- Kim Long
Ông Phó chủ tịch Quảng Trị Lê Đức Tiến nói với báo giới trong nước, về lý do quan trọng để xây dựng sân bay Quảng Trị tới hơn 8.000 tỷ đồng, rộng 594ha, là vì muốn phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân.
Truyền thông trong nước vừa truyền tin, Cục Hàng không Việt Nam muốn Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030.
Cảng này có vị trí tại xã Gio Quang và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, cách thành phố Đông Hà 7km về phía bắc, là sân bay cấp 4C có chức năng vận chuyển hành khách, hàng hóa nội địa và là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự được xây dựng trên diện tích 594 ha.
Cảng hàng không Quảng Trị sẽ có 1 đường cất hạ cánh kích thước 2.400 x 45m, lề đường cất hạ cánh rộng 7,5 m mỗi bên, hướng 04 – 22, kết cấu đường cất hạ cánh đảm bảo khai thác máy bay A320/321 và tương đương. Nhà ga hành khách tại khu vực phía nam sân đỗ máy bay, quy mô 2 cao trình, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10.000m2, công suất 1 triệu hành khách/năm.
Theo tính toán, Cảng hàng không Quảng Trị cần khoảng 8.014 tỷ đồng; nguồn vốn dự kiến huy động từ ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, PPP.
Việc xây dựng cảng hàng không này nhằm “hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải, tạo động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thúc đẩy phát triển du lịch”, báo chí trong nước viết.
Trước thông tin trên , tờ Tuổi trẻ trong một bài viết hôm 24/7, đặt câu hỏi: “một tỉnh như Quảng Trị – cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) và sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) chỉ chưa đến 100km – thì việc xây dựng sân bay có hợp lý không và con số hơn 8.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho sân bay này có quá sức với nhu cầu của một tỉnh nhỏ như Quảng Trị?”.
Báo này cũng dẫn lời ông Phó chủ tịch Quảng Trị Lê Đức Tiến, nói về lý do quan trọng nhất để xây sân bay, là vì muốn phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân cả nước.
“Người dân cả nước có sẵn nhu cầu về Quảng Trị viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm các khu di tích như thành cổ, địa đạo Vịnh Mốc… Ngoài ra, Quảng Trị còn là nơi có trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang – một địa chỉ tâm linh lớn của Công Giáo. Mỗi năm nơi này đón hàng trăm ngàn lượt người từ khắp cả nước về hành lễ”, tờ báo viết.
Trong một diễn biến khác, tờ VietNamnet trong một bài viết hồi năm 2019 cho biết, chỉ có 6/22 cảng hàng không đang khai thác ở Việt Nam là có lãi.
“Có những cảng mỗi năm lỗ 80 – 90 tỷ đồng (Vinh, Tuy Hòa, Cần Thơ). Một số cảng khác lỗ ít hơn, dao động trong khoảng 40 – 60 tỷ đồng, như Đồng Hới, Phú Quốc, Phù Cát… Những cảng tưởng chừng như có lãi (Côn Đảo, Cát Bi), thực tế cũng lỗ gần chục tỷ đồng mỗi năm. Ngay như sân bay Thọ Xuân mới đầu tư và lượng khách đã vượt công suất thiết kế song vẫn đang lỗ tới hơn 60 tỷ đồng mỗi năm”, tờ báo liệt kê.
Song, thực trạng này cũng không cản được “mơ ước” có sân bay riêng của nhiều địa phương, ngay cả ở những tỉnh còn nghèo.
Chỉ riêng khu vực Tây Bắc bộ, trong tương lai sẽ có tới 4 sân bay của 4 địa phương sát nhau là Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sa Pa (Lào Cai) và Điện Biên. Với hình thức đầu tư xã hội hóa, sẽ rất khó cho các dự án sân bay này đạt tới điểm hòa vốn, chưa nói tới có lãi, theo tờ Thanh niên.
Tờ báo cũng dẫn lại góc nhìn từ chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, rằng: “Vấn nạn quy hoạch cục bộ địa phương đã trở thành câu chuyện lãng phí đầu tư trầm kha trên nhiều lĩnh vực. Đây là lý do chi phí đầu tư cho hạ tầng của Việt Nam rất lớn nhưng vẫn kém hiệu quả. Dù luôn nhấn mạnh tới phát triển kinh tế vùng, nhưng thực chất vẫn là mạnh địa phương nào địa phương ấy làm, dẫn tới xây dựng tràn lan và đầu tư thiếu trọng điểm”.
Nói thêm, hồi cuối tháng 2, Thanh tra Chính phủ Việt Nam có kiến nghị kiểm điểm Chủ tịch Quảng Trị Nguyễn Đức Chính, các Phó Chủ tịch tỉnh trong nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-202, vì liên quan đến các sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng.
Kim Long