Ngũ Nhãn’ có thể mở rộng quy mô để đối phó Trung Quốc
Liên minh tình báo “Ngũ nhãn” (gồm Mỹ, Úc, Anh, Canada và New Zealand) có thể sẽ kết nạp thêm thành viên Nhật Bản và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế chiến lược nhằm đối phó với Trung Quốc, theo bản tin ngày 29/7 của The Guardian.
Đại dịch Covid-19 cho thấy sự phụ thuộc của phương Tây vào nguồn cung từ Trung Quốc liên quan tới các khoáng sản quan trọng và nguồn cung thiết bị y tế. Vì thế, “Ngũ Nhãn” đang lên các kế hoạch nhằm gia tăng sản xuất các kim loại hiếm và bán hiếm từ một số quốc gia để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, trung bình Trung Quốc chiếm hơn 90% nguồn sản xuất và cung ứng đất hiếm trong thập niên vừa qua.
Nghị sĩ Úc Andrew Hastie – một người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc ủng hộ ý tưởng về việc thiết lập một khối thương mại tự do “Ngũ nhãn”.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đã ngỏ lời về đề xuất trở thành thành viên thứ 6 của nhóm tình báo. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh Tom Tugendhat đã bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất nói trên.
Tin tặc Trung Quốc xâm nhập Vatican
Tin tặc Trung Quốc đã tấn công hệ thống mạng máy tính của Tòa thánh kể từ đầu tháng 5.
Recorded Future, một công ty an ninh mạng có trụ sở ở Massachusetts (Mỹ) báo cáo hôm 28/7 rằng, vụ xâm nhập được thực hiện vào khoảng thời gian Giáo hội Công giáo và Bắc Kinh đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán song phương vào tháng 9, xoay quanh việc giám sát quá trình bổ nhiệm giám mục và tình trạng của các nhà thờ Cơ Đốc ở Trung Quốc.
Báo cáo này được đưa ra vào thời điểm chính phủ Trung Quốc đang tăng cường siết chặt kiểm soát các nhóm tôn giáo ở đại lục.
Cuộc xâm nhập Tòa thánh Vatican và Phái đoàn nghiên cứu Trung Quốc của Tòa thánh – một nhóm các nhà ngoại giao không chính thức của Vatican có trụ sở ở Hồng Kông, hiện đang đàm phán về tình trạng của các nhà thờ ở đại lục.
Những tin tặc đã gửi một bức thư giả mạo Vatican tới một giáo sĩ Hồng Kông. Bức thư giả bắt chước tinh vi bức thư chính thức của Tổng giám mục Edgar Peña Parra.
Recorded Future khẳng định, cuộc tấn công nhắm vào các cuộc đàm phán sắp tới xoay quanh thỏa thuận năm 2018.
Chi tiết của thỏa thuận đạt được 2 năm về trước đến nay chưa được công bố, nhưng nhiều người cho rằng thỏa thuận cho phép Bắc Kinh chỉ định các ứng viên giám mục cho các nhà thờ nhưng cho phép giáo hoàng quyền quyết định cuối cùng.
Recorded Future cho biết, chiến dịch đánh cắp thông tin trên mạng do RedDelta, một nhóm được nhà nước Trung Quốc tài trợ tiến hành, phản ánh những hoạt động tấn công không gian mạng được Trung Quốc phê duyệt trong những năm gần đây.
Căng thẳng trong mối quan hệ giữa Tòa thánh và Bắc Kinh đang gia tăng trước cuộc đàm phán vào tháng Chín, đặc biệt là do luật an ninh Trung Quốc áp cho Hồng Kông và các hạn chế liên tiếp đối với đời sống tôn giáo ở Trung Quốc.
Trung Quốc và Vatican có mối quan hệ không êm thấm trong nhiều thập niên, hai bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1951 sau khi Tòa thánh chính thức công nhận Đài Loan.
Năm 2014, Bắc Kinh phá vỡ truyền thống đó khi cho phép máy bay đưa giáo hoàng bay qua không phận của Trung Quốc trên đường đến Hàn Quốc. Giáo hoàng Francis sau đó đã gửi thông điệp ban phép lành cho ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, căng thẳng đã trở lại khi các quan chức Trung Quốc buộc tội nhà thờ đang giúp đỡ những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
EU hạn chế xuất khẩu sang Hồng Kông vì luật an ninh
Liên minh châu Âu (EU) hôm 28/7 đã quyết định hạn chế xuất khẩu sang Hồng Kông các vật dụng hoặc thiết bị công nghệ có thể được sử dụng để trấn áp và giám sát, sau khi Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia, theo AFP.
Theo đề xuất của Pháp và Đức, 27 quốc gia thành viên của EU đã đồng ý hạn chế xuất khẩu sang Hồng Kông các thiết bị công nghệ có thể được sử dụng để “đàn áp người dân, ngăn chặn truyền thông nội bộ hoặc giám sát không gian mạng”.
