Khi nào nền văn minh của chúng ta… sụp đổ

Trong một câu chuyện gần đây với mấy người bạn, biết rằng tôi đang viết một cuốn sách về các nền văn minh, một anh bạn bỗng hỏi, trong tình trạng hiện thời, vậy thì nguy cơ nền văn minh của chúng ta sụp đổ có nhiều khả năng đến đâu. Câu hỏi này bỗng làm tôi suy nghĩ nhiều và sau đây là môt số suy nghĩ để trình bày với quý vị độc giả.

Sử gia Arnold Toynbee trong tác phẩm khổng lồ 12 tập “A Study of History” nghiên cứu về sự nổi lên và sụp đổ của 28 nền văn minh trên thế giới đã đưa ra kết luận: “Các nền văn minh không chết vì bị giết. Chúng chỉ chết vì tự tử.”

Ông Toynbeen nói rất đúng, nhưng không phải hoàn toàn đúng. Tuy rằng cái chết của các nền văn minh đều là do tự tử, nhưng việc tự tử này phần nhiều là có được giúp đỡ.

Nền văn minh La Mã chẳng hạn tuy rằng là nạn nhân của rất nhiều những bệnh mà tự mình gây ra, bành trướng quá mức, hủy hoại môi sinh, lãnh đạo hủ hóa, phân hóa xã hội và tôn giáo nhưng nó chỉ chết hẳn khi mà thành phố Rome bị rợ Visigoth đánh chiếm và cướp bóc vào năm 410 rồi sau đó bởi rợ Vandal vào năm 455.

Sự sụp đổ khi đến thì thường rất là nhanh, và những huy hoàng của quá khứ không làm cho nó được miễn nhiễm. Đế quốc La Mã chẳng hạn bao gồm một diện tích 4.4 triệu cây số vuông (1.9 triệu dặm vuông) vào năm 390. Chỉ năm năm sau nó thu lại còn 2 triệu cây số vuông (770,000 dặm vuông) và đến 470 thì không còn gì nữa.

Quá khứ của chúng ta đầy dẫy những tấm gương sụp đổ của các nền văn minh. Tại Đại Học Cambridge, có một trung tâm, Centre for the Study of Existential Risk, nghiên cứu về những nguy cơ có thể làm hại cho sự hiện hữu của loài người trong đó có nguy cơ sụp đổ của nền văn minh hiện nay của nhân loại. Và người ta đã đưa ra một số tiêu chuẩn để định nghĩa thế nào là sự sụp đổ và những nguyên nhân của nó.

Một sự sụp đổ có thể được định nghĩa như là một sự giảm sút mau chóng và lâu dài dân chúng cũng như những cơ cấu kinh tế xã hội. Các dịch vụ công cộng bị sụp đổ và loạn lạc nổi lên khi nhà nước mất đi quyền kiểm soát và độc quyền dùng bạo lực. Hầu như tất cả các nền văn minh trong quá khứ đều phải đối phó với số phận này. Một số phục hồi lại được như nền văn minh cổ đại Ai Cập và Trung Quốc. Một số chết đi, nhưng trên thây ma của nó sau một thời gian nổi lên một nền văn minh mới thừa kế như nền văn minh phương Tây nổi lên với di sản của Hy Lap, La Mã và các nền văn minh khác trong quá khứ. Có khi nền văn minh này chết đi luôn tỷ như nền văn minh Maya tại Mexico với các thành thị trở thành những di chỉ điêu tàn và sau cùng trở thành những nơi cho khách du lịch thăm viếng.

Những điều xảy ra trong quá khứ giúp chúng ta đoán được gì về tương lai nền văn minh toàn cầu mà chúng ta đang sống? Liệu những bài học rút từ những nền văn minh có cơ sở là nông nghiệp có áp dụng được cho nền văn minh tư bản kỹ thuật của chúng ta hay không?

