Mỹ truy tố giáo sư che giấu quan hệ với Trung Quốc
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hôm nay cho biết ông Simon Saw-Teong Ang, giáo sư tại Đại học Arkansas, bị truy tố 44 tội danh, trong đó có gian lận visa và che giấu quan hệ với các công ty và chính phủ Trung Quốc, theo AP.
FBI chi nhánh Little Rock, bang Arkansas, Mỹ hôm nay công bố cáo trạng truy tố gồm 44 tội danh đối với giáo sư Ang, người từng công tác tại Đại học Arkansas-Fayetteville (UA) ở Fayetteville từ năm 1988. Ông Ang, 63 tuổi, giáo sư kỹ thuật điện và nhà nghiên cứu tại UA, bị các đặc vụ FBI bắt hôm 8/5.
Cáo trạng cáo buộc Ang đã che giấu mối quan hệ giữa ông với các công ty Trung Quốc khi ông nhận tiền tài trợ của Mỹ cho các công trình nghiên cứu của mình.
Cụ thể, FBI cáo buộc ông Ang “lừa gạt Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và UA bằng cách không tiết lộ việc ông giữ các vị trí khác tại một trường đại học Trung Quốc và nhiều công ty Trung Quốc”, vi phạm các chính sách về xung đột lợi ích. FBI cho biết thêm, trong quá trình nghiên cứu của mình, ông Ang đã nhận tài trợ và hợp đồng từ một số cơ quan liên bang, trong đó có NASA.
Nếu bị kết án, ông Ang có thể đối mặt với án tù 20 năm.
Hàn Quốc bắt 3 người Việt trốn khỏi khu cách ly
Yonhap dẫn thông báo ngày 30/7 của cảnh sát Hàn Quốc cho biết, 3 người Việt Nam trốn khỏi cơ sở cách ly Covid-19 ở Gimpo, Seoul hồi đầu tuần đã bị bắt.
Ba người Việt Nam đều là nam giới ngoài 20 tuổi. Họ bị cáo buộc trốn khỏi cơ sở cách ly mà không được phép hôm 27/7 sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc hôm 20/7. Ba người này đang đối mặt với việc bị trục xuất vì vi phạm Đạo luật phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm Hàn Quốc.
Họ đều có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 khi tới Hàn Quốc nhưng bị buộc phải cách ly 2 tuần theo quy định.
Diêm Lệ Mộng: Virus Vũ Hán đáng sợ nhất từ trước tới nay, không có miễn dịch, không mong đợi vào vắc-xin
Ngày 13/7, nhà virus học Diêm Lệ Mộng đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với Fox News một lần nữa: Chúng ta không có nhiều thời gian.Chuyên gia về virus học cho biết thời gian đã không còn nhiều nữa…
Khoảng hai tuần trước, sự kiện nhà virus học người Hồng Kông Diêm Lệ Mộng đào thoát đến Mỹ, vạch trần Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chung tay che giấu sự thật về đại dịch COVID-19 gây chấn động thế giới. Điều khiến mọi người rùng mình nhất là sự thật về virus mà cô tiết lộ hoàn toàn khác với những gì được ĐCSTQ và Tổ chức Y tế Thế giới công bố.
Cô Diêm Lệ Mộng cho biết: Đây là loại virus đáng sợ nhất mà nhân loại gặp phải từ trước đến nay; mọi người đến nay vẫn không hiểu về nó; chớ có hy vọng vào “khả năng miễn dịch quần thể”, cũng chớ mong đợi vào một loại vắc-xin ở giai đoạn này. Loại virus này vô cùng đặc biệt và đáng sợ. Tốc độ lây nhiễm cực kỳ nhanh. Hiện tại, bình quân cứ 600 người trên thế giới thì có 1 người bị lây nhiễm. Cho đến một ngày, cứ 10 người thì có 1 người bị lây nhiễm, và hầu như không ai có thể trốn thoát được. Cô đã kết luận rằng: “Thời gian đã không còn nhiều nữa”.
