Lan Châu
Đáp lại dự định cấm Tiktok ở Mỹ của Tổng thống Trump, một lãnh đạo của hãng công nghệ thuộc sở hữu của Trung Quốc này cho biết Tiktok “không có kế hoạch rời đi đâu”, tờ Epoch Times đưa tin.
Trong một tin nhắn dạng video hôm thứ Bảy (1/8), Tổng Quản lý TikTok ở Mỹ, bà Vanessa Pappas nói: “Chúng tôi không có kế hoạch rời đi đâu cả”.
Bà Pappas nhấn mạnh rằng Tiktok, thuộc sở hữu của công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc, hiện đang có 1.500 nhân viên ở Mỹ. TikTok có kế hoạch tuyển thêm 10.000 nhân sự trong ba năm tới.
Bà cũng khẳng định, ứng dụng Tiktok là an toàn bảo mật nhất và công ty sẽ tiếp tục hoạt động lâu dài ở thị trường Mỹ, đồng thời kêu gọi mọi người ủng hộ ứng dụng này.
Tờ Wall Street Journal cho biết, Tổng thống Trump hôm thứ Sáu (31/7) cho biết ông sẽ cấm TikTok.
“Về vấn đề TikTok, chúng tôi sẽ cấm ứng dụng này hoạt động tại thị trường Mỹ”, ông Trump nói với các phóng viên trên Không Lực Một.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông sẽ ký một sắc lệnh hành pháp cấm mạng xã hội TikTok hoạt động ở Hoa Kỳ.
Các chuyên gia mạng cảnh báo ứng dụng này hoạt động như phần mềm gián điệp cho chính quyền Trung Quốc và Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu hồi tháng trước cấm TikTok khỏi tất cả các smartphone do chính phủ cấp cho nhân viên.
Trước đó, hôm thứ Ba (28/7) các Thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa đã cáo buộc Bắc Kinh thao túng các cuộc thảo luận chính trị trên các ứng dụng truyền thông xã hội.
“Chúng tôi rất lo ngại, ĐCSTQ có thể sử dụng quyền kiểm soát TikTok để bóp méo hoặc thao túng các cuộc đối thoại chính trị nhằm gây bất hòa giữa những người Mỹ để từ đó thu được kết quả như họ muốn”, các nhà lập pháp viết trong thư gửi Văn phòng Cục trưởng Cục tình báo Quốc gia (ODHI), quyền Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa (DHS) và Giám đốc Cục điều tra Liên bang (FBI).
Cố vấn Nhà Trắng, ông Peter Navarro, trong cuộc phỏng vấn trên Fox News hồi tháng 7 cũng cảnh báo khả năng dữ liệu của người dùng Mỹ bị chuyển đến các máy chủ ở Trung Quốc, từ đó đến thẳng các cơ quan quân đội Trung Quốc và các tổ chức muốn đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.
Hồi tháng 6, Ấn Độ đã ra quyết định cấm hàng chục ứng dụng Trung Quốc, bao gồm TikTok và Wechat, khỏi thị trường này, theo sau vụ xung đột biên giới giữa hai nước.