khuyến khích việc thờ cúng tôn giáo nói chung bằng cách tạo ra các hoàn cảnh mâu thuẫn cho những người có đức tin, đặc biệt là các tín đồ Công giáo.
Trong cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với các tín đồ Công giáo tại một ngôi làng ở tỉnh Sơn Tây hồi tháng Tư, một thành viên giáo hội Tam Tự sống ở đó đã nói với trang Bitter Winter rằng các quan chức địa phương đã đến thăm nhà anh và “xé nát tất cả các câu khẩu hiệu tôn giáo và một cuốn lịch có ảnh Chúa Giêsu … và dán thay vào đó bức chân dung của Mao Trạch Đông”.
“Các hộ gia đình tôn giáo nghèo không thể nhận tiền trợ cấp từ nhà nước một cách vô điều kiện – họ phải tuân theo Đảng Cộng sản để đổi lấy số tiền họ nhận được”, người đàn ông nhớ lại một quan chức ĐCSTQ nói với anh.
Tại tỉnh Giang Tây hồi tháng 4, chính quyền thành phố Tân Dư “đã thu hồi một khoản trợ cấp sinh hoạt tối thiểu hàng tháng của một người đàn ông theo Công giáo bị tàn tật là 100 RMB (khoảng 14 USD, tương đương hơn 300 nghìn VNĐ)”, theo báo cáo.
“Các quan chức đã bảo tôi rằng chúng tôi sẽ bị đối xử như những phần tử chống Đảng nếu hai vợ chồng tiếp tục tham gia các buổi lễ tôn giáo”, vợ của người đàn ông nói với Bitter Winter.
Tại thành phố Vệ Huy thuộc tỉnh Hà Nam, một bà mẹ độc thân, góa chồng một mình chăm sóc hai con trai nói rằng chính phủ đã hủy khoản thanh toán phúc lợi của cô vào tháng Tư sau khi một quan chức ĐCSTQ ra lệnh cho cô “ký một tuyên bố từ bỏ đức tin của cô và phá hủy tất cả các vật phẩm Công giáo trong nhà” nhưng cô đã từ chối tuân thủ.
Chính sách đàn áp các tín đồ Công giáo nghèo khó ở Trung Quốc đã có từ lâu. Năm 2017, tờ Breitbart News đưa tin rằng ĐCSTQ đã đe dọa sẽ giữ lại các gói cứu trợ xóa đói giảm nghèo của các tín đồ Công giáo ở nông thôn nếu họ không thay thế các vật phẩm tôn giáo trong nhà và nhà thờ bằng hình ảnh của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản, ví như Tập Cận Bình.
Ngoài ra, ĐCSTQ đã sử dụng đại dịch virus corona đang diễn ra như một cơ hội để đóng cửa và thậm chí phá hủy các nhà thờ Thiên chúa giáo đang bị bỏ trống do các lệnh cấm tụ tập nhằm phòng dịch.