Với một người đã có nhiều nghiên cứu về virus như cô Diêm Lệ Mộng đưa ra kết luận rằng “thời gian đã không còn nhiều”, kỳ thực là đang cảnh báo thế giới, nghĩa là dựa trên mức độ hiểu biết trước mắt của con người về virus, mức đáng sợ của virus và tốc độ lây lan kinh người của nó, tại một thời điểm nào đó trong tương lai, số người bị lây nhiễm trên thế giới sẽ khó mà tính đếm được. Đây không phải chuyện giật gân. So với tỷ lệ tử vong hiện nay, số người chết có thể vượt quá cúm Tây Ban Nha bùng phát vào năm 1918, vào thời điểm đó khoảng 1 tỷ người khắp trên thế giới bị nhiễm bệnh, ít nhất 25 triệu người đã tử vong.
Mặc dù tỷ lệ nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán trước mắt đang có xu hướng giảm ở nhiều quốc gia, nhưng virus này đang biến đổi mau chóng, hơn nữa nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng sau mùa thu năm nay, dịch bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Nói cách khác, vào tháng 9 hoặc tháng 10, một làn sóng dịch bệnh mới có thể ập đến bất ngờ, và nó sẽ lan ra rộng toàn cầu với tốc độ mau lẹ và đáng sợ hơn. Chính phủ các nước và người dân thế giới cần có sự chuẩn bị cho nguy cơ sắp tới.
Mỹ sẽ giảm mạnh số lượng nhà ngoại giao Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Mỹ đang lên kế hoạch giảm đáng kể số lượng các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ để sao cho tương xứng với số lượng các nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc. Thông báo dự kiến sẽ được đưa ra trong những ngày tới, theo tờ The Washington Times.
Quyết định này nhằm tìm cách giảm bớt gánh nặng đối với cơ quan phản gián của FBI, vốn hiện có khoảng 2.000 đặc vụ chuyên truy bắt các điệp viên Trung Quốc và các trợ lý của họ.
Theo dữ liệu được Giám đốc FBI Christopher Wray hé lộ gần đây, có ít nhất 5.000 vụ gián điệp mở ở Mỹ, và một nửa trong số đó có liên quan đến Trung Quốc.
Quyết định này được đưa ra đúng vào thời điểm căng thẳng ngoại giao gia tăng giữa hai cường quốc liên quan tới việc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston và đòn đáp trả của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi đóng cửa Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô.
Điều cần nhấn mạnh là sự tương phản giữa hai quyết định: việc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là phản ứng trước hoạt động gián điệp của Trung Quốc trên đất Mỹ, trong khi việc đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô chỉ đơn thuần là một đòn đáp trả của ĐCSTQ, the BL nhận định.
Hiện không có sẵn số liệu công khai về tổng số nhà ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ, nhưng chỉ riêng Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã có đến 245 tùy viên ngoại giao; trong khi ước tính các nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc chỉ có tổng số 200 trong số các lãnh sự quán ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, Thẩm Dương và Vũ Hán.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong bài phát biểu tại California rằng, điều Mỹ tìm kiếm từ các biện pháp này là sự có đi có lại và công bằng trong mối quan hệ của họ với Bắc Kinh trong các lĩnh vực.
Ví dụ, các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ có quyền tiếp cận tất cả các khía cạnh của một xã hội tự do – trên thực tế họ có thể tiếp cận tất cả các lĩnh vực với rất ít hạn chế.
“Nhưng tại Trung Quốc, các quan chức của cơ quan lãnh sự Hoa Kỳ không có quyền truy cập trực tiếp vào bất cứ nơi nào trong chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục, nhà thờ, các tổ chức xã hội hoặc lao động, các cơ quan thông tấn hoặc tuyên truyền”, ông John Tkacik, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Các cuộc họp với các doanh nghiệp Trung Quốc cũng phải chịu quyền phủ quyết của Văn phòng Ngoại giao cấp tỉnh.
Đáp trả tình trạng đối xử bất công như vậy, kể từ tháng 10 năm ngoái, các nhà ngoại giao Trung Quốc phải thông báo cho Bộ Ngoại giao Mỹ về các cuộc họp của họ với các quan chức chính phủ, mặc dù điều này không ám chỉ bất kỳ hạn chế thực sự nào.
“Mục tiêu của chúng tôi là thuyết phục chính quyền Trung Quốc cho phép các nhà ngoại giao của chúng tôi ở đại lục tiếp cận các nhà lãnh đạo tỉnh và địa phương, các trường đại học Trung Quốc, các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục khác một cách tự do, tương tự cách các nhà ngoại giao Trung Quốc có thể làm ở đây”, ông Tkacik nói.
