Tin thế giới trưa thứ Hai 3/8: ‘Bầu cử Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 3/11 như kế hoạch’

‘Bầu cử Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 3/11 như kế hoạch’

Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows hôm Chủ Nhật (2/7) khẳng định rằng chính quyền Trump không có kế hoạch cố gắng trì hoãn cuộc bầu cử ngày 3/11. Trước đó vài ngày, Tổng thống Donald Trump đã viết trên Twitter dấy lên khả năng hoãn bầu cử.

Chúng ta sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 3/11 và tổng thống [Trump] sẽ chiến thắng”, ông Mark Meadows phát biểu trong chương trình “Face the Nation” của kênh CBS, phát sóng hôm 2/8.

Cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông Jason Miller khi trao đổi với “Fox News Sunday” cũng có cùng quan điểm với ông Meadows: “Cuộc bầu cử này sẽ diễn ra vào ngày 3/11 và Tổng thống Trump muốn cuộc bầu cử vào ngày 3/11”.

Trước đó, hôm thứ Năm (30/7), ông Trump đã đề xuất hoãn bầu cử Mỹ do lo ngại về gian lận bầu cử khi Đảng Dân chủ đang nỗ lực thúc đẩy bỏ phiếu qua thư.

With Universal Mail-In Voting (not Absentee Voting, which is good), 2020 will be the most INACCURATE & FRAUDULENT Election in history. It will be a great embarrassment to the USA. Delay the Election until people can properly, securely and safely vote???

— Donald J. Trump (@realDonaldTrump) July 30, 2020

Với việc bỏ phiếu phổ thông qua thư (không phải là bỏ phiếu vắng mặt, cái này thì tốt), cuộc bầu cử năm 2020 sẽ là cuộc bầu cử KHÔNG CHÍNH XÁC & GIAN LẬN nhất trong lịch sử. Đây sẽ là một sự bẽ mặt lớn đối với Hoa Kỳ. Hãy hoãn bầu cử cho đến khi mọi người có thể bỏ phiếu đúng cách, đảm bảo và an toàn ???”, ông Trump viết trên Twitter hôm 30/7.

Các nhà phê bình và ngay cả một số đồng minh trong Đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump đã bác bỏ ý tưởng này và gọi đó là nỗ lực không nghiêm túc nhằm tránh gây chú ý tới các tin tức kinh tế tệ hại.

Tuy nhiên, trong phát biểu trên CBS hôm 2/8, Chánh văn phòng Mark Meadows giải thích rằng tweet của ông Trump hôm 30/7 chỉ có nghĩa dấy lên các vấn đề về việc liệu mở rộng bỏ phiếu qua thư trong đại dịch virus corona có thể gây ra gian lận và dẫn tới chậm trễ kiểm phiếu hay không.

Ông Meadows cũng lập luận rằng mở rộng bỏ phiếu qua thư một cách đại trà có thể khiến kết quả bầu cử bị trì hoãn tới một tháng hoặc nhiều hơn.

Nếu chúng ta cố gắng chuyển đổi [cách bỏ phiếu] và bắt đầu bỏ phiếu qua thư trên khắp cả nước, tất cả 50 bang, thì những gì chúng ta sẽ thấy là một sự trì hoãn [kết quả bầu cử] bởi vì các bang không được trang bị để xử lý nó”, ông Meadows nói.

Theo Reuters, một số bang trong đó có Nevada đang hướng tới mở rộng bỏ phiếu qua thư trong các trường hợp khẩn cấp như đại dịch virus corona và sẽ kiểm đếm cả các lá phiếu được đóng dấu bưu điện vào ngày 3/11, tức là những phiếu bầu này sẽ được chuyển lại ủy ban bầu cử sau Ngày Bầu cử.

Tổng thống Trump vào sáng Chủ Nhật 2/8 (giờ Mỹ) đã kêu gọi tiến hành vụ kiện chống lại các nỗ lực lập pháp của bang Nevada nhằm mở rộng bỏ phiếu qua thư. “Đây là thái quá. Phải bị kiện ngay lập tức!” ông Trump viết trên Twitter.

