- Lâm Bình Phương
Cái chết George Floyd vào tháng Năm năm nay đã mở màn cho những cuộc bạo loạn của người da đen tại Mỹ. Hàng loạt các cuộc đập phá cửa hàng và phong trào “Black Lives Matter” cũng nổ ra ở khắp nơi trên đất nước này, được cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều trên YouTube. Tại Việt Nam, gió đưa thuyền đẩy, hầu như tất cả các báo đều đưa tin về vụ việc này. “Phân biệt chủng tộc” dường như là một vấn đề nghiêm trọng được đề cập nhiều nhất, mặc dù nó không trực tiếp ảnh hưởng gì đến người Việt. Hài hước ở chỗ, vấn đề nhân quyền ở nước Mỹ xa xôi một lần nữa khiến nền báo chí Việt Nam thật ‘lao tâm khổ tứ’ ‘cày xới’ như chính vấn đề của mình. Trong một diễn biến khác, các vấn đề vi phạm nhân quyền diễn ra hàng ngày ở xứ sở nước mình thì các báo Việt Nam lại ‘im hơi lặng tiếng’, ‘bất động tâm’ như thể chúng ta đang ở trên ‘thiên đường’ tốt đẹp thật sự.
Mấy tuần sau đó tôi có nói chuyện với một bác lớn tuổi, bác có nói một câu mà tôi cũng hơi lưu tâm đến đó, đại ý là: “George Floyd chỉ là một ví dụ điển hình của nạn phân biệt chủng tộc – nhưng những người da đen cướp phá, tấn công các cửa hàng sau sự việc đó khiến bác cảm thấy ái ngại, nếu người da đen cứ hành xử như kẻ cướp và bạo loạn ở khắp nơi để đòi quyền bình đẳng và mọi người ủng hộ điều đó thì bác thấy các giá trị sống quả là đảo điên thật!”.
Câu nói của bác khiến tôi suy nghĩ nhiều. Quả thật, việc tạo ra sự bất ổn để mong cầu đạt được sự ổn định hay công bằng, hay gọi nôm na là đấu tranh bạo động để đạt được tự do nào đó, dường như luôn để lại quá nhiều hậu quả, mất mát, xáo động xã hội. Cái quy trình lỗi thời đó, cũng như triết học đấu tranh giai cấp lỗi thời đó, dường như để lại hậu quả một cách hệ thống nhiều hơn là trở thành nền tảng hy vọng cho tương lai nhân loại. Vậy liệu có còn con đường nào khác để xử lý những vấn đề nhân quyền này không?
Tôi tìm kiếm và rồi tôi chợt thấy một điểm sáng trong cách phản bức hại của những người tập Pháp Luân Công tại nước Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác. Những cuộc diễu hành trên đường phố Mỹ của các học viên này quy tụ gần vạn người vẫn diễn ra trong quy củ và thân thiện. Trong âm nhạc dịu êm của các bài luyện công của Pháp Luân Công, họ giơ cao các biểu ngữ phản đối bức hại, phản đối cướp mổ nội tạng tại Trung Quốc do chính quyền Trung Cộng và cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân cầm đầu.
Những cuộc diễu hành như thế đã diễn ra trong suốt nhiều năm qua, khiến nhiều nghị sĩ và người dân Mỹ cảm động và đồng tình. Cách làm này đã được cộng đồng người tập Pháp Luân Công lan rộng ra nhiều quốc gia khác như Úc, Châu Âu và Đài Loan mỗi khi thời tiết bước vào tháng Năm. Ở một quốc gia khác là Anh Quốc, những học viên Pháp Luân Công này đã 24/24h ngồi đả tọa bên lề đường đối diện Đại Sứ Quán Trung Quốc, họ đã thay nhau ngồi đó suốt gần 20 năm không ngưng nghỉ ngày nào, bất kể những đêm khuya giá rét khắc nghiệt đặc trưng tại xứ sở sương mù. Hành động thầm lặng nhưng kiên định của họ khiến tôi cảm thấy xúc động và khâm phục.
Việt Nam là quốc gia ‘sát vách’ Trung Cộng và phải chịu nhận nhiều ảnh hưởng chính trị từ Trung Cộng. Do đó, những người tập Pháp Luân Công tại đây không dễ dàng biểu đạt được theo cách làm tại các quốc gia khác. Tuy vậy, họ cũng tìm được cách làm riêng như phát tặng tài liệu nói sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc cho bất cứ ai mà họ gặp gỡ, đồng thời giới thiệu về Pháp Luân Công cho những người chưa từng biết để giúp lan truyền sự thật về cuộc bức hại này đến những người Trung Quốc tại Việt Nam lẫn tại Trung Quốc – nơi mà hàng rào tường lửa đã khiến cho người dân tại quốc gia này chỉ có thể biết được thông tin một chiều từ truyền thông Trung Cộng. Những học viên Pháp Luân Công gọi đó là “giảng chân tướng” – một cụm từ đơn giản nhưng gói gọn được thông điệp phản bức hại của họ. Mặc dù chính quyền Việt Nam cũng có những động thái để hạn chế hành động này, nhưng dẫu sau một thời gian dài như thế, người dân Việt Nam hầu như ai cũng biết về cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Hành động của những người tập Pháp Luân Công là hình mẫu về việc tìm kiếm nhân quyền một cách bất bạo động – nó khiến xã hội trở nên không quá xáo trộn và bạo loạn như cách làm của người da đen trong phong trào “Black Lives Matter”.
Quyền sống của con người là quan trọng, nhưng tương lai của nhân loại có lẽ nên tìm đến những cách làm bất bạo động. Bởi vì con người đã phải sống quá lâu trong những cuộc biểu tình đập phá và lật đổ. Bạo loạn dẫn đến bạo loạn, mất mát dẫn đến mất mát, khi nào chúng ta có thể tìm thấy sự bình đẳng trong một thế giới vốn dĩ không có sự bình đẳng? Lão Tử nói “Mềm có thể thắng cứng”, tiếc thay không có mấy người có thể tin và nhận ra rằng sự chân chính, lương thiện, nhẫn nại hơn nữa mới chính là nền tảng trụ cột bền vững hơn để giải quyết sự xung đột của con người.
Lâm Bình Phương