Theo một bài báo trên trang Axios phỏng vấn một cựu sĩ quan tình báo Mỹ, các lãnh sự quán Trung Quốc ở New York và đặc biệt là San Francisco là trung tâm gián điệp chính của ĐCSTQ nhằm trộm cắp tài sản trí tuệ. San Francisco là nơi đóng trụ sở của các tập đoàn lớn bên trong Thung lũng Silicon như Google, Facebook, Twitter cùng các hãng khác.
Tuy nhiên, ĐCSTQ không chỉ sử dụng các lãnh sự quán của mình như trung tâm gián điệp nhằm trộm cắp tài sản trí tuệ, mà cũng để bức hại những người bất đồng chính kiến Trung Quốc sống ở Mỹ, một hành vi mà FBI đang cố gắng nhổ tận gốc thông qua Chiến dịch “Săn Cáo”, theo tuyên bố của Giám đốc FBI Wray tại Viện Hudson.
Cách tiếp cận của thế giới phương Tây đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong ba thập kỷ qua đã phản tác dụng. Với quan niệm cho rằng bằng cách để ĐCSTQ tiếp cận thị trường tự do, đưa doanh nghiệp đến Trung Quốc, cho họ nhìn thấy thế giới dân chủ là như thế nào và thậm chí để Trung Quốc giữ chức chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thì ĐCSTQ rốt cục cũng sẽ thay đổi nó thành một con quái vật hung hãn hơn đang ăn mòn cả thế giới, cho đến khi Tổng thống Trump nhận ra điều này và có động thái ngăn chặn.
Thượng nghị sĩ Cotton: Hoa Kỳ cuối cùng đã bắt đầu đẩy lùi cuộc xâm lược của Trung Quốc
Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton cho biết Washington cuối cùng đã đứng lên chống lại hành vi hung hăng lâu dài chống lại Mỹ của chính quyền cộng sản Trung Quốc, theo The Epoch Times hôm 29/7.
Chính quyền Mỹ gần đây đã gia tăng các hành động nhắm vào các mối đe dọa đến từ chính quyền Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Cotton cũng nói rằng việc chỉ trích những hành vi quy cho Mỹ là kẻ xâm lược là một hành vi sai lầm.
“Từ lâu, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến âm thầm trên nhiều mặt trận chống lại Mỹ – và thật sự chống lại toàn bộ thế giới phương Tây”, ông Cotton nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây trong chương trình “American Thought Leaders (tạm dịch: Những nhà lãnh đạo tư tưởng Mỹ)”.
“Vì vậy, chúng ta không phải là người khởi phát những căng thẳng mới này. Chúng ta chỉ đơn giản là chọn cách chống trả lại những hành động hung hăng của Trung Quốc”.
Ông đã trích dẫn những hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của người dân Mỹ, đe dọa Đài Loan và tích trữ các thiết bị bảo hộ cá nhân trong dịch Covid-19 nhằm trục lợi, như ví dụ về các hoạt động thù địch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên trường quốc tế.
Chính quyền Trump đã mạnh mẽ áp dụng các biện pháp chống lại chính quyền Bắc Kinh đối với một loạt vấn đề, bao gồm việc chính quyền này che đậy sự bùng phát dịch virus, việc đánh cắp công nghệ Mỹ, các hành vi lạm dụng nhân quyền ở khu vực Tân Cương và Hồng Kông, và việc xâm lược quân sự ở Biển Đông.
Trong vài tuần qua, Washington đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, áp lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm đàn áp các dân tộc thiểu số ở Tân Cương, và chính thức bác bỏ các yêu sách lãnh thổ và hành động xâm lược của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Thượng nghị sĩ Cotton cho biết chính quyền này đã đẩy ra rìa nhiều người dân Mỹ bình thường thông qua những hành vi săn mồi của nó, ví như các hành vi kinh tế bất công, dẫn đến nhiều việc làm của người dân Mỹ bị chuyển dịch sang Trung Quốc, và đàn áp các nhóm tín ngưỡng ở Trung Quốc.
Sự bất tín nhiệm “càng rơi xuống mức thậm chí tệ hơn kể từ khi Trung Quốc giải phóng bệnh dịch này ra toàn cầu”, ông nói.
Vị thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho biết ông đã nhận ra rằng chính quyền này chính là một mối đe dọa bởi vì “chủ nghĩa cộng sản là một mối đe dọa dù ở bất cứ đâu”.