COVID-19 ngày 3/8: Toàn cầu vượt 18,2 triệu ca nhiễm, hơn 692.000 ca tử vong

Dữ liệu trên trang worldometers vào sáng 3/8 cho thấy số ca nhiễm COVID-19 toàn thế giới đã lên tới 18,2 triệu ca, tăng hơn 212.000 ca so với trước đó. Tổng số ca tử vong là hơn 692.000, tăng hơn 4.300 ca so với ngày hôm trước.

Mỹ, Brazil và Ấn Độ vẫn là 3 nước có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới:

  • Mỹ: hơn 4,8 triệu ca nhiễm, tăng hơn 49 nghìn ca so với ngày trước
  • Brazil: hơn 2,7 triệu ca nhiễm, tăng gần 25 nghìn ca so với ngày trước
  • Ấn Độ: hơn 1,8 triệu ca nhiễm, tăng 52,7 nghìn ca so với ngày trước.

Nằm trong top 5 nước có số ca nhiễm nhiều nhất còn có Nga và Nam Phi. So với ngày trước đó, Nga ghi nhận hơn 5.400 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 850.800 ca; trong khi đó Nam Phi có thêm tới hơn 8.100 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 511.000 ca.

Chỉ riêng tổng số ca nhiễm tới thời điểm hiện tại của top 5 nước đã vượt quá 10,7 triệu ca nhiễm, bằng 58% tổng số ca nhiễm toàn cầu.

Khu vực Nam Mỹ hiện vẫn là nơi dịch đang bùng phát dữ dội nhất. Ngoài Brazil, Mexico ngày hôm qua có thêm hơn 9.500 ca nhiễm mới và 784 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 434.000 và tổng số ca tử vong lên hơn 47.400 ca.

Tiếp ngay sau Mexico là các nước Peru (hơn 428.000 ca nhiễm, tăng hơn 6.600 ca), Chile (hơn 359.000 ca nhiễm, tăng hơn 2.000 ca), và Colombia (hơn 317.000 ca nhiễm, tăng tới hơn 11.400 ca).

Tại châu Á, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến nặng tại các quốc gia như Iran, Pakistan, Ả Rập Xê Út, Bangladesh, Iraq, Qatar, Kazakhstan, Israel, Kuwait, UAE.

Ở khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản có số ca nhiễm gia tăng cao nhất với 853 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm nước này lên hơn 36.600. Hàn Quốc có 30 ca nhiễm mới, tổng hơn 14.300 ca; Hồng Kông có 115 ca nhiễm mới, tổng hơn 3.500 ca. Trung Quốc cũng báo cáo tăng thêm 49 ca nhiễm. 

Trong khu vực Đông Nam Á, Philippines là nước có số ca nhiễm tăng cao nhất với hơn 5.000 ca nhiễm mới và 20 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 103.000 ca và tổng số ca tử vong hiện là 2.059 ca.

Indonesia vẫn dẫn đầu Đông Nam Á về số ca nhiễm (hơn 111.400 ca) và số ca tử vong (hơn 5.200 ca), số ca nhiễm mới tiếp tục tăng với hơn 1.500 ca. Tuy nhiên, với đà tăng của Philippines hiện tại, dự báo chỉ trong vài ngày tới Philippines sẽ vượt Indonesia.

Tình hình một số quốc gia khác ở Đông Nam Á như sau: Singapore thêm 313 ca nhiễm, mới, nâng tổng ca nhiễm lên hơn 52.800 ca; Malaysia thêm 14 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên gần 9.000 ca; Thái Lan có 5 ca nhiễm mới, tổng cộng đang có hơn 3.300 ca; Việt Nam có 35 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 621 ca; Campuchia 1 ca nhiễm mới, tổng 240 ca. Các nước Brunei, Myanmar và Lào không có ca nhiễm mới và cũng chưa ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19. Đặc biệt, Lào chỉ có tổng cộng 20 ca nhiễm và 19 ca đã hồi phục, hiện chỉ còn 1 ca đang điều trị.