“EU nhìn nhận luật an ninh quốc gia Hồng Kông … là một vấn đề nghiêm trọng”, EU ra tuyên bố cho biết. Giới quan sát nhận định luật này đã kết liễu chính sách “một quốc gia, hai chế độ” mà chính quyền Trung Quốc hứa hẹn trao cho Hồng Kông khi tiếp quản thành phố này từ Anh Quốc vào năm 1997. Theo lời hứa này, Hồng Kông phải được hưởng các quyền tự do theo chủ nghĩa tư bản ít nhất trong vòng 50 năm kể từ ngày bàn giao.
Tuyên bố của EU cho biết nhóm này “đặc biệt lo ngại về sự xói mòn nghiêm trọng các quyền và tự do mà lẽ ra phải được đảm bảo cho đến ít nhất năm 2047”.
Các nhà ngoại giao cho biết, cùng với việc hạn chế xuất khẩu, EU cũng sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ người dân Hồng Kông, như cấp thị thực, học bổng và trao đổi nghiên cứu để giúp họ tới châu Âu dễ dàng hơn.
Taiwan News đưa tin, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng EU hiện đã có “bộ công cụ chung” mà các quốc gia thành viên có thể sử dụng để đáp trả sự xâm lấn của Bắc Kinh vào xã hội dân sự Hồng Kông.
Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức cho biết, nước này sẽ “ngay lập tức ngừng xuất khẩu thiết bị quân sự, và cả thiết bị lưỡng cực đặc biệt nhạy cảm sang Hồng Kông và đối xử với lãnh thổ này giống như các nơi khác của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân Hồng Kông cũng như nhiều nước trên thế giới. Gần đây, Canada, Úc, Anh và New Zealand đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chấm dứtchế độ ưu đãi kinh tế đặc biệt dành cho thành phố này.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ: Biểu tình biến thành bạo loạn là một ‘cuộc tấn công vào chính phủ’
Xuất hiện trong phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Hạ viện hôm thứ Ba (28/7), Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đã có cuộc tranh luận với các nghị sĩ đảng Dân chủ.
Bộ trưởng Tư pháp (Tổng chưởng lý) Barr bảo vệ quyết định của mình trong cách hành xử với các cuộc biểu tình và bạo loạn, tuyên bố các cuộc biểu tình hợp pháp ở Mỹ đã bị các nhóm cánh tả cực đoan như Black Lives Matter và Antifa cùng các nhóm cực đoan khác lợi dụng nhằm kích động bạo lực, theo The BL.
Kể từ sau cái chết của người đàn ông Mỹ da màu George Floyd do bị ngộ sát hai tháng trước, các cuộc bạo loạn và biểu tình đã nổi lên khắp nước Mỹ.
Các nhà lập pháp theo phái tự do đã cáo buộc tổng chưởng lý chính trị hóa Bộ Tư pháp sau khi ông gửi các cảnh sát tư pháp liên bang đến các thành phố để ngăn chặn bạo lực, theo Breitbart.
“Những người biểu tình không phải là băng nhóm tội phạm, họ là những người mẹ, cựu chiến binh, và có cả thị trưởng thành phố”, Hạ nghị sĩ Jerry Nadler, Chủ tịch Hạ viện, cho biết.
“Xuống thang căng thẳng, không phải áp đặt kiểm soát mới là vai trò chính của ông”, ông Nadler nói với ông Barr trong phiêu điều trần. “Thay vào đó, ông đã sử dụng hơi cay và dùi cui với người dân Mỹ”.
“Kể từ khi nào thì việc thiêu rụi một tòa án liên bang là hợp pháp?”, tổng chưởng lý Barr đã chất vấn lại ủy ban, nhấn mạnh rằng cảnh sát Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ tài sản liên bang.
“Tôi muốn bàn luận về một cách hiểu khác của quy tắc thượng tôn luật pháp mà chúng ta đã chứng kiến trong hai tháng vừa qua”, ông Barr nói. “Sau cái chết của George Floyd, những kẻ bạo loạn và những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ đã lợi dụng các cuộc biểu tình hợp pháp để reo rắc sự tàn phá vô nghĩa và hủy diệt những nạn nhân vô tội”.
“Tình hình hiện tại ở Portland là một ví dụ điển hình”, ông Barr nói. “Hàng đêm trong suốt hai tháng qua, một đám đông gồm hàng trăm kẻ bạo loạn đã bao vây tòa án liên bang và các tài sản liên bang khác gần đó”.