“Tôi không biết rằng liệu ông Tập Cận Bình đã từng đọc cuốn Tư bản (Das Kapital) hay các tác phẩm khác của Karl Marx hay chưa, nhưng không có nghi ngờ gì về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chủ nghĩa cộng sản xuyên suốt từ thời đầu thành lập”, ông Cotton nói.
“Đây là một cấu trúc quyền lực đơn đảng, bởi họ sẽ bám víu vào quyền lực một cách tàn nhẫn. Thực sự không tồn tại cái gọi là một doanh nghiệp tư nhân thuần túy ở Trung Quốc đại lục. Tất cả đều do nhà nước kiểm soát, đôi khi được nhà nước hỗ trợ trực tiếp hoặc thậm chí sở hữu. Tất nhiên, họ đã đàn áp dã man các nhóm thiểu số và người bất đồng chính kiến các loại”.
Đầu năm nay, Thượng nghị sĩ Cotton đã giới thiệu dự luật nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc trong việc sản xuất dược phẩm, sau khi đại dịch phơi bày các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả thiết bị y tế và thuốc.
Trung Quốc là nhà sản xuất nguyên dược liệu lớn nhất thế giới dùng để làm thuốc. Hoa Kỳ phụ thuộc rất lớn vào các loại thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc, hoặc được chế tạo từ các thành phần gia công tại Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump hôm 28/7 đã công bố một thỏa thuận trị giá 765 triệu USD với hãng Kodak để giúp khởi công một hãng dược phẩm dự kiến sẽ đáp ứng được 25% sản lượng các thành phần dược phẩm gốc tại Mỹ một khi đi vào hoạt động đầy đủ, theo Nhà Trắng.
Vị thượng nghị sĩ nói rằng Hoa Kỳ nên chuyển những ngành sản xuất quan trọng ra khỏi Trung Quốc để đảm bảo an ninh kinh tế và quốc gia.
“Tại sao, trong thời đại thông tin, chúng ta lại có thể cho phép những dây chuyền sản xuất tiên tiến này – cho dù đó là ngành dược phẩm, chất bán dẫn, viễn thông, hay điện toán, gồm điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo – được phép đặt tại Trung Quốc?”, ông nói.
“Điều này không chỉ quan trọng cho sự thịnh vượng kinh tế của chúng ta; Bây giờ chúng ta có thể thấy đứng từ góc độ quân sự, điều này mang tính sống còn đối với sức khỏe và an ninh của đất nước. Vì vậy, điều cốt yếu là chúng ta không còn phụ thuộc vào Trung Quốc đối với rất nhiều hàng hóa trọng yếu này”.
Ấn Độ điều thêm 35,000 quân tới biên giới giáp Trung Quốc
Ấn Độ đang chuẩn bị bố trí thêm 35.000 quân đến biên giới với Trung Quốc khi viễn cảnh sớm đạt được một giải pháp chung cho căng thẳng giữa hai nước đang mờ dần, theo LiveMint.
Động thái này sẽ thay đổi tình hình dọc Đường kiểm soát thực tế (LCA) dài gần 3.500 km và đòi hỏi mở rộng ngân sách quân sự hiện đang thắt chặt của Ấn Độ, các quan chức cấp cao Ấn Độ giấu tên cho biết.
Hai mươi binh sĩ Ấn Độ và một số lượng không xác định các binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng trong một cuộc ẩu đả dữ dội hôm 15/6. Kể từ đó, cả hai bên đã vội vã điều hàng ngàn binh sĩ, súng pháo và xe tăng đến khu vực. Khi các thỏa thuận biên giới song phương chưa được thiết lập, tình hình hiện tại vẫn đòi hỏi gia tăng quân đội đến khu vực, các quan chức Ấn Độ cho biết.
“Tính chất của khu vực Đường kiểm soát, ít nhất là ở Ladakh, đã thay đổi vĩnh viễn”, BK Sharma, giám đốc viện chính sách The United Service Institution of India và là một thiếu tướng Ấn Độ đã nghỉ hưu, nhận định. “Lực lượng bổ sung được điều vội đến khu vực sẽ không rút quân, trừ khi cấp chính trị cao nhất giữa hai nước quay trở lại mối quan hệ bình thường”.