Tại châu Âu, nhiều quốc gia vẫn ghi nhận sự gia tăng đáng kể của số ca nhiễm mới COVID-19 như Ukraine và Rumani (đều tăng hơn 1.000 ca). Anh tăng 743 ca, Bỉ tăng 651 ca, Ba Lan tăng 548 ca, Đức tăng 385 ca, Hà Lan tăng 366 ca, Ý tăng 238 ca. Tây Ban Nha, Pháp và Thuỵ Điển chưa công bố số liệu. Nhiều nơi tại châu Âu đã phải áp dụng lệnh tái phong toả để kiểm soát đợt lây lan thứ hai này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng mới thông báo đội chuyên gia gồm 2 thành viên của họ “đã hoàn thành nhiệm vụ kéo dài 3 tuần ở Trung Quốc nhằm xây dựng nền tảng cho những nỗ lực chung sắp tới nhằm xác định nguồn gốc động vật và vật chủ trung gian truyền virus.”

EU sẽ cư xử khác trước với Bắc Kinh

Sẽ không có “hoạt động kinh doanh giống như trước” giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đưa ra những quyết sách chính trị về Hồng Kông, ông Michael Roth, Bộ trưởng các vấn đề về Châu Âu của Đức, đưa ra cảnh báo. Ông kêu gọi các quốc gia EU không nên “sợ bị khóa sừng” bởi Bắc Kinh, theo SCMP.

Ông Michael Roth cũng nói rằng chính phủ Đức trong năm nay sẽ dành ưu tiên cho việc giúp 27 quốc gia thành viên tăng cường nội lực để chống lại chiến thuật “chia để trị” của Bắc Kinh.

Ông Roth cũng đã đặt câu hỏi cho các quốc gia trong EU về sự phụ thuộc vào Công ty Huawei của Trung Quốc, nói rằng các quốc gia nên “trước tiên và ưu tiên” xem xét các nhà cung cấp thiết bị di động 5G của châu Âu.

Ý: Cụ ông 96 tuổi tốt nghiệp đại học

Một cụ ông Giuseppe Paterno 96 tuổi ở Ý đã trở thành người lớn tuổi nhất ở nước này vượt qua kỳ thi tốt nghiệp đại học, theo Reuters.

Cụ Paterno, cựu chiến binh trong Thế chiến II, đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp để nhận bằng lịch sử và triết học của Đại học Palermo.

“Tôi là một sinh viên bình thường, giống như nhiều sinh viên khác”, ông Paterno nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters. “Về mặt tuổi tác, tôi hơn tất cả những sinh viên khác nhưng tôi không vì điều đó mà không thể theo đuổi con đường học vấn của mình”.

Năm 2017, ông Paterno quyết định đăng ký học đại học. Ông đã hoàn thành luận văn tốt nghiệp bằng một máy đánh chữ có từ thời những năm 80 của thế kỷ trước.

Microsoft tiếp tục đàm phán mua TikTok

Hôm Chủ nhật, Tập đoàn Microsoft loan báo họ tiếp tục các cuộc thảo luận để mua ứng dụng chia sẻ video ngắn của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance và trông đợi sẽ có kết quả cuối cùng vào ngày 15/9.

Hôm 31/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ cấm TikTok bằng quyền kinh tế khẩn cấp hoặc sắc lệnh hành pháp.

Do TikTok đáng lo ngại, chúng tôi sẽ cấm họ khỏi Mỹ”, Trump nói.

Microsoft và TikTok đều chưa bình luận về phát ngôn của Trump.

Theo bản tin đặc biệt của Reuters hôm 3/8, ông Trump nói ông đã đồng ý cho ByteDance và Microsoft 45 ngày để hoàn tất thương vụ.

Tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ có ra một tuyên bố sau cuộc thảo luận giữa CEO Satya Nadella và Tổng thống Trump, nói rằng họ sẽ đảm bảo toàn bộ các dữ liệu cá nhân của người dùng TikTok Mỹ được chuyển về và lưu trữ ở Mỹ.

Trong một thời gian ngắn, TikTok đã trở nên cực kỳ phổ biến, đặc biệt với khán giả trẻ tuổi đang xem những video dạng ngắn và hiện có khoảng một tỷ người sử dụng trên khắp thế giới.

“Microsoft hoàn toàn hiểu được tầm quan trọng của việc xóa bỏ các quan ngại của Tổng thống. Chúng tôi cam kết việc mua lại TikTok sẽ phải trải qua một quá trình rà soát an ninh đầy đủ và mang lại lợi ích kinh tế cho nước Mỹ, bao gồm cho Bộ Tài Chính”, thông báo của Microsoft viết.