“Những kẻ bạo loạn đã được trang bị sẵn cho một trận đánh, với súng cao su, súng bắn tỉa, búa tạ, cưa, dao, súng trường và các thiết bị nổ. Bên trong tòa án chỉ có một số lượng tương đối ít nhân viên thực thi pháp luật liên bang mang trên mình một sứ mệnh: bảo vệ tòa án”, ông Barr nói.
“Những gì xảy ra hàng đêm xung quanh tòa án không thể được gọi là một cuộc biểu tình; nó chính là một cuộc tấn công vào chính phủ Mỹ”, ông Barr nói. “Mỗi thành viên của ủy ban này, bất kể các vị có quan điểm chính trị hay cảm xúc như thế nào đối với chính quyền tổng thống Trump, đều nên lên án bạo lực đối với các cảnh sát liên bang và việc phá hủy tài sản liên bang của nhà nước”, ông nói.
Ông Barr sau đó đã cung cấp thêm chi tiết về những gì đã xảy ra gần đây trong các cuộc bạo loạn ở Portland.
“Trong những đêm gần đây, những kẻ bạo loạn đã rào chắn trước cửa tòa án, cậy cửa sổ bằng xà beng rồi ném pháo hoa vào bên trong nhằm gây hỏa hoạn thiêu rụi tòa nhà cùng các nhân viên liên bang ở bên trong”, ông Barr nói.
“Những kẻ bạo loạn đã phóng hỏa bên ngoài tòa nhà, sau đó tấn công các c liên bang khi họ ra ngoài dập lửa. Chúng đã ném đá, chai nước đông lạnh, lon thức ăn và bóng bay chứa đầy phân vào các sĩ quan thực thi pháp luật liên bang”, ông Barr nói. “Một video gần đây cho thấy một đám đông cuồng loạn đánh đập một phó cảnh sát tư pháp đang cố gắng bảo vệ tòa án – vốn là tài sản của chính phủ Mỹ, được cấp vốn từ Nghị viện này – khỏi bị phá hủy thêm”.
“Một số sĩ quan liên bang đã bị thương, trong đó có một người bị bỏng nặng bởi pháo hoa kiểu súng cối và 3 người khác bị chấn thương mắt nghiêm trọng, đối mặt khả năng bị mù vĩnh viễn”, ông Barr nói.
Tổng thống Belarus xác nhận nhiễm Covid-19
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thông báo ông dương tính nCoV nhưng không có triệu chứng và đã hồi phục, hãng thông tấn nhà nước Belta hôm 28/7 đưa tin.
“Tôi xin lỗi vì giọng của mình, gần đây tôi phải nói rất nhiều. Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là hôm nay mọi người đang chứng kiến một người đã mạnh mẽ tự mình vượt qua Covid-19”, hãng thông tấn nhà nước Belarus Belta dẫn lời Tổng thống Lukashenko trong chuyến thăm một căn cứ quân sự hôm 28/7. “Các bác sĩ hôm qua kết luận rằng tôi là người nhiễm nCoV không triệu chứng”.
Theo CNN, ông Lukashenko trước đó từng nhiều lần bác bỏ mối đe dọa do virus corona gây ra, gọi Covid-19 là “bệnh tâm thần”. Tổng thống Belarus cũng vấp phải nhiều chỉ trích vì không áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn đại dịch.
Triều Tiên yêu cầu người nước ngoài tuân thủ biện pháp chống dịch
Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên hôm nay cho biết chính quyền nhắc nhở người nước ngoài sống ở Bình Nhưỡng tuân thủ các biện pháp chống dịch Covid-19, theo Reuters.
Trong một bài đăng trên Facebook, đại sứ quán Nga cho biết Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm 28/7 ban hành một thông báo nói rằng, người nước ngoài không được rời khỏi thành phố, không được tổ chức các cuộc họp lớn và phải đeo khẩu trang.
Trươc đó, Triều Tiên phong tỏa thành phố Kaesong gần biên giới với Hàn Quốc sau khi một người vượt biên trái phép vào Triều Tiên hồi đầu tháng 7 có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19.
5 công ty viễn thông Đài Loan đều nằm trong danh sách mạng ‘5G Sạch’
Tất cả 5 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Đài Loan đều được Mỹ liệt vào danh sách mạng “5G Sạch”, theo bản tin ngày 29/7 của Taiwan News.
Công ty viễn thông Chunghwa Telecom và Far EasTone Telecommunications trước đó đã có tên trong danh sách, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã bổ sung thêm Taiwan Mobile, Taiwan Star Telecom và Asia Pacific Telecom, theo CNA.
Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu rằng các nhà cung cấp viễn thông không đáng tin cậy sẽ không được hiện diện ở các cơ sở ngoại giao, đề cập rõ ràng đến Huawei và ZTE của Trung Quốc. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để đảm bảo những dữ liệu quan trọng và mạng lưới của chúng tôi được an toàn trước Đảng Cộng sản Trung Quốc”.