Hiện tại, giao tranh đã tạm ngừng. Sau nhiều vòng đàm phán quân sự cấp cao, Bắc Kinh cho biết đã rút quân ở hầu hết các địa điểm.
“Hiện tại, hai bên đang tích cực chuẩn bị cho vòng đàm phán cấp chỉ huy thứ năm để giải quyết các vấn đề tồn đọng”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm thứ Ba (28/7).
Tại một cuộc họp hôm thứ Sáu (24/7) tuần trước, Ấn Độ đã nhấn mạnh việc Trung Quốc cần “chân thành thực hiện” các thỏa thuận sơ bộ đạt được giữa chỉ huy quân đội cấp cao hai phía, bao gồm việc rút quân triệt để ra khỏi các điểm nóng tranh chấp ở khu vực Đông Ladakh, một người trong cuộc chia sẻ với Hindustan Times.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Bắc Kinh có quan điểm tương đồng đối với vấn đề rút quân hay không.
‘Đại đô thị’ Trùng Khánh ngập trong nước, không phân biệt được đâu là đường đâu là sông
Phá vỡ lịch sử, mực nước sông Dương Tử ở Trùng Khánh lên đến 182 mét. Thành phố được mệnh danh “đại đô thị” mênh mông như biển, không phân biệt được đâu là đường đâu là sông bởi trận lụt hôm 27/7.
Tờ Taiwan News cho hay, bất chấp các tác động “giảm lũ” của đập Tam Hiệp ở hạ lưu, Trùng Khánh bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận lụt lớn hôm 27/7, các khu vực ở thành phố này ngập úng, các thành phố lân cận cũng trong tình cảnh tương tự.
Ngày 26/7, Ủy ban Tài nguyên nước Trường Giang, cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên nước thông báo rằng “Lũ số 3” tấn công thượng nguồn lưu vực sông Dương Tử.
Trận lũ khổng lồ đã đổ xuống sông Gia Lăng, một nhánh của sông Dương Tử, và nhấn chìm thị trấn cổ Từ Khí Khẩu, làm tràn ngập các vùng trũng thấp của đại đô thị Trùng Khánh, bao gồm cả địa điểm mang tính biểu tượng Triều Thiên Môn.
Thời báo Kinh tế Hong Kong đưa tin, vào 6 giờ sáng ngày 27/7, mực nước tại trạm thủy văn Cuntan ở Trùng Khánh đã tăng đến 180.5 mét, lần đầu tiên vượt quá mức cảnh báo trong năm.
Thị trấn cổ Từ Khí Khẩu nằm bên bờ sông Gia Lăng (một nhánh của sông Dương Tử) cũng chìm trong nước. Đây vốn là cảng thương mại nổi tiếng, được xây dựng từ năm 998 – 1003. Cũng chính vì gắn liền với sự phát triển của ngành gốm sứ mà nơi này có tên gọi là Từ Khí Khẩu (phiên âm Hán Việt, Từ Khí Khẩu có nghĩa là làng đồ sứ).
Ngoài Trùng Khánh, thành phố Ân Thi ở tỉnh Hồ Bắc, nằm trên sông Qing, một nhánh của sông Dương Tử, đã bị mưa lớn trút xuống trong nhiều ngày. Chính phủ Trung Quốc báo cáo rằng lũ lụt đã khiến 5 người thiệt mạng và ảnh hưởng tới 160.000 người ở thành phố này.
Trật lụt mới nhất này là chưa từng thấy kể từ đầu năm nay. Lưu vực sông Dương Tử hiện đang vào thời kỳ thường có những cơn mưa lớn nhất, kéo dài từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, cho thấy có những đợt mưa lớn hơn có thể sẽ sớm đến.
Trước đó, Tân Hoa Xã đưa tin rằng đập Tam Hiệp đã cắt “36.7% đỉnh lũ” hôm 27/7. Tuy nhiên, tờ báo không đề cập đến việc Trùng Khánh và các thành phố khác ở thượng nguồn Dương Tử trải qua cảnh tượng lũ lụt chưa từng thấy. Tờ báo trích dẫn Tập đoàn Tam Hiệp cho biết, sức nước chảy vào hồ chứa đạt 50.000 mét khối mỗi giây (m3/s) vào lúc 2 giờ chiều 27/7, trước khi tăng lên 60.000 m3/s hôm 28/7.