Tuy vậy, công ty này cũng nói thêm ở thời điểm hiện tại họ chưa chắc có thể đạt thỏa thuận mua bán với ByteDance.

Reuters dẫn nguồn tin từ 2 người thân cận trong chính quyền Trump cho biết ông Trump đã cho phép 2 hãng công nghệ Mỹ, Trung 45 ngày để đàm phán vụ mua lại TikTok này trước khi có hành động tiếp theo.

Nguồn tin nói rằng cuộc đàm phán này sẽ được giám sát bởi Ủy ban Đầu tư Ngoại quốc, và cơ quan này có quyền chặn bất kỳ một thỏa thuận nào mà họ thấy đáng ngờ.

Gần đây giới chức Mỹ liên tục tỏ ra quan ngại về khả năng TikTok bị chính quyền Trung Quốc sử dụng cho mục đích bất chính, mặc dù công ty này phủ nhận bất cứ mối liên hệ nào với Bắc Kinh.

TikTok từ chối bình luận về chỉ trích của các quan chức chính quyền Trump. Trong một thông báo chính thức, mạng xã hội này nói: “Chúng tôi tin tưởng về thành công lâu dài của TikTok. Hàng trăm triệu người tìm đến TikTok để giải trí và kết nối, bao gồm cả cộng đồng những người sáng tạo và nghệ sĩ, những người đã tìm được kế sinh nhai trên nền tảng của chúng tôi”.

Ngoại trưởng Mỹ lên án Hồng Kông hoãn bầu cử Hội đồng Lập pháp

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào cuối ngày thứ Bảy 1/8 (giờ Mỹ) đã nói rằng “không có lý do hợp lý nào” để Hồng Kông hoãn một năm cuộc bầu cử cơ quan lập pháp.

Trong tuyên bố phát đi hôm 1/8 ông Pompeo cho hay: “Nếu làm thế, thì có lẽ Hồng Kông sẽ không bao giờ có thể bầu cử lại nữa. Hành động đáng tiếc này xác nhận rằng Bắc Kinh không có ý định duy trì các cam kết mà họ đã hứa với người dân Hồng Kông và Vương Quốc Anh theo Tuyên bố Chung Trung – Anh, một hiệp định đã đăng ký với Liên Hiệp Quốc, và Luật Cơ bản”.

Trước đó, hôm thứ Sáu (31/7), chính quyền Đặc khu Hồng Kông đã loan báo rằng họ sẽ hoãn cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp vì đại dịch virus corona. Cuộc bầu cử bày ban đầu dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6/9 tới đây. Chính quyền Đặc Khu viện dẫn các rủi ro về sức khỏe cộng đồng và áp lực đặt lên các chiến dịch tranh cử và cử tri bởi các yêu cầu giãn cách xã hội và các hạn chế đi lại.

Văn phòng Sự vụ Hồng Kông và Ma Cao chịu trách nhiệm báo cáo cho Hội đồng Nhà nước Trung Quốc nói rằng quyết định hoãn cuộc bầu cử cơ quan lập pháp Hồng Kông “phản ánh thái độ trách nhiệm cao đối với sinh mạng và sức khỏe của cư dân Hồng Kông. Nó là rất cần thiết, hợp lý và hợp pháp”.

Tuy nhiên, các nhóm ủng hộ dân chủ cho rằng quyết định hoãn bầu cử là một phần của nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn cản các ứng viên phe đối lập thách thức những ứng viên được chính quyền Trung Quốc ủng hộ.

Theo hãng tin Bloomberg, Nhà lập pháp đối lập Fernando Cheung nói rằng quyết định hoãn bầu cử của chính quyền Đặc khu là vi hiến. “Đại dịch rõ ràng được sử dụng như là một cái cớ. Lý do thực sự của việc hoãn bầu cử là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sợ rằng họ sẽ thua đau, giống như những gì đã xảy ra trong cuộc bầu cử cấp quận [tại Hồng Kông] vào tháng Mười Một năm ngoái”, ông Fernando Cheung nói.