Vấn đề ở đây không phải là trình độ kỹ thuật mà là sự phức tạp của cơ cấu xã hội. Và các xã hội trong quá khứ cũng phức tạp không kém gì xã hội của chúng ta hiện nay. Lý thuyết toàn học về các hệ phức tạp cho thấy rằng bất kể chúng thuộc loại nào, chúng đều thường xuyên có nguy cơ bị sụp đổ.

Thành ra sụp đổ có thể là một hiện tượng bình thường cho mọi nền văn minh. Chúng ta có thể tiến bộ hơn về kỹ thuật so với quá khứ, nhưng điều đó không có thể nào làm chúng ta miễn nhiễm với những nguy cơ làm sụp đổ nền văn minh của các tổ tiên chúng ta. Không những thế những kỹ thuật mới của chúng còn có thể tạo ra những nguy cơ mới chưa từng có trước kia.

Nếu số phận của các nền văn minh trước là những chỉ dẫn cho tương lai của nền văn minh chúng ta thì những chỉ dẫn đó là gì. Dưới đây là một số những yếu tố mà các sử gia, các nhà nhân chủng và những chuyên gia khoa học xã hội khác đưa ra giải thích các cuộc sụp đổ của các nền văn minh trong quá khứ:

-Thay đổi khí hậu: Khi sự ổn định của hệ thống khí hậu thay đổi, thì hậu quả của nó có thể kinh khủng. Nó tạo ra việc thất thu liên tục trong mùa màng, nạn đói và sa mạc hóa. Sự sụp đổ của nhiều nền văn minh, từ nền văn minh đầu tiên Sumer-Akkad cho đến nền văn minh Maya tại Châu Mỹ và văn minh La Mã đều trùng hợp với những giai đoạn mà khí hậu thay đổi mạnh.

-Hủy hoại môi sinh: Sụp đổ cũng có thể xảy ra khi xã hội khai thác vượt quá khả năng chịu đựng của môi trường sinh sống. Lý thuyết sụp đổ vì hủy hoại môi sinh đưa ra những lý do dẫn đến sự khủng hoảng qua việc phá hủy rừng quá mức, ô nhiễm nguồn nước, mất đa dạng sinh học như là tạo ra những biến động kinh tế xã hội.

-Bất công kinh tế xã hội và tập trung quyền lực trong tay một nhóm nhỏ: Bất công kinh tế chính trị thường là một động cơ căn bản dẫn đến sự phân hóa xã hội. Tương tư như vậy là tình trạng một nhóm nhỏ tập trung quyền lực trong tay mình. Những chuyện này không những làm gia tăng căng thẳng xã hội mà còn làm cản trở khả năng của xã hội đối phó với những vấn đề tạo ra do những nguyên nhân ngoại lai như môi sinh hoặc khí hậu. Cổ xã hội học đã xây dựng được những mô hình cho thấy các yếu tố tỷ như bất công xã hội và dân số có liên hệ trực tiếp với bạo động chính trị. Phân tích thống kê những tư liệu còn lại của các xã hội xưa cho thấy rằng đây là một hiện tượng tuần hoàn. Với dân chúng gia tăng, số lao động cung ứng vượt quá nhu cầu đẩy giá nhân công xuống thấp và bất công gia tăng. Bất công này xói mòn tinh thần đoàn kết xã hội và những xáo trộn chính trị xảy ra.

Mặc dầu có rất nhiều nghiên cứu nhưng chúng ta còn chưa có một lý thuyết nào đáng tin cậy về sự sụp đổ của những nền văn minh. Điều chúng ta biết là những yếu tố nói trên đều có thể đóng góp vào. Sụp đổ là một hiện tượng bước ngoặt xảy ra khi các yếu tố áp lực vượt quá khả năng đối phó của xã hội. Thành ra sự sụp đổ của nền văn minh chúng ta đang sống không bắt buộc phải tất yếu. Lịch sử khuyến dụ rằng nó có triển vọng xảy ra, nhưng chúng ta có cái lợi thế là có thể học hỏi từ những tấm gương của quá khứ để tìm cách tránh.

Lê Mạnh Hùng

Related posts