Trong tuyên bố tối 1/8, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nhấn mạnh: “Nhiều thập kỷ qua, người dân Hồng Kông đã nhiều lần thể hiện khát vọng và khả năng của họ để tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Hồng Kông hãy xem xét lại quyết định của mình”.

Cuộc bầu cử này nên được tổ chức gần với ngày 6/9 nhất có thể và theo một cách thức phản ánh được ý chí và khát vọng của người dân Hồng Kông. Nếu chúng không được tổ chức, thì thật đáng tiếc Hồng Kông sẽ tiếp tục hành trình hướng tới trở thành một thành phố cộng sản khác tại Trung Quốc”, ông Pompeo nói thêm.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany hôm 31/7 cũng đã lên án quyết định hoãn bầu cử của chính quyền Đặc khu Hồng Kông.

Bà Kayleigh McEnany cho hay: “Chúng tôi lên án quyết định của chính quyền Hồng Kông về việc hoãn một năm cuộc bầu cử hội đồng lập pháp và loại bỏ các ứng viên phe đối lập. Hành động này làm xói mòn các tiến trình dân chủ và tự do mà đã củng cố cho sự thịnh vượng của Hồng Kông, và đây là hành động gần nhất trong danh sách ngày càng tăng về các lời hứa bị Bắc Kinh phá bỏ. Bắc Kinh đã hứa trong Tuyên bố Chung Trung- Anh rằng họ sẽ trao quyền tự trị và tự do cho người dân Hồng Kông tới năm 2047”.

Bloomberg dẫn khảo sát do Chương trình Ý kiến Công chúng Hồng Kông thực hiện từ ngày 27/7 đến 30/7 với 8.805 đáp viên cho thấy khoảng 55% đáp viên cho rằng cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp nên được diễn ra theo kế hoạch vào ngày 6/9 bất chấp đại dịch virus corona. Khoảng 21% đáp viên nghĩ rằng cuộc bầu cử này nên được hoãn không quá 6 tháng.

EU kêu gọi đoàn kết chống lại Trung Quốc ‘hung hăng’

Điểm tin thế giới tối 2/8: EU kêu gọi đoàn kết chống lại Trung Quốc ‘hung hăng’
Đại diện Ngoại giao và An ninh Cấp cao kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell (ảnh: Francois Lenoir/Reuters).

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Đức và trên blog cá nhân gần đây,  Đại diện Ngoại giao và An ninh Cấp cao kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell đã đề nghị một cách tiếp cận thống nhất hơn từ 27 quốc gia thành viên EU đối với chính quyền Trung Quốc độc đoán và hung hăng, theo The Times of India.

“Trung Quốc đang ngày càng cương quyết trên trường quốc tế … đại dịch virus corona đã làm nổi bật điều này. Trung Quốc đã càng trở nên cương quyết hơn, thậm chí là hung hăng hơn trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông và tại biên giới giáp ranh Ấn Độ. Ngoài ra, giới lãnh đạo Bắc Kinh không ngần ngại phớt lờ các cam kết quốc tế khi áp đặt Luật An ninh Quốc gia đối với Hồng Kông”.

Trên blog cá nhân, ông Borrell kêu gọi một cách thức tiếp cận phối hợp hơn đối với Trung Quốc trong cộng đồng EU, Mỹ và các cường quốc dân chủ khác như Ấn Độ. “Điều quan trọng là phải có được sự hợp tác mạnh mẽ với các nền dân chủ cùng chí hướng. EU và Hoa Kỳ nên là hạch tâm của nỗ lực này, nhưng chúng ta cũng nên hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Canada và các nước khác”.

Quân đội Trung Quốc kết thúc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông

Quân đội Trung Quốc (PLA) hôm nay sẽ kết thúc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu tại Quảng Đông, theo Foreign Brief.

Các cuộc tập trận này, bắt đầu từ ngày 27/7, bao gồm các cuộc tập trận chống hạm và phòng không của Không quân và Hải quân PLA. Cùng với các cuộc tập trận, PLA cũng đã tiến hành huấn luyện bắn đạn thật vào các mục tiêu trên biển, các nhiệm vụ tuần tra ban đêm ở Biển Đông và các buổi huấn luyện chống tàu ngầm vào tháng trước.

Những cuộc tập trận này là phản ứng trực tiếp trước các căng thẳng Mỹ-Trung gần đây trên Biển Đông. Gần đây, Mỹ và Úc đã bác bỏ hoàn toàn các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông, hai nước này cũng đã phối hợp tập trận để răn đe Trung Quốc. Khi Mỹ đang mở rộng sự hiện diện và nỗ lực giám sát Biển Đông, PLA dường như muốn phát tín hiệu rằng họ đã chuẩn bị bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trong khu vực, cụ thể là việc Bắc Kinh có các khoản đầu tư đáng kể vào việc xây dựng đảo nhân tạo ở các vùng biển tranh chấp.

Samsung, Apple tăng cường sản xuất smartphone ở Ấn Độ

Ba hãng sản xuất iPhone cho Apple và Samsung đã đăng ký quyền sản xuất điện tử quy mô lớn ở Ấn Độ dưới một chương trình ưu đãi trị giá 6,5 tỷ USD của chính phủ nước này, một vị bộ trưởng cho biết hôm thứ Bảy (1/8), theo The Epoch Times.

Chương trình này sẽ mở rộng ưu đãi tiền mặt từ 4 – 6% trong 5 năm đối với các khoản thu nhập tăng thêm của hàng hóa sản xuất ở Ấn Độ trong giai đoạn năm cơ sở 2019-2020, Bộ trưởng Công nghệ Ravi Shankar Prasad trao đổi với các phóng viên.

Các hãng sản xuất smartphone quốc tế thuộc diện có thể áp dụng chương trình này bao gồm Samsung, Rising Star và 3 nhà sản xuất hợp đồng cho Apple là Foxconn Hon Hai, Wistron và Pegatron.

Bộ trưởng Prasad cho biết kế hoạch này dự kiến ​​sẽ làm gia tăng đa dạng cơ sở sản xuất của Apple và Samsung tại Ấn Độ.

Trump đang dẫn trước Joe Biden?

Theo kết quả thăm dò cử tri hàng tháng lần thứ 3 của Viện Dân chủ và tờ Express của Anh, Tổng thống Trump đã bất ngờ dẫn trước đối thủ Đảng Dân chủ Joe Biden với tỷ lệ ủng hộ 48% trên 46%, kết quả dẫn đầu rõ ràng nhất của ông kể từ khi bắt đầu cuộc thăm dò.

Về căn bản, Tổng thống Trump đã có tỷ lệ dẫn đầu là 48% trên 43% tại các bang chiến trường là Florida, Iowa, Michigan, Minnesota, Pennsylvania và Wisconsin, điều này sẽ đưa ông trở lại Nhà Trắng với tổng số Đại cử tri Đoàn là 309 so với của ông Biden là 229.

Kết quả này cho thấy công chúng tin tưởng ông Trump là người giỏi nhất trong việc vực dậy nền kinh tế đang bị tàn phá nặng nề bởi dịch Covid-19.

Với một phần ba số cử tri đặt kinh tế là vấn đề hàng đầu trong quyết định bầu cử và 66% nghĩ rằng nền kinh tế đang hồi phục sau virus corona, các cử tri tin rằng ông Trump sẽ làm tốt hơn cho nền kinh tế so với ông Biden với số phiếu 57% so với 43%.

Philippines rung chuyển trước động đất 6.4 độ Richter khi vành đai lửa phát nổ

Philippines đã bị rung chuyển trước trận động đất mạnh 6,4 độ Richter, theo Trung tâm Địa chấn Châu Âu Địa Trung Hải (EMSC). Cơn động chấn đã tấn công Mindanao ở miền nam Philippines, nơi có dân số ước tính hơn 25 triệu người. Cho đến nay không có thương tích được ghi nhận, theo The Express.

Các trận động đất trong khoảng từ 6.0 đến 6,9 độ Richter trên thang đo sẽ được xếp vào loại “mạnh” và mỗi năm có khoảng 100-150 trận động đất như vậy được ghi nhận. Chúng có thể gây thiệt hại cho các tòa nhà, đặc biệt nếu được thiết kế kém.

Một trận động đất với cường độ như vậy có thể được cảm nhận hàng trăm dặm từ tâm chấn.